Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/07/2022

Điểm báo Pháp - Ukraine : Putin đặt cược vào sự nản chí của phương Tây

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Putin đặt cược vào sự nản chí của phương Tây

Cư dân Mykolaiv đồng lòng kháng chiến tuy bị Nga dội pháo hàng ngày, Kherson ở bên cạnh bị chiếm đóng đang trở thành một thành phố xô-viết và có tin Ukraine chuẩn bị tái chiếm. Bốn tháng sau cuộc xâm lăng của Nga, chưa ai có thể đoán được cuộc chiến này sẽ đi về đâu. Vladimir Putin chờ đợi phương Tây trở nên chán nản trước cuộc chiến tranh hao mòn.

nanchi1

Lính cứu hỏa đang chữa cháy sau khi Nga oanh kích vào khu dân cư ở Mykolaiv, Ukraine ngày 18/06/2022.  AP - George Ivanchenko

"Trước chiến tranh 1/3 dân thân Nga, nay chỉ còn một bà già điên"

Cuộc thử lửa của nữ thủ tướng Pháp trước Quốc Hội mới, thủ tướng Anh Boris Johnson trước áp lực từ chức, chiến sự Ukraine là những chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay. Đặc phái viên Libération tại Mykolaiv cho biết thành phố cảng miền nam Ukraine bị oanh tạc suốt năm tháng qua, cư dân chỉ còn lại phân nửa nhưng vẫn tỏ ra gan dạ, trong lúc Kiev chuẩn bị phản công trong khu vực.

Bài phóng sự mô tả một buổi sáng mùa hè bình thường tại khu phố Solanya. Một phụ nữ quét dọn những mảnh kính vỡ và gỗ vụn từ những cửa sổ tòa nhà : một quả đạn rốc-kết hay đạn cối vừa rơi xuống căn cứ quân sự gần bên, trước đó một tiếng đồng hồ. Không ai thương vong, chỉ có một con mèo bị mảnh kính văng trúng đầu đã được đưa đi bác sĩ thú y.

Người dân không thể hiểu được : đã ba lần Nga đánh vào cùng một địa điểm, nhưng căn cứ này đã bỏ trống từ 2014. Nhân viên tòa thị chính đi đếm số cửa sổ phải sửa chữa, một người tỏ ra vừa phẫn nộ vừa mệt mỏi : "Tại sao họ làm như vậy ? Trước chiến tranh, có đến một phần ba cư dân khu này thân Nga, giờ đây chỉ còn lại mỗi một bà già, mà mọi người đều tin rằng bà ấy bị điên".

Không chiếm được Mykolaiv, Nga hàng ngày nã pháo

Sau khi chiếm được Kherson từ những ngày đầu cuộc xâm lăng, thành phố cảng và kỹ nghệ Mykolaiv nằm cách 90 km là mục tiêu tiếp theo của quân Nga. Nhưng cư dân toàn thành phố đã tham gia kháng chiến, người thì cầm súng, người xây dựng hầm hào, và Mykolaiv còn có thể trông cậy những người lính đồn trú với số lượng đáng kể hỏa tiễn chống tăng, trong đó có Javelin. Kinh ngạc trước sức kháng cự này, quân Nga lùi lại quanh Kherson. Tập trung vào Donbass, Nga không thể tung ra những trận tấn công lớn, nhưng cũng không để yên cho Mykolaiv, mỗi ngày đều oanh kích.

Hai tuần gần đây, Nga dùng đủ loại từ rốc-kết và đạn cối 203 ly cho đến hỏa tiễn từ máy bay trút xuống, và hỏa tiễn phòng không lao vào Mykolaiv từ Hắc Hải. Phát ngôn viên chính quyền địa phương nói : "Họ thật điên rồ, số đạn dược này là cả một gia tài". Một số vũ khí có từ những năm 80, 90, có thể do Nga bắt đầu thiếu đạn. Chỉ còn không đầy phân nửa trong số 480.000 người dân còn ở lại, hầu hết không có con nhỏ. Tất cả đều sống nhờ viện trợ nhân đạo. Một tổ chức phi chính phủ được hình thành là World Central Kitchen bên cạnh hội Hồng thập tự, hàng ngày phân phát thực phẩm cho dân.

Một thiếu nữ là lập trình viên cho biết : "Dù cuộc sống không còn bình thường nhưng không phải Putin có thể đuổi tôi đi được". Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến Mykolaiv hôm 18/06 động viên người dân, và từ vài tuần qua có tin đồn sắp sửa phản công tái chiếm Kherson. Quân đội Ukraine đã chiếm được vài ngôi làng, đà tiến này nhờ trang bị M777 của Mỹ mà những người lính gọi là "casino", ý nói "trúng số", nhưng vẫn chưa thay đổi tương quan lực lượng. Quân Nga đã có đủ thời gian để đào hầm và bố phòng kiên cố.

Kherson, thành phố chiếm đóng đang bị Nga hóa

Ở Kherson, thành phố quan trọng đầu tiên của Ukraine bị chiếm đóng, tiến trình Nga hóa được đẩy nhanh. Sergueï Elisseïev, một người Nga 51 tuổi xuất thân từ cơ quan tình báo FSB nay trở thành người lãnh đạo Kherson và Vladimir Bespalov từ Kaliningrad làm phó. Ông chủ mới của Kherson nằm trong số các "siloviki", lực lượng an ninh được Vladimir Putin tin tưởng, đưa về trấn giữ các địa phương. Cựu thị trưởng người Ukraine thân Nga Volodymyr Saldo, vốn nói rằng muốn trưng cầu dân ý về việc đưa Kherson nhập vào Liên bang Nga, trở nên lép vế khi Elisseïev được điều đến. Việc bổ nhiệm chính quyền thân Nga ở các vùng đất bị chiếm đóng – Kherson, Mariupol và ở Donbass – đều do Moskva quyết định.

Mới đây Sergueï Kirienko, phó văn phòng tổng thống Nga, được mệnh danh là người phụ trách các vấn đề nội vụ của Kremlin, đã đến thăm Mariupol, hoan nghênh chiến thắng trước "phát-xít" ở nhà máy Azovstal. Là nhà kỹ trị đầy tham vọng, Kirienko là tay chân trung thành lâu năm của Putin nhưng bị các phe trong nội bộ công kích, chuyến đi này được coi như một sự thỏa hiệp với nhóm cứng rắn nhất trong "siloviki". Trong khi đó, Kherson đang dần trở thành một thành phố xô-viết với những lá cờ đỏ khắp nơi. Chính quyền chiếm đóng cũng bắt đầu phân phát các hộ chiếu Nga trước ống kính truyền hình, nhưng hiện chỉ mới vài chục người muốn nhận. Mua bán nay phải dùng đồng rúp, các ngân hàng Nga dự kiến mở thêm 200 chi nhánh, các công ty điện thoại đến từ Nga và lính Nga chiếm các vị trí trong ngành nông nghiệp địa phương.

Đạo diễn trở thành tay súng bắn trực thăng

Tại Kramatorsk ở Donbass, đặc phái viên Le Monde gặp gỡ Oleg Sensov. Đạo diễn nổi tiếng của Ukraine, được tặng giải Sakharov năm 2018, nay là chiến binh thuộc một đơn vị đặc nhiệm chuyên bắn hạ trực thăng. Ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng anh đã xung phong gia nhập lực lượng phòng vệ dân sự ở Kiev, nhưng nay người nghệ sĩ muốn cầm súng bảo vệ đất nước một cách chuyên nghiệp hơn.

Sau thời gian được huấn luyện ở miền tây, nhà đạo diễn 45 tuổi giờ đây xuôi ngược vùng tiền tuyến Donbass với hỏa tiễn Stinger trên vai. Anh cho biết mỗi lần phát hiện trực thăng địch bay thấp trên ngọn cây, anh và đồng đội chỉ có tối đa hai đến ba giây đồng hồ để khai hỏa. "Trong thời chiến, cần phải hữu ích cho đất nước, có được tối đa chuyên môn". Cũng như nhiều chiến binh Ukraine khác, Oleg Sensov tham gia với tinh thần sẽ phải chiến đấu lâu dài. "Vấn đề duy nhất là 'to be or not to be', đó là một cuộc chiến để Ukraine có thể sống còn". Bên cạnh nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, họ còn có niềm tin cần phải hy sinh để thế hệ sau được sống trong hòa bình.

Nữ thủ tướng Lithuania : Nga là "Nhà nước côn đồ", không thể đối xử bình thường

Về phía các đồng minh của Ukraine, trả lời phỏng vấn của Le Monde, nữ thủ tướng Lithuania, Ingrida Simonyte khẳng định "Nga không còn là một nước mà chúng ta có thể đối xử một cách bình thường". Bà lấy làm tiếc vì những năm gần đây Châu Âu đã tỏ ra khoan hòa với Moskva.

Từng viết trên Twitter Nga là "Nhà nước côn đồ", thủ tướng Lithuania cho rằng rất đáng buồn khi một số người vẫn tin rằng có thể thay đổi được Nga bằng cách nói chuyện lịch sự, cố gắng kéo Nga và một cuộc tranh luận dân chủ. Họ muốn coi Nga cũng như mình, tức là một nước mà các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước cử tri, giải thích những quyết định của mình trước báo chí tự do và công luận. Thời gian qua Lithuania đã rất vất vả để giải thích rằng ý đồ đế quốc, tái chiếm những vùng đất Liên Xô cũ vẫn chưa biến mất phía sau tấm bình phong kinh tế. Phương Tây tin có thể đưa bất kỳ ai vào thế giới văn minh nhờ sự thịnh vượng từ thương mại, người Nga khi giàu lên sẽ đòi hỏi tự do, nhưng thực tế diễn ra ngược lại.

Lithuania đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo từ năm 2008 sau khi Nga đưa quân vào Gruzia, và năm 2014 sau vụ sáp nhập Crimée, xúi giục nổi dậy ở Donbass. Nhưng trừng phạt của Châu Âu chỉ là tượng trưng, chế độ Putin vẫn làm giàu và âm thầm chuẩn bị cho việc xâm lăng Ukraine. Chính thái độ hòa dịu đã dẫn đến tình trạng hiện nay vì với Moskva không bao giờ là thương mại đơn thuần, tất cả đều là địa chính trị, với trò chơi lấy thịt đè người và làm săng-ta. Đó là trường hợp bắt bí Châu Âu về khí đốt hiện nay.

Bà Ingrida Simonyte bác bỏ cáo buộc của Moskva là Lithuania phong tỏa Kaliningrad, khẳng định chỉ 1 % lượng hàng đi qua bị chặn lại, đó là sắt thép, còn thực phẩm, thuốc men, dụng cụ gia đình...vẫn lưu thông bình thường. Về việc Nga đe dọa trả đũa, bà chẳng hề lo vì Moskva vẫn dọa dẫm từ 15 năm qua. Lithuania chỉ mới giành độc lập được từ 32 năm, nhiều người vẫn chưa quên thời kỳ sống dưới sự chiếm đóng của Liên Xô. Có những người bị đày đi Xibêri, hoặc sinh ra sau khi cha mẹ bị lưu đày. Bản thân nữ thủ tướng cũng từng sống dưới thời xô-viết 15 năm, và nếu Lithuania lớn tiếng, đó là vì "chúng tôi sẽ không bao giờ thuộc về thế giới đó nữa, chúng tôi là người Châu Âu".

Putin trông cậy vào sự thiếu kiên nhẫn của phương Tây

Nhìn chung, Le Monde nhận thấy "Sự kiên nhẫn của phương Tây đang đứng trước thử thách". Bốn tháng sau cuộc xâm lăng của Nga, chưa ai có thể đoán được cuộc chiến này sẽ đi về đâu. Quân Nga tiếp tục trút bão lửa xuống các chiến sĩ Ukraine còn thiếu thốn trang bị, trừng phạt của phương Tây vẫn chưa buộc được Moskva phải qùy gối, và nhiều nước trên thế giới hãy còn đứng ngoài cuộc xung đột. Thành công về chính trị của Ukraine và sự hồi sinh của NATO, sự đoàn kết của phương Tây đã vô hiệu hóa một phần tính toán của ông chủ điện Kremlin, bao nhiêu uy tín của nước Nga đều đổ sông đổ biển, nhưng Vladimir Putin vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược quốc gia láng giềng.

Cuộc chiến tranh tiêu hao còn kéo dài cho đến khi một bên đã đạt đến giới hạn của sự chịu đựng. Đó có thể là Ukraine, mà Putin đã vi phạm tất cả các công ước chiến tranh để oanh kích không ngơi nghỉ những vùng dân cư nhằm phá hoại tình đoàn kết dân tộc. Cũng có thể là Nga, dù cố tung ra những hoạt động quân sự dồn dập hơn bao giờ hết. Nhưng cuộc chiến hao mòn này còn liên quan đến các nhân tố khác, đó là các đồng minh của Ukraine. Vladimir Putin có thể tập trung tấn công vào gót chân Achilles của các chế độ dân chủ, đó là tính chất ngắn hạn : quyền lực thay đổi theo những cuộc bầu cử.

"Sự kiên nhẫn chiến lược" cũng là điều mà dư luận quần chúng cần phải chứng tỏ. Vào đầu tháng Năm, một cuộc điều tra của Viện Brookings ở Washington cho thấy số người sẵn sàng trả tiền xăng cao hơn do chiến tranh đã giảm còn 59 %, so với 73 % hồi tháng Ba, lúc Putin vừa xua quân sang Ukraine. Tình hình còn có thể trầm trọng hơn ở Châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì dầu khí Nga.

Một sự giải thích về cái giá phải trả cho chiến tranh trở nên cần thiết đối với các đồng minh Châu Âu, cũng như sự hỗ trợ về quân sự, sau ba thập niên lặng lẽ giải trừ quân bị. Bên cạnh đó là chuẩn bị tinh thần đối với một số nước buộc phải hạn chế một số lãnh vực. Nỗ lực này cần đi kèm với việc thường xuyên nhắc nhở về tính chất dã man của cuộc xâm lăng từ Nga, bảo vệ những tiêu chí căn bản như sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Le Monde cho rằng nếu Vladimir Putin đặt cược vào sự mệt mỏi của xã hội phương Tây, thì các nhà lãnh đạo cần nhớ rằng quyết tâm và sức bền cũng phải được tập dượt như với cơ bắp.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 278 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)