Pháp : Một ngày trước vòng 1 bầu cử Quốc hội, phe cực hữu sung sức, Phục Hưng trong bế tắc
Hôm nay là ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử vòng một cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày Chủ nhật (30/06), một kỳ bầu cử mang những thách thức chưa từng có cho chính trường cũng như với cử tri Pháp. Các tờ báo ra hôm nay, 28/06/2024, đều dành phần lớn các trang báo cho chủ đề bầu cử, đang được khai thác dưới các góc độ khác nhau.
Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) trong cuộc tranh luận do đài truyền hình TF1 thực hiện ngày 25/06/2024. AP - Dimitar Dilkoff
Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa chính trang nhất : "Cuộc bỏ phiếu lịch sử". Tờ báo ghi nhận đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) đang trên thế mạnh trước cuộc bầu cử lịch sử này. Theo Les Echos, chiến dịch tranh cử vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp, sau khi hôm 10/06, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội, hôm nay kết thúc. Một chiến dịch vận động gấp gáp "với dấu ấn là sự khó hiểu và kết quả cuối cùng sau vòng hai tối ngày 7/7 sẽ giống như một bước nhảy vào vô định". Hơn 4.000 ứng cử viên (so với 6.300 vào năm 2022) sẽ tranh giành nhau 577 ghế tại Hạ Viện.
Tờ báo cho biết, một ngày trước vòng một của cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, các thăm dò ý định bỏ phiếu đều dự báo kết quả bầu cử sẽ phân chia lực lượng chính trị Pháp thành 3 khối, trong đó phe đa số cầm quyền hiện nay thất bại nặng nề.
Tờ báo nhận định, buổi tối của vòng bầu cử thứ 2, dù đa số của đảng Tập Hợp Dân Tộc thế nào, hay sự xuất hiện ở Quốc hội ba khối liên minh RN - Phục Hưng - Mặt Trận Bình Dân mới có ra sao thì việc lãnh đạo nước Pháp vẫn sẽ trở nên khó khăn. "Nước Pháp sẽ bị đẩy đến trước thời khắc hỗn loạn. Chỉ có một điều chắc chắn đó là đảng RN của Jordan Bardella ở trên thế mạnh hơn bao giờ hết".
Theo các cuộc thăm dò dự định bỏ phiếu ở vòng 1, RN có thể sẽ dành được 37% phiếu bầu ở vòng 1. Thừa thắng trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, RN tiếp tục mở rộng địa bàn, người dân Pháp không thay đổi ý kiến, vẫn muốn trừng phạt tổng thống Emmanuel Macron. Đảng của ông cùng các liên minh chỉ thu được 20% phiếu bầu, về sau liên minh cánh tả, Mặt Trận Bình Dân Mới đạt khoảng 28% phiếu.
Giữ khoảng cách với tổng thống
Một thực tế khác được nhiều tờ báo ghi nhận trong chiến dịch tranh cử lần này, phe đa số cầm đang đi vào ngõ cụt. Trong tâm trạng thất vọng và oán trách quyết định giải tán Quốc hội của tổng thống, nhiều người trong phe đa số bắt đầu quay lưng lại với ông Macron. Nhật báo Libération nhận xét : "Bị các bộ trưởng xa lánh, các ứng cử viên chối bỏ, bị cử tri cho là không hiểu nổi, tổng thống nước Cộng hòa đang bị gạt ra ngoài lề trước vòng một cuộc bầu cử, dự báo sẽ là hủy diệt đối với đa số mãn nhiệm".
Xã luận tờ báo bình luận : "Với quyết định giải tán Quốc hội, tổng thống đã trở thành người không được chào đón, gây rắc rối cho nội bộ của phe mình, mà mới gần đây ông vẫn còn là thần tượng của họ. Một sự cô lập mà ông là người duy nhất chịu trách nhiệm vì muốn độc quyền lãnh đạo". Libération khẳng định, "hậu quả bây giờ tổng thống Macron rơi vào giữa cơn bão do chính ông gây ra, và khi ông quay lại, thì thấy mình... rất cô đơn".
Nhật báo La Croix thì chú ý đến các cử tri những người quyết định tương lai của nước Pháp bằng lá phiếu bầu của mình. Tờ báo Công giáo ghi nhận, đây là kỳ bầu cử mà các cử tri thực sự khó xử và miễn cưỡng không biết lựa chọn thế nào cho đúng với lương tâm. Tờ báo cho thấy nhiều cử tri cho biết họ "bị giằng xé" trước vòng 1 cuộc bầu cử lập pháp, bắt đầu vào ngày 30/06.
Không chấp nhận phe cực hữu (RN) nhưng cũng không muốn bầu cho cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumis). Họ đang trong tâm trạng giằng xé trước một sự lựa chọn rất khó khăn, không biết bầu cho ai.
Liên Âu : Đau đầu bầu chọn lãnh đạo chủ chốt
Một thời sự khác cũng liên quan đến bầu cử được báo chí Pháp quan tâm theo dõi nhưng ở quy mô Liên Hiệp Châu Âu. Đó là cuộc lựa chọn lãnh đạo chủ chốt của khối cho nhiệm kỳ mới.
Le Figaro cho biết, ba tuần sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu diễn ra hôm 09/06, hội nghị thượng đỉnh của khối đã khai mạc tại Bruxelles hôm thứ Năm (27/06). Việc lựa chọn những nhân vật nắm giữ những cơ quan lãnh đạo cao nhất ở EU trong 5 năm tới đang khiến 27 nước thành viên đau đầu và có nguy cơ gây ra xích mích.
Ba liên minh chiếm đa số tại Nghị Viện ở Strasbourg sau cuộc bầu cử vừa qua đã quyết định bà Ursula von der Leyen người Đức được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chủ tịch tương lai của Hội Đồng Châu Âu sẽ giao cho ông Antonio Costa, thuộc đảng Xã hội của Bồ Đào Nha và lãnh đạo Ngoại giao của Liên Hiệp sẽ là bà thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Tuy nhiên thủ tướng Ý, bà Gorgia Meloni và thủ tướng Hungary Viktor Orban không đồng ý, muốn chứng tỏ phải có vai trò trong việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng cũng như định hướng chính sách của Liên Âu.
Trong phân chia chức vụ này, các báo đặc biệt chú ý đến chân dung lãnh đạo ngoại giao tương lai của Liên Hiệp, bà Kaja Kallas. Trừ phi có những bất ngờ, bà thủ tướng Estonia chắc chắn sẽ là người lãnh đạo ngoại giao Liên Âu trong 5 năm tới, thay thế cho ông Josep Borell.
La Croix có bài "Một người đàn bà thép cho Châu Âu". Bà Kallas, 47 tuổi là luật sư, nổi tiếng là một người nói thẳng và cứng rắn đối với Nga. Tờ báo viết : Thủ tướng Estonia trong 5 năm tới sẽ là người đại diện cho tiếng nói của Liên Âu trên thế giới. Việc bà Kallas nắm ngoại giao của EU mang tính biểu tượng cao. Quốc gia vùng Baltic nhỏ bé này có dân số 1,3 triệu người, từng bị Liên Xô chiếm đóng và chỉ giành lại được độc lập vào năm 1991.
Còn theo Les Echos ghi nhận qua bài "Kaja Kallas, một phụ nữ Baltic kịch liệt chống Putin, lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu". Theo nhật báo, thủ tướng Estonia đã trở nên nổi bật kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhà ngoại giao lo ngại bà sẽ tập trung quá nhiều vào vấn đề Nga.
Vẫn liên quan đến ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, Le Figaro có bài phóng sự dài mang tiêu đề : "Ở trung tâm bộ máy trừng phạt của Liên Âu". Cỗ máy sản sinh ra các lệnh trừng phạt của Châu Âu chính là ngành Ngoại giao. Bài phóng sự cho thấy cơ chế áp đặt các trừng phạt của EU vận hành ra sao ? Ai là người nắm quyền quyết định ? Hiệu quả các biện pháp trừng phạt Nga ra sao ?
Nợ nần một mặt trận khác ở Ukraine
Mặc dù bị thời sự chính trị bầu cử ở Pháp che lấp, nhưng tình hình Ukraine vẫn được một số báo chú ý tới. Trang kinh tế báo le Figaro có bài "Trận chiến nợ nần, mặt trận tài chính của chiến tranh Ukraine".
Bài báo cho hay, chính phủ Kiev đang đàm phán một thỏa thuận với các chủ nợ tư nhân để cơ cấu lại một phần các khoản vay. Nếu không thỏa hiệp trước tháng 8, Ukraine sẽ rơi vào vỡ nợ.
Tờ báo nhận thấy, trong khi cuộc chiến quân sự tiếp tục diễn ra ác liệt thì một cuộc chiến khác, về tài chính, đang diễn ra trong hậu trường. Chính phủ của Volodymyr Zelensky đang nỗ lực đàm phán với một nhóm các nhà đầu tư nắm giữ khoản nợ khoảng 20 tỷ đô la Mỹ của Ukraine. Khoản nợ này đã được hưởng ân hạn tạm dừng thanh toán, một ngày sau cuộc xâm lược năm 2022, và sẽ hết hạn vào tháng 8 tới. Trong khi vòng đàm phán đầu tiên thất bại, Kiev lại rơi vào cuộc chạy đua với thời gian để cơ cấu lại các khoản nợ nhằm tiếp tục hưởng lợi từ kế hoạch cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Về chủ đề chiến tranh Ukraine, Le Monde có bài phóng sự : "Tại Lviv, đường phố vắng tanh trước các nhà tuyển quân". Bài báo cho thấy ở thành phố lớn phía tây Ukraine này, các đội tuần tra truy lùng những người đàn ông trong độ tuổi đi lính để thay thế những quân nhân đã bị thiệt mạng hoặc bị thương ở mặt trận, đồng thời luân chuyển những người lính kiệt sức sau hai năm rưỡi chiến tranh.
Các cuộc kiểm tra bắt lính đang trở nên phổ biến nhưng không được lòng dân. Một sĩ quan tuyển quân cho phóng viên Le Monde biết, mỗi ngày các cuộc kiểm tra của họ bắt được khoảng 25 đến 30 người trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự nhưng trốn đăng ký. Do sợ hãi, những người trong độ tuổi đi lính đã trốn tránh, nên Lviv giờ đường phố vắng tanh vắng ngắt. Có không ít những người có điều kiện đã bỏ trốn ra nước ngoài, theo Le Monde.
Hàng Trung Quốc tràn ngập các nước phương Nam
Tiếp tục với chủ đề kinh tế. Nhật báo Le Monde có bài viết đáng chú ý : "Trung Quốc tràn ngập cả ở các nước đang trỗi dậy". Le Monde cho thấy, từ Brazil tới Việt Nam, các nước mới trỗi dậy lo ngại làn sóng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong một số lĩnh vực, Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu sang các nước phương Nam. Để bảo vệ nền kinh tế của mình, các nước này đang gia tăng các rào cản hải quan chống lại Bắc Kinh.
Le Monde nhận xét, Trung Quốc đối đầu với phần còn lại của thế giới. Sau Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ, những nước đã áp dụng các rào cản hải quan chống lại việc nhập khẩu xe điện của Trung Quốc, đến lượt các nước mới trỗi dậy lo sợ làn sóng sản phẩm đến từ cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một lĩnh vực đặc biệt thể hiện mối quan tâm của họ, đó là ngành thép.
Do các công trình xây dựng rơi vào tình trạng đình đốn, Trung Quốc, nước chỉ tiêu thụ gần 1/4 nhu cầu thép của thế giới, đang tìm cách bán lượng thép tồn kho của mình ra nước ngoài. Năm 2023, giá thép giảm và xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 33%, khiến Chile, Brazil và Mexico phải ngay lập tức tăng thuế hải quan. Các nước khác như Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá.
Đậu tương, một sản phẩn khác trong tình trạng dư thừa ở Trung Quốc do tiêu thụ thịt lợn giảm, cũng được xuất khẩu ồ ạt. Trong 4 tháng đầu năm 2024, lượng xuất khẩu đạt 600.000 tấn, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023.
Anh Vũ