Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/07/2022

Điểm báo Pháp - Nga dùng vũ khí cấm đối phó với pháo phương Tây

RFI tiếng Việt

Ukraine : Nga dùng vũ khí cấm đối phó với pháo phương Tây

Bực tức khi thấy pháo binh Ukraine đang dần có được những khẩu pháo tân tiến hơn, quân Nga ngày càng dùng nhiều loại đạn gây cháy, tạo ra nhiệt độ có khi lên đến 2.000°C bao trùm nhiều ngàn mét vuông, hủy diệt mọi thiết bị quân sự.

phao1

Các chiến sĩ Ukraine sử dụng một khẩu đại pháo M777 ở gần tiền tuyến, trong khi Nga tiếp tục tấn công tại vùng Donetsk ngày 06/06/2022. REUTERS - STRINGER

Đề cập đến nhiều đề tài khác nhau trên trang nhất, nhưng tình hình Ukraine vẫn không thể thiếu trên báo chí Pháp hôm nay, với nhiều bài phóng sự tại chỗ.

Pháo thủ đôi bên và trò mèo vờn chuột

Đặc phái viên Le Monde mô tả tình trạng mặt đối mặt của các pháo thủ ở Kryvy Rih ở miền nam Ukraine, đôi bên như chơi trò mèo bắt chuột.

Hai nhóm binh sĩ Ukraine mỗi nhóm có 9 người, phụ trách hai khẩu đại pháo M777 của Mỹ vừa được hai xe tải KrAZ kéo đến, bố trí bên bìa rừng để tránh sự quan sát của drone địch. Loại vũ khí mà Ukraine hết sức cần luôn là mục tiêu ưu tiên của đại bác tầm xa từ phía quân Nga.

Sĩ quan chỉ huy cho biết những khẩu đại pháo này đã được chờ đợi từ lâu. Đây là hai khẩu M777 đã phục vụ ở chiến trường Afghanistan, họ đang thiếu loại dầu đặc biệt để bảo trì nhưng vẫn cố gắng xoay sở. Các quân nhân đã được học cách sử dụng trong năm ngày tại Litva. Họ đã dùng để đẩy lui quân Nga tại Izium và nay được điều đến đây. Phía Nga đã cảm thấy sự khác biệt một khi đối mặt với M777 : các quả pháo của Ukraine bỗng tấn công xa hơn và chính xác hơn so với những khẩu đại bác thời Liên Xô cũ.

Tại vùng đất nằm giữa Dnipropetrovsk và Kherson, tiền tuyến dài khoảng 220 km, pháo binh đóng vai trò chủ chốt và thường xuyên đổi vai cho nhau. Khi pháo của Ukraine bắn đi, vị trí của họ lập tức bị radar Nga dò được, trở thành "chuột", cho đến khi pháo Nga đáp trả và đến lượt Nga đóng vai "chuột" bị "mèo" săn đuổi. Một trung sĩ cho biết họ có 5 đến 10 phút trước khi hỏa lực địch ập xuống. Bắn xong 5 phát đạn là phải rút đi vì quân Nga sẽ đáp trả với Giatsint (đại bác có tầm bắn 30-40 km) hay rốc-kết (30-90 km).

Tức tối vì pháo phương Tây của Ukraine, Nga dùng đến vũ khí cấm

Trên mặt trận Kherson, đôi bên ngang sức nhưng Ukraine thiếu vũ khí nặng để phản công. Vì phải lắp đặt và gắn với xe tải có rờ-moọc, các khẩu M777 ít cơ động hơn so với các khẩu pháo tự hành Caesar của Pháp. Caesar có thể đến gần vị trí địch 5 km thay vì 25 km như M777, để nhắm vào các mục tiêu cụ thể như sở chỉ huy, kho đạn, vị trí pháo thủ.

Tại một địa điểm khác cách nơi đóng quân của Nga chưa đầy 5 km, các chiến binh Ukraine chỉ có những vũ khí thô sơ hơn, như đại bác chống tăng MT-12 Rapira thời xô-viết. Người hạ sĩ quan giải thích, khi bắn đi, thấy khói đen bốc lên và lan rộng, là đạn rơi xuống một vùng cỏ khô. Nếu cột khói đậm đen là trúng xe quân sự, khói tạo thành hình nấm là đã đánh trúng kho đạn...

Bực tức khi thấy pháo binh Ukraine đang dần có được những khẩu pháo tân tiến hơn, quân Nga ngày càng dùng nhiều loại đạn gây cháy, tạo ra nhiệt độ có khi lên đến 2.000°C, bao trùm nhiều ngàn mét vuông, hủy diệt tất cả các thiết bị quân sự. Sau khi Nga oanh kích đêm 21 rạng 22/06 tại làng Novovoronsovka (vùng Kherson), phóng viên Le Monde nhận thấy một phần của ngôi làng bị cháy vì những quả đạn nhiệt 9M22S hãy còn bốc khói, và đã lấy mẫu mang về tòa soạn. Trong vùng này không hề có dấu vết của vũ khí Ukraine, trong khi việc sử dụng đạn gây cháy tại khu vực dân sự đã bị cấm ở chương III của Công ước về một số vũ khí cổ điển, có hiệu lực từ 1983 và đã được Nga phê chuẩn.

Kỹ nghệ quốc phòng Pháp thích ứng với kinh tế thời chiến

Trả lời Les Echos, bộ trưởng bộ Quân Lực Sébastien Lecornu nói rằng sẽ đòi hỏi các công ty vũ khí sản xuất nhanh hơn để Pháp có được số thiết bị cần thiết. Ông nhắc nhở trong thời chiến, cần xem lại phương thức hoạt động : sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và tiêu chuẩn hóa sản phẩm tốt hơn. Bộ sẽ đưa ra danh sách nhu cầu ưu tiên, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine.

Ông Lecornu nhấn mạnh, bình thường thì khí tài sản xuất ra phải bền, chỉ hư hao theo các cuộc huấn luyện, tập trận. Nhưng thời chiến tranh phải tính đến tỉ lệ bị phá hủy nhiều hơn, tiêu hao vũ khí rất mạnh. Theo ông, phải có dự trữ chiến lược như về đạn dược.

Tái thiết hậu chiến : Ukraine muốn được bồi thường bằng tài sản tịch thu của Nga

Về thiệt hại kinh tế, Les Echos cho biết đã có những hướng đầu tiên về việc tái thiết Ukraine được nghiên cứu. Trong vòng hai ngày, ở Lugano (Thụy Sĩ), gần 40 nước cùng với các tổ chức quốc tế cố gắng xác định những phương hướng chính để xây dựng lại đất nước một khi chiến tranh kết thúc.

Thủ tướng Ukraine Denys Schmygal dẫn đầu một phái đoàn quan trọng trong đó có sáu bộ trưởng, nhiều dân biểu và đại diện chính quyền các địa phương. Đây là phái đoàn hùng hậu nhất rời khỏi Ukraine từ khi Nga khởi đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02. Về phía quốc tế, bên cạnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, thủ tướng Cộng hòa Sec, chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và đồng nhiệm Ba Lan, nước tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất, tổng cộng tám thủ tướng, 15 bộ trưởng của 38 quốc gia tham dự. Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, nên sẽ không có một loan báo cụ thể nào, chủ yếu nhằm xác định những ưu tiên trong tiến trình tái thiết.

Trả lời Les Echos, thứ trưởng Tư pháp Ukraine cho rằng cần thiết lập một quỹ quốc tế phụ trách việc bồi thường cho Kiev, chủ yếu lấy từ những tài sản của Nga bị tịch thu, theo kiểu Ủy ban được thành lập năm 1991 sau khi Irak xâm lăng Koweit, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc. Hiện nay chỉ riêng thiệt hại vật chất (cầu đường, bệnh viện, trường học, cơ xưởng, nhà cửa…) tối thiểu đã là 60 tỉ đô la, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới hồi tháng Tư ; chưa kể những mất mát khác – nếu chiến tranh kết thúc ngay bây giờ, mà khả năng này còn rất xa.

Trí thức Nga và lương tâm khi đất nước quay lại thời Stalin

Liên quan đến giới trí thức Nga, trong "Lá thư gởi một người bạn Nga" đăng trên Les Echos, tác giả Dominique Moïsi muốn nhắn nhủ đến Dimitri Trenin, cựu giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moskva. Người bạn cũ mà ông quen từ 30 năm, cách đây vài ngày đã viết bài trên "New York Times" để bênh vực Nga.

Họ gặp nhau lần đầu ở Trường Quốc phòng NATO ở Roma. Dimitri Trenin là một trong những người Nga đầu tiên tham gia chương trình này với tư cách khách mời. Liên Xô lúc đó vừa sụp đổ, một trang giấy mới vừa mở ra, kể cả khả năng lập đối tác chiến lược giữa Nga và NATO. Mới cách đây một năm, Trenin còn là một tiếng nói ôn hòa. Nhưng giờ đây trên tờ báo Mỹ ông tố cáo "những người Nga chống lại đất nước và nhân dân mình trong thời chiến tranh". 

Dominique Moïsi nhắc lại câu nói của Richard von Weizsäcker, cựu tổng thống Liên bang Đức nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến : "Ngày 08/05/1945 không phải là ngày chiến bại, mà là ngày giải phóng nước Đức". Đó là hồi kết của dấu ấn quốc xã trên quê hương của Kant, Goethe và Beethoven. Ông viết tiếp : "Nhưng anh không hề bị lừa, anh có được thông tin" và khẳng định "Là cháu của một người sinh tại Odessa vào cuối thế kỷ 19, tôi yêu nước Nga sâu sắc, đất nước của Puskin, Tolstoi, Chostakovitch. Một nước Nga không có gì chung với nước Nga hiện nay, mà thái độ côn đồ, tội phạm của các nhà lãnh đạo đã tỏ rất rõ kể từ ngày 24/02".

Khi cố tình nhắm vào một trung tâm thương mại với các hỏa tiễn có độ chính xác cao để tạo ra số lượng tối đa nạn nhân là dân thường, Moskva chứng tỏ quyết tâm xâm lược lâu dài, khủng bố để gây sợ hãi. Ông chủ điện Kremlin cũng nghĩ rằng phương Tây sẽ chia rẽ khi cái lạnh của mùa đông bắt đầu thấm. Theo tác giả, nếu không thể hoặc không muốn tố cáo một nước Nga cay độc, thì cần biết giữ im lặng.

Ông viết tiếp : "Nga đang lại trở thành đất nước của Stalin. Anh không sợ rằng một ngày nào đó các nhà sử học hay con cháu anh tự hỏi anh đã làm gì khi bạo lực và dối trá áp đặt lên đất nước ? Tôi không muốn làm anh tổn thương, nhưng nhân danh tình bạn lâu dài, tôi phải nói với anh những gì chất chứa trong lòng".

Chiến tranh Ukraine khiến chư hầu Belarus ngày càng lệ thuộc Nga

Le Monde nhận thấy cuộc chiến Ukraine làm tăng tốc quá trình Nga biến Belarus thành chư hầu. Nước này trở thành hậu cứ của Moskva trong khi đa số cư dân phản đối cuộc xâm lăng Ukraine. Ngày 24/02, chính là với đội quân xuất phát từ Belarus mà Nga đã tiến đánh Kiev. Bốn tháng sau, chế độ Lukashenko chưa bao giờ lệ thuộc Moskva đến thế, do Vladimir Putin từng ra tay cứu vớt ông ta sau cuộc bầu cử bị tố cáo gian lận.

Mới đây, vài giờ trước cuộc gặp Putin ở Saint- Petersbourg hôm 25/06, khoảng hai chục quả rốc-kết Nga bắn đi từ Belarus đã rơi xuống căn cứ quân sự của Ukraine ở Desna. Cùng ngày, Vladimir Putin còn loan báo sẽ chuyển giao cho nước láng giềng các hỏa tiễn Islander-M có thể mang theo đầu đạn nguyên tử, nhờ Belarus đã sửa đổi Hiến Pháp qua cuộc "trưng cầu dân ý" ngày 27/02.

Nhưng dù quy phục Moskva, Minsk vẫn không gởi quân sang Ukraine chiến đấu bên cạnh quân Nga. Theo Franak Viacorka, cố vấn của phe đối lập lưu vong, quân đội Belarus không kinh nghiệm và thiếu nhiệt tình. Chỉ có 6 % người Belarus muốn quân đội nước mình tham chiến. Cung cấp cơ sở hạ tầng và hậu cần cho chiến tranh vẫn hiệu quả hơn là gởi vài ngàn lính đi vào chỗ chết. Điều quan trọng là lòng trung thành của Lukashenko. Đối với Vladimir Putin, cái giá phải trả vẫn còn thấp : cuộc xâm lăng Ukraine tiêu tốn 1 tỉ đô la mỗi ngày, số tiền này đủ để nuôi chế độ Belarus cả tháng.

Nước Mỹ chia rẽ, uy tín tổng thống Joe Biden giảm mạnh

Nhìn sang nước Mỹ nhân ngày Quốc khánh 04/07, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa "Bão táp đến với nền dân chủ". Hoa Kỳ chia rẽ hơn bao giờ hết vào lúc quyền phá thai được đặt lại, trong khi uy tín của tổng thống Joe Biden đang đi xuống.

Từng mơ đóng vai trò nhà hòa giải và người cải cách, nhưng một năm rưỡi sau khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Joe Biden đã thất bại trong việc thực hiện cả hai lời hứa trên, gây thất vọng lớn cho những người đã bỏ phiếu cho ông. Còn bốn tháng nữa đến cuộc bầu cử giữa kỳ, dấu hiệu gây chú ý là tỉ lệ ủng hộ Biden nơi lớp trẻ 18-35 tuổi từ 47 % nay chỉ còn có 25 %, thấp nhất so với các lứa tuổi khác. Chủ yếu là do sự bất lực trong các vấn đề được lớp trẻ ủng hộ đảng Dân Chủ - ngày càng thiên tả - coi trọng : chống biến đổi khí hậu, miễn phí đại học công, xóa một phần nợ sinh viên, lập nhiều nhà trẻ và trường tiểu học công, chế độ nghỉ phép có lương…

Những lời hứa nhằm huy động mạnh mẽ giới trẻ trong cuộc bầu cử tổng thống nay vẫn chỉ là lời hứa. Đó là do đa số mong manh ở Thượng Viện, và sự thụ động của ông Biden trước những vấn đề xã hội khẩn cấp. Trong đảng Dân Chủ đã có những tiếng nói đòi hỏi tổng thống phải tấn công mạnh hơn, như lập ra các dưỡng đường chuyên phá thai ở khu vực thuộc liên bang tại các bang cấm phá thai, tài trợ cho những phụ nữ đi sang bang khác để phá thai (luật liên bang cấm), tăng số thẩm phán Tối cao Pháp viện…Bên cạnh đó, là những lời kêu gọi vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ không nên tái tranh cử.

Venezuela : Vàng và máu

Tại Châu Mỹ la-tinh, Le Figaro tố cáo việc chế độ Nicolas Maduro cho khai thác tài nguyên quý này chỉ làm giàu cho giới tài phiệt, tàn phá môi trường. Khi Hugo Chavez quốc hữu hóa năm 2011, những mỏ vàng vùng Amazon đang được các tập đoàn quốc tế khai thác chưa nhiều, sự ra đi của họ thu hút những nhóm tội phạm. Những năm gần đây, chính quyền Maduro ký hợp đồng với phe du kích Colombia để lập lại trật tự. Lợi nhuận từ những thỏi vàng đẫm máu người đi về đâu ? Caracas giữ kín, chủ yếu do trừng phạt của quốc tế.

Maduro phân bố các vùng khai thác cho những thống đốc trung thành, không hề có sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Nhiều tướng lãnh cũng được giao cho những mỏ vàng. Americo de Grazia, cựu dân biểu trong vùng cho biết : "Có nhiều tướng lãnh ở Venezuela hơn cả toàn bộ các nước NATO cộng lại. Để mua chuộc họ, Nicolas Maduro giao phó các mỏ, nhà máy cyanure (để xử lý nguyên liệu), cho phép nhập các nguyên liệu cần thiết cho việc khai thác mỏ".

Cây vợt tennis gốc Việt hạ gục huyền thoại Serena Williams

Bước sang lãnh vực thể thao, Le Figaro chơi chữ "Wimbledon : Tan hoàn toàn hài hòa" (harmoni), nói về cây vợt Pháp có mẹ người Việt và cha người Hoa sống ở Cam Bốt mang tên Harmony Tan, hôm nay tranh một chỗ vào tứ kết của giải quần vợt danh giá này.

Bước vào mùa giải Wimbledon năm nay, tay vợt nữ 24 tuổi đã đánh bại huyền thoại Serena Williams, cựu vô địch thế giới, người nắm giữ 23 giải Grand Slam. Chiến thắng vang dội này khiến tên tuổi Harmony Tan được chú ý và các phóng viên quốc tế từ nay tham dự các cuộc họp báo của cô.

Tờ báo cho biết cô có được sự ủng hộ của gia đình. Người mẹ đã bán đi một căn nhà và vài căn hộ để tài trợ cho việc học, người cha và anh cũng hỗ trợ tài chánh. Tan từng được đặc cách theo học Science Po, chơi dương cầm rất giỏi vì đã học tám năm ở Nhạc viện, thích môn thể thao lướt sóng. Có tính cách dễ gần, nhưng không giống như nhiều người trẻ cùng lứa tuổi, Tan không mất nhiều thời giờ cho mạng xã hội. Sau chiến thắng lẫy lừng trước Williams, cô đã tắt bình luận để không bị ảnh hưởng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 280 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)