Đồng minh của Ukraine chia rẽ về hồi kết cuộc chiến
VOA, 14/06/2022
Tốt hơn là nên giao tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xâm lược Ukraine hay cô lập ông ta ? Liệu Kyiv có nên nhượng bộ để kết thúc chiến tranh, hay điều đó sẽ khiến Điện Kremlin thêm bạo dạn hơn ? Các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Nga có đáng để bị thiệt hại hay không ?
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.
Đó là một số câu hỏi thách thức liên minh quốc tế vốn đã nhanh chóng tập hợp xung quanh Ukraine trong những ngày sau cuộc xâm lược của Nga, nhưng ba tháng sau cuộc chiến, các câu hỏi này đang trở nên căng thẳng, theo các quan chức và các nhà ngoại giao.
Khi các chính phủ phương Tây đối mặt với lạm phát và chi phí năng lượng ngày càng gia tăng, các quốc gia bao gồm Ý và Hungary đã kêu gọi ngừng bắn nhanh chóng. Điều đó có thể mở đường cho việc giảm bớt các chế tài và chấm dứt việc phong tỏa các cảng của Ukraine vốn đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đối với những nước nghèo nhất thế giới.
Tuy nhiên, Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic cảnh báo rằng Nga không đáng tin cậy và nói rằng một lệnh ngừng bắn sẽ cho phép nước này củng cố các chiến thắng trên lãnh thổ, tập hợp lại và mở thêm nhiều cuộc tấn công hơn nữa.
Một quan chức cấp cao của Ukraine nói với Reuters rằng người Nga đã "truyền miệng rằng đây sẽ là một cuộc chiến mệt mỏi, chúng ta nên ngồi xuống và tìm kiếm sự đồng thuận".
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói ông muốn Nga "suy yếu" và Tổng thống Joe Biden kêu gọi truy tố ông Putin vì tội ác chiến tranh. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói Kyiv chớ nên chấp nhận một thỏa thuận hòa bình tồi tệ và Ukraine "phải giành chiến thắng".
Đức và Pháp vẫn còn mơ hồ, thề sẽ ngăn cản ông Putin chiến thắng hơn là đánh bại ông, đồng thời ủng hộ các chế tài mới mạnh mẽ.
"Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có quay trở lại Chiến tranh Lạnh hay không. Đó là sự khác biệt giữa ông Biden, ông Johnson và chúng ta", một đồng minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Reuters.
Nga đã phát động cái họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng Hai, nói rằng họ cần phải loại bỏ những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm và làm suy giảm khả năng quân sự của Ukraine - mục đích mà phương Tây cáo buộc là một cái cớ vô căn cứ.
Moscow từ đó lập luận rằng sự hỗ trợ quân sự từ Washington và các đồng minh đang kéo dài chiến tranh và ngăn cản Ukraine tiến hành các cuộc hòa đàm. Vào tháng 3, Điện Kremlin yêu cầu Ukraine ngừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để tôn trọng trung lập, công nhận Crimea là của Nga và công nhận các khu vực do phe ly khai ở miền đông là các quốc gia độc lập như một điều kiện cho hòa bình.
Các nguồn tin Ukraine và Pháp, cùng các quan chức ở các quốc gia khác được Reuters tham khảo ý kiến về câu chuyện này, đã yêu cầu giấu tên để tự do nói về các chính sách ngoại giao và an ninh nhạy cảm.
Sự chia rẽ có thể trở nên rõ rệt hơn khi các chế tài và chiến tranh đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, gây nguy cơ phản ứng nội địa và có lợi cho ông Putin.
"Rõ ràng ngay từ đầu là mọi chuyện sẽ ngày càng khó khăn hơn theo thời gian - sự mệt mỏi vì chiến tranh đang đến", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Đối phó với ông Putin
Ông Macron đã cảnh báo để đạt hòa bình chớ nên làm bẽ mặt Nga như đã làm với Đức vào năm 1918.
Ông, giống như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã giữ cho các kênh liên lạc với Điện Kremlin luôn mở, gây ra sự phản đối ở các quốc gia diều hâu hơn. Tổng thống Ba Lan đã so sánh các cuộc điện đàm đó với việc nói chuyện với Adolf Hitler trong Thế chiến Thứ hai.
"Chúng tôi sẽ phải thỏa thuận với ông Putin vào một thời điểm nào đó, trừ khi có một cuộc đảo chính trong cung điện. Và hơn thế nữa vì cuộc chiến này cần càng ngắn càng tốt", đồng minh của ông Macron nói.
Ông Scholz nói các cuộc gọi của ông và ông Macron với ông Putin được sử dụng để truyền tải thông điệp chắc chắn và rõ ràng, và nhấn mạnh các chế tài đối với Nga sẽ không chấm dứt trừ khi ông Putin rút quân và đồng ý với một thỏa thuận hòa bình mà Kyiv có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, một trong những người trong nhóm của ông Scholz cho Reuters biết cách diễn đạt của ông Macron là "đáng tiếc". Một số nhà ngoại giao Pháp cũng bày tỏ sự dè dặt về lập trường của ông Macron, cho rằng lập trường này có nguy cơ khiến Ukraine và các đồng minh Đông Âu xa cách.
Trong khi biết ơn sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine đã giận giữ đối với những đề nghị rằng họ nên nhượng bộ lãnh thổ như một phần của thỏa thuận ngừng bắn và đôi khi đặt câu hỏi liệu các đồng minh của họ có đoàn kết đúng mức để chống lại Nga hay không.
Lời cảnh báo của ông Macron về việc không làm bẽ mặt Nga đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo rằng Pháp chỉ đang tự làm nhục mình, và mối quan hệ của Kyiv với ông Scholz đã trở nên băng giá.
"Chúng tôi không có một Churchill trên khắp Liên hiệp Châu Âu. Chúng tôi không có bất kỳ ảo tưởng nào về điều đó", quan chức cấp cao của Ukraine nói, đề cập đến Thủ tướng Anh thời chiến Winston Churchill.
Một quan chức văn phòng Tổng thống Pháp nói "không có tinh thần nhượng bộ đối với ông Putin hoặc Nga trong những gì Tổng thống nói". Quan chức này cho biết, Pháp muốn Ukraine chiến thắng và các lãnh thổ Ukraine được khôi phục và cuộc đối thoại với ông Putin là "không phải để thỏa hiệp mà là để nói những điều như chúng ta thấy".
Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết Washington tỏ ra nghi ngờ hơn về việc Nga hành động thiện chí, nhưng phủ nhận có "sự khác biệt chiến lược" giữa các đồng minh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói với Reuters rằng Hoa Kỳ làm việc cùng với các đồng minh đã "giúp" Ukraine - với các chế tài, chuyển giao vũ khí và các biện pháp khác - bất chấp những người phản đối kể từ trước cuộc xâm lược tạo hoài nghi về sự thống nhất của liên minh. Phát ngôn viên cho biết, mục tiêu là đưa Ukraine vào một vị trí vững chắc để đàm phán.
Làm Nga suy yếu ?
Đề cập đến bình luận của ông Austin, quan chức đầu tiên nói Washington không có ý định thay đổi lãnh đạo của Nga mà muốn thấy nước này suy yếu đến mức không thể thực hiện một cuộc tấn công như vậy vào Ukraine một lần nữa.
"Mọi người tập trung vào phần đầu tiên những gì ông Austin nói chứ không phải ở phần thứ hai. Chúng tôi muốn thấy nước Nga suy yếu đến mức không thể làm chuyện như thế này một lần nữa", quan chức này nói.
Một nguồn tin chính phủ Đức nói mục đích của ông Austin nhằm làm suy yếu nước Nga là có vấn đề. Nguồn tin cho biết, thật không may là Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, từ đối tác liên minh của ông Scholz, đảng Greens, đã tán thành mục tiêu đó, vì nó làm phức tạp câu hỏi bao giờ các chế tài có thể được dỡ bỏ, bất kể Ukraine có đồng ý với một thỏa thuận hòa bình hay không.
Các nguồn tin chính phủ Đức cũng cho biết họ lo ngại rằng một số nước phương Tây có thể thúc đẩy Ukraine để thực hiện các mục tiêu quân sự phi thực tế, bao gồm cả việc tái chiếm bán đảo Crimea do Nga sáp nhập vào năm 2014, có thể kéo dài xung đột.
Bà Baerbock đã công khai nói các chế tài sẽ phải được duy trì cho đến khi quân đội Nga rút khỏi Crimea.
Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Đức đã nhiều lần chỉ trích Đức vì trì hoãn trong việc gởi vũ khí hạng nặng tới Ukraine, mặc dù Berlin đã kiên quyết bảo vệ thành tích ủng hộ của mình.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy Mykhailo Podolyak đã báo hiệu sự thất vọng của Ukraine :
"Không thể để Nga thắng, nhưng chúng tôi sẽ không cung cấp vũ khí hạng nặng vì có thể xúc phạm Nga. Ông Putin phải thua nhưng chúng ta đừng áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Hàng triệu người sẽ chết đói, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng với các đoàn xe quân sự chở ngũ cốc", ông viết trên Twitter ngày 31/5.
Ông nói : "Giá cả tăng chưa phải là điều tồi tệ nhất đang chờ đợi một thế giới dân chủ với một chính sách như vậy".
Theo Reuters
**********************
Donbass : Áp lực của Nga đẩy Ukraine vào thế hạ phong : Tử vong cao, đạn dược thiếu
Trọng Nghĩa, RFI, 14/06/2022
Liên tiếp trong những ngày qua, chính quyền Ukraine báo động về tình trạng tử vong cao và lực lượng thiếu thốn đạn dược, vũ khí nghiêm trọng trước các đợt tấn công dữ dội của Nga tại vùng Donbass.
Binh sĩ Ukraine đang chuẩn bị đạn pháo Howitzer M777 gần chiến tuyến, vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 06/06/2022. Reuters – Stringer
Vào hôm nay, 14/06/2022, thành phố trọng yếu Severodonetsk kể như đã lọt vào tay Nga, cho dù Kiev vẫn tuyên bố còn bám trụ được ở một số nơi. Đối với giới quan sát, có nhiều dấu hiệu cho thấy là cuộc chiến Ukraine đang chuyển biến bất lợi cho Kiev hơn 100 ngày sau khi Moskva khởi động chiến tranh.
Dấu hiệu đầu tiên về tính chất nguy cấp của tình hình là các con số về tổn thất nhân mạng rất cao về phía Ukraine liên tiếp được chính quyền Kiev đưa ra, cho dù trước đó, các dữ liệu này luôn luôn được giữ bí mật để không làm mất tinh thần chiến đấu của người dân.
Hôm 01/06/2022, chính tổng thống Ukraine đã nói đến con số 10.000 lính Ukraine tử trận từ ngày Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược hôm 24/02. Thậm chí ông Zelensky còn thừa nhận một nhịp độ tử vong dồn dập : Mỗi ngày có từ 60 đến 100 binh sĩ Ukraine tử trận, và khoảng 500 người khác bị thương.
Các con số kể trên phải nói là cao, nhưng vẫn không bằng số liệu do một cố vấn cao cấp của ông Zelensky đưa ra gần 10 ngày sau, vào hôm 09/06. Trả lời truyền thông phương Tây, cố vấn của chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraine Mykhaïlo Podoliak đã nêu mức tổn thất cao gấp đôi : khoảng từ 100 đến 200 binh sĩ tử trận mỗi ngày. Đối với ông Podoliak, tổn thất nhân mạng phía Ukraine cao như vậy là do tình trạng "bất đối xứng giữa năng lực quân sự của Ukraine và Nga". Nói cách khác, phương tiện vũ khí mà Kiev hiện có ít hơn Nga rất nhiều.
Dấu hiệu thứ hai cho thấy là Ukraine đang lâm vào thế hạ phong là tình hình thiếu hụt nghiêm trọng về đạn dược và súng ống, trong khi phía Nga tăng mạnh sức ép, tập trung hỏa lực hùng hậu để thâu tóm vùng Donbass. Theo tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny, Nga đã đặt ưu tiên cho việc dùng pháo binh trên quy mô rộng, và lợi thế hiện nay là 10 chọi 1 nghiêng về phía Nga.
Theo nhật báo Pháp Le Monde, trả lời kênh truyền hình tiếng Nga Currenttime.tv hôm 10/06, phó giám đốc tình báo Ukraine, Vadim Skibitsky, cho biết Nga hiện triển khai trên lãnh thổ Ukraine khoảng 1.110 chiến xa, 2.800 xe bọc thép chở quân và chiến đấu trên bộ, 1.130 hệ thống pháo trên 100 mm và 78 hệ thống phóng tên lửa đạn đạo. Trên không, Nga huy động đến 400 máy bay và 360 trực thăng chiến đấu.
Đối mặt với một lực lượng hùng hậu như trên, kho vũ khí mà Ukraine nắm trong tay vốn đã không bằng đối thủ, nay lại bị tiêu hao đáng kể trong những chiến dịch đối phó với những cuộc tấn công của đối phương. Hôm 10/06, ông Skibitsky đã giải thích với nhật báo Anh The Guardian rằng lực lượng Ukraine đã phải bắn từ 5.000 đến 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Theo Pierre Grasser, chuyên gia về quốc phòng Nga, thuộc viện nghiên cứu Sirice, tình hình đó khiến các kho đạn của Ukraine bị cạn kiệt.
Kiev có thể dựa vào nguồn chi viện đến từ nhiều nước Đông Âu, vốn cũng dùng vũ khí kế thừa từ Liên Xô. Thế nhưng, nguồn cung này cũng có hạn. Theo ước tính của chuyên gia Grasser, với tốc độ dùng pháo hiện tại của Ukraine, dự trữ đạn dược thời Liên Xô cũ ở Liên Âu chỉ cho phép Ukraine chịu đựng thêm 3 tháng nữa, và với điều kiện là các nước Châu Âu đồng ý cung cấp, điều không hề chắc chắn.
Theo giới quan sát, những lời công nhận chính thức của Ukraine về tính chất nguy cấp của tình hình có một mục tiêu rõ rệt là nhằm thúc đẩy phương Tây tăng tốc viện trợ quân sự cho Kiev, một điều cho đến nay vẫn còn được tiến hành một cách dè dặt.
Trọng Nghĩa
*********************
Chiến tranh Ukraine : Severodonetsk bị cô lập hoàn toàn
Trọng Nghĩa, RFI, 14/06/2022
Cuộc chiến Ukraine hôm 14/06/2022 bước sang ngày thứ 111 với sự kiện nổi bật là thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine, đã hoàn toàn bị cô lập sau khi cây cầu cuối cùng nối liền thành phố với phần còn lại của đất nước đã bị phá hủy vào hôm 13/06. Trước tình hình đó, tổng thống Ukraine một lần nữa kêu gọi phương Tây cấp tốc chi viện vũ khí "hiện đại" để giúp Kiev tránh được thiệt hại "khủng khiếp" về nhân mạng do quân đội Nga gây ra.
Một góc thành phố Severodonetsk của Ukraine hoang tàn đổ nát dưới bom đạn quân Nga, ngày 07/06/2022. AFP – Aris Messins
Theo ông Serguiï Gaïdaï, thống đốc vùng Lugansk, lực lượng Nga đã phá hủy cây cầu cuối cùng ở Severodonestsk bắc qua sông Donets và nối với thành phố Lysychansk lân cận. Việc cây cầu bị đánh sập sẽ cản trở việc sơ tán những thường dân vẫn còn bị kẹt lại trong thành phố, và khiến cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo không thể thực hiện được.
Trong bài phát biểu hàng ngày, hôm qua tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về "cái giá nhân mạng" của trận đánh Severodonetsk được ông cho là "khủng khiếp". Đối với ông Zelensky, "trận đánh Donbass chắc chắn sẽ đi vào lịch sử quân sự như là một trong những trận đánh ác liệt nhất ở Châu Âu", và tổn thất nhân mạng mà quân đội Ukraine phải gánh chịu "thật khủng khiếp". Theo các số liệu của chính quyền Kiev, mỗi ngày, có từ 100 đến 300 binh sĩ Ukraine tử trận.
Zelensky : Ukraine rất cần vũ khí "hiện đại"
Trước tình hình đó, theo ông Zelensky, Ukraine đang rất cần vũ khí "hiện đại" từ phương Tây. Ông xác định : "Chỉ có pháo binh hiện đại mới có thể giúp Ukraine giành ưu thế", và quân đội nước ông "chỉ cần có đủ vũ khí" là có thể "giải phóng lãnh thổ… kể cả Mariupol và Crimea".
Lời kêu gọi mới của tổng thống Ukraine được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh đã cung cấp cho Kiev đạn dược, phụ tùng thay thế, vũ khí hạng nhẹ, cùng một số ít vũ khí hạng nặng, và Nhóm Liên Lạc về Ukraine, do bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thành lập, sẽ họp vào ngày mai, 14/06, tại Bruxelles, Bỉ.
Trọng Nghĩa
*********************
Ukraine thừa nhận phải rút quân khỏi trung tâm thành phố Severodonetsk
Trọng Thành, RFI, 13/06/2022
Chiến sự tiếp diễn dữ dội tại Severodonetsk, thành phố chiến lược vùng Donbass, miền đông Ukraine. Sáng 13/06/2022, Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraine thừa nhận các đơn vị của họ đã phải rút khỏi khu vực trung tâm thành phố, nhưng đồng thời khẳng định tiếp tục kháng cự bảo vệ Severodonetsk.
Lính Ukraine theo dõi trên màn hình vị trí drone của Nga tại địa điểm có giao tranh ở Severodonetsk, Ukraine. Ảnh chụp ngày 08/06/2022. AP - Oleksandr Ratushniak
Trên mạng Facebook, Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraine nhận định : "Với sự hỗ trợ của pháo binh, quân địch đã tổ chức một đợt tấn công nhắm vào Severodonetsk, thu được kết quả nhất định, đánh bật quân ta ra khỏi trung tâm thành phố. Giao tranh vẫn tiếp diễn". Thống đốc tỉnh Luhansk, Serguiï Gaïdaï, cũng xác nhận các đơn vị Ukraine đã phải rút khỏi trung tâm Severodonetsk.
Như vậy, sau hơn một tuần lễ chống trả quân Nga, phía Ukraine phải thừa nhận khó lòng bám trụ tại trung tâm Severodonetsk. Hôm 12/06, thống đốc tỉnh Luhansk cho biết tình hình "hết sức khó khăn" đối với lực lượng bảo vệ thành phố, "kẻ thù đang muốn cô lập hoàn toàn Severodonetsk, ngăn chặn toàn bộ người qua lại, cũng như đạn dược". Theo ông, quân Nga có thể sẽ "huy động toàn lực để chiếm thành phố" trong vòng 48 giờ.
Hiện tại, các lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát khu công nghiệp và nhà máy hóa chất Azot của Severodonetsk. Theo thống đốc Gaida, "còn khoảng 500 dân thường đang trú ẩn trong nhà máy hóa chất, trong đó có 40 trẻ em". Quân đội Ukraine không dễ dàng bỏ lại thành phố cho quân Nga. Theo tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valeri Zaloujny, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ bảo vệ đến cùng những vị trí ở phía bắc tỉnh Luhansk, "mỗi thước đất sẽ thấm máu quân thù".
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời nhiều giới chức địa phương cho biết quân Nga đã phá hủy thêm một cây cầu nối Severodonetsk với vùng hậu phương của Ukraine. Theo thống đốc tỉnh Luhansk, hiện Severodonetsk chỉ còn nối với bên ngoài qua một cây cầu duy nhất, nếu cầu này bị phá hủy, thành phố sẽ hoàn toàn bị cô lập "bằng đường bộ", với bên ngoài.
Chính quyền Ukraine nhấn mạnh là quân Nga chiếm ưu thế nhờ hỏa lực pháo binh vượt trội. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine cho biết hỏa lực của quân Nga hiện mạnh gấp 10 lần so với Ukraine. Trên Twitter hôm nay, ông Mikhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraine, thông báo nhu cầu vũ khí của quân đội Ukraine : "1.000 pháo 155 ly, 300 hệ thống pháo phản lực đa nòng, 500 xe tăng, 2.000 xe thiết giáp và 1.000 drone". Cố vấn của tổng thống Ukraine hy vọng hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước hỗ trợ Ukraine, họp ngày 15/06 tới tại Bruxelles, với sự chủ trì của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, sẽ đưa ra "một quyết định".
Trọng Thành