Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/06/2022

Điểm báo Pháp - "Đánh thức" cử tri vắng mặt vòng 1

RFI tiếng Việt

Bầu Quốc hội Pháp : Tổng thống Macron muốn "đánh thức" những cử tri vắng mặt ở vòng 1

Còn 4 ngày nữa sẽ diễn ra vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp, nhật báo Les Echos có bài viết  về việc tổng thống Macron đang làm mọi cách để "đánh thức cử tri của mình".

danhthuc1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại sân bay Orly, Pháp, ngày 14/06/2022, kêu gọi cử tri Pháp cho ông một đa số tuyệt đối ở Quốc hội mới. © Gonzalo Fuentes / AP

Trước khi lên đường công du Romania và Moldova vào hôm qua 14/06/2022, tổng thống Emmanuel Macron từ sân bay Orly đã kêu gọi cử tri cho ông nắm đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử vòng hai vào Chủ nhật tới. Ông cần "một đa số tuyệt đối" và đây là "sự lựa chọn tối quan trọng" vì "lợi ích cao nhất của quốc gia" và kêu gọi "ý thức chung".

Tổng thống Macron buộc phải vận động những người không đi bỏ phiếu sau khi tỷ lệ người vắng mặt đạt mức kỷ lục ở vòng đầu Chủ nhật vừa rồi.

Tuyên bố này của tổng thống đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp nội các vào hôm qua cùng với thủ tướng Elisabeth Borne.

Trả lời đài France Inter, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu, Clément Beaune, đã thừa nhận rằng cần phải vận động cử tri một cách nhiệt tình hơn, mạnh mẽ hơn. Thủ tướng Borne thì có vẻ lạc quan và nói rằng thành công của phe tổng thống sẽ phụ thuộc vào khả năng đánh thức cử tri của họ. Nghị sĩ thuộc đảng cánh trung Modem Jean-Noël Barrot thì nói : "Việc chỉ giành được đa số tương đối sẽ gây ra sự hỗn loạn và tổng thống sẽ không thể thực hiện được các cải cách lớn".

Về phần mình, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon tỏ ra xông xáo hơn bao giờ hết, cố gắng vận động những người bỏ phiếu trắng và không đi bầu vì ông có rất ít nguồn phiếu dự trữ. Liên minh cánh tả NUPES (Liên minh minh nhân dân, sinh thái và xã hội mới) cũng hy vọng sẽ thu hút cử tri của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN). Phản ứng trước tuyên bố của tổng thống từ Orly, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đã tố cáo một "kịch bản được dàn dựng kiểu Trump". Các quan chức của NUPES cũng nhận định rằng tổng thống đang bị "hoảng loạn".

Trả lời phỏng vấn với tờ "Le Parisien", Jean-Luc Mélenchon cáo buộc ông Macron phớt lờ cuộc bầu cử khi lại quan tâm đến các vấn đề quốc tế trong tuần này. Ông Mélenchon nhận định rằng tổng thống Macron coi vòng Hai như một thủ tục hành chính : "Đó là một sự khinh miệt".

Ukraine muốn xóa bỏ ảnh hưởng Nga

Về tình hình tại Ukraine, nhật báo thiên tả Libération có bài viết về người dân nước này đang tìm mọi cách để thoát khỏi ảnh hưởng Nga.

Ở đây, kẻ thù mang tên Alexander Pushkin, Leo Tolstoy hay Ekaterina Đệ Nhị. Khi giao tranh tiếp tục diễn ra dữ dội ở Donbass, người dân Ukraine cũng đang tiến hành một cuộc chiến về mặt văn hóa và tư tưởng. Kể từ cú sốc gây ra bởi cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/02, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo chính trị khởi động các dự án đô thị nhằm mục đích "xóa bỏ ảnh hưởng Nga". Đây là một cách đánh dấu sự kết thúc huyền thoại về "dân tộc anh em" và tiếp tục giải phóng bản thân khỏi những kẻ chiếm đóng.

Tại Kharkiv, nơi diễn ra cuộc phản công của Ukraine đã giúp đẩy lùi mối đe dọa từ pháo binh Nga, đại lộ Moskva đã được đổi tên để vinh danh những "anh hùng" của thành phố. Bây giờ đại lộ này có tên là đại lộ Anh hùng. Khoảng 200 con phố khác cũng đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền địa phương. Xa hơn về phía tây, ở Vinnytsia, người dân đã bỏ phiếu để dỡ bỏ bức tượng Maxim Gorky, một nhà văn Nga nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở Kiev, một bức tượng đồng khổng lồ cao 8 mét tượng trưng cho tình hữu nghị Nga - Ukraine đã bị chặt đầu vào cuối tháng 4 trong tiếng vỗ tay của người dân hô khẩu hiệu đất nước Ukraine vinh quang.

Trên cùng một quảng trường, vòm titan khổng lồ hình nửa vầng trăng, một trong những di tích nổi tiếng nhất của thủ đô, sẽ được sơn lại bằng màu cờ Ukraine. "Tượng đài này tượng trưng cho tình hữu nghị giữa Ukraine và Nga. Bây giờ chúng ta thấy rằng "tình hữu nghị" này đồng nghĩa với phá hủy các thành phố Ukraine, hủy hoại cuộc sống người Ukraine, gây ra cái chết của hàng chục nghìn người", thị trưởng Kiev Vitali Klitschko phân trần. Ông Klitschko khẳng định rằng 60 tượng đài khác và 460 đường phố gắn liền với Liên Xô và Nga sẽ sớm bị dỡ bỏ hoặc đổi tên.

Ngay cả chính quyền của Odessa, thành phố cảng phía nam có gần 80% người nói tiếng Nga cũng tranh luận về khả năng dỡ bỏ tượng đài của Nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị, người sáng lập thành phố. Tranh cãi đã nổ ra trong một cuộc họp vào năm 2014, khi bức tượng lúc đó đã từng có khả năng bị phá hủy khiến những người nói tiếng Nga trong khu vực lo ngại.

Một số người Ukraine, đặc biệt là những người trẻ, cũng đang muốn "thoát khỏi" ngôn ngữ của những kẻ xâm lăng, ở một quốc gia có hơn 17% dân số nói tiếng Nga. Điển hình là Diana, 29 tuổi, lớn lên ở Mariupol và đã từ bỏ tiếng mẹ đẻ : "Tôi đã dần bắt đầu chuyển sang tiếng Ukraine từ 2 năm qua. Nhưng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, tôi đã hoàn toàn chấp nhận điều đó. Tôi chỉ dùng tiếng Nga khi nói chuyện với bố mẹ hoặc khi tôi lo lắng".

Nghị sĩ Lesia Vasylenko nói : "Trong bối cảnh hiện nay, tại các trường học, khó có khả năng tiếng Nga sẽ tiếp tục được dạy như ngôn ngữ thứ hai. Đổi lại, tiếng Anh ngày càng được quan tâm hơn trong ngành giáo dục Ukraine". Bộ trưởng giáo dục Ukraine hồi đầu tháng 6 thông báo rằng "Chiến tranh và Hòa bình" nổi tiếng của Leo Tolstoy và các tác phẩm văn học khác của Nga sẽ không còn được giảng dạy trong trường học.

Tình hình ở Mariupol thì hoàn toàn ngược lại. Thành phố này mới bị Moskva chinh phục và các lực lượng Nga đã quyết định hủy bỏ kỳ nghỉ hè để chuẩn bị cho học sinh theo chương trình học của Nga. Ở phía nam và phía đông đất nước, Nga đang cố gắng xóa bỏ mọi dấu vết của Ukraine, khẳng định đồng rúp là đồng tiền chính thức và cấp quốc tịch Nga cho người dân tại đây. Hôm thứ Tư, một quan chức cấp cao của Nga thậm chí còn đi xa hơn khi thông báo rằng các vùng lãnh thổ bị kiểm soát có thể tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý với mục đích sáp nhập với Nga, sớm nhất là vào tháng Bảy tới.

Tương lai mù mịt của dân tị nạn Ukraine ở Ba Lan

Nhật báo công giáo La Croix nói về số phận của những di dân Ukraine sau khi phải sơ tán khỏi đất nước và tương lai của họ ở Ba Lan. "Hôm nay, điều kinh khủng nhất là không biết tương lai của chúng tôi sẽ ra sao. "Chúng tôi muốn về nhà, nhưng ở Mariupol không còn nhà ở, không còn công việc và không còn tương lai cho các con tôi", Alexandra Huseinova tâm sự. Alexandra cùng hai người con gái và em gái của cô đã chạy trốn khỏi Mariupol vào ngày 24/02 khi những quả rocket đầu tiên nã xuống thành phố. Một trăm ngày sau, họ là những tình nguyện viên tại một trung tâm cứu trợ người tị nạn ở Warszawa. Trong máy tính xách tay, họ lưu trữ những bức ảnh về căn hộ của mình với những bức tường bị thủng, sàn nhà rải đầy gạch vụn.

Phải làm gì bây giờ ? Chẳng lẽ trở về Ukraine? Những người tị nạn tại đây dường như không biết nên làm gì, bởi từ đầu tháng 6, số người quay trở lại Ukraine rõ ràng đã vượt qua số người Ukraine đi sơ tán.

Gần 3,8 triệu người Ukraine đã đến Ba Lan kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược. Vậy cho đến bây giờ còn bao nhiêu người ? Đã có 1,2 triệu người nhận được số an sinh xã hội, được gọi là "Pesel", cho phép họ đi tìm việc một cách hợp pháp, cho phép họ tiếp cận các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội.

Trong số 450.000 những người trên 18 tuổi có Pesel, mới một phần ba những người này đã tìm được việc làm. Ngay cả khi chúng ta nhân đôi con số này để tính đến những người làm việc không khai báo, nó cũng cho thấy sự bấp bênh của hàng trăm nghìn người.

Khi những người tị nạn đến, xã hội Ba Lan đã phản ứng nhanh chóng ngoài mong đợi. Các tổ chức tình nguyện đã mọc lên khắp nơi và vẫn đang hỗ trợ những di dân một cách tận tình. Chính phủ cũng bắt đầu giúp đỡ những tình nguyện viên, cấp số tiền 40 zloty (9€) mỗi ngày cho mỗi người.

Tuy nhiên, vấn đề chính đối với những người tị nạn là rào cản ngôn ngữ. Ira, một di dân cho biết rằng khát khao đi làm thì cô có thừa những rào cản ngôn ngữ là điều rất khó khắc phục. Ira nói : "Ngay cả khi rửa bát trong nhà hàng, chúng tôi cũng được yêu cầu nói tiếng Ba Lan".

Vấn đề về giao tiếp cũng làm cho quan hệ của những người tị nạn và những người đã sẵn sàng cưu mang họ trở nên căng thẳng. Anita, một nhà tâm lý học ở Warszawa cùng với hai người con trai, đã mở cửa tiếp đón một phụ nữ Ukraine và con gái cô. Tuy nhiên, không khí rất căng thẳng khi những người này không chịu ăn cùng chủ nhà, không chịu dọn dẹp nhà cửa và thường tự giam mình trong phòng.

Biểu tình ở Anh Quốc chống chính sách đưa người tị nạn sang Rwanda

Vẫn về chủ đề tị nạn, nhật báo Le Monde có bài viết về việc hôm 13/06, vài trăm người biểu tình đã tập trung trước bộ Nội Vụ Anh ở Luân Đôn và hô "Priti Patel - bộ trưởng Nội vụ Anh - hãy xuống địa ngục". Hector, một nhà hoạt động của Barac UK, một hiệp hội chống phân biệt chủng tộc, nói : "Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, để thuyết phục mọi người rằng không có quá nhiều người tị nạn ở đất nước này và chính sách nhập cư của chính phủ Johnson là sai lầm",

Những người biểu tình muốn bày tỏ sự ghê tởm và bất bình của họ với chính sách nhập cư mới của Anh Quốc. Vào tháng 4 vừa qua, phủ thủ tướng đã gây sốc cho các hiệp hội hỗ trợ di dân, Công đảng và thậm chí một số chính trị gia đảng Bảo thủ, khi tuyên bố hợp tác với Kigali để đưa những người xin tị nạn sang Rwanda với lý do duy nhất là họ đã đến Anh bất hợp pháp.

Chính sách này đã bị lên án bởi Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, tổng giám mục Canterbury và linh mục của Giáo hội Anh Giáo – những người coi đây là một hành động "vô đạo đức". Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được bộ trưởng nội vụ Priti Patel lên kế hoạch gửi những người tị nạn này sang Rwanda, để chứng minh cho mọi người rằng bà đang hành động trước tình trạng  đã có 10.000 người vượt qua biển Manche kể từ đầu năm 2022 để tới Anh Quốc.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 239 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)