Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hậu bầu cử Quốc hội Pháp : Tổng thống Macron chối bỏ sự thật hay đang tìm giải pháp ?

Tìm lối thoát cho bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm 23/06/2022, bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu không mang lại đa số tuyệt đối cho tổng thống Emmanuel Macron. Tối hôm qua, tổng thống Macron có bài phát biểu kêu gọi trách nhiệm của các đảng phái đối lập.

baucu1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên trang nhất báo Libération ngày 23/06/2022.  AFP – udovic Marin

Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tít trang nhất "Macron kêu gọi trách nhiệm đối lập". Le Figaro tóm tắt quan điểm của tổng thống : nguyên thủ Pháp gạt sang một bên khả năng thành lập một chính phủ "đoàn kết dân tộc", nhưng đề cao tinh thần "thỏa hiệp", và yêu cầu các nhóm chính trị trong Quốc hội lựa chọn một trong hai giải pháp. Thứ nhất là "thỏa thuận liên minh chính phủ", và thứ hai là ''ủng hộ chính phủ theo từng trường hợp".

"Tối hậu thư" của tổng thống ?

Le Figaro đánh giá yêu cầu này của tổng thống như là một hành động "gây áp lực với đối lập", có thể coi gần như là một tối hậu thư, với thời hạn đưa ra là "48 giờ". Xã luận Le Figaro, với nhan đề "Tất cả đã thay đổi", chỉ trích thái độ của tổng thống trộn lẫn cuộc "khủng hoảng" đang đe dọa nước Pháp và cuộc khủng hoảng đe dọa tương lai chính trị của ông. Theo Le Figaro, các đề xuất tổng thống đưa ra – như lập liên minh chính phủ hay lập đa số ủng hộ từng vụ việc – có hình thức diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, "mang dáng vẻ số học". Tuy nhiên, thái độ này của ông Macron không tương thích với "bối cảnh phân hóa chính trị mạnh mẽ" như hiện nay.

Để đảo ngược xu thế này, theo nhật báo thiên hữu, cần đến một thái độ "rõ ràng", "tính trách nhiệm". Le Figaro kêu gọi tổng thống thay đổi triệt để. "Thay đổi trước hết về giọng điệu", thay đổi cách tiếp cận và hành xử - thường được gọi là "kỹ trị" của ông. Thế vào đó là một cách nói năng "dễ hiểu, cận nhân tình, thái độ mềm dẻo, linh hoạt lịch lãm". "Thay đổi hoàn toàn ê kíp chính phủ, từ thủ tướng cho đến các bộ trưởng. Tiếp theo đó, đưa ra một định hướng, cho dù là khiêm tốn. Và cuối cùng là tập trung vào các trách nhiệm của bản thân, hơn là một lần nữa lại đổ tội cho những khuyết tật của đối lập''. Nhật báo thiên hữu cảnh báo với lời lẽ gay gắt : "Nếu ông Macron từ chối lắng nghe tiếng thét của những lá phiếu, chính quyền sẽ tiếp tục quay tròn trong vòng luẩn quẩn cho đến khi kiệt sức".

"Chối bỏ"

Nhật báo thiên tả Libération cũng có một ấn tượng tiêu cực về bài diễn văn của tổng thống. Tựa trang nhất của Libération : "Macron mất khả năng làm chủ tình hình", đăng trên nền hình ảnh tổng thống Macon bặm môi trợn mắt, với nhận xét "Sau cuộc bầu cử Quốc hội thất bại khiến ông mất đa số tuyệt đối, tổng thống đã không đưa ra được những đề xuất thực sự nào trong bài phát biểu tối hôm qua. Mục tiêu của ông Macron là câu giờ, và trút bỏ trách nhiệm cho đối lập về những bế tắc trong tương lai".

Bài xã luận Libération nhan đề "Chối bỏ" khẳng định : "Ngay trong bài phát biểu đầu tiên sau bầu cử Quốc hội, tước đi của ông đa số tuyệt đối tại Quốc hội, Emmanuel Macron đã cho các cử tri Pháp thấy rằng ông đã hoàn toàn không hiểu được thông điệp của họ - những người đã trừng phạt ông bằng lá phiếu". Libération cảnh báo : "cử tri Pháp sẽ trừng phạt nghiêm khắc ông Macron hơn nữa, nếu ông ấy liều lĩnh quyết định giải tán Quốc hội vào thời điểm này". Đổ trách nhiệm cho các đảng phái đối lập là con đường đưa liên minh của ông Macron "vào ngõ cụt".

Macron không "hối lỗi" 

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng có cùng ghi nhận là tổng thống "đã đổ trách nhiệm về các bế tắc tương lai cho đối lập", "đã không có một sự hối lỗi nào". Mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị"của Les Echos - nhan đề "Liệu người dân Pháp có làm Macron thay đổi được hay không ?" - thừa nhận : tổng thống Macron đã nhiều lần thoát hiểm ngoạn mục. Ông đã biết tìm ra lối thoát : từ khủng hoảng Áo Vàng (với việc tổ chức cuộc thảo luận toàn quốc), đến đại dịch Covid (với chính sách "bất kể giá nào") và giấy thông hành tiêm chủng – một biểu tượng của quyền lực. Và cuộc chiến tranh tại Ukraine cho phép ông Macron đóng trọn vẹn vai trò của chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thống Macron tái sinh sau mỗi khủng hoảng.

Tuy nhiên, điều mà Les Echos nhấn mạnh là, đối diện với "một cuộc khủng hoảng Quốc hội kiểu mới", Macron đang trong tình huống rất khác. Les Echos đánh giá : Macron đang dò dẫm tìm giải pháp. Bởi "cuộc khủng hoảng hiện nay là hoàn toàn khác về bản chất, không đến từ bên ngoài (như Covid), cũng không phải do chính sách của chính phủ (như thuế xăng dầu đã đến cuộc nổi dậy Áo Vàng, hay cải cách hưu trí)". Khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng chống lại cách hành xử của tổng thống. Theo nhiều nhân chứng, nhiều cử tri chống lại Macron không phải do quan điểm, chính sách của ông, mà là do thái độ bị đánh giá là "cao ngạo" của tổng thống. Theo Les Echos, tổng thống dường như vẫn không chấp nhận sự thật của kết quả bầu cử.

Les Echos kết luận đầy vẻ châm biếm, đúng là Macron đã bắt đầu chấp nhận cần một "phương pháp mới", nhưng tổng thống Pháp "làm như thể chính ông đã giết Jupiter" (tức từ bỏ phong cách lãnh đạo từ trên thượng đỉnh quyền lực, như vị thần tối cao của thần thoại Hy Lạp Jupiter), "chứ không phải là cử tri Pháp đã buộc ông phải làm như vậy".

Quốc hội các nước Châu Âu : Không có "đa số tuyệt đối" là phổ biến

Tình hình tổng thống Macron không có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội đang là đầu mối cho bế tắc chính trị, có thể biến thành khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Châu Âu, nhiều chính quyền cũng không có được đa số tuyệt đối ở Quốc hội là ghi nhận của nhiều báo Pháp. Libération cũng có một bài viết cho thấy tình tình hình chính trị Pháp nhìn từ góc độ Liên Hiệp Châu Âu. Nhiều nhà quan sát ghi nhận với vẻ lạc quan : cho dù Macron "không có được đa số tuyệt đối", ông ấy vẫn có được phương tiện hành động nhiều hơn so với một số đồng nhiệm Châu Âu.

Quốc hội Pháp : Khối dân biểu ủng hộ Châu Âu có tìm được tiếng nói chung ?

Le Monde có bài phỏng vấn chính trị gia Pháp Stéphane Séjourné, chủ tịch liên đảng Renew, đảng đứng thứ ba tại Nghị Viện Châu Âu. Ông cũng là một trong những người đầu tiên tham gia đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron.

Stéphane Séjourné nhắc đến các nước như Tây Ban Nha, Đan Mạch hay Thụy Điển, nơi chính phủ không có được đa số tương đối, mà chỉ có được thiểu số, tức trong tình trạng không được thuận lợi như liên đảng Đồng Lòng ! của tổng thống Pháp. Trái ngược với tâm trạng bi quan khá phổ biến, chính trị gia Stéphane Séjourné tỏ ra khá lạc quan. Theo lãnh đạo liên đảng Renew Châu Âu, hiện tượng nước Pháp đã có một đa số dân biểu ủng hộ Liên Âu trong Quốc hội mới. Cụ thể là các dân biểu đảng Xã Hội và đảng Xanh (trong liên minh cánh tả NUPES) của nước Pháp có lập trường rất hướng đến Châu Âu.

Ông nhấn mạnh là chính sách hướng về Châu Âu là một trụ cột trong đường lối của tổng thống Macron – chủ tịch luân phiên Liên Âu nửa đầu năm 2022 -, chính sách này sẽ có nhiều cơ hội được thể hiện ở tầm mức quốc gia. Theo Stéphane Séjourné, thái độ của các dân biểu liên đảng NUPES, vốn đang nghiêng về lập trường chủ quyền quốc gia, cần được theo dõi sát, tuy nhiên, chưa chắc quan điểm này sẽ trở thành thượng phong trong hàng ngũ liên đảng cánh tả này. Những tuần tới sẽ là dịp để "trắc nghiệm" về khả năng đa số dân biểu ủng hộ Châu Âu trong Quốc hội mới của nước Pháp có khẳng định được quan điểm chung hay không. "Tình hình có thể sẽ diễn biến theo hướng tốt", vị nghị sĩ Châu Âu dự đoán.

Bế tắc chính trị : Trách nhiệm cũng thuộc về đối lập

"Macron trước thách thức của việc sáng tạo lại chính trị" là chủ đề hồ sơ chính của La Croix. Khác với Libération, Le Figaro, cũng như Les Echos, La Croix cho rằng việc tổng thổng đẩy trách nhiệm lên các đảng phái đối lập không hẳn là điều sai. Bản thân nhiều đảng phái đối lập tại Pháp trong bối cảnh hiện nay cũng hiểu điều này. Theo La Croix, kể từ sau cuộc bầu cử 19/6, nhiều đảng phái khẳng định sẽ không góp phần vào việc làm cho tình hình xấu hơn. Kết thúc "vòng hiệp thương đầu tiên" này và trước bài diễn văn của tổng thống, "mọi việc hiện vẫn để ngỏ", "bất ổn chính trị mở ra sau bầu cử còn lâu mới kết thúc".

La Croix có bài phỏng vấn giáo sư Jean-Fabien Spitz, nhà triết học chính trị, Đại học Paris I, khẳng định đông đảo người dân Pháp mong muốn "chia sẻ quyền lực", và ''đã có sẵn nền văn hóa dân chủ". Theo vị chuyên gia này, vấn đề chủ yếu của bế tắc chính trị hiện nay nằm ở một bộ phận giới tinh hoa, cho rằng ''chỉ có họ mới sở hữu chân lý, và không sẵn chia sẻ quyền lực''.

Khởi đầu của nhiều nỗ lực lớn tại Quốc hội Pháp là chủ đề chính trang nhất Le Monde. Cũng như nhiều báo bạn, Le Monde dành bài xã luận để nhấn mạnh đến "Tính cần thiết của việc học hỏi cách thỏa hiệp".

"Ukraine lên đường đến với Liên Âu"

Cánh cửa vào Liên Âu mở rộng với Ukraine là chủ đề chính của nhật báo La Croix. Nhật báo công giáo chạy tựa trang nhất : "Ukraine lên đường đến với Liên Âu". Trong cuộc họp của khối 27 nước ngày hôm nay, dự kiến Ukraine cùng Moldova sẽ được chính thức trao quy chế ứng cử viên chính thức vào Liên Hiệp. Vui mừng, nhưng cẩn trọng, bởi theo La Croix, con đường trở thành thành viên chính thức "sẽ dài". Ukraine và Moldova bắt đầu chính thức khởi sự quá trình gia nhập Liên Âu không chỉ là một tin vui với hai quốc gia Liên Xô cũ, cả hai đang đều là nạn nhân của Nga. Việc Liên Âu nhanh chóng mở đường cho Ukraine và Moldova cũng là một điều có ý nghĩa sống còn với Liên Âu trước mối đe dọa Nga.

Một Châu Âu mở rộng và đoàn kết để chống "bành trướng Nga"

Bài xã luận "Một Châu Âu lớn" nhấn mạnh đến hệ quả đầy nghịch lý của cuộc chiến tranh do tổng thống Nga phát động chống lại Ukraine đã làm rung chuyển Liên Âu về nhiều phương diện. Cuộc xâm lăng của Nga mang tham vọng đế quốc không chỉ nhắm vào Ukraine, mà nhiều mục tiêu khác, trong đó có các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (nay thành thành viên của Liên Âu). Cùng với cuộc chiến quân sự, Moskva cũng đang tiến hành một cuộc chiến đa diện (hay chiến tranh lưỡng hợp) chống lại Liên Âu và các nước thành viên, gieo rắc chia rẽ và làm sói mòn niềm tin của các công dân Châu Âu vào nền dân chủ.

Theo La Croix, đối diện với đe dọa và các hành xử tấn công nói trên của Nga, Liên Âu đã thành công bước đầu trong việc thiết lập những nền tảng đầu tiên để củng cố liên minh. La Croix đặc biệt ca ngợi vai trò quan trọng của nước Pháp, với tổng thống Macron, trong việc thúc đẩy việc hướng đến đoàn kết toàn bộ các quốc gia Châu Âu, không chỉ các thành viên Liên Âu, xung quanh mục tiêu chung "chống lại chủ nghĩa bành trướng Nga". Theo hướng đi này, tập hợp chính trị mới nói trên sẽ phải hoạch định được "các quy tắc vận hành hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn". Ngoài việc mở đường kết nạp Ukraine và Moldova, theo La Croix, đã có một số tín hiệu tích cực đã được gửi đến Georgia (Gruzia), cũng như Albania, và Bắc Macedonia – hai quốc gia đã phải chờ đợi quá lâu trên con đường gia nhập Liên Âu. Đối với La Croix, cuộc xâm lăng Nga đang làm tan vỡ nhiều cấm kỵ, dè dặt khiến quá trình mở rộng và củng cố Liên Âu bị hạn chế. "Lối hành xử của Putin giờ đây quay lại chống lại chính ông ta", là kết luận của nhật báo công giáo.

Than đá trở lại, đầu tư cho năng lượng "sạch" tăng vọt

Nguy cơ "than đá trở lại Châu Âu" là báo động của nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất. Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và thế đối đầu gia tăng Nga – phương Tây để lại hệ quả dễ hình dung. Tại Châu Âu, nhiều quốc gia dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn các năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nhiều hơn khí đốt, mặt hàng mà Liên Âu bắt đầu hướng đến giảm phụ thuộc vào Nga. Hiện tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã khởi động trở lại nhiều kế hoạch về than đá, năng lượng ô nhiễm nhưng rẻ tiền. Dự kiến đầu tư cho than đá vốn đã tăng 10% năm ngoái, sẽ tiếp tục tăng 10% năm nay.

Tuy nhiên, tình hình đầy tương phản. Một mặt than đá trở lại mạnh, mặt khác các loại hình năng lượng xanh cũng đang nhận được ngày càng nhiều đầu tư là một ghi nhận khác của Les Echos. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đầu tư cho các năng lượng sạch đã "tăng vọt" trở lại năm 2022 này, với khoảng 1.400 tỉ đô la đầu tư toàn cầu (chiếm khoảng 60% so với tổng đầu tư cho năng lượng nói chung là 2.400 tỉ đô la). Như vậy, AIE nhấn mạnh, đầu tư cho các năng lượng sạch giờ đây trở thành trụ cột của đầu tư năng lượng (đối với AIE, điện hạt nhân được xếp vào nhóm các năng lượng sạch).

Tuy nhiên, báo cáo của AIE cũng nhấn mạnh đến việc số tiền đầu tư gia tăng cho các năng lượng sạch trên thực tế không mang lại nhiều công suất bổ sung, bởi có đến khoảng 100 tỉ đô la trên 200 tỉ gia tăng trong năm nay, được chi ra để bù vào việc giá cả gia tăng.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Bầu Quốc hội Pháp : Tổng thống Macron muốn "đánh thức" những cử tri vắng mặt ở vòng 1

Còn 4 ngày nữa sẽ diễn ra vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp, nhật báo Les Echos có bài viết  về việc tổng thống Macron đang làm mọi cách để "đánh thức cử tri của mình".

danhthuc1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại sân bay Orly, Pháp, ngày 14/06/2022, kêu gọi cử tri Pháp cho ông một đa số tuyệt đối ở Quốc hội mới. © Gonzalo Fuentes / AP

Trước khi lên đường công du Romania và Moldova vào hôm qua 14/06/2022, tổng thống Emmanuel Macron từ sân bay Orly đã kêu gọi cử tri cho ông nắm đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử vòng hai vào Chủ nhật tới. Ông cần "một đa số tuyệt đối" và đây là "sự lựa chọn tối quan trọng" vì "lợi ích cao nhất của quốc gia" và kêu gọi "ý thức chung".

Tổng thống Macron buộc phải vận động những người không đi bỏ phiếu sau khi tỷ lệ người vắng mặt đạt mức kỷ lục ở vòng đầu Chủ nhật vừa rồi.

Tuyên bố này của tổng thống đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp nội các vào hôm qua cùng với thủ tướng Elisabeth Borne.

Trả lời đài France Inter, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu, Clément Beaune, đã thừa nhận rằng cần phải vận động cử tri một cách nhiệt tình hơn, mạnh mẽ hơn. Thủ tướng Borne thì có vẻ lạc quan và nói rằng thành công của phe tổng thống sẽ phụ thuộc vào khả năng đánh thức cử tri của họ. Nghị sĩ thuộc đảng cánh trung Modem Jean-Noël Barrot thì nói : "Việc chỉ giành được đa số tương đối sẽ gây ra sự hỗn loạn và tổng thống sẽ không thể thực hiện được các cải cách lớn".

Về phần mình, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon tỏ ra xông xáo hơn bao giờ hết, cố gắng vận động những người bỏ phiếu trắng và không đi bầu vì ông có rất ít nguồn phiếu dự trữ. Liên minh cánh tả NUPES (Liên minh minh nhân dân, sinh thái và xã hội mới) cũng hy vọng sẽ thu hút cử tri của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN). Phản ứng trước tuyên bố của tổng thống từ Orly, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đã tố cáo một "kịch bản được dàn dựng kiểu Trump". Các quan chức của NUPES cũng nhận định rằng tổng thống đang bị "hoảng loạn".

Trả lời phỏng vấn với tờ "Le Parisien", Jean-Luc Mélenchon cáo buộc ông Macron phớt lờ cuộc bầu cử khi lại quan tâm đến các vấn đề quốc tế trong tuần này. Ông Mélenchon nhận định rằng tổng thống Macron coi vòng Hai như một thủ tục hành chính : "Đó là một sự khinh miệt".

Ukraine muốn xóa bỏ ảnh hưởng Nga

Về tình hình tại Ukraine, nhật báo thiên tả Libération có bài viết về người dân nước này đang tìm mọi cách để thoát khỏi ảnh hưởng Nga.

Ở đây, kẻ thù mang tên Alexander Pushkin, Leo Tolstoy hay Ekaterina Đệ Nhị. Khi giao tranh tiếp tục diễn ra dữ dội ở Donbass, người dân Ukraine cũng đang tiến hành một cuộc chiến về mặt văn hóa và tư tưởng. Kể từ cú sốc gây ra bởi cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/02, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo chính trị khởi động các dự án đô thị nhằm mục đích "xóa bỏ ảnh hưởng Nga". Đây là một cách đánh dấu sự kết thúc huyền thoại về "dân tộc anh em" và tiếp tục giải phóng bản thân khỏi những kẻ chiếm đóng.

Tại Kharkiv, nơi diễn ra cuộc phản công của Ukraine đã giúp đẩy lùi mối đe dọa từ pháo binh Nga, đại lộ Moskva đã được đổi tên để vinh danh những "anh hùng" của thành phố. Bây giờ đại lộ này có tên là đại lộ Anh hùng. Khoảng 200 con phố khác cũng đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền địa phương. Xa hơn về phía tây, ở Vinnytsia, người dân đã bỏ phiếu để dỡ bỏ bức tượng Maxim Gorky, một nhà văn Nga nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở Kiev, một bức tượng đồng khổng lồ cao 8 mét tượng trưng cho tình hữu nghị Nga - Ukraine đã bị chặt đầu vào cuối tháng 4 trong tiếng vỗ tay của người dân hô khẩu hiệu đất nước Ukraine vinh quang.

Trên cùng một quảng trường, vòm titan khổng lồ hình nửa vầng trăng, một trong những di tích nổi tiếng nhất của thủ đô, sẽ được sơn lại bằng màu cờ Ukraine. "Tượng đài này tượng trưng cho tình hữu nghị giữa Ukraine và Nga. Bây giờ chúng ta thấy rằng "tình hữu nghị" này đồng nghĩa với phá hủy các thành phố Ukraine, hủy hoại cuộc sống người Ukraine, gây ra cái chết của hàng chục nghìn người", thị trưởng Kiev Vitali Klitschko phân trần. Ông Klitschko khẳng định rằng 60 tượng đài khác và 460 đường phố gắn liền với Liên Xô và Nga sẽ sớm bị dỡ bỏ hoặc đổi tên.

Ngay cả chính quyền của Odessa, thành phố cảng phía nam có gần 80% người nói tiếng Nga cũng tranh luận về khả năng dỡ bỏ tượng đài của Nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị, người sáng lập thành phố. Tranh cãi đã nổ ra trong một cuộc họp vào năm 2014, khi bức tượng lúc đó đã từng có khả năng bị phá hủy khiến những người nói tiếng Nga trong khu vực lo ngại.

Một số người Ukraine, đặc biệt là những người trẻ, cũng đang muốn "thoát khỏi" ngôn ngữ của những kẻ xâm lăng, ở một quốc gia có hơn 17% dân số nói tiếng Nga. Điển hình là Diana, 29 tuổi, lớn lên ở Mariupol và đã từ bỏ tiếng mẹ đẻ : "Tôi đã dần bắt đầu chuyển sang tiếng Ukraine từ 2 năm qua. Nhưng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, tôi đã hoàn toàn chấp nhận điều đó. Tôi chỉ dùng tiếng Nga khi nói chuyện với bố mẹ hoặc khi tôi lo lắng".

Nghị sĩ Lesia Vasylenko nói : "Trong bối cảnh hiện nay, tại các trường học, khó có khả năng tiếng Nga sẽ tiếp tục được dạy như ngôn ngữ thứ hai. Đổi lại, tiếng Anh ngày càng được quan tâm hơn trong ngành giáo dục Ukraine". Bộ trưởng giáo dục Ukraine hồi đầu tháng 6 thông báo rằng "Chiến tranh và Hòa bình" nổi tiếng của Leo Tolstoy và các tác phẩm văn học khác của Nga sẽ không còn được giảng dạy trong trường học.

Tình hình ở Mariupol thì hoàn toàn ngược lại. Thành phố này mới bị Moskva chinh phục và các lực lượng Nga đã quyết định hủy bỏ kỳ nghỉ hè để chuẩn bị cho học sinh theo chương trình học của Nga. Ở phía nam và phía đông đất nước, Nga đang cố gắng xóa bỏ mọi dấu vết của Ukraine, khẳng định đồng rúp là đồng tiền chính thức và cấp quốc tịch Nga cho người dân tại đây. Hôm thứ Tư, một quan chức cấp cao của Nga thậm chí còn đi xa hơn khi thông báo rằng các vùng lãnh thổ bị kiểm soát có thể tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý với mục đích sáp nhập với Nga, sớm nhất là vào tháng Bảy tới.

Tương lai mù mịt của dân tị nạn Ukraine ở Ba Lan

Nhật báo công giáo La Croix nói về số phận của những di dân Ukraine sau khi phải sơ tán khỏi đất nước và tương lai của họ ở Ba Lan. "Hôm nay, điều kinh khủng nhất là không biết tương lai của chúng tôi sẽ ra sao. "Chúng tôi muốn về nhà, nhưng ở Mariupol không còn nhà ở, không còn công việc và không còn tương lai cho các con tôi", Alexandra Huseinova tâm sự. Alexandra cùng hai người con gái và em gái của cô đã chạy trốn khỏi Mariupol vào ngày 24/02 khi những quả rocket đầu tiên nã xuống thành phố. Một trăm ngày sau, họ là những tình nguyện viên tại một trung tâm cứu trợ người tị nạn ở Warszawa. Trong máy tính xách tay, họ lưu trữ những bức ảnh về căn hộ của mình với những bức tường bị thủng, sàn nhà rải đầy gạch vụn.

Phải làm gì bây giờ ? Chẳng lẽ trở về Ukraine? Những người tị nạn tại đây dường như không biết nên làm gì, bởi từ đầu tháng 6, số người quay trở lại Ukraine rõ ràng đã vượt qua số người Ukraine đi sơ tán.

Gần 3,8 triệu người Ukraine đã đến Ba Lan kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược. Vậy cho đến bây giờ còn bao nhiêu người ? Đã có 1,2 triệu người nhận được số an sinh xã hội, được gọi là "Pesel", cho phép họ đi tìm việc một cách hợp pháp, cho phép họ tiếp cận các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội.

Trong số 450.000 những người trên 18 tuổi có Pesel, mới một phần ba những người này đã tìm được việc làm. Ngay cả khi chúng ta nhân đôi con số này để tính đến những người làm việc không khai báo, nó cũng cho thấy sự bấp bênh của hàng trăm nghìn người.

Khi những người tị nạn đến, xã hội Ba Lan đã phản ứng nhanh chóng ngoài mong đợi. Các tổ chức tình nguyện đã mọc lên khắp nơi và vẫn đang hỗ trợ những di dân một cách tận tình. Chính phủ cũng bắt đầu giúp đỡ những tình nguyện viên, cấp số tiền 40 zloty (9€) mỗi ngày cho mỗi người.

Tuy nhiên, vấn đề chính đối với những người tị nạn là rào cản ngôn ngữ. Ira, một di dân cho biết rằng khát khao đi làm thì cô có thừa những rào cản ngôn ngữ là điều rất khó khắc phục. Ira nói : "Ngay cả khi rửa bát trong nhà hàng, chúng tôi cũng được yêu cầu nói tiếng Ba Lan".

Vấn đề về giao tiếp cũng làm cho quan hệ của những người tị nạn và những người đã sẵn sàng cưu mang họ trở nên căng thẳng. Anita, một nhà tâm lý học ở Warszawa cùng với hai người con trai, đã mở cửa tiếp đón một phụ nữ Ukraine và con gái cô. Tuy nhiên, không khí rất căng thẳng khi những người này không chịu ăn cùng chủ nhà, không chịu dọn dẹp nhà cửa và thường tự giam mình trong phòng.

Biểu tình ở Anh Quốc chống chính sách đưa người tị nạn sang Rwanda

Vẫn về chủ đề tị nạn, nhật báo Le Monde có bài viết về việc hôm 13/06, vài trăm người biểu tình đã tập trung trước bộ Nội Vụ Anh ở Luân Đôn và hô "Priti Patel - bộ trưởng Nội vụ Anh - hãy xuống địa ngục". Hector, một nhà hoạt động của Barac UK, một hiệp hội chống phân biệt chủng tộc, nói : "Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, để thuyết phục mọi người rằng không có quá nhiều người tị nạn ở đất nước này và chính sách nhập cư của chính phủ Johnson là sai lầm",

Những người biểu tình muốn bày tỏ sự ghê tởm và bất bình của họ với chính sách nhập cư mới của Anh Quốc. Vào tháng 4 vừa qua, phủ thủ tướng đã gây sốc cho các hiệp hội hỗ trợ di dân, Công đảng và thậm chí một số chính trị gia đảng Bảo thủ, khi tuyên bố hợp tác với Kigali để đưa những người xin tị nạn sang Rwanda với lý do duy nhất là họ đã đến Anh bất hợp pháp.

Chính sách này đã bị lên án bởi Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, tổng giám mục Canterbury và linh mục của Giáo hội Anh Giáo – những người coi đây là một hành động "vô đạo đức". Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được bộ trưởng nội vụ Priti Patel lên kế hoạch gửi những người tị nạn này sang Rwanda, để chứng minh cho mọi người rằng bà đang hành động trước tình trạng  đã có 10.000 người vượt qua biển Manche kể từ đầu năm 2022 để tới Anh Quốc.

Phan Minh

Published in Quốc tế

Chính trị Pháp : Tổng thống Macron củng cố thế thượng phong (RFI, 19/06/2017)

Với hai chiến thắng liên tục trong vòng một tháng, bầu tổng thống và lập pháp, chủ nhân điện Elysée củng cố được uy tín và từ nay có thể nhanh chóng tiến hành các biện pháp cải cách được mô tả là để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng trì trệ. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo : đối thủ nguy hiểm nhất của vị tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp không phải là đối lập hay công đoàn mà là chính bản thân ông.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một điểm bỏ phiếu bầu Quốc hội vòng hai ở Le Touquet, miền bắc Pháp, ngày 18/06/2017. REUTERS/Christophe Archambault

Trong vòng không đầy một năm, ông Emmanuel Macron, một trong số các cố vấn của tổng thống François Hollande cho đến năm 2014, đã vươn lên tột đỉnh quyền lực nhà nước ở tuổi 39. Chiến lược "không tả không hữu" tức là sử dụng cả "hai chân" đã giúp phong trào "Tiến Bước" đánh bại hai đảng tả hữu thay nhau cầm quyền suốt từ năm 1958.

Trên lý thuyết, tân tổng thống Pháp đang ở thế mạnh để thúc đẩy hoài bão cải cách sâu rộng đất nước với ba dự án từ luật lao động, luật chống khủng bố cho đến đạo đức hóa đời sống chính trị, cho dù gặp chỉ trích từ giới chính trị đối lập hay lo ngại từ một bộ phận công luận.

Đâu là thế mạnh của tổng thống Macron, Reuters đặt câu hỏi ? Theo nhà chính trị học Jérôme Sainte-Marie, sáng lập viên hiệp hội nghiên cứu xã hội Pollingvox, cho rằng "khó có một ai đủ sức cản đường Emmanuel Macron". Từ sau cuộc tranh luận với đối thủ Marine Le Pen trước vòng chung kết bầu tổng thống, sinh hoạt chính trị Pháp bước vào "trận thế tuyệt vời và tất thắng" của nhân vật được cử tri lựa chọn đối đầu với đại diện của phe cực hữu.

Với kết quả bầu Quốc hội ngày Chủ Nhật 18/06/2017 cũng như qua thăm dò công luận, người dân Pháp "không muốn thấy tổng thống bị cản trở". Nói chung là "muốn thấy mọi việc được hanh thông" nhưng cũng không bao dung cho ông "một tuần trăng mật" đúng nghĩa.

Cản lực từ đường phố khó xảy ra

Cũng cùng nhận định này, giáo sư chính trị Thomas Guénolé nghĩ rằng những lời đe dọa của phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất, huy động "dân chúng bất mãn" xuống đường nói dễ, nhưng khó thực hiện. Bởi vì, khác với 20 năm trước, người Pháp hiện nay sẵn sàng ký kiến nghị chống hành pháp, nhưng bớt hăng hái xuống đường.

Hai công đoàn chống dự án cải cách lao động mạnh nhất là CGT và FO cũng tỏ ra thận trọng. Một mặt uy tín của Đảng Cộng Sản Pháp suy yếu nhiều, mất tính đại diện cho tầng lớp công nhân. Mặt khác, rút kinh nghiệm thất bại khi chống cải cách luật El Khomri, tên của vị bộ trưởng Lao Động thời tổng thống Hollande, giới công đoàn biết rõ hạn chế của biện pháp xuống đường. Giải pháp duy nhất là đối thoại với chính phủ.

Hơn nữa, tương quan lực lượng giữa đa số ủng hộ tổng thống và thiểu số đối lập cũng nghiêng về phía tổng thống Macron. Theo chuyên gia Jérôme Sainte-Marie, thành phần dân chúng ủng hộ chính quyền mới, thượng lưu, trung lưu thành đạt, tương đối là một khối đồng nhất, không muốn nước Pháp bị nhỡ con tàu toàn cầu hóa. Nhưng liều thuốc nào cũng có hiệu ứng công phạt. Những tầng lớp yếu thế, thua thiệt đứng bên lề cải cách, sẽ nuôi mầm bất mãn đưa đến căng thẳng tiềm tàng.

Cái may và cũng là cái rủi cho tổng thống Macron là đối lập không đồng nhất vì không phải chỉ có một phe đối trọng mà có đến bốn, năm phe kình chống nhau.

Hiệu ứng tháp ngà

Tuần qua, trong một bài xã luận, nhật báo Mỹ New York Times cảnh báo nguy cơ tổng thống Pháp bị rơi vào chiếc bẫy lạm quyền, thừa thắng vượt lằn ranh đỏ. Cụ thể, trong dự luật chống khủng bố có một số điều khoản không tôn trọng tự do cá nhân.

Nhà phân tích Jérôme Fourquet của viện thăm dò Ifop lưu ý hai điểm : Thứ nhất, người dân Pháp rất tỉnh táo, không bị mê hoặc, tôn sùng thần tượng Macron, để tổng thống muốn làm gì thì làm. Đành rằng chủ nhân điện Elysée có nhiều tài năng, nhưng mọi người chờ xem diễn tiến cuộc đàm phán giữa chính phủ và công đoàn trong mùa hè này ra sao.

Thứ hai, điện Elysée nổi tiếng với "hiệu ứng quyền lực tháp ngà", là nơi chôn vùi uy tín của nhiều vị tổng thống Pháp, kể cả tướng De Gaulle, người hùng giải phóng đất nước. Giới thân cận của tổng thống Macron đã cảnh báo : chốt chận duy nhất chống lại tham vọng quyền lực chính là … bản thân tổng thống.

Tú Anh

**********************

Bầu cử Quốc hội Pháp : phe tổng thống Macron thắng áp đảo (RFI, 19/06/2017)

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành được đa số áp đảo tại Quốc hội sau vòng hai ngày Chủ Nhật 18/06/2017. Trên tổng số 577 ghế dân biểu, liên minh Cộng Hoà Tiến Bước và Phong Trào Dân Chủ MoDem về nhất với 361 ghế, tạo một khuôn mặt mới cho Quốc hội.

macron2

Toàn cảnh một phiên họp tại Quốc hội Pháp, Paris ngày 10/05/2016. REUTERS/Charles Platiau

Theo kết quả công bố muộn trong ngày, một mình đảng cánh trung Cộng Hòa Tiến Bước giành được 319 ghế dân biểu vượt xa đa số tuyệt đối là 289. Nếu tính thêm 42 dân biểu của liên minh Modem, phe ủng hộ tổng thống lên đến 361, một số đông áp đảo tại nghị trường.

Thành công thứ hai là tất cả 6 bộ trưởng ra tranh cử, kể cả hai nhân vật bị tai tiếng là Richard Ferrand (quy hoạch lãnh thổ) và Marielle Sarnez (đặc trách Châu Âu) đều đắc cử, điều kiện để ngồi lại trong chính phủ.

Về hạng nhì, nhưng bị rơi xa ở phía sau là liên minh trung-hữu Những Người Cộng Hoà, với 126 dân biểu. Đảng Xã Hội và đồng minh cánh tả chỉ còn 46 ghế. Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất 16 ghế, đảng Cộng Sản 10 ghế.

Mặt Trận Quốc Gia cực hữu từ 3 lên 8 dân biểu. 10 ghế còn lại thuộc các ứng cử viên độc lập hay tổ chức xã hội không có tầm vóc quốc gia.

Hào quang chiến thắng của phe tổng thống phần nào bị phai mờ vì tỷ lệ cử tri đi bầu rất thấp : 44%. Theo giới phân tích, ngoài yếu tố đi chơi nhân ngày cuối tuần nắng ấm còn có ba lý do khiến cử tri vắng mặt : Thứ nhất, chiến thắng của phe tổng thống được dự báo chắc chắn ; thứ hai, cử tri mệt mỏi vì hai cuộc vận động tranh cử - từ sơ bộ tổng thống cho đến nghị viện - kéo dài hơn một năm và thứ ba là mất niềm tin vào hai đảng truyền thống.

Trẻ và nhiều phụ nữ

Với làn gió cải cách, Quốc hội mới của Pháp thay đổi hẳn diện mạo : nhiều phụ nữ hơn, trẻ hơn mà phần lớn xuất thân từ xã hội công dân. So với Quốc hội mãn nhiệm với 155 nữ dân biểu, kỳ này "lực lượng phái yếu" đạt mức kỷ lục gần 40% với 223 người. Tuổi trung bình của các nghị sĩ cũng giảm từ 54 xuống 47.

Trẻ nhất là một trong 8 dân biểu của đảng cực hữu mới 23 tuổi. Người trẻ nhất thứ hai là thành viên của một tổ chức bảo vệ động vật, 24 tuổi. Giới nông dân cũng được 14 đại biểu, tương tự như trong khóa trước. Đổi lại, số công chức giảm hẳn từ 188 xuống 129 trong khi thành phần có học thức thành đạt trong lãnh vực tư nhân như lãnh đạo xí nghiệp, bác sĩ, luật sư đắc cử rất đông với 180 dân biểu, theo trào lưu "Macron".

Đảng Xã Hội cánh tả tan nát

Trong khi đó, Đảng Xã Hội mất 250 ghế tại Quốc hội. Nhiều bộ trưởng dưới thời tổng thống François Hollande thất cử. Cựu thủ tướng Manuel Valls cứu vãn được chiếc chế đại biểu Quốc hội trong đường tơ kẽ tóc. Thư ký thứ nhất của Đảng Xã Hội từ chức.

Ngay trong đêm Chủ Nhật 18/6, cựu thủ tướng Manuel Valls thông báo đắc cử đại biểu Quốc hội với 50,3 % số phiếu, nhờ hơn được 139 lá phiếu so với ứng viên của phong trào Nước Pháp Bất Khuất cánh tả. Thắng lợi sát sao này của cựu thủ tướng Valls cho thấy Đảng Xã Hội đang phân rã. Nhiều gương mặt hàng đầu của đảng bị thất cử, từ cựu bộ trưởng Tư Pháp Jean-Jacques Urvoas (vùng Finistère), đến cựu bộ trưởng Giáo Dục Najat Vallaud Belkacem (Rhône), cựu bộ trưởng Lao Động Myriam El Khomri hay cựu bộ trưởng Y Tế Marisol Touraine.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2012, Đảng Xã Hội chiếm được đa số với 284 đại biểu. Năm năm sau, đảng này chỉ cứu vãn được 29 ghế. Đây là kết quả tệ hại nhất của Đảng Xã Hội từ trước tới nay. Thư ký thứ nhất của đảng, Jean-Christophe Cambadélis, ngay sau kết quả vòng hai không vòng vo, nói tới "một thất bại không thể chối cãi" và đã thông báo từ chức.

Nhìn sang cánh hữu, với 113 đại biểu trong Quốc hội mới, đảng Những Người Cộng Hòa (LR) thở phào nhẹ nhõm. Nhiều nhân vật tên tuổi của đảng vẫn giữ được ghế. Dù vậy đây cũng là kết quả tồi tệ chưa từng thấy của đảng này. Một vài ngôi sao đang lên của đảng cánh hữu cũng đã ra về tay không. Điển hình là cựu bộ trưởng của tổng thống Sarkozy, Nathalie Kosciusko Morizet, hay nhà vô địch về Judo, David Douillet.

Bước kế tiếp sau bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2, là toàn bộ thành phần chính phủ vào hôm nay đệ đơn từ chức, để thành lập một nội các mới. Theo lời phát ngôn viên của phủ thủ tướng, việc cải tổ nội các chỉ mang tính hình thức.

Tú Anh, Thanh Hà

 

Published in Quốc tế

Xã luận

Nước Pháp bước vào một giai đoạn đầy ẩn số

 

Chế độ tổng thống tàn phá sinh hoạt chính trị ở những nước đã có dân chủ và ngăn cản sự thiết lập dân chủ ở những nước chưa có. Nó đã là nguyên nhân của hai thảm kịch thế giới mà hàng tỷ người trong nhiều thế hệ đã là nạn nhân : Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.

Người Pháp vừa bầu quốc hội vòng đầu, một tháng sau khi đã bầu một tổng thống mới. Cuộc bầu cử này là một hiện tượng hiếm có tại các nước dân chủ. Nó đã là một thắng lợi áp đảo cho tổng thống Emmanuel Macron, một người trẻ mới có 39 tuổi xuất hiện đột ngột trên chính trường Pháp từ một năm nay. Tuy vậy, trái với sự hân hoan của nhiều người, nó mở ra một giai đoạn đầy bất trắc.

phap1

Cuộc bầu cử này là một hiện tượng hiếm có tại các nước dân chủ. Nó đã là một thắng lợi áp đáp cho tổng thống Emmanuel Macron

Nhưng trước hết là một vài dòng về thể thức bầu quốc hội tại Pháp.

Cử tri Pháp bầu theo lối đơn danh hai vòng. Các dân biểu được bầu từng người một, trong 577 đơn vị bầu cử. Trong vòng đầu nếu tại một đơn vị có ứng cử viên nào được quá 50% số phiếu thì người đó đắc cử và cuộc bầu cử tại đơn vị đó đã xong. Nếu không phải tổ chức bầu cử vòng hai trong đó chỉ có hai người về đầu gặp nhau trong vòng chung kết, lần này người nào được nhiều phiếu hơn đắc cử. Trong một số đơn vị có thể có ba ứng cử viên ở vòng hai nếu người về hạng ba trong vòng đầu đạt số phiếu cao hơn 12,5% tổng số cử tri trong đơn vị - xin nhấn mạnh là 12,5% tổng số cử tri chứ không phải 12,5% số phiếu bầu.

Trong cuộc bầu cử ngày chủ nhật 11/06/2017 vừa qua chỉ có bốn người đắc cử ngay vòng đầu. Như vậy ngày 18/06 sắp tới sẽ có bầu vòng hai trong 573 đơn vị trong đó có một vài nơi có ba ứng cử viên.

Tinh thần của cách bầu cử này có thể tóm tắt như sau : ở vòng một cử tri chọn giữa các chính đảng hay các ứng cử viên, ở vòng hai họ chọn giữa các khuynh hướng, vì một lý do dễ hiểu là các cử tri đã bầu cho một người bị loại trong vòng đầu thường bầu cho người cùng khuynh hướng chính trị trong vòng sau. Chính thể thức bầu cử này đã khiến đảng cực hữu Front National họa hiếm lắm mới có được một vài người trong quốc hội dù vào được vòng hai ở khá nhiều nơi.

Trở lại với cuộc bầu cử quốc hội vòng đầu vừa qua. Đảng "Nước Cộng Hòa Đi Tới" (La République En Marche, hay LREM) của Emmanuel Macron và đồng minh Phong Trào Dân Chủ (MoDem) được 32,21% và về đầu trong đại đa số các đơn vị. Theo các dự đoán, ông Macron sẽ có hơn 400 ghế trong quốc hội, nghĩa là vượt rất xa đa số tuyệt đối 289 ghế, trừ khi cử tri đổi ý kiến và không muốn cho ông một đa số quá lớn. 

Đảng Cộng Hòa (Les Républicains), mới cách đây sáu tháng còn được coi là sẽ thắng lớn, được 21,56% và sẽ được khoảng 100 ghế. Đảng Xã Hội (Parti Socialiste), đang có đa số tuyệt đối trong quốc hội, chỉ được 9% và sẽ có được khoảng 20 ghế. Đảng cực hữu Front National được 13,2% số phiếu nhưng sẽ chỉ được một vài ghế vì bị cô lập trong vòng hai. Đảng Nước Pháp Bất Khất (La France Insoumise) vừa mới thành lập từ vài năm nay do Jean-Luc Mélenchon, một nhân vật rất hùng biện, được 11% và sẽ được khoảng 20 ghế. Các đảng khác, trong đó có Đảng Cộng Sản Pháp, chỉ đạt những kết quả không đáng kể.

Dư luận và hầu hết các nhà bình luận Pháp chào mừng thắng lợi của Macron như một hy vọng lớn cho nước Pháp. Và họ lạc quan cho tương lai. Nhưng sự lạc quan này có thể là một sai lầm. Nhìn một cách khách quan tình hình chính trị của Pháp đang rất đáng lo ngai.

phap2

Trong đại đa số các dân biểu thuộc đảng LREM của Macron là những người chỉ mới tập sự làm chính trị

Trước hết là chính cái đa số áp đảo mà Macron có thể sẽ có sau cuộc bầu cử vòng hai, chủ nhật 18/06 sắp tới. Trong đại đa số các dân biểu thuộc đảng LREM của Macron là những người chỉ mới tập sự làm chính trị, chỉ mới gia nhập đảng từ vài tháng nay khi thấy Macron sắp thắng. Họ chỉ được bầu nhờ thương hiệu Macron. Trong đơn vị bầu cử của tôi một phụ nữ trẻ đẹp gốc Việt có triển vọng sẽ là dân biểu gốc Việt duy nhất trong quốc hội Pháp từ trước đến nay. Bà gần như chắc chắn sẽ đắc cử vì về nhất rất xa so với đối thủ trong vòng chung kết chủ nhật sắp tới. Bà này mới chỉ cách đây một tháng không ai biết tới và chính bà cũng nhìn nhận là chỉ mới quan tâm tới chính trị từ khi có hiện tượng Macron. Ở một đơn vị bầu cử khác mà tôi theo dõi trên tivi một cô gái nông dân 26 tuổi chưa biết gì về chính trị cũng về đầu. Đó là những chân dung điển hình của những dân biểu LREM tương lai. Họ nợ Macron tất cả và phải tuyệt đối phục tùng Macron bởi vì họ không có một tư cách nào để phản biện những quyết định của Macron. Họ sẽ chỉ là những nghị gật, những cỗ máy dơ tay. Dù vậy, nếu chiếm đa số 3/4, hay 2/3, họ cũng sẽ có quyền sử dụng 3/4  hay 2/3 thời giờ tranh cãi tại quốc hội. Các cuộc thảo luận tại quốc hội còn ý nghĩa gì ? Trên thực tế trong 5 năm tới Pháp sẽ là một nước độc tài. Quyền lập pháp sẽ gần như bị xóa bỏ. Trong mọi chế độ dân chủ đúng nghĩa lập pháp phải ở trên hành pháp, một bên qui định và một bên thi hành, nhưng trong 5 năm tới tại Pháp lập pháp sẽ chủ yếu vâng lời hành pháp. Macron sẽ có mọi quyền hành.

Không ai chối cãi tính hợp pháp của Macron, nhưng tính chính đáng dân chủ (légitimité démocratique, democratic legitimacy) của Macron không cao. Trong vòng đầu ông chỉ được 24% số phiếu, nghĩa là 18% số cử tri Pháp. Trong vòng hai ông được 66% nhưng đại đa số những người bầu cho ông là vì muốn chống ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Những người thực sự muốn Macron làm tổng thống chỉ là 18% cử tri Pháp. Chúng ta sẽ nhìn rõ hơn tầm quan trọng của tính chính đáng dân chủ nếu nhìn vào cuộc bầu cử tại Anh tuần trước. Bà thủ tướng Theresa May đang có một đa số 17 ghế trên mức quá bán. Bà tổ chức bầu lại quốc hội để có một đa số lớn hơn. Bà hy vọng sẽ có được một sự chính đáng dân chủ lớn hơn, với từ 50 đến 80 ghế dân biểu trên mức quá bán để có thêm uy tín trong những quyết định quan trọng, như thương thuyết việc Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Bà đã thất bại, thay vì được một đa số lớn hơn bà chỉ còn một đa số mỏng hơn. Mọi quan sát viên đều đồng ý rằng bà sẽ gặp khó khăn lớn. Thực tế chính trị của nước Pháp hiện nay là một tổng thống chỉ được 18% cử tri thực sự ủng hộ lại có toàn quyền quyết định tất cả. Nền dân chủ Pháp sẽ yếu đi.

Đáng lo ngại vì nền dân chủ Pháp vốn đã yếu rồi, như vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, mới cách đây hơn một tháng, đã chứng tỏ. Bốn ứng cử viên về đầu chỉ cách nhau 4%. Chỉ cần một sai lệch 4%, nghĩa là rất nhỏ, người Pháp sẽ phải chọn trong vòng chung kết giữa Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon, hai nhân vật cực hữu và cực tả, với hậu quả kinh khủng cho cả Pháp lẫn Châu Âu và thế giới.

Một lý do đáng lo ngại khác là sự thờ ơ ngày càng lớn của dân chúng Pháp với chính trị. thể hiện qua tỷ lệ cử tri tham gia quá yếu : 48%, trong đó có 2% phiếu trắng. Khi nhiều người so sánh thắng lợi của đảng Macron trong vòng đầu cuộc bầu cử quốc hội này với một cơn sóng thần họ quên rằng ngọn sóng thần này thật ra không cao, 32% của 46% chỉ là 15% mà thôi. Thực tế là nước Pháp đang lâm bệnh.

Macron sẽ lãnh đạo nước Pháp như thế nào ?

Sự lạc quan của đa số các nhà bình luận, Pháp cũng như quốc tế, có thể thiếu cơ sở. Macron không có đồng đội. Những cộng sự viên thân cận nhất của ông - phần lớn là những người chưa có kinh nghiêm chính trị - cũng chỉ mới biết đến ông từ khoảng một năm nay, thậm chí vài tháng nay. Thủ tướng và hai bộ trưởng quan trọng -kinh tế và ngân sách - cách đây hai tháng còn là đối thủ. Họ không có quan hệ đồng đội và cũng chưa hiểu nhau. Không có gì bảo đảm là họ sẽ làm việc với nhau một cách hiệu quả.

Còn đảng LREM của ông thì đại đa số là những người mới bắt đầu tập sự làm chính trị và mới chỉ theo ông vài tháng nay khi ông có vẻ chắc thắng, thậm chí từ vài tuần nay sau khi ông đã đắc cử. Kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng một chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể hình thành qua tranh đấu cam go, không ai thành lập được một chính đảng đúng nghĩa một khi đã nắm được chính quyền, vì một lý do giản dị là lúc đó không thể phân biệt những người thực sự có thiện chí với những người cơ hội vụ lợi. Thường thường những kẻ cơ hội lại tỏ ra hăng say nhất. Tại Việt Nam trước đây Đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Điệm và Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu đã tan biến ngay tức khắc sau khi thủ lãnh mất quyền lực, cũng như Tập Hợp Dân Chủ Hiến Định của Ben Ali tại Tunisia hay Đảng Quốc Gia Dân Chủ của Hosni Mubarak tại Ai Câp dù trước đó có hàng trăm nghìn hay hàng triệu đảng viên. Chúng không phải là những chính đảng đúng nghĩa mà chỉ là những đám đông của những người đi theo một người cầm quyền.

Đảng LREM của Macron cũng không khác về bản chất. Các chính đảng đúng nghĩa phải được xây dựng qua một cố gắng bền bỉ trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Macron không có một tư tưởng chính trị nào cả mà chỉ có một chương trình chính trị khá mơ hồ ngoài một vài biện pháp hành chính và tài chính. Thắng lợi của Macron chủ yếu là ở chỗ ông là một khuôn mặt rất mới và kêu gọi điều mà phần lớn người Pháp cũng muốn là dẹp bỏ các chính đảng truyền thống đã cầm quyền từ lâu và đã thoái hóa. Trên điểm này Emmanuel Macron không khác Donald Trump. Cả hai được bầu trên lập trường chống hệ thống hiện hành, establishment. Họ là sản phẩm của sự chán nản và thất vọng chứ không phải của niềm tin và hy vọng. Đừng nên quên rằng dù có những phương tiện lớn và được sự ủng hộ của nhiều nhân vật rất uy tín, Macron chỉ hơn Mélenchon, một người chủ trương đập phá tất cả, có 4% trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống.

Điều nghiêm trọng nhất mà người Pháp hình như chưa ý thức được là sự suy sụp của các chính đảng lớn.

Đảng Xã Hội đang hấp hối. Nó đang có đa số tuyệt đối trong quốc hội nhưng chưa chắc sẽ có đủ 15 dân biểu trong quốc hội sắp tới, với 9% số phiếu trong vòng đầu vừa qua. Điều này cũng có nghĩa là nó sắp phá sản về mặt tài chính bởi vì mất phiếu và mất ghế trong quốc hội cũng có nghĩa là mất tiền. Tại Pháp mỗi lá phiếu đem lại 1,4 Euro và mỗi ghế dân biểu 37.000 Euros mỗi năm tiền tài trợ từ ngân sách quốc gia. Đóng góp từ các đảng viên cũng sụp đổ vì phần lớn các đảng viên sẽ bỏ đảng. Số đảng viên năm 2012 là 173.000, hiện nay chỉ còn 112.000, sắp tới chưa chắc đã còn được 50.000. Đảng Xã Hội đang chuẩn bị khẩn cấp bán trụ sở và sa thải nhân viên điều hành.

Đảng Cộng Hòa không đến nỗi bi đát như vậy nhưng cũng cay đắng không kém. Mới cách đây vài tháng nó còn hầu như chắc chắn sẽ thắng lớn, nhưng rồi vì lãnh tụ Fillon bị tố giác là đã từng lạm dụng công quỹ  nên đã bị loại ngay vòng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống và chỉ hy vọng được khoảng 100 ghế dân biểu trong quốc hội sắp tới theo nhiều dự đoán. Không tan tành như Đảng Xã Hội nhưng cũng bại xụi.

Người Pháp, quần chúng cũng như các nhà bình luận và các cơ quan truyền thông, hình như chưa ý thức được sự nghiêm trọng của sự suy sụp của các chính đảng truyền thống. Có lẽ vì đây là một hiện tượng đã đến một cách chậm chạp và chắc chắn từ nhiều năm nay và không còn gây ngạc nhiên nữa. Và họ nhìn Macron như là giải đáp cho một tình trang bế tắc. Đây là sai lầm lớn. Đảng REM của Macron sẽ không hơn gì các đảng Cộng Hòa và Xã Hội, trái lại nó còn ô hợp hơn. Pháp sẽ không còn các chính đảng đúng nghĩa với những hậu quả rất tai hại. Các chính đảng là lò đào tạo nhân tài chính trị, đó cũng là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn. Không có các chính đảng lớn thì tư tưởng và kiến thức chính trị nếu có cũng chỉ lẩn quẩn trong một vài trường đại học hay một vài câu lạc bộ trí thức. Sẽ không có những chính trị gia tài giỏi, dân trí sẽ thấp và nền dân chủ, nếu có, cũng sẽ chỉ là một nền dân chủ bệnh hoạn.

Nhưng tại sao hai đảng truyền thống - Đảng Cộng Hòa và Đảng Xã Hội - lại suy thoái và mất uy tín đến thế?

Giải thích đầu tiên là các đảng này bị tham nhũng đục khoét. Cả hai cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vừa rồi đều bị chế ngự bởi những affaires, những tai tiếng về tiền bạc. Đa số các bạn Pháp của tôi khi nói về nhân sự chính trị đều có một kết luận chán ngấy : ils sont tous corrompus ! (bọn họ đều tham nhũng). Phải nói thẳng đây là một nhận định rất sai. Các chức sắc chính trị của Pháp có trên 100.000 người, nếu chỉ kể các chức vụ dân cử đương nhiệm trung ương và địa phương. Trong hai cuộc bầu cử vừa qua dù đã cố soi tìm bằng kính lúp người ta cũng chỉ thấy không tới mười vụ, nghĩa là một tỷ lệ không đáng kể, với tổng số tiền được coi là có ít hay nhiều lạm dụng khoảng một triệu Euros. Trong bất cứ một môi trường khác nào, dù là doanh nhân, nghệ nhân, văn hóa, giáo dục, thể thao tỷ lệ gian trá cũng cao gấp trăm lần. Môi trường chính trị là mội trường sạch sẽ nhất, hơn xa và hơn hẳn các môi trường khác.

Giải thích thứ hai là các chính đảng truyền thống đã lỗi thời vì không còn ý kiến mới và không thích nghi được với bối cảnh quốc gia và quốc tế mới. Hoàn toàn đúng. Cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đều cố bám lấy những nhãn hiệu "hữu" và "tả" có từ thế kỷ 19 và đã trở thành quá nhàm chán. Nhưng tại sao ?

Các chính đảng này cũng không còn là các chính đảng thực sự. Trong cả hai đảng trong cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống vừa rồi các ứng cử viên đã đưa ra những chương trình ngược hẳn với nhau đến nỗi người ta phải tự hỏi tại sao họ vẫn còn ở trong cùng một đảng. Sự chia rẽ còn đạt tới mức độ gay gắt không tưởng tượng nổi khi trong nhiệm kỳ vừa qua 56 dân biểu thuộc Đảng Xã Hội đã vận động để quốc hội bãi nhiệm chính phủ của Đảng Xã Hội. Nhưng tại sao ?

Lý do thực sự cho sự suy thoái của các chính đảng là chế độ tổng thống.

Chế độ này đòi toàn dân bầu cho một người thay vì cho một chính đảng và sau đó dành cho người đó quá nhiều quyền trong một thời gian cố định. Các chính đảng vì không có quyền lực nên cũng không còn nhu cầu thảo luận đến nơi đến chốn những vấn đề nền tảng của đất nước. Thảo luận để làm gì khi mình không có quyền quyết định ? Mà đã không có thảo luận thì không thể có đồng thuận. Hậu quả tất nhiên là bản lĩnh chính trị, đoàn kết nội bộ và sức thu hút suy sụp dần. Sức mạnh ban đầu do hoàn cảnh lịch sử, nếu có, cũng mất dần. Tới một điểm nào đó, đảng sẽ quá suy yếu để có thể chọn lãnh tụ và phải tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống. Đó là giai đoạn cuối của tiến trình phân hóa, bởi vì các cuộc bầu cử sơ bộ là một sự vô lý cùng cực trong đó một đảng nhờ người ngoài chọn lãnh tụ cho mình. Trong hai cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội vừa qua trên 90% những người tham gia bầu cử và chọn lãnh tụ cho đảng không phải là đảng viên. (Chính xác là 96% trong trường hợp Đảng Cộng Hòa và 92% cho Đảng Xã Hội). Tại Mỹ những tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn.

Cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đã suy sụp nhanh chóng từ khi tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ. Đảng Cộng Hòa năm 2007 có 370.000 đảng viên, năm 2013 còn 315.000 đảng viên, năm 2017 chỉ còn 179.000. Đảng Xã Hội năm 2007 có 257.000 đảng viên,  2012 còn 173.000, năm 2017 chỉ còn 112.000 trong đó gần một nửa không đóng liễm. Người Pháp không tham gia các chính đảng nữa vì họ không thấy sự tham gia này có ích lợi gì khi hầu hết quyền lực tập trung trong tay một người không do đảng chỉ định và do đó không cần tôn trọng đảng. Tại Mỹ các đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chỉ còn là những hư cấu.

Sự suy sụp của các chính đảng đồng nghĩa với sự xuống cấp của ý thức chính trị và tinh thần dân tộc, bởi vì các chính đảng là phương tiện để động viên quần chúng đồng thời cũng là cỗ xe chuyên chở tư tưởng và kiến thức chính trị tới quần chúng. Sự xuống cấp này, cần nhắc lại một lần nữa, là hậu quả tất yếu của chế độ tổng thống.  Nó thể hiện qua sự thờ ơ ngày càng lớn của dân chúng với sinh hoạt chính trị như người ta có thể nhận thấy tại Pháp từ khi chế độ tổng thống được thiết lập năm 1958. Năm 1958 số cử tri tham gia bầu cử quốc hội là trên 80%, năm 2007 còn 65%, năm 2012 còn 57%. Năm 2017 chỉ còn 48%. Tại Mỹ không ai ngạc nhiên khi tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ở dưới mức 50%.

Chế độ tổng thống tàn phá sinh hoạt chính trị ở những nước đã có dân chủ và ngăn cản sự thiết lập dân chủ ở những nước chưa có. Nó đã là nguyên nhân của hai thảm kịch thế giới mà hàng tỷ người trong nhiều thế hệ đã là nạn nhân : Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Tất cả các quốc gia thuộc hai khối này sau khi giành được độc lập đều đã chọn chế độ tổng thống và đều chìm đắm trong nội chiến, bạo loạn và nghèo khổ, Châu Mỹ La Tinh từ hai thế kỷ, Châu Phi từ hơn nửa thế kỷ. Tất cả đều vẫn chưa thoát ra được. Trong mọi nước khác các chế độ tổng thống đều đã chỉ đem lại bế tắc, trì trệ, độc tài và tham nhũng.

Hoa Kỳ được coi là trường hợp duy nhất mà chế độ tổng thống đã thành công nhờ lý tưởng công bằng bác ái của Thiên Chúa Giáo và ý chí rất mạnh lúc ban đầu của những con người ra đi tìm tự do và nhờ tổ chức tản quyền, nhưng với thời gian chế độ tổng thống cũng đã làm công việc tàn phá của nó. Chính trường dần dần trở thành kịch trường. Từ 25 năm qua, Hoa Kỳ đã chỉ có những tổng thống rất kém hoặc về khả năng hoặc về đạo đức, với cao điểm là Donald Trump. Trong một chế độ dân chủ đại nghị những người như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, chưa nói Donald Trump, không có hy vọng nào để trở thành thủ tướng.

Phải kết luận dứt khoát : dù không độc hại như các chế độ cộng sản, nhưng chế độ tổng thống cũng là một tai họa cho các dân tộc.  

Một lời sau cùng cho Việt Nam.

Một người bạn thân, giáo sư đại học, gần đây bảo tôi : "Mày bỏ hơi nhiều thời giờ để biện luận về các chế độ đại nghị và tổng thống, nhưng vấn đề hiện nay chỉ là làm sao thoát khỏi chế độ cộng sản". Tôi dành câu trả lời cho bài này.

Nếu trước năm 1945 chúng ta biết đặt câu hỏi thoát khỏi ách ngoại thuộc để xây dựng đất nước như thế nào và theo chế độ nào thì chắc chắn chúng ta đã không như ngày nay. Những vấn đề trọng đại nếu chỉ trả lời khi bị bắt buộc phải trả lời thì người ta sẽ trả lời sai. Và trả giá đắt.

Nguyễn Gia Kiểng

(16/06/2017)

Published in Quan điểm