Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/06/2022

Điểm báo Pháp - NATO biểu dương sức mạnh và đoàn kết

RFI tiếng Việt

NATO biểu dương sức mạnh và đoàn kết trước Nga

Ngay sau G7 tại Đức đến thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, chính phủ Pháp chạy đua với thời gian tìm kiếm thỏa hiệp, để có được một nội các đa đảng phái sau thất bại tuyển cử không chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội, đó là những thông tin chính của các báo ra ngày hôm nay.

nato1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo trước một hội nghị thượng đỉnh NATO Bruxelles, ngày 22/03/2022.  AP - Olivier Matthys

Không khí chiến tranh bao trùm trang bìa nhật báo Le Figaro với tựa chính : "Đương đầu với Nga, NATO trong hội đồng chiến tranh". Tờ báo cho hay, thượng đỉnh của Liên Minh phương Tây họp tại Madrid từ hôm nay 28/06 đến 30/6 sẽ quyết định "tăng cường khả năng quân sự trước một kẻ thù không còn trong giả định nữa".

NATO tái vũ trang 

Bốn tháng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cuộc họp của Liên Minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tại Madrid hôm nay sẽ bàn khả năng triển khai đến 300 nghìn quân tại Châu Âu. Tờ báo ghi nhận : Sau nhiều năm hòa bình tại Châu Âu, chỉ tham gia xử lý một số cuộc khủng hoảng quốc tế, vấn đề "phòng vệ tập thể" lại trở thành sứ mệnh chính của NATO. Tờ báo trích dẫn bà Rachel Ellehuus, đại diện của bộ Quốc Phòng Mỹ tại Liên minh nhấn mạnh rằng giờ đây, "nhiều nước thành viên đang lo lắng về an ninh của mình" và NATO phải có khả năng thực thi điều 5 của Hiệp ước, khi cần thiết. Điều 5 đó cho phép Liên minh đáp trả tập thể khi một nước thành viên bị tấn công. Theo bài báo, cách đây 12 năm, NATO đã từng coi Nga như là  "một đối tác chiến lược", giờ đây tại Tây Ban Nha, 30 nước thành viên Liên minh buộc phải nhìn nhận Moskva như là "mối đe dọa trực tiếp và ngay tức thì" đối với an ninh của mình.

Từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ba Lan và các nước vùng Baltic. Lần này khi nổ ra cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, NATO thấy cần thiết phải tăng cường hơn nữa lực lượng ở sườn đông Châu Âu.

Xã luận của tờ báo ghi nhận : "Các nước ở sườn đông đã được phương Tây tăng viện ồ ạt, trong khi đó  2 ứng viên mới đang có mặt ở cửa vào NATO. Ba mươi nước thành viên Liên Minh đã kết thành một khối sau Ukraine, cung cấp cho nước này các loại vũ khí ngày càng hiện đại hơn, thề làm thất bại hành động thô bạo của Nga… Nhưng NATO cũng không giấu được những bất đồng có thể dẫn đến rạn nứt đoàn kết". Tờ báo chỉ ra những yếu tố gây chia rẽ Liên Minh :Thứ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với ý đồ và tính toán riêng của mình. Thứ hai là việc cung cấp vũ khí cho Ukraine không biết bao nhiêu cho đủ, trong lúc mà trên mặt trận miền Đông, Ukraine đang ở thế thua.

Thử thách của chiến tranh

Tuy nhiên theo Le Figaro, cứ đà rải thảm bom đạn như bây giờ, Nga cũng đang tới gần giới hạn khả năng của họ. Đến mùa thu tới đây, nhờ vũ khí phương Tây, Ukraine có thể sẽ đủ khả năng phản công.

Nhưng từ giờ đến khi đó phải chống chọi lại được thử thách của chiến tranh cùng những hậu quả. Lạm phát, khan hiếm lương thực, giá năng lượng đang là mối lo của tất cả các chính phủ phương Tây. Vladimir Putin đang đánh cược vào sự mệt mỏi và chia rẽ của phương Tây. Bây giờ là lúc phép thử của sự chịu đựng giữa ông ta và chúng ta (phương Tây), Le Figaro kết luận. 

Cùng chung với góc nhìn này của Le Figaro, nhật báo le Monde có bài phân tích "Putin đặt cược vào suy giảm hậu thuẫn của các nước phương Tây với Kiev". Bài báo nhận thấy, trong cuộc chiến tranh phi nghĩa này, ông Vladimir Putin còn có một đồng minh khác là thời gian, lãnh đạo Nga tin là thời gian sẽ làm suy yếu quyết tâm của các nước Châu Âu và Mỹ.

Nếu cuộc chiến tranh kéo dài nữa, các nước phương Tây sẽ rơi vào thế kẹt, giữa một bên là quyết tâm ủng hộ Kiev nhân danh luật pháp và các giá trị, và một bên là cuộc khủng hoảng dưới đủ hình thức đang hiển hiện, có nguy cơ gây suy thoái kinh tế. 

Vẫn theo Le Figaro, trong một cuộc họp với Mỹ, Pháp đã nhấn mạnh NATO không nên coi Trung Quốc là đối thủ của mình. Nhưng Washington không từ bỏ mối quan tâm chiến lược của mình. Chính vì thế mà lần đầu tiên một loạt các nước Châu Á gồm Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản được mời dự thượng đỉnh lần này của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ gây nhiễu

Một chủ đề khác khá nhạy cảm trong chương trình của cuộc họp Liên Minh là việc mở rộng NATO, trước đơn xin gia nhập Liên Minh của Phần Lan và Thụy Điển tháng trước.

Từ đó đến giờ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phong tỏa lối vào của hai nước để tìm kiếm một sự nhượng bộ của các đồng minh cho vấn đề "an ninh" của riêng mình. Các cuộc thương lượng với Ankara vẫn đang tiếp tục. Về chủ đề này, nhật báo Le Monde có bài : "NATO : Trò chơi mập mờ của Erdogan". Tờ báo cho thấy, trong lúc uy tín cá nhân và đảng AKP của mình ở trong nước đang xuống thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận trong nước, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhằm vào hoạt động đối ngoại bằng cách lên gân với các đồng minh trong vấn đề mở rộng Liên Minh.

Tờ báo điểm lại : "Căng thẳng với Hy Lạp, đe dọa lại tấn công vào miền bắc Syria, chơi trò nước đôi với Nga, không chịu chấp nhận để Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, với những động thái như vậy, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan tiếp tục đóng vai kẻ gây nhiễu bằng cách lên gân với các đồng minh".

Trong bài xã luận mang tiêu đề "NATO đối mặt với sự bắt bí của Thổ Nhĩ Kỳ", Le Monde nhận định : "những giá trị được Erdogan rao giảng không giống gì với những giá trị của NATO, cách thức lãnh đạo của ông ta ngày càng giống cách của Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Đó là bịt miệng xã hội dân sự, Quốc hội bù nhìn và điều khiển tư pháp…".

Pháp : Đa số cầm quyền chạy đua với thời gian tìm thỏa hiệp

Về thời sự nội tình nước Pháp, Le Monde ghi nhận tuần này là tuần chủ chốt của đa số cầm quyền. Tờ báo dành nhiều nhiều trang bài đề cập đến cuộc đấu để giành các chức vụ chiến lược đang mở ra ở Quốc hội giữa các đảng đối lập và đa số cầm quyền. Cũng trong tuần này thủ tướng Elisabeth Borne được tổng thống giao nhiệm vụ phải tìm được sự ủng hộ cho liên minh cầm quyền để thành lập được "chính phủ hành động mới", sau khi các đề nghị mở rộng thành phần cho một chính phủ liên minh dân tộc bị các đảng bác bỏ.  Bà thủ tướng sẽ phải tiếp xúc, thương lượng, mặc cả với chủ tịch các nhóm nghị sĩ đối lập ở Quốc hội.

Các báo đều có chung nhận định đây là một nhiệm vụ vừa gấp gáp và hết sức khó khăn.  Như nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos : Nhiệm vụ bất khả thi của Elisabeth Borne. Bên cạnh đó các báo cũng có chung ghi nhận về một thách thức khác cho thủ tướng Pháp đó là làm sao cải thiện được sức mua, mối quan tâm hàng đầu của người dân Pháp hiện nay trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, khủng hoảng năng lượng. Đây cũng là trắc nghiệm đầu tiên cho chính phủ mới của Pháp. Tuần tới chính phủ phải trình bày một gói giải pháp nhằm giảm sốc lạm phát cho người dân.

An ninh cho Olympic 2024 gây lo ngại

Vẫn liên quan đến nước Pháp về vấn đề an ninh xã hội, Le Figaro có bài cho biết : 6 trên 10 người Pháp tỏ hoài nghi về vấn đề an ninh cho Thế Vận Hội mùa hè 2024. Sau vụ hỗn loạn bạo lực nghiêm trọng ở sân vận động Stade de France hôm 28/05 trước trận chung kết cúp bóng đá Châu Âu Champions League, dư luận báo chí Pháp đã tốn không ít giấy mực để nói về một thất bại của chính quyền và các nhà tổ chức trong việc kiểm soát an ninh cho sự kiện. Thất bại này là bài học quan trọng cho chính quyền, khi mà nước Pháp sắp tới sẽ đón nhiều sự kiện thể thao quy mô thế giới : năm 2023 là Cúp thể giới rugby, năm 2024, Paris sẽ đón kỳ Thế Vận Hội mùa hè.  Theo thăm dò dư luận của Viện Fiducial/Odoxa cho Le Figaro, đa số người dân Pháp không tin chính quyền có khả năng bảo vệ an ninh cho các sự kiện thể thao lớn như Cúp thế giới rugby và Thế Vận Hội 2024.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 309 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)