Nước Pháp đi về đâu sau bầu cử Quốc hội vòng hai ?
Hồ sơ của tất cả tuần báo đều dành cho kỳ bầu cử Quốc hội vòng hai ngày 07/07/2024 quyết định tương lai nước Pháp.
Người đi đường cạnh một bảng thông tin cổ động cho cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ở Paris ngày 06/07/2024. Reuters - Kevin Coombs
L’Express đăng chân dung tổng thống Emmanuel Macron với dòng tít lớn ngắn gọn "Sai lầm". Cũng chạy tít lớn hơn thường lệ, Le Nouvel Obs kêu gọi "Hãy tránh điều tệ hại nhất", đó là cực hữu lên nắm quyền, đồng thời nói đến những thách thức của mặt trận cộng hòa.
Le Point ra số đặc biệt về "Ngày hôm sau", dự báo "Nước Pháp ngày 8 tháng Bảy" với ảnh chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) Jordan Bardella có kích thước lớn nhất, rồi đến thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon và nhỏ nhất là tổng thống Emmanuel Macron.
Courrier International tập hợp các bài viết "Nhìn từ nước ngoài : Nếu RN được cầm quyền…" : Báo chí các nước lo sợ toàn bộ mô hình Pháp sẽ bị đe dọa, từ các định chế cho đến văn hóa, và Châu Âu trở nên dễ tổn thương.
80 năm sau khi thoát phát-xít, Pháp lại rơi vào tay cực hữu ?
Xã luận của Le Nouvel Obs kêu gọi "Tập hợp vì nền cộng hòa" và nhắc lại, hồi năm 1940, dưới áp lực của quân Đức chiếm đóng, chỉ có 80 dân biểu từ chối trao trọn quyền lực cho chính phủ cực hữu duy nhất trong lịch sử Pháp. Hơn 80 năm sau, bối cảnh khác hẳn nhưng nước Pháp lại phải đối mặt với mối nguy hiểm lớn nhất kể từ khi Paris được giải phóng : cực hữu lại ngấp nghé giành quyền. Mỗi một lá phiếu đều quý giá, khi chương trình của Tập Hợp Dân Tộc (RN) hoàn toàn đi ngược lại các giá trị của nền cộng hòa, đe dọa sự hòa hợp quốc gia, cổ vũ bài ngoại ở cấp Nhà nước và chia rẽ công dân một cách nguy hiểm.
Nếu nắm được quyền lực, lớp vẹc-ni bình thường hóa sẽ nhanh chóng rạn vỡ, như cuộc tranh cãi về song tịch đã chứng tỏ. Pháp trở thành chế độ phi tự do, một thảm họa cho đất nước cũng như cho Châu Âu. Trước nguy cơ này, mọi người cần có trách nhiệm. Tuần báo thiên tả cho rằng vấn đề không phải là chọn lựa giữa "dịch hạch LFI và dịch tả RN", mà làm mọi cách để ngăn cản cực hữu chiếm được đa số tuyệt đối. Không phải các chính khách mà cử tri cánh trung và cánh hữu ôn hòa mới là chiếc chìa khóa thực sự của cuộc bầu cử.
Các đảng cực đoan cả tả lẫn hữu gây lo sợ
Tuần báo thiên hữu Le Point gọi trận đấu giữa Tập Hợp Dân Tộc (RN) và Nước Pháp Bất Khuất (LFI) là "Cuộc chiến của nỗi sợ". Ông Emmanuel Macron làm nhớ lại câu nói của nữ bá tước Barry khi lên đoạn đầu đài hồi năm 1793 "Xin chờ một chút, thưa ông đao phủ !", hàm ý về việc ngay sau vòng một Macron quay sang cánh tả để cố gắng ngăn cản cực hữu.
RN đang bắt rễ lâu dài trên cả nước, và hơn nữa còn được hưởng lợi nhờ việc chối từ LFI, động cơ của Mặt trận Bình dân Mới. Thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon vào buổi tối khi có kết quả vòng một đã xuất hiện với một nhân vật mang khăn choàng Palestine, rồi tham gia một cuộc biểu tình chống cực hữu nhưng kêu gọi… hủy diệt Israel. Ủng hộ khủng bố và bài Do Thái nay trở thành chiêu bài tranh cử trên đất nước của nhân quyền chăng ? Những trí thức cánh tả đã bỏ rơi giai cấp công nhân cho RN để hướng về tầng lớp trẻ đô thị. Tại sao lại để cho cực tả đóng vai người bảo vệ nền dân chủ ?
Triết gia Bernard-Henri Lévy cho rằng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đã lộ mặt. Những nhân vật của đảng Xã Hội, Sinh Thái và nhiều đảng cánh tả không hình dung rằng đã bị một "giáo phái" nuốt chửng. Một ngày nào đó họ sẽ hiểu rằng chiến lược gây hỗn loạn không phải là thành lũy mà là sức bật cho cực hữu.
Tác giả lưu ý, không cần lý luận xa xôi, từ khi có kết quả vòng một ngày 01/07, chỉ còn vỏn vẹn sáu ngày để nhớ lại những sự việc giản đơn và cụ thể. Đảng cực hữu đã từng bị Tòa phá án kết luận "lừa đảo" trong vụ thổi giá các phương tiện tranh cử như truyền đơn, áp-phích hồi năm 2012 và một số vụ khác, cho thấy có thể đây là đảng tham nhũng nhất. Cương lĩnh của đảng này sẽ cô lập nước Pháp tại Châu Âu, kinh tế sa sút và những người nghèo nhất càng dễ bị tổn thương. Jordan Bardella và Marine Le Pen có các cố vấn truyền thông từng làm việc cho cha con nhà độc tài Assad, phục vụ cho Vladimir Putin.
Kỳ thị song tịch ? Nhiều tên tuổi đã mang lại vinh quang cho Pháp
L’Express cũng có "Vài lời nhắc nhở hữu ích trước khi bỏ phiếu vòng hai". Ông Emmanuel Macron khi "nhấn nút giải tán" Quốc hội đã dẫn đến việc xóa bỏ chính phong trào của mình. Phe Macron hấp hối, nhưng các phe cực đoan trở nên sung sức, trước hết là RN. Vấn đề còn lại là những cử tri mà ứng cử viên của mình trong vòng đầu không còn hiện diện, sẽ phải chọn lựa giữa "người đáng ghét và người ít bị ghét hơn". Tuần báo không cổ vũ bầu cho ai, nhưng có một số ghi nhận.
Trước hết là một số tên tuổi trong vô số cái tên : nhà bác học Marie Curie, ca sĩ Charles Aznavour, giải Nobel văn chương Cao Hành Kiện… và cả Françoise Giroud, người đồng sáng lập tuần báo đều sinh ở nước ngoài và nhập tịch Pháp sau này. Thật đáng xấu hổ khi gieo rắc nghi ngờ lên những công dân song tịch.
Điều đáng tiếc là câu thần chú "It’s the economy, stupid !" không mấy tác động tại Pháp, khi kế hoạch của cực tả và cực hữu đều là cơn ác mộng cho nền tài chánh đất nước. Cuối cùng, một nước Pháp ngày 26/07 sẽ như thế nào trước cặp mắt của toàn thế giới khi Thế vận hội Paris khai mạc ? Số 10 triệu cử tri của RN trong vòng một đã trả lời, 40 triệu còn lại vẫn chưa thể đoán được.
Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Pháp bỏ lỡ cuộc hẹn với lịch sử
Vào lúc Volodymyr Zelensky, tổng thống của một quốc gia hàng ngày bị quân Nga tấn công, trình bày một kế hoạch hòa bình, mai này sự hỗ trợ cho Kiev có tiếp tục ? Chưa chi phe dân túy đã tác hại đến ảnh hưởng của nước Pháp trên trường quốc tế.
L’Express cho rằng "Emmanuel Macron đã lỗi hẹn với lịch sử". Marine Le Pen bác bỏ sự độc quyền của tổng thống về đối ngoại, cuộc tranh cãi này gây lo ngại cho Kiev – nạn nhân liên đới của bầu cử Pháp.Rời bỏ giấc mơ Mirage 2000 được Elysée thông báo hôm 06/06, và tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu ?
Trong trường hợp lạc quan nhất, một thủ tướng cực hữu sẽ giữ khoảng cách với cuộc chiến, và Pháp sẽ không áp đặt được một chính sách mạnh mẽ cho Châu Âu. Điều này là đáng tiếc vì lẽ ra Paris có thể trở thành trung tâm khi ngoại giao Đức đang yếu kém. Macron đã bỏ lỡ cuộc hẹn với lịch sử, và Ukraine có nguy cơ mất đi đồng minh Châu Âu quý giá nhất.
"Macron đánh bạc và bị thua mất nền cộng hòa"
Courrier International tóm lược phản ứng quốc tế thông qua báo chí các nước. "Khi điều bất khả trở thành khả thi" - Tít chính của The Guardian hôm thứ Ba 02/07 thể hiện cảm giác chung của truyền thông ngoại quốc sau vòng một. Nhiều tờ báo, trong đó có El País, La Repubblica, Financial Times kêu gọi tái lập một mặt trận chống cực hữu. Các láng giềng Châu Âu cũng như Hoa Kỳ, Úc và cả ở Singapore đều chú tâm theo dõi, vì hậu quả bầu cử Quốc hội kỳ này vượt quá biên giới nước Pháp. Trang web Guanchazhe ở Thượng Hải cho rằng "có thể tai hại nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến" đối với Pháp đồng thời gây bất ổn cho Liên Hiệp Châu Âu, NATO và phương Tây. Le Temps lo ngại nước Pháp rời xa giá trị nhân bản, New York Times cho rằng tổng thống Macron khi giải tán Quốc hội đã giải thể luôn cả đảng của mình.
Báo Đức Die Tageszeitung chạy tít "Macron đánh bạc và thua mất nền cộng hòa". Nhật báo Ý Libero gọi tổng thống Pháp là "Micron", như một cách nhấn mạnh đến số phiếu ít ỏi của đảng cầm quyền. Nhưng báo chí ngoại quốc quan tâm nhất đến những gì sẽ diễn ra nếu Jordan Bardella trở thành thủ tướng. Frankfurter Allgemeine Zeitung ngao ngán sau khi mổ xẻ kế hoạch của RN về văn hóa, Washington Post dự báo kết quả sẽ là lời cảnh báo cho nhiều nước Châu Âu. Vì đâu nên nỗi ? Die Zeit tìm hiểu nơi các cử tri của RN, "những tâm hồn bị tổn thương". Le Temps chỉ biết hy vọng vào một sự tỉnh thức, một sự sát cánh "không phải được xây dựng trên cái nền phẫn nộ".
Pháp không thể tự cho phép phiêu lưu kinh tế
Thử phác họa về một "Nước Pháp ngày 08/07", Le Point cho rằng dù kết quả bầu cử vòng hai như thế nào đi nữa, Pháp sẽ chia rẽ hơn và yếu đi trước những mối đe dọa. Chỉ có hai khả năng : một đa số tuyệt đối hoặc hầu như tuyệt đối cho cực hữu, hay một Quốc hội không thể điều khiển. Và cả hai mở ra một thời kỳ "sống chung" kỳ lạ giữa một tổng thống cô đơn và một chính phủ mà tính chính danh dựa vào Quốc hội thuộc phe khác. Pháp rơi vào một kỷ nguyên bất định và đầy rủi ro.
Một nước Pháp nợ nần không còn kiểm soát được ngân sách sẽ ở bên bờ vực khủng hoảng tài chánh, trong khi các tranh luận tập trung vào những khoản chi thêm : 1% GDP đối với phe Macron, 3% với RN và 6% với Mặt trận Bình dân Mới (NFP). Không một vấn đề quan trọng nào được được các phe muốn xử lý đến cùng, từ việc hiện đại hóa bộ máy sản xuất, tái cân bằng ngân sách, củng cố dịch vụ công, ổn định trật tự. Từ tìm lại chủ quyền kinh tế trong một thế giới đầy xung đột, đến tái vũ trang trước mối đe dọa từ Nga và khả năng Donald Trump tái đắc cử khiến an ninh Châu Âu có nguy cơ không còn được bảo đảm.
Ngược với thời Mitterrand, nước Pháp không còn thế mạnh như năm 1981, để có thể trắc nghiệm một chính sách cực đoan dẫn đến thất bại kinh tế. Hồi đó nền kinh tế rất năng động, tăng trưởng hàng năm là 3 %, thâm hụt 1,1%, nợ công chiếm 16,7% GDP, tổng thống François Mitterand lại còn mạnh tay quốc hữu hóa một số công ty lớn. Còn bây giờ hủ tướng mới sẽ đối mặt với tăng trưởng bằng không, hiệu năng giảm, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách 5,5%, nợ công lên đến 110,7% GDP. Một đất nước bị đe dọa bởi bạo động, tấn công khủng bố vào lúc còn ba tuần nữa khai mạc Thế vận hội Paris 2024. Một đất nước bị thị trường tài chánh theo dõi chặt chẽ, có thể bị trừng phạt vì thâm thủng quá lớn.
Một số lý do giúp tương đối lạc quan
Tuy nhiên theo Le Point trong cảnh hoang tàn này, người Pháp cũng không nên tuyệt vọng. Trước hết vẫn có những bất ngờ trong các cuộc bỏ phiếu. Cử tri phải cân nhắc, liệu có thể trao đa số tuyệt đối cho cực hữu hay không ? Dù sao đi nữa nếu RN lên cầm quyền cũng phải tính đến những lực lượng kềm chế ở Thượng Viện, Hội đồng Bảo hiến, Liên Hiệp Châu Âu, thị trường chứng khoán ; và đặc biệt nếu không có đa số tuyệt đối.
Tiếp đến, nếu không phe nào chiếm đa số, các lực lượng chính trị ôn hòa và xã hội dân sự có thể tác động. Pháp không phải là Hoa Kỳ với 50 bang và sức sống xã hội có thể bù đắp cho những sai sót ở Washington, cũng không phải là Ý với chế độ nghị viện giúp thắng bớt phe cực đoan, không là Bỉ - hoạt động tốt hơn khi không có chính phủ. Không thể để rơi vào bế tắc trong thời kỳ quan trọng của lịch sử. Cuối cùng, việc người Pháp lại tham gia ồ ạt vào đời sống chính trị trong cuộc bầu cử Quốc hội 2024, cho thấy ý thức của họ trước hiện tình đất nước.
Để lưu danh lịch sử, Biden nên rút lui
Nhìn sang bên kia Đại Tây Dương, L’Express cho rằng "Vì lợi ích của Hoa Kỳ và phương Tây, ông Joe Biden nên rút lui". Vì đã đánh bại được Donald Trump năm 2020, Biden tin rằng mình là người duy nhất có thể chiến thắng vào ngày 05/11. Cuộc tranh luận hôm 26/06 cho thấy ngược lại, tình trạng thể chất và tinh thần của ông đã mang lại lợi thế cho đối thủ.
Năm 2024 không phải như 2020 : cả hai ứng cử viên đều đã già đi nhất là Biden, và Nhà Trắng phải đối phó với hai cuộc chiến tranh, ở Ukraine và Trung Đông. Biden nên nhường cho một thế hệ mới, nhưng phải thật nhanh, vì đại hội đảng Dân Chủ sắp diễn ra ngày 19 đến 22/08. Một khuôn mặt ứng cử viên mới là giả thiết mà phe ông Trump đang lo ngại.
Tình cảnh Nhà Trắng hiện nay gợi nhớ đến điện Kremlin đầu thập niên 80 khi lớp già ngự trị : trong vòng chưa đầy hai năm rưỡi ba tổng bí thư lần lượt qua đời (Brejnev, Andropov, Tchernenko), ảnh hưởng đến uy tín của Liên Xô. Ngày nay là hình ảnh của nước Mỹ và liên đới là các đồng mình, bị yếu đi trước vở kịch Trump-Biden. Hồi tháng 3/1964, trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, tổng thống Lyndon B. Johnson đã gây bất ngờ khi thông báo sẽ không tái tranh cử, và chỉ số tín nhiệm của ông đã tăng vọt một cách ngoạn mục. Để lưu lại trong lịch sử như một tổng thống quá độ can đảm, Joe Biden cần theo gương ông Johnson, vì lợi ích của chính ông và của tất cả.
Ra đi trước buổi hoàng hôn của cuộc đời
The Economist chạy tít "Vì sao ông Biden nên rút lui", và nhận xét cả một thế hệ đã thống trị chính trường Mỹ từ hơn 30 năm qua. Khi Barack Obama - sinh vào thập niên 60 - trở thành tổng thống năm 2009, người ta ngỡ rằng một thời kỳ mới đã mở ra, nhưng rốt cuộc không phải là một sự đoạn tuyệt với quá khứ. Hai tổng thống sau đó, Donald Trump và Joe Biden đều sinh trong thập niên 40, và một trong hai sẽ còn tiếp tục trị vì thêm bốn năm nữa.
Trong số các nước giàu, Hoa Kỳ tương đối trẻ : 333 triệu dân có độ tuổi trung bình là 38,8, trẻ hơn Anh, Đức, Nhật Bản và cả nếu so với Trung Quốc, Cuba, Thái Lan. Đa số chủ công ty khoảng 50 tuổi, và tuổi bình quân của giới siêu giàu đang giảm xuống. Thế nhưng chính giới Mỹ là già hơn hẳn mức bình thường, và người dân Mỹ cũng quan tâm đến chính trị nhiều hơn dù lớn tuổi : hơn 3/4 ủng hộ một chính đảng nào đó.
Lịch sử, khoa học đều cho thấy ngay cả những nhà lãnh đạo vĩ đại khi già đi cũng mất phần nào dấu ấn. Năm 1953, trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai, Winston Churchill bị tai biến mạch máu não sau bữa tối, nhưng không ai để ý đến việc ông nói chuyện khó khăn hơn vì Churchill thường uống rượu. Trong nhiều tuần lễ sau đó, Churchill không thể điều hành đất nước, con rể và thư ký riêng của ông làm thay nhưng người dân không hay biết. Còn nhiều trường hợp khác, tình trạng sức khỏe kém vì tuổi già của nhà lãnh đạo được giấu kín. The Economist kết luận, từ George Washington đến Nelson Mandela, lịch sử luôn mỉm cười với các nguyên thủ biết ra đi đúng lúc.
Thụy My