Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/05/2022

Điểm báo Pháp - Ukraine trường kỳ kháng chiến chống xâm lược

RFI tiếng Việt

Quân dân Ukraine bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống xâm lược

Ukraine biết rằng thời gian đứng về phía mình, và chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Các nhà máy vũ khí bắt đầu được chuyển về phía tây để tránh bị Nga oanh tạc. Tinh thần và ý chí người dân Ukraine chưa bao giờ lên cao đến thế. Phóng viên báo Pháp đã rong ruổi suốt 1.100 cây số, những boong-ke chống bom, những lá cờ hai màu xanh vàng xuất hiện trên mọi ngõ ngách của mọi miền đất nước Ukraine.

ukraine1

Một quân nhân Ukraine cầm quốc kỳ trong lễ tang một đồng đội ở Odessa, ngày 12/04/2022.  AP - Max Pshybyshevsky

Hôm nay lễ Thăng Thiên, nhiều tờ báo nghỉ lễ. Chiến trường Ukraine, vụ xả súng tại một trường tiểu học ở Texas là những chủ đề chính trên các tờ báo vẫn ra mắt độc giả ở Paris. Le Figaronhận định "Tại Ukraine, quân đội và thường dân sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài". Ba tháng sau khi Vladimir Putin đưa quân sang, tình hình đang sa lầy tại Donbass.

Ukraine bước sang giai đoạn thứ ba của cuộc kháng chiến chống xâm lăng

Tờ báo chia cuộc kháng chiến của người Ukraine làm ba giai đoạn. Đầu tiên là kháng cự lực lượng đặc nhiệm Nga tại Kiev muốn lật đổ chính phủ, dân chúng chạy loạn (5 triệu người di tản ra nước ngoài và 7 triệu sơ tán về miền tây), nam giới trong lứa tuổi cầm súng ồ ạt đứng lên chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Giai đoạn hai là của những chiến dịch : Nga chiếm được Kherson (giúp bảo đảm được nguồn nước cho Crimea) và vùng duyên hải dọc theo biển Azov. Ukraine đẩy lùi được quân xâm lăng từ bắc Kiev sang Belarus, rồi từ phía đông Kharkov sang Nga.

Và giờ đây là giai đoạn thứ ba của cuộc chiến : đấu tranh giành đất. Quân Nga cố chiếm toàn bộ vùng Donetsk và Luhansk (mà Moskva đã công nhận "độc lập"), tiến với tốc độ rùa bò bằng cách nã pháo tiêu hủy tất cả những gì ở phía trước. Những trận chiến ác liệt diễn ra xung quanh thành phố kỹ nghệ Sieverodonetsk (110.000 dân trước chiến tranh) mà Nga tìm cách bao vây.

Trong tuần qua quân đội Ukraine đã bỏ rơi một số địa điểm để bảo toàn lực lượng. Họ mất từ 50 đến 100 chiến binh mỗi ngày tại miền đông, theo nguồn tin Ukraine, trong khi trận đánh Kiev chỉ mất hơn chục lính một ngày. Ukraine biết rằng thời gian đứng về phía mình, vì vũ khí tân tiến của NATO sẽ ồ ạt đến. Những khẩu đại bác Caesar 155 mm do Pháp viện trợ chẳng hạn có tầm bắn đến 50 km trong khi đại bác Nga chỉ 30 km. Nhưng Ukraine cũng hiểu rằng những vùng đất bị mất khó thể tái chiếm : muốn tấn công hiệu quả trên bộ phải 8 đấu 1.

Tổ quốc trên hết !

Phấn chấn trước chiến thắng ở Kiev và Kharkov, chính phủ Ukraine đã bác bỏ đề nghị của Ý là ngưng bắn lập tức ở các giới tuyến hiện tại. Kiev muốn quay lại với vị trí trước ngày 24/02, nhưng Moskva không sẵn sàng chấp nhận. Ukraine bèn chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Các nhà máy vũ khí bắt đầu được chuyển về phía tây để tránh không quân Nga.

Le Figaro đã đi cùng với tổng giám đốc văn phòng nghiên cứu quân sự Luch đến Ivano-Frankivsk. Tốt nghiệp Viện Hàng không Kiev, Oleg Korostelov là người vẽ kiểu hỏa tiễn Neptune, loại hỏa tiễn hôm 13/04 đã bay 130 km sát mặt nước với vận tốc Mach 0,95 và đánh chìm soái hạm Moskva. Trước đó, Korostelov đã cùng với dân biểu Serguei Taruta đến Warszawa, cả hai thường xuyên được an ninh Ba Lan bảo vệ.

Ông Taruta là chủ cũ của nhà máy thép khổng lồ Azovstal, cựu thống đốc Mariupol, có gia tài 2 tỉ đô la năm 2013. Từ khi Nga chiếm Crimea, ông quyết định đặt quyền lợi đất nước lên trên lợi ích của tập đoàn mình. Trước đây là đối thủ chính trị của Zelensky, do chiến tranh Taruta xích gần lại với tổng thống, tập trung mọi sức lực đi nhiều nước : Ba Lan, Đức, Pháp… để tìm kiếm vũ khí cho Ukraine. Bản tính lạc quan, ông tin rằng sắp đuổi được quân Nga ra khỏi Donbass và sau đó là Crimea. Thực tế hơn, tổng thống Zelensky tuyên bố đẩy lùi quân địch về giới tuyến ngày 23/02, rồi sẽ thu hồi những vùng đất bị chiếm bằng đường ngoại giao.

Tinh thần và ý chí người dân Ukraine chưa bao giờ lên cao đến thế. Phóng viên báo Pháp đã rong ruổi 1.100 km khắp đất nước này, không một ngôi làng nào mà không tự xây dựng boong-ke chống bom riêng. Trên bình nguyên mênh mông, bất kỳ ngã tư nho nhỏ cũng cắm đầy những lá cờ hai màu xanh vàng, tái hiện hoàn hảo những cánh đồng hoa cải vàng dưới bầu trời xanh. Xăng dầu thiếu thốn, người dân kiên nhẫn xếp hàng dài dằng dặc trước những trạm xăng hiếm hoi mở cửa, không một lời cãi vã, hết sức văn minh.

Làm thế nào giải tỏa Hắc Hải để xuất khẩu ngũ cốc ?

Tại biên giới, là những đoàn xe tải dài vô tận. Trong thời chiến, thu được thuế quan rất quan trọng cho Nhà nước. Đồng tiền Ukraine vẫn có giá với những hợp đồng mua lúa mì, lúa mạch, đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương trả trước. Lúc bình thường, nông nghiệp Ukraine có thể nuôi sống 400 triệu người, nhưng giờ đây không còn có thể vận chuyển bằng đường biển. Cảng sông lớn Mykolaiv trực tiếp dưới họng đại bác Nga, còn nếu đi từ cảng Odessa, cho dù có gỡ được mìn, tàu vẫn phải đi qua đảo Rắn và mũi phía tây Crimea, nơi Nga triển khai nhiều giàn hỏa tiễn.

Cho tàu NATO hộ tống ? Không thể đi vào Hắc Hải vì Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng eo biển với các chiến hạm. Các kho chứa đều đã đầy, không còn chỗ cho vụ thu hoạch tới. Còn có giải pháp dùng xe lửa, đi qua Belarus đến cảng Klaipéda của Litva, nhưng tổng thống Belarus là đồng minh của Putin. Chính quyền Ukraine cũng xem xét khả năng chuyển bằng xe tải sang cảng Constanta của Romania, đi dọc theo Transnistria rồi Moldova. Phía Nga thì làm "săng-ta", đòi dỡ bỏ cấm vận mới để yên cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.

Một câu hỏi khác nếu chiến tranh kéo dài là việc học hành của trẻ em : niên học tới khai giảng trên toàn lãnh thổ hay chỉ phía tây ? Các trường học đều đã đóng cửa từ hôm quân Nga tràn sang ngày 24/02 đến nay. Ukraine được sự giúp đỡ tài chánh của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, nhưng kinh tế có trụ được lâu bằng Nga ? Người Ukraine không nghi ngờ gì là một ngày nào đó Mỹ sẽ lơi lỏng bớt để tập trung vào việc đối địch với Trung Quốc.

Tội ác quân Nga, từ Bucha đến Tchernobyl…

Cũng về Ukraine, các báo tiếp tục những bài phóng sự trên thực địa. Le Monde mô tả hoạt động của nhóm chuyên gia của Hiến binh Pháp, đến giúp điều tra về tội phạm chiến tranh ở Bucha, mà con số hồ sơ đã lên đến 11.700. Họ làm việc mẫn cán với lương tâm nghề nghiệp, bất chấp những điều kiện hết sức khó khăn của một đất nước trong chiến tranh. Các nhà điều tra vừa kết thúc chuyến đi năm tuần, cuộc hành trình dài 2.700 km đi xuyên qua Đức và Ba Lan, với đoàn xe có phòng thí nghiệm di động để phân tích ADN, máy phát điện, xe lạnh có thể chứa được 11 xác để hoạt động một cách hoàn toàn độc lập.

Ngược lại, Libération vạch ra sự dối trá của một cựu chiến binh Pháp tên Adrien Bocquet. Anh ta liên tục xuất hiện trên truyền thông Pháp để kể lại những "tội ác" do các chiến binh Azov tiến hành, nói rằng mình đã "chứng kiến" trong thời gian làm công tác nhân đạo. Nhưng nhật báo thiên tả đã kiểm tra, nhận thấy những bất hợp lý trong câu chuyện kể và thời gian có mặt ở Ukraine, Bocquet cũng không hề đưa ra được bằng chứng nào. Thế nhưng những câu chuyện sáng tác của anh ta đã được truyền hình Nga chính thức sử dụng để tuyên truyền.

Le Monde cũng đề cập đến Nove Zalissia, ngôi làng được những người chạy trốn thảm họa Tchernobyl thành lập, nay lại bị gót giầy quân Nga dẫm nát trên đường tiến đến Kiev. Vassili Fedoretz, một cư dân từng là thợ điện của nhà máy Tchernobyl nói : "Tôi đã sống qua một thảm họa và hai cuộc chiến. Phóng xạ thì người ta không cảm thấy, còn những gì chúng tôi vừa trải qua – hỏa tiễn ập xuống đầu từng ngày, là tệ hại nhất thế giới". Lính Nga rút đi mang theo từ máy giặt đến muỗng nĩa, thậm chí cả một bộ sưu tập búp bê của chủ ngôi nhà đẹp nhất làng. Tuy nhiên người dân không phải chịu cảnh tra tấn, không bị sát hại như ở Bucha. Nữ thị trưởng đưa ra một giả thiết : bà tìm thấy những tấm bản đồ do quân Nga bỏ lại ở văn phòng, được in từ thời trước khi xảy ra thảm họa nguyên tử, "làng chúng tôi không hiện diện trên bản đồ này".

Châu Âu đã phóng đại sức mạnh của Nga

Trên lãnh vực ngoại giao, nói về thái độ đối với Moskva, nữ phó thủ tướng Ukraine, Olbga Stefanishyna trên Le Monde nhấn mạnh, "Châu Âu đã phóng đại sức mạnh của Nga".

Trả lời câu hỏi vì sao Ukraine coi trọng việc xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) đến thế, bà giải thích đó là một cam kết pháp lý quan trọng, sẽ củng cố cho tiến trình. Các nhà lãnh đạo Châu Âu được bầu lên tại những quốc gia dân chủ, không cầm quyền vĩnh viễn, ngược với Vladimir Putin đã ngự trị suốt 20 năm qua. Người Ukraine cần có được một bảo đảm, vì những hứa hẹn khác không được giữ lời. Bản ghi nhớ Budapest lẽ ra bảo đảm chủ quyền của Ukraine, đã không được Nga tôn trọng.

Theo phó thủ tướng Ukraine, cần bắt đầu từ bỏ cách nghĩ là không nên "khiêu khích" Nga. Giống như trường hợp bạo lực gia đình, nạn nhân thường nghĩ là không nên chọc giận kẻ hành hung. Các nhà lãnh đạo Châu Âu nên bắt đầu hành xử như cảnh sát, buộc kẻ tấn công phải trả giá. Trong cuộc chiến này, Châu Âu đánh giá quá cao sức mạnh của Nga và coi thường sức kháng cự của Ukraine. Không nên sợ gấu Nga ! Châu Âu cần phân biệt ai là hung thủ và ai là nạn nhân. 

Mỹ quay lại, nhưng vẫn có cơ hội cho một nền quốc phòng Châu Âu

Liên quan đến quốc phòng chung Châu Âu, Le Monde cho rằng khái niệm này không phải trong tình trạng "hôn mê" như một số người vẫn nghĩ. Từ khi xua quân xâm lăng Ukraine, Putin đã làm NATO thêm sức sống và đưa Hoa Kỳ trở lại Châu Âu. Những chiếc phi cơ vận tải C-130 của quân đội Mỹ từng lặng lẽ rời các căn cứ ở Châu Âu, lại đưa binh lính đến cựu lục địa với một mức độ chưa từng thấy kể từ 2005. Thụy Điển, Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập, biển Baltic mai đây sẽ trở thành "ao nhà" của NATO.

Liệu Châu Âu quốc phòng sẽ được đẩy nhanh như mong muốn của Pháp ? Theo tờ báo, điều này không đơn giản. Trước hết, những người ủng hộ vẫn khó thuyết phục được phe chống đối về sự hữu ích và tính bổ sung cho NATO. Đại đa số các nước Châu Âu trước mắt muốn trông cậy vào một công cụ vẫn hoạt động tốt thay vì tạo ra một công cụ mới.

Trong ngắn hạn, rõ ràng chỉ có Mỹ mới có thể bảo đảm một cầu không vận đưa vũ khí đến cho Ukraine đang quá cần, tuy không một người lính nào tham chiến. Kỹ nghệ quốc phòng Mỹ cũng tận dụng để củng cố vị trí vốn đã thống trị trong NATO. Tuy nhiên có hai yếu tố giúp duy trì tham vọng Châu Âu. Trước hết là lợi ích địa chính trị của Hoa Kỳ, mà cuộc xâm lăng Ukraine không thể thay đổi về bề sâu. Tiếp đến, chủ trương không can thiệp, "Nước Mỹ trước hết" vẫn còn đó. Như thượng nghị sĩ Missouri Josh Hawley đã tuyên bố : "Tôi sẽ mang tội nếu dành ưu tiên cho biên giới phía đông của Ukraine trong khi biên giới phía nam của chúng ta bị tràn ngập bởi làn sóng di dân bất hợp pháp". Không ai nghi ngờ rằng NATO đã hồi sinh, nhưng được bao lâu ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 367 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)