Tổng thống Macron thăm lính Pháp được triển khai tại Romania
Anh Vũ, RFI, 15/06/2022
Hôm 14/06/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du hai nước Đông Âu Romania và Moldova, láng giềng của Ukraine. Trong ngày đầu tiên tại Romania, ông Emmanuel Macron đã tới thăm các quân nhân Pháp đóng tại căn cứ quân sự Constantza ở phía nam nước này, trong khuôn khổ một nhiệm vụ khẩn cấp của NATO ngay sau khi Nga phát động cuộc tấn công xâm lược Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại căn cứ không quân NATO Mihail Kogalniceanu ở Constantza (Romania), ngày 15/06/2022. Reuters - Pool
Đặc phái viên RFI tại Constantza, Anastasia Becchio, tường trình :
Trong khu nhà kho của căn cứ quân sự Mihail-Kogalnceanu, ông Emmanuel Macron bắt tay và trao đổi một lúc với các quân nhân tham gia sứ mệnh mang tên Đại Bàng (Aigle). Tiểu đoàn gồm 800 quân, trong đó có 500 lính Pháp và 300 lính Bỉ, đã được triển khai khẩn cấp chỉ trong vòng vài ngày sau khi Nga mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine hôm 24/02.
Ông Macron nói : "Những gì mà nước Pháp xây đắp bằng sự đóng góp của các vị, đó chính là một sự cam kết duy nhất, mang tính xây dựng cho lòng tin và cho sự bảo vệ của chúng ta. Với việc triển khai nhanh chóng, rõ ràng, mạnh mẽ như thế, các vị đã góp phần củng cố các quan hệ đối tác và xây đắp được điều quý giá nhất trong mối quan hệ giữa các quân đội là lòng tin cậy".
Tin cậy, gắn kết, đó là những việc phải làm đối với tất cả các đơn vị tuy toàn bộ là thuộc khối NATO, nhưng cũng có những cảm nhận khác nhau, như phát biểu của đại tá Vincent Minguet, chỉ huy tiểu đoàn.
Ông nói : "Chúng tôi có các quy trình ít nhiều cũng giống nhau giữa các quân đội của phương Tây, nhưng chúng tôi cần phải được huấn luyện. Quân Nga bị cầm chân bởi vì dây chuyền chỉ huy của họ bị suy yếu. Vì thế chúng tôi đã tập luyện thực sự về mặt này. Chúng tôi đã đặt lại vấn đề và đã cố gắng cải thiện trong lĩnh vực này".
Tại căn cứ ở Romania, các công việc đào đất làm mặt bằng đang được tiến hành. Sắp tới tiểu đoàn sẽ có 1.000 quân và sẽ được trang bị các vũ khí hạng nặng. Tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo : "Về lâu dài, chúng ta cần các vũ khí đó để bảo vệ mình, để răn đe và luôn sẵn sàng".
Anh Vũ
************************
Châu Âu trước bài toán nan giải kết nạp Ukraine
Anh Vũ, RFI, 15/06/2022
Trong chuyến thăm Kiev lần thứ 2 hôm 11/06/2022, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã hứa trả lời sớm về nguyện vọng của Ukraine mong muốn nhanh chóng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Thứ Sáu tới (17/06), Ủy Ban Châu Âu sẽ phải đưa ra những điều kiện cụ thể về quy chế ứng viên cho Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề dường như không dễ dàng kết luận chút nào, do bối cảnh cũng như quy trình thủ tục của Liên Âu
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen tại Kiev, Ukraine, ngày 11/06/2022. AFP – Sergei Supinsky
Đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraine ngay từ đầu đã gặp phải nhiều thái độ dè dặt trong các nước thành viên. Bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu biết rõ điều đó, và đang phải đối mặt với sự lựa chọn nan giải : Làm sao tránh gây chia rẽ 27 nước thành viên về một chủ đề gai góc liên quan đến quy chế ứng viên gia nhập Liên Âu của Ukraine, đồng thời không gây cảm giác là Bruxelles thiếu nhiệt tình giúp đỡ một đất nước đang là nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược.
Trong phiên họp ngày 17/06 tới, cơ quan hành pháp của Liên Âu sẽ phải cho ý kiến rõ ràng về quy chế ứng viên cho Ukraine cũng như cho Moldova và Gruzia. Tiếp sau đó, lãnh đạo các nước thành viên dự kiến họp thượng đỉnh vào ngày 23 và 24/06 tại Bruxelles để quyết định tương lai của ba nước trên sẽ gắn liền với Liên Hiệp Châu Âu ra sao.
Trong hoàn cảnh như vậy, Ủy Ban Châu Âu đang cố gắng thuyết phục một số nước thành viên vẫn còn e ngại với viễn cảnh mở rộng thêm Liên Âu vào thời điểm này, trong đó đặc biệt có Hà Lan, Pháp và Đức. Bên cạnh đó Ủy ban cũng phải tránh gây bất bình cho những nước đang tích cực ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU.
Nhiều nước thành viên, chủ yếu thuộc phần Đông Âu, ngay từ đầu đã tỏ sự ủng hộ dứt khoát việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Bốn ngày sau khi Nga mở cuộc tấn công Ukraine, khi mà Kiev chưa chính thức nộp đơn, 8 nước trong khối Xô Viết cũ gồm Cộng hòa Czech, Litva, Latvia, Bulgaria, Estonia, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã có thư ngỏ kêu gọi Bruxelles mở các cuộc thảo luận về việc kết nạp Ukraine vào Liên Hiệp. Ý và Hy Lạp cũng thuộc nhóm ủng hộ này.
Đầu tuần này, các thành viên Ủy Ban Châu Âu đã nhóm họp thảo luận không chính thức về chủ đề này. Phiên thảo luận mới mang tính chất định hướng kéo dài 3 giờ này đã lộ rõ những khác biệt giữa các nước. Bên có thái độ dè dặt thì lập luận rằng Ukraine cũng như Moldova hay Gruzia vẫn còn chưa đáp ứng được các chuẩn mực Châu Âu về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và ít nhiều cả về vấn đề Nhà nước pháp quyền. Trong chuyến thăm Kiev hôm 11/06, bà Ursula von der Leyen, sau khi khẳng định : "Chúng tôi muốn ủng hộ Ukraine trong hành trình Châu Âu", đã nói thẳng với tổng thống Zelensky rằng : "Các bạn đã làm được nhiều việc, nhưng còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn như chống tham nhũng". Phe ủng hộ thì nhấn mạnh "Ukraine là nước duy nhất mà người dân đang phải chết khi phất lá cờ Châu Âu". Trước đó, hôm 10/03, tổng thống Pháp, với tư cách chủ tịch luân phiên EU, đã tuyên bố trong cuộc họp thượng đỉnh EU tại Versailles, Pháp : "Liệu chúng ta có thể khởi động thủ tục gia nhập với một đất nước đang trong chiến tranh ? Tôi nghĩ là không".
Theo giới quan sát, thứ Sáu tới, không có gì bảo đảm là Ủy Ban Châu Âu xác định được quy chế ứng viên cho Kiev. Bởi vì để có được quy chế ứng viên, chính phủ Ukraine phải đưa ra bảo đảm quyết tâm thay đổi, cải cách, để đáp ứng các chuẩn mực chung của EU. Liên Âu sẽ đặt điều kiện nào cho một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, mà ưu tiên duy nhất là chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ?
Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn với Châu Âu khi Ukraine không phải nước duy nhất gõ cửa xin vào Liên Hiệp Châu Âu, danh sách các ứng viên đang kiên nhẫn chờ đợi không phải là ít (Albania, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia hay Thổ Nhĩ Kỳ). Ngay cả nếu Ukraine có được "quy chế ứng viên" thì việc này mới chỉ cho phép bắt đầu một tiến trình thương lượng về các cải cách cần thiết. Quy trình này phải kéo dài nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ trước khi quốc gia ứng viên bước vào Liên Hiệp Châu Âu.
Chặng đường còn còn rất dài, không chỉ với Ukraine mà cả với Liên Hiệp Châu Âu. Việc kết nạp một thành viên mới vào Liên Hiệp cần phải có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên. Đến lúc này 27 nước đang chia rẽ rõ nét trên vấn đề kết nạp Ukraine.