Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/06/2024

Điểm báo Pháp - Bầu cử Quốc hội Pháp

RFI tiếng Việt

Bầu cử Quốc hội Pháp : Cuộc chiến giành quyền lực xé nát các đảng

Chính trường Pháp tiếp tục sôi sục với các cuộc mặc cả, thỏa thuận liên minh làm các đảng phái từ tả đến hữu chia rẽ, trước thềm cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn là chủ đề phủ kín các báo Pháp ra ngày 14/06/2024.

quochoi0

Bầu cử Quốc hội Pháp 2024 : Cuộc chiến giành quyền lực đang xé nát các đảng truyền thống

Nhật báo Le Figaro dành sự chú ý đến sự kiện tối thứ Năm (13/06), sau nhiều giờ mặc cả căng thẳng, các đảng cánh tả Xã Hội (PS),  Sinh Thái (EELV), Cộng Sản Pháp (PCF) và Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đã tìm được thỏa thuận thành lập được liên minh gọi là Mặt trận Bình dân mới, trong đó đảng cực tả LFI giữ vai trò chủ đạo. Mục đích là để ngăn chặn đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National – RN), nhưng mục tiêu tối thượng là giành quyền lãnh đạo chính phủ. Bởi thế nên cuộc tranh cãi và mặc cả mới trở nên căng thẳng hơn bao giờ, từ trong nội bộ các đảng.

Le Figaro cho hay : Vào đầu buổi tối qua, thỏa thuận cuối cùng đã được ký kết. Phải nói rằng thời gian không còn nhiều. Hạn chót nộp hồ sơ các ứng viên tranh cử là chiều Chủ nhật này. Không giống như liên minh cánh tả Nupes lập nên trong kỷ bầu cử tổng thống 2022, các cuộc thảo luận trở nên khó khăn hơn nhiều khi người người ta nhắm đến chiếc ghế thủ tướng, trong trường hợp liên minh cánh tả này thắng cử.

Jean-Luc Mélenchon, người sáng lập LFI và là một lãnh đạo kỳ cựu của đảng đã tạm rút vào hậu trường, nay bỗng nổi lên, tuyên bố có đủ năng lực để làm thủ tướng, nhưng bị đa số các đảng cánh tả không chấp nhận. Nhân vật số 2 của đảng này François Ruffin, được nhiều phe ủng hộ, cũng tuyên bố sẵn sàng trở thành thủ tướng. Một chiếc ghế thủ tướng chưa có nhưng đã có cuộc chiến mở giữa hai nhân vật trên.

Le Figaro ghi nhận, "Sau thỏa thuận của cánh tả là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa đảng Xã Hội và Nước Pháp Bất Khuất".

Trong khi đó nhật báo thiên tả Libération nhận định : "Thỏa thuận về Mặt trận Bình dân mới : sự giải thoát sau các cuộc thương lượng gay go".

Tham vọng quyền lực xé nát cánh hữu truyền thống

Trong khi đó cuộc chiến tranh giành quyền lực cũng diễn ra không kém phần căng thẳng, với đầy những biến động làm xé nát các đảng với những vụ "đào ngũ", chọn phe cánh, chạy theo đảng cực hữu RN.

Sự kiện được các báo chú ý nhất là chủ tịch đảng cánh hữu truyền thống Những người Cộng hòa (LR), ông Eric Ciotti bị Bộ Chính trị đảng khai trừ  vì đã tự ý liên minh với đảng Tập hợp Dân tộc hôm đầu tuần. Nhưng có điều ông Ciotti đã phản ứng quyết liệt cho rằng quyết định của đảng là bất hợp pháp và kiện ra tòa. Le Figaro chạy tựa : "Bên cánh hữu, cuộc chiến trong đường hào không hồi kết". Libération bình luận qua hàng tựa bài báo : "Bị loại khỏi LR, Eric Ciotti đẩy trò hề đi hơi xa".

Về đảng Phục Hưng (Renaissance) cầm quyền hiện nay, quyết định giải tán Quốc hội để bầu lại của tổng thống là một cú sốc mạnh. Chấp nhận thực tế phũ phàng, giờ là lúc đa số phải định thần lại tổ tập hợp lực lượng lao vào cuộc đua nước rút với hy vọng còn nước còn tát.

Thủ tướng Pháp bị đẩy lên tuyến đầu trong chiến dịch tranh cử. Le Figaro có bài ghi nhận thủ tướng Pháp "Gabriel Attal chỉ huy chiến dịch giữ Matignon (phủ thủ tướng)". Từ hai ngày nay, ông Attal đang ngược xuôi các địa phương cố gắng thuyết phục cử tri về nguy cơ phe cực hữu hay cực tả lên nắm quyền, đồng thời bảo vệ những chương trình dự án của chính phủ Pháp. Trong thế thực sự khó ăn khó nói, đảng cầm quyền đang cố thuyết phục lại những cử tri quá thất vọng với 7 năm cầm quyền của tổng thống Macron, đã rời bỏ Renaissance, mặt khác đa số cũng tìm cách lôi kéo những cử tri của các phe cánh đối lập như LR hay PS đang bị chia rẽ mất phương hướng vì các cuộc đấu đá quyền lực. Le Figaro ghi nhận : Tìm kiếm mở rộng, phe Macron chờ dấu hiệu các phe đối lập "ôn hòa".

Ukraine : Đi tìm một nền hòa bình không thể có

Chuyển sang với thời sự quốc tế. Dù bị sự kiên nội bộ chính trị Pháp lấn át. Hồ sơ chiến tranh Ukraine vẫn được nhiều báo quan tâm. Trang nhất của La Croix chạy tựa : "Ukraine : Một nền hòa bình quá xa vời" để đề cập hội nghị quốc tế về hòa bình tại Ukraine diễn ra tại thủ đô Berne của Thụy Sĩ.

Trong hai hai ngày 15 và 16/06/2024, Thụy Sĩ đón đại diện của 90 quốc gia và tổ chức đến thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng "hội nghị cấp cao về hòa bình ở Ukraine" đầu tiên này sẽ diễn ra mà không có sự hiện diện của Nga, Trung Quốc và Brazil.

Theo La Croix, nước chủ nhà Thụy Sĩ muốn tránh biến cuộc họp thành hội nghị thượng đỉnh về Ukraine và hội nghị chống Nga. Thực tế, các nhà tổ chức không dự trù ký kết được văn kiện nào sau các cuộc thảo luận mà chỉ hy vọng đặt ra một lộ trình, một khuôn khổ để định hướng cho các cuộc đàm phán từng phần trong tương lai. Cụ thể, những người tham gia hội nghị sẽ làm việc về an ninh lương thực, tự do hàng hải ở Biển Đen, an ninh của các nhà máy điện hạt nhân, rà phá bom mìn và thậm chí cả trao đổi tù nhân. Theo các nhà ngoại giao, vấn đề là tìm ra những điểm gần nhau để tạo ra niềm tin hướng tới một tiến trình hòa bình. Có điều, đến giờ lập trường giữa hai nước quá đối lập nhau khiến cho khó có thể thấy được những nhượng bộ.

Kiev vẫn giữ các nội dung mà họ đã đề xuất từ năm 2022 : Nga rút quân, tái lập toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, lập một tòa án quốc tế xét xử tối ác chiến tranh của Nga, thiết lập một cơ chế quốc tế bảo vệ an ninh cho Ukraine, cũng như an ninh lương thực và hạt nhân... Nhưng trên thực tế, theo La Croix, viễn cảnh đàm phán hòa bình bế tắc đơn giản chỉ vì những đòi hỏi của Nga hoàn toàn trái ngược. Nga khẳng định sẵn sàng thương lượng, nhưng với điều kiện, Ukraine thừa nhận "những thực trạng lãnh thổ hiện nay. Đó là điều Kiev không bao giờ chấp nhận. Ngoài ra, tổng thống Putin đã tỏ cho thấy ông ta không thấy có lý do gì để thương lượng vì Nga đang trên thế mạnh.

La Croix nhận định Hội nghị cấp cao ở Thụy Sĩ này trước hết với Ukraine là để thể hiện họ có sự ủng hộ rông rãi của các quốc gia Nam bán cầu, không chỉ có các nước phương Tây. Số lượng nước tham gia và đại diện cấp cao càng nhiều thì hoạt động sẽ càng thành công. Ngược lại, Nga đang cố gắng can ngăn các nước khác tham gia hội nghị thượng đỉnh này càng nhiều càng tốt.

Về sự kiên này nhật báo Les Echos ghi nhận "Ukraine : hội nghị thượng đỉnh hòa bình tối giản được tổ chức tại Thụy Sĩ". Tờ báo nhận xét, trên lý thuyết, hội nghị có thể coi như là một bước đi đầu tiên tiến tới hòa bình tại Ukraine, nhưng "một hội nghị hòa bình mà không có sự tham gia của một trong hai bên tham chiến thì ít cơ cơ may phác họa được chấm dứt  chiến tranh ".

Liên Âu tuyên chiến với xe điện Trung Quốc

Trang kinh tế của Le Monde chạy tựa : Xe hơi Trung Quốc dưới sức ép của Liên Hiệp Châu Âu. Tờ báo trở lại sự kiện hôm 12/06 vừa rồi  Ủy ban Châu Âu quyết định áp thuế 48% đối với vào xe hơi điện Trung Quốc nhập khẩu, thay cho mức thuế 10% trước đây.

Quyết định này của Bruxelles là dưới áp lực của Paris được cho là đã chín mùi. Tuy nhiên, thủ tướng Đức Olaf Scholz lại lo ngại Bắc Kinh sẽ trả đũa và như vậy sẽ có hậu quả đối với ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh của Đức. Đức không phải là nước duy nhất lo lắng về hậu quả của việc tăng thuế hải quan đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào châu Âu. Thụy Điển, nước có tập đoàn Volvo, cũng bày tỏ mối lo ngại với Bruxelles. Còn Hungary của thủ tướng Viktor Orban, nước đang tìm cách thu hút đầu tư của Trung Quốc vào đất của mình trong đó có lĩnh vực xe hơi điện, cũng phản đối điều đó.

Bắc Kinh dọa sẽ đáp trả đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp có thể để dàn xếp. Le Monde cho biết thêm, ngày càng nhiều quốc gia quyết định tự bảo vệ mình và tăng thuế hải quan đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Brazil, cho đến nay vẫn miễn thuế, đã quyết định đánh thuế 18% vào tháng 7/2024, sau đó là 35% vào năm 2026. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo hôm 8 tháng 6 rằng xe hơi điện Trung QUốc sẽ phải chịu mức thuế 40%. Ấn Độ, tùy theo mẫu mã, đánh thuế từ 70% đến 100%.

EURO 2024 khai cuộc

Hôm nay, tại Đức Vòng chung kết giải vô địch bóng đá Châu Âu EURO 2024 khai mạc tại Đức. Sự kiện được hầu hết các báo đăng tải với nhiều góc độ khác nhau. Le Figaro tại sân vận động Allianz Arena tại ở Munich, vào lúc 9 giờ tối, trái bóng EURO 2024 bắt đầu lăn với trận khai mạc giữa Đức và  Scotland. Người hâm mộ sẽ có một tháng sống trong không khí bóng đá với những cảm xúc khác nhau. 24 quốc gia, 46 trận đấu để tìm ra một đội chiến thắng duy nhất, được mong đợi được biết đến vào ngày 14 tháng 7 trên sân  Olympiastadion ở Berlin.

La Croix gắn EURO với  vấn đễ xã hội Pháp với tiêu đề "xã hội rạn nứt tìm kiếm cơ hội đồng cảm". Theo bài báo, trong một bối cảnh chính trị căng thẳng, người dân Pháp đang chuẩn bị bước vào một mùa hè thể thao, bắt đầu là EURO 2024. Tờ báo trích dẫn nhiều nhà xã hội học, đều nhất trí cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt nhất để xã hội Pháp đang bị chia rẽ để có thể được hàn gắn.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì nhất ghi nhận : "EURO : Cỗ máy in tiền của UEFA nhưng mang lại cho nước Đức không bao nhiêu".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 136 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)