Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/06/2022

Điểm báo Pháp - Hậu bầu cử Quốc hội Pháp

RFI tiếng Việt

Hậu bầu cử Quốc hội Pháp : Tổng thống Macron chối bỏ sự thật hay đang tìm giải pháp ?

Tìm lối thoát cho bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm 23/06/2022, bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu không mang lại đa số tuyệt đối cho tổng thống Emmanuel Macron. Tối hôm qua, tổng thống Macron có bài phát biểu kêu gọi trách nhiệm của các đảng phái đối lập.

baucu1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên trang nhất báo Libération ngày 23/06/2022.  AFP – udovic Marin

Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tít trang nhất "Macron kêu gọi trách nhiệm đối lập". Le Figaro tóm tắt quan điểm của tổng thống : nguyên thủ Pháp gạt sang một bên khả năng thành lập một chính phủ "đoàn kết dân tộc", nhưng đề cao tinh thần "thỏa hiệp", và yêu cầu các nhóm chính trị trong Quốc hội lựa chọn một trong hai giải pháp. Thứ nhất là "thỏa thuận liên minh chính phủ", và thứ hai là ''ủng hộ chính phủ theo từng trường hợp".

"Tối hậu thư" của tổng thống ?

Le Figaro đánh giá yêu cầu này của tổng thống như là một hành động "gây áp lực với đối lập", có thể coi gần như là một tối hậu thư, với thời hạn đưa ra là "48 giờ". Xã luận Le Figaro, với nhan đề "Tất cả đã thay đổi", chỉ trích thái độ của tổng thống trộn lẫn cuộc "khủng hoảng" đang đe dọa nước Pháp và cuộc khủng hoảng đe dọa tương lai chính trị của ông. Theo Le Figaro, các đề xuất tổng thống đưa ra – như lập liên minh chính phủ hay lập đa số ủng hộ từng vụ việc – có hình thức diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, "mang dáng vẻ số học". Tuy nhiên, thái độ này của ông Macron không tương thích với "bối cảnh phân hóa chính trị mạnh mẽ" như hiện nay.

Để đảo ngược xu thế này, theo nhật báo thiên hữu, cần đến một thái độ "rõ ràng", "tính trách nhiệm". Le Figaro kêu gọi tổng thống thay đổi triệt để. "Thay đổi trước hết về giọng điệu", thay đổi cách tiếp cận và hành xử - thường được gọi là "kỹ trị" của ông. Thế vào đó là một cách nói năng "dễ hiểu, cận nhân tình, thái độ mềm dẻo, linh hoạt lịch lãm". "Thay đổi hoàn toàn ê kíp chính phủ, từ thủ tướng cho đến các bộ trưởng. Tiếp theo đó, đưa ra một định hướng, cho dù là khiêm tốn. Và cuối cùng là tập trung vào các trách nhiệm của bản thân, hơn là một lần nữa lại đổ tội cho những khuyết tật của đối lập''. Nhật báo thiên hữu cảnh báo với lời lẽ gay gắt : "Nếu ông Macron từ chối lắng nghe tiếng thét của những lá phiếu, chính quyền sẽ tiếp tục quay tròn trong vòng luẩn quẩn cho đến khi kiệt sức".

"Chối bỏ"

Nhật báo thiên tả Libération cũng có một ấn tượng tiêu cực về bài diễn văn của tổng thống. Tựa trang nhất của Libération : "Macron mất khả năng làm chủ tình hình", đăng trên nền hình ảnh tổng thống Macon bặm môi trợn mắt, với nhận xét "Sau cuộc bầu cử Quốc hội thất bại khiến ông mất đa số tuyệt đối, tổng thống đã không đưa ra được những đề xuất thực sự nào trong bài phát biểu tối hôm qua. Mục tiêu của ông Macron là câu giờ, và trút bỏ trách nhiệm cho đối lập về những bế tắc trong tương lai".

Bài xã luận Libération nhan đề "Chối bỏ" khẳng định : "Ngay trong bài phát biểu đầu tiên sau bầu cử Quốc hội, tước đi của ông đa số tuyệt đối tại Quốc hội, Emmanuel Macron đã cho các cử tri Pháp thấy rằng ông đã hoàn toàn không hiểu được thông điệp của họ - những người đã trừng phạt ông bằng lá phiếu". Libération cảnh báo : "cử tri Pháp sẽ trừng phạt nghiêm khắc ông Macron hơn nữa, nếu ông ấy liều lĩnh quyết định giải tán Quốc hội vào thời điểm này". Đổ trách nhiệm cho các đảng phái đối lập là con đường đưa liên minh của ông Macron "vào ngõ cụt".

Macron không "hối lỗi" 

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng có cùng ghi nhận là tổng thống "đã đổ trách nhiệm về các bế tắc tương lai cho đối lập", "đã không có một sự hối lỗi nào". Mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị"của Les Echos - nhan đề "Liệu người dân Pháp có làm Macron thay đổi được hay không ?" - thừa nhận : tổng thống Macron đã nhiều lần thoát hiểm ngoạn mục. Ông đã biết tìm ra lối thoát : từ khủng hoảng Áo Vàng (với việc tổ chức cuộc thảo luận toàn quốc), đến đại dịch Covid (với chính sách "bất kể giá nào") và giấy thông hành tiêm chủng – một biểu tượng của quyền lực. Và cuộc chiến tranh tại Ukraine cho phép ông Macron đóng trọn vẹn vai trò của chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thống Macron tái sinh sau mỗi khủng hoảng.

Tuy nhiên, điều mà Les Echos nhấn mạnh là, đối diện với "một cuộc khủng hoảng Quốc hội kiểu mới", Macron đang trong tình huống rất khác. Les Echos đánh giá : Macron đang dò dẫm tìm giải pháp. Bởi "cuộc khủng hoảng hiện nay là hoàn toàn khác về bản chất, không đến từ bên ngoài (như Covid), cũng không phải do chính sách của chính phủ (như thuế xăng dầu đã đến cuộc nổi dậy Áo Vàng, hay cải cách hưu trí)". Khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng chống lại cách hành xử của tổng thống. Theo nhiều nhân chứng, nhiều cử tri chống lại Macron không phải do quan điểm, chính sách của ông, mà là do thái độ bị đánh giá là "cao ngạo" của tổng thống. Theo Les Echos, tổng thống dường như vẫn không chấp nhận sự thật của kết quả bầu cử.

Les Echos kết luận đầy vẻ châm biếm, đúng là Macron đã bắt đầu chấp nhận cần một "phương pháp mới", nhưng tổng thống Pháp "làm như thể chính ông đã giết Jupiter" (tức từ bỏ phong cách lãnh đạo từ trên thượng đỉnh quyền lực, như vị thần tối cao của thần thoại Hy Lạp Jupiter), "chứ không phải là cử tri Pháp đã buộc ông phải làm như vậy".

Quốc hội các nước Châu Âu : Không có "đa số tuyệt đối" là phổ biến

Tình hình tổng thống Macron không có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội đang là đầu mối cho bế tắc chính trị, có thể biến thành khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Châu Âu, nhiều chính quyền cũng không có được đa số tuyệt đối ở Quốc hội là ghi nhận của nhiều báo Pháp. Libération cũng có một bài viết cho thấy tình tình hình chính trị Pháp nhìn từ góc độ Liên Hiệp Châu Âu. Nhiều nhà quan sát ghi nhận với vẻ lạc quan : cho dù Macron "không có được đa số tuyệt đối", ông ấy vẫn có được phương tiện hành động nhiều hơn so với một số đồng nhiệm Châu Âu.

Quốc hội Pháp : Khối dân biểu ủng hộ Châu Âu có tìm được tiếng nói chung ?

Le Monde có bài phỏng vấn chính trị gia Pháp Stéphane Séjourné, chủ tịch liên đảng Renew, đảng đứng thứ ba tại Nghị Viện Châu Âu. Ông cũng là một trong những người đầu tiên tham gia đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron.

Stéphane Séjourné nhắc đến các nước như Tây Ban Nha, Đan Mạch hay Thụy Điển, nơi chính phủ không có được đa số tương đối, mà chỉ có được thiểu số, tức trong tình trạng không được thuận lợi như liên đảng Đồng Lòng ! của tổng thống Pháp. Trái ngược với tâm trạng bi quan khá phổ biến, chính trị gia Stéphane Séjourné tỏ ra khá lạc quan. Theo lãnh đạo liên đảng Renew Châu Âu, hiện tượng nước Pháp đã có một đa số dân biểu ủng hộ Liên Âu trong Quốc hội mới. Cụ thể là các dân biểu đảng Xã Hội và đảng Xanh (trong liên minh cánh tả NUPES) của nước Pháp có lập trường rất hướng đến Châu Âu.

Ông nhấn mạnh là chính sách hướng về Châu Âu là một trụ cột trong đường lối của tổng thống Macron – chủ tịch luân phiên Liên Âu nửa đầu năm 2022 -, chính sách này sẽ có nhiều cơ hội được thể hiện ở tầm mức quốc gia. Theo Stéphane Séjourné, thái độ của các dân biểu liên đảng NUPES, vốn đang nghiêng về lập trường chủ quyền quốc gia, cần được theo dõi sát, tuy nhiên, chưa chắc quan điểm này sẽ trở thành thượng phong trong hàng ngũ liên đảng cánh tả này. Những tuần tới sẽ là dịp để "trắc nghiệm" về khả năng đa số dân biểu ủng hộ Châu Âu trong Quốc hội mới của nước Pháp có khẳng định được quan điểm chung hay không. "Tình hình có thể sẽ diễn biến theo hướng tốt", vị nghị sĩ Châu Âu dự đoán.

Bế tắc chính trị : Trách nhiệm cũng thuộc về đối lập

"Macron trước thách thức của việc sáng tạo lại chính trị" là chủ đề hồ sơ chính của La Croix. Khác với Libération, Le Figaro, cũng như Les Echos, La Croix cho rằng việc tổng thổng đẩy trách nhiệm lên các đảng phái đối lập không hẳn là điều sai. Bản thân nhiều đảng phái đối lập tại Pháp trong bối cảnh hiện nay cũng hiểu điều này. Theo La Croix, kể từ sau cuộc bầu cử 19/6, nhiều đảng phái khẳng định sẽ không góp phần vào việc làm cho tình hình xấu hơn. Kết thúc "vòng hiệp thương đầu tiên" này và trước bài diễn văn của tổng thống, "mọi việc hiện vẫn để ngỏ", "bất ổn chính trị mở ra sau bầu cử còn lâu mới kết thúc".

La Croix có bài phỏng vấn giáo sư Jean-Fabien Spitz, nhà triết học chính trị, Đại học Paris I, khẳng định đông đảo người dân Pháp mong muốn "chia sẻ quyền lực", và ''đã có sẵn nền văn hóa dân chủ". Theo vị chuyên gia này, vấn đề chủ yếu của bế tắc chính trị hiện nay nằm ở một bộ phận giới tinh hoa, cho rằng ''chỉ có họ mới sở hữu chân lý, và không sẵn chia sẻ quyền lực''.

Khởi đầu của nhiều nỗ lực lớn tại Quốc hội Pháp là chủ đề chính trang nhất Le Monde. Cũng như nhiều báo bạn, Le Monde dành bài xã luận để nhấn mạnh đến "Tính cần thiết của việc học hỏi cách thỏa hiệp".

"Ukraine lên đường đến với Liên Âu"

Cánh cửa vào Liên Âu mở rộng với Ukraine là chủ đề chính của nhật báo La Croix. Nhật báo công giáo chạy tựa trang nhất : "Ukraine lên đường đến với Liên Âu". Trong cuộc họp của khối 27 nước ngày hôm nay, dự kiến Ukraine cùng Moldova sẽ được chính thức trao quy chế ứng cử viên chính thức vào Liên Hiệp. Vui mừng, nhưng cẩn trọng, bởi theo La Croix, con đường trở thành thành viên chính thức "sẽ dài". Ukraine và Moldova bắt đầu chính thức khởi sự quá trình gia nhập Liên Âu không chỉ là một tin vui với hai quốc gia Liên Xô cũ, cả hai đang đều là nạn nhân của Nga. Việc Liên Âu nhanh chóng mở đường cho Ukraine và Moldova cũng là một điều có ý nghĩa sống còn với Liên Âu trước mối đe dọa Nga.

Một Châu Âu mở rộng và đoàn kết để chống "bành trướng Nga"

Bài xã luận "Một Châu Âu lớn" nhấn mạnh đến hệ quả đầy nghịch lý của cuộc chiến tranh do tổng thống Nga phát động chống lại Ukraine đã làm rung chuyển Liên Âu về nhiều phương diện. Cuộc xâm lăng của Nga mang tham vọng đế quốc không chỉ nhắm vào Ukraine, mà nhiều mục tiêu khác, trong đó có các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (nay thành thành viên của Liên Âu). Cùng với cuộc chiến quân sự, Moskva cũng đang tiến hành một cuộc chiến đa diện (hay chiến tranh lưỡng hợp) chống lại Liên Âu và các nước thành viên, gieo rắc chia rẽ và làm sói mòn niềm tin của các công dân Châu Âu vào nền dân chủ.

Theo La Croix, đối diện với đe dọa và các hành xử tấn công nói trên của Nga, Liên Âu đã thành công bước đầu trong việc thiết lập những nền tảng đầu tiên để củng cố liên minh. La Croix đặc biệt ca ngợi vai trò quan trọng của nước Pháp, với tổng thống Macron, trong việc thúc đẩy việc hướng đến đoàn kết toàn bộ các quốc gia Châu Âu, không chỉ các thành viên Liên Âu, xung quanh mục tiêu chung "chống lại chủ nghĩa bành trướng Nga". Theo hướng đi này, tập hợp chính trị mới nói trên sẽ phải hoạch định được "các quy tắc vận hành hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn". Ngoài việc mở đường kết nạp Ukraine và Moldova, theo La Croix, đã có một số tín hiệu tích cực đã được gửi đến Georgia (Gruzia), cũng như Albania, và Bắc Macedonia – hai quốc gia đã phải chờ đợi quá lâu trên con đường gia nhập Liên Âu. Đối với La Croix, cuộc xâm lăng Nga đang làm tan vỡ nhiều cấm kỵ, dè dặt khiến quá trình mở rộng và củng cố Liên Âu bị hạn chế. "Lối hành xử của Putin giờ đây quay lại chống lại chính ông ta", là kết luận của nhật báo công giáo.

Than đá trở lại, đầu tư cho năng lượng "sạch" tăng vọt

Nguy cơ "than đá trở lại Châu Âu" là báo động của nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất. Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và thế đối đầu gia tăng Nga – phương Tây để lại hệ quả dễ hình dung. Tại Châu Âu, nhiều quốc gia dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn các năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nhiều hơn khí đốt, mặt hàng mà Liên Âu bắt đầu hướng đến giảm phụ thuộc vào Nga. Hiện tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã khởi động trở lại nhiều kế hoạch về than đá, năng lượng ô nhiễm nhưng rẻ tiền. Dự kiến đầu tư cho than đá vốn đã tăng 10% năm ngoái, sẽ tiếp tục tăng 10% năm nay.

Tuy nhiên, tình hình đầy tương phản. Một mặt than đá trở lại mạnh, mặt khác các loại hình năng lượng xanh cũng đang nhận được ngày càng nhiều đầu tư là một ghi nhận khác của Les Echos. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đầu tư cho các năng lượng sạch đã "tăng vọt" trở lại năm 2022 này, với khoảng 1.400 tỉ đô la đầu tư toàn cầu (chiếm khoảng 60% so với tổng đầu tư cho năng lượng nói chung là 2.400 tỉ đô la). Như vậy, AIE nhấn mạnh, đầu tư cho các năng lượng sạch giờ đây trở thành trụ cột của đầu tư năng lượng (đối với AIE, điện hạt nhân được xếp vào nhóm các năng lượng sạch).

Tuy nhiên, báo cáo của AIE cũng nhấn mạnh đến việc số tiền đầu tư gia tăng cho các năng lượng sạch trên thực tế không mang lại nhiều công suất bổ sung, bởi có đến khoảng 100 tỉ đô la trên 200 tỉ gia tăng trong năm nay, được chi ra để bù vào việc giá cả gia tăng.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 239 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)