Ukraine liệu có thắng được Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc cam go ?
Tình hình chiến sự Ukraine, vấn đề an ninh lương thực là mối quan tâm chính của báo Pháp hôm nay. Le Figaro đặt câu hỏi : "Trước thế áp đảo của quân Nga, Ukraine liệu có thể chiến thắng ?".
Một người dân nhìn theo giàn phóng rốc-kết được Nga đưa vào Kramatorsk, vùng Donesk, Ukraine ngày 30/05/2022 Reuters – Carlos Barria
Donbass : Sieverodonesk có nguy cơ trở thành Mariupol thứ hai
Chiến đấu cho sự sống còn của đất nước mình, quân đội Ukraine đã gây ngạc nhiên khi đẩy lùi quân Nga tại Kiev và Kharkov, nhưng đang gặp khó khăn ở Donbass. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thận trọng nói "Chiến tranh vốn bất định, không ai có thể nói chắc chắn bao giờ sẽ chấm dứt và như thế nào". David đã chống chọi được với Goliah trong giai đoạn đầu, và nay Nga tập trung nỗ lực ở vùng Donbass xung quanh Sieverodonesk và Lyssychansk, hai thành phố có 200.000 dân trước chiến tranh, chỉ bằng một nửa so với Mariupol vốn đã kháng cự được suốt ba tháng.
Đặc phái viên Le Monde cho biết, hai thành phố trên là hai thành trì cuối cùng của lực lượng Ukraine tại Luhansk, đang bị siết chặt vòng vây. Những ngày gần đây, Luhansk chỉ còn liên lạc với thế giới bên ngoài bằng những con đường đồng mong manh. Phải đi vòng vèo một tiếng rưỡi đồng hồ qua những ngôi làng, những cánh đồng bỏ hoang, những đoạn đường nhựa đầy hố đạn... Đây là "con đường sống", để sơ tán người bị thương, đưa người di tản. Lyssychansk sau ba tháng bị oanh kích dữ dội nay không còn điện nước, không ai buôn bán. Sieverodonesk nằm ở bên kia sông còn bị dội pháo nặng nề hơn, có thể trở thành một Mariupol thứ hai. Những hào sâu đã được đào - một dạng hố chôn tập thể : khoảng 1.500 thường dân đã thiệt mạng tại Sieverodonesk, còn tại Lyssychansk là 250 người.
Oleksy Arestovych, cố vấn quân sự của tổng thống Ukraine khẳng định mục đích của quân Nga hiện nay là tạo ra một Mariupol mới. Đại tá Pháp về hưu Michel Goya nhận định nếu Nga thành công, 1/6 bộ binh Ukraine sẽ bị vây chặt.
Quân Nga đông gấp đôi, Ukraine sẽ phải rút khỏi Donbass ?
Đôi bên đều đã mỏi mệt, theo một ước tính phương Tây, mỗi bên đã thiệt mất 15.000 quân và số bị thương còn gấp mấy lần, các đơn vị cần được khẩn cấp bổ sung. Le Figaro cho biết, trong trận đánh quyết định ở Donbass, lực lượng Nga đông gấp đôi Ukraine. Nga có hai lực lượng liên quân, mỗi lực lượng gồm 20.000 đến 30.000 lính, đấu với 5 đến 7 lữ đoàn Ukraine gồm tổng cộng 25.000 chiến binh. Quân Nga tấn công theo hai hướng, được hỗ trợ hậu cần bằng mạng đường sắt. Ở phía bắc, Nga tập trung vào Lyman, nhưng gặp khó khăn khi vượt sông Donesk ; hướng nam là Popasna. Quân Ukraine ngoài các chiến hào còn xây dựng được những boong-ke bê-tông, một số có cửa chống sức ép.
Nga và Ukraine có cách sử dụng pháo binh khác nhau. Nga chủ yếu dùng BM-21 có tầm bắn khoảng 20 km nã vô tội vạ để làm bão hòa một khu vực. Phía Ukraine, việc bắn pháo thường đi kèm với drone để xác định mục tiêu, bắn xong khẩu pháo được di chuyển đi nơi khác để giấu. Sự kháng cự của Ukraine tùy thuộc vào khả năng phương Tây đưa vũ khí đến, những khẩu đại pháo M777 của Mỹ bắn xa 30 đến 40 km, Caesar của Pháp xa hơn được vài kilomet. Một người lính ở Lyssychansk chua chát nói với Le Monde : "Đối diện với xe tăng Nga, chúng tôi chỉ có những khẩu kalashnikov".
La Croixđặt vấn đề "Ukraine có phải rút lui ở Donbass ?". Ukraine có ba chọn lựa : phản công để phá vòng vây – sẽ thiệt hại nhiều, để yên cho lực lượng bị bao vây tự xoay sở - và có nguy cơ bị mất quân, hay tổ chức rút lui – thực tế nhất về quân sự, nhưng cũng có thể bị rối loạn vì pháo của Nga. Người phụ trách quân khu Luhansk không loại trừ khả năng này.
Moskva bám chặt những vùng đất chiếm được
Tạm lui quân, nhưng sau đó liệu Ukraine có tái chiếm được những lãnh thổ đã mất như Kherson, Mariupol, Donbass thậm chí Crimea hay không ? Theo một nguồn tin quân sự Pháp, giấc mơ này khó thành hiện thực. Ở Kherson, quân Nga tổ chức các tuyến phòng thủ để trụ lại lâu dài, còn Crimea, nơi có cảng Sevastopol, là lợi ích sống còn của Nga.
Nga có thể nhắm đến Odessa, và kinh tế Ukraine có thể yếu hẳn về lâu về dài khi không còn lối ra biển. Phía Ukraine có thể tiếp tục chiến lược quấy rối quân Nga. Không giành được chiến thắng tại chỗ, nhà độc tài Kremlin có thể lên gân theo cách mà Ukraine không thể đáp trả, như dùng đến hỏa tiễn siêu thanh Kinjal, đạn phốt-pho, các xe tăng loại mới BMPT Terminator, nhưng lại không đủ hỏa tiễn trang bị. Nga đành phải vận dụng cả những chiếc T-62 già nua đã 50 tuổi. Trước sự leo thang này, Kiev đòi hỏi những vũ khí mới như hỏa tiễn Himars tầm xa 300 km, hay giàn phóng rốc-kết M270 bắn xa 80 km. Một số thành viên NATO không muốn cung cấp để tránh các trận đánh lan sang đất Nga.
Nếu thấy nguy cơ bại trận, liệu Moskva có quyết định dùng đến vũ khí hóa học ? Quốc tế sẽ lên án và Nga bị trả đũa mạnh tay. Còn vũ khí nguyên tử ? Putin có thể tấn công "chiến thuật" vào một mục tiêu mang tính biểu tượng. Nhà phân tích Joseph Henrotin của DSI cho rằng dù có sức công phá mạnh mẽ, vẫn không thể hủy hoại được tiềm năng quân sự của Ukraine, chưa kể sự trả đũa của phương Tây. Với kịch bản này, tất cả cùng thất bại, kể cả Vladimir Putin, nên khó thể xảy ra.
Chiến tranh kéo dài và khủng hoảng lương thực
Về phía Liên Hiệp Châu Âu (EU), Le Figaro lo ngại về "sự đoàn kết trước thách thức một cuộc chiến tranh kéo dài" ở Ukraine. Việc cấm vận dầu lửa Nga đã trở thành chuyện dài, có nguy cơ gây nhiều tranh cãi trong hội nghị bắt đầu từ hôm nay ở Bruxelles. Bên cạnh đó còn là việc tái thiết Ukraine trong tương lai, vấn đề khủng hoảng lương thực thế giới - bấy nhiêu chủ đề gây chia rẽ.
Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã đề nghị Vladimir Putin ngưng phong tỏa cảng Odessa để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. La Croixtrong bài "Châu Âu muốn lập hành lang ngũ cốc" nhấn mạnh, đây có thể là một trong những lãng phí lớn nhất lịch sử nếu 25 triệu tấn lúa mì và bắp bị hư hỏng trong các kho ở Ukraine. Dù năng lực sản xuất đã giảm đi một nửa, năm nay Ukraine vẫn thu hoạch được 40 đến 50 triệu tấn ngũ cốc. Trước đây, 90% được xuất đi bằng đường biển, nay nếu thay bằng xe lửa, chỉ có thể chuyên chở được 15%, hơn nữa lại thiếu các toa tàu và đường ray có chiều rộng khác với Tây Âu.
Bruxelles bổ sung thêm hai giải pháp : đường bộ đi qua Ba Lan và đường sông thông qua Romania, nhưng vừa chậm chạp vừa tốn kém. Còn phương án của Luân Đôn, hộ tống tàu hàng đến eo biển Bosphore rồi Địa Trung Hải là hiệu quả nhất nhưng lại rủi ro nhất. Hắc Hải do tàu Nga trấn giữ đầy mìn, mất nhiều thời gian để gỡ, và phải có sự hợp tác của Moskva. Phương án cuối cùng do Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đề xuất, là dùng đường sắt đi qua Belarus cho đến các cảng Baltic, lần này thì cần sự phối hợp của Belarus - đồng minh Moskva. Les Echos nhận thấy điều mỉa mai là kẻ đi xâm lăng thủ lợi lớn với "vũ khí địa chính trị" lúa mì. Nga loại được đối thủ chính Ukraine trên thị trường quốc tế và túi thì lại rủng rỉnh tiền : lúa mì từ 280 euro/tấn đã vọt lên 400 euro/tấn.
Chiến trường Ukraine, lời cảnh báo hay cổ vũ Trung Quốc xâm lăng Đài Loan ?
Nhìn sang Châu Á, theoLes Echos, việc Nga xâm lăng Ukraine đã thay đổi các quy tắc ngoại giao thế giới, buộc nước Mỹ của ông Joe Biden phải chủ động được một nghệ thuật vô cùng tế nhị, đó là sự mập mờ chiến lược, cụ thể là chính sách về Đài Loan. Trên thực tế, không còn có thể đề cập đến vấn đề Đài Loan kiểu như cuộc xâm lăng Ukraine chưa hề xảy ra. Ban đầu là một làn gió lạc quan từ Đài Bắc đến Washington : những khó khăn quân sự của Nga là lời cảnh báo với Trung Quốc, giúp Đài Loan an toàn thêm vài năm nữa. Nhưng quân Nga dần tiến lên ở Donbass, dù khó nhọc, khiến phải đặt ra một câu hỏi khác : nếu ngược lại, Trung Quốc được khuyến khích ?
Một điều chắc chắn là sau tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công, các oanh tạc cơ chiến lược Trung Quốc và Nga đã bay qua biển Nhật Bản. Dù chỉ bay trên vùng biển quốc tế, nhưng thông điệp rõ ràng là không hòa hiếu, dường như để biểu dương tình hữu nghị "không giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moskva. Phải chăng Nga và Trung Quốc đã cổ vũ lẫn nhau trong xu hướng bành trướng ? Và nếu vậy, bây giờ là lúc Hoa Kỳ không còn phải mập mờ : nếu dùng vũ lực để chiếm Đài Loan sẽ phải đối mặt với Mỹ ? Do cộng đồng quốc tế không có phản ứng mạnh khi Putin chiếm Crimea nên giờ đây ông ta mới mạnh dạn tấn công Ukraine, thế nên cần khẩn cấp răn đe Trung Quốc ?
Từ Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương, Bắc Kinh luôn tỏ ra hung hăng, không cần che giấu tham vọng. Nhưng Đài Loan không phải là Ukraine và Trung Quốc không phải là Nga. Đài Loan là một đảo quốc, không có Ba Lan, các nước Baltic hay Romania bên cạnh, nên phải đưa thẳng vũ khí đến nơi. Và ngược với khẳng định của Bắc Kinh, Bộ Tứ không phải là một NATO Châu Á, Washington sẽ đơn độc và gần như trên tuyến đầu. Tác giả bài viết cho rằng việc nói thẳng chủ trương có thể tạo nguy cơ Nga và Trung Quốc càng thêm quyết tâm bành trướng.
Ấn Độ bị vạ lây vì mua vũ khí của Nga
Cũng liên quan đến Châu Á, Le Figaro nhận định quân đội Ấn Độ bị thiệt hại vì cuộc chiến tranh ở Ukraine : kỹ nghệ quốc phòng Nga phải lo thay thế số vũ khí bị tiêu hủy, không thể giao đạn dược, thiết bị mà New Delhi đã đặt hàng. Theo Stimson Center, 85% hệ thống vũ khí đang được Ấn Độ sử dụng là từ Nga. Trong chuyến thăm New Delhi hôm 06/12/2021, tổng thống Vladimir Putin và thủ tướng Narendra Modi đã ra tuyên bố chung cho biết hợp tác chiến lược của đôi bên hướng về việc cùng phát triển và sản xuất thiết bị quốc phòng. Nhưng sáu tháng sau, tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ, tướng Manoj Pande nhìn nhận Nga không còn là đối tác khả tín : kể từ khi xâm lăng Ukraine, việc phụ tùng thay thế và đạn dược bị ảnh hưởng.
Tình hình còn đáng ngại hơn khi từ hai năm qua, giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn căng thẳng nhất là ở Ladakh tại Himalaya. Một nhà ngoại giao nước ngoài giấu tên cho biết quân đội Ấn chỉ còn đạn và thiết bị đủ dùng cho 13 đến 14 ngày trong trường hợp chiến tranh, trong khi lâu nay vẫn chuẩn bị chiến đấu trên cả hai mặt trận Trung Quốc và Pakistan. Đây là cú sốc cho New Delhi, vẫn luôn trông cậy vào Moskva kể từ thập niên 60. Chế độ Putin đã đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, cho phép Ấn Độ lắp ráp các phi cơ tiêm kích Su-30, triển khai hỏa tiễn hành trình BrahMos, xây nhà máy chế tạo súng AK-203...
Ấn Độ đã đặt mua 25.000 hỏa tiễn cho những chiếc T-90 và T-72 từ năm 2013, nhưng chỉ mới 42% được giao, hợp đồng 17.500 hỏa tiễn chống tăng Concours cho bộ binh thì bị treo. Lục quân cũng thiếu T-90 và xe bọc thép chở quân BMP-2, nhất là loại rốc-kết Smerch được sử dụng ồ ạt vào đầu cuộc chiến Ukraine. Không quân cũng vậy, 30 đến 35% đội chiến đấu cơ Su-30 không thể cất cánh vì thiếu phụ tùng, và những hỏa tiễn tầm xa trang bị chỉ được giao 1/3. Trong số 5 hệ thống S-400 trị giá 5,5 tỉ đô la, chỉ mới nhận được một. Ấn Độ bắt đầu đa dạng hóa nhà cung cấp, quay sang Israel, Pháp, Mỹ - một cuộc cách mạng nho nhỏ đối với một quốc gia không liên kết.
Thụy My