Các phe cánh làm giàu nhờ Putin dòm ngó tài sản phương Tây tại Nga
Les Echos hôm 20/07/2023 nói về việc Putin ra lệnh quốc hữu hóa chi nhánh tập đoàn Pháp Danone tại Nga, giao cho phe Kadyrov, thủ lãnh Chechnya. Tập đoàn Carlsberd của Đan Mạch thì bị rơi vào tay phe Patruchev. Một sự quay lại với thập niên 90 đầy hỗn loạn ! La Croix phân tích các phe cánh dưới trướng Putin đa số xuất thân từ KGB, tất cả đã trở thành tỉ phú nhờ trung thành với chủ nhân điện Kremlin.
Yakub Zakriev, cháu ruột của thủ lãnh Chechnya, Ramzan Kadyrov trong một cuộc họp tại Grozny ngày 01/02/2023. Zakriev nay trở thành người lãnh đạo của Danone tại Nga sau khi Vladimir Putin quốc hữu hóa các cơ sở của tập đoàn Pháp. via Reuters – Head of the Chechen Republic
Tập đoàn Pháp bị quốc hữu hóa, giao cho cháu của Kadyrov
Sau thông tin gây bàng hoàng là chi nhánh tập đoàn Pháp Danone tại Nga bị Putin ra lệnh quốc hữu hóa, hai ngày sau số tài sản này rơi vào tay… phe Kadyrov ! Theo Les Echos, thủ lãnh Chechnya trung thành với Kremlin lâu nay vẫn dòm ngó các công ty Châu Âu chuẩn bị rời khỏi Nga.
Những ngày trước đó, Danone, sau những cuộc thương lượng dài, đang chuẩn bị thông báo chuyển giao cho đối tác được chọn lựa, thì hôm Chủ nhật 16/07 tổng thống Vladimir Putin bất ngờ ra nghị định chuyển hầu hết tích sản của Danone ở Nga cho cơ quan liên bang Rosimushestvo. Trên thực tế, đây là một vụ tịch biên và quốc hữu hóa, không bồi thường một đồng nào cho tập đoàn Pháp.
Đến tối thứ Ba 18/07 thêm một đòn mới : Truyền thông Nga loan báo việc bổ nhiệm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nông nghiệp Chechnya, Yakub Zakriev làm tổng giám đốc. Một nguồn tin thông thạo ở Grozny cho Les Echos biết đó là người cháu được Ramzan Kadyrov yêu mến nhất, lâu nay vẫn được giao quản trị các lãnh vực kinh tế, kỹ nghệ, nông nghiệp. Năm nay 32 tuổi, Yakub Zakriev là con trai người chị của lãnh đạo Chechnya.
Nga quay lại với thập niên 90 hỗn loạn
Tháng 10 năm ngoái, Danone thông báo muốn nhượng lại 12 nhà máy sản xuất sản phẩm sữa và rau quả, chỉ giữ lại một nhà máy duy nhất về sữa trẻ em. Vụ đột ngột quốc hữu hóa được cho là có bàn tay của bộ trưởng nông nghiệp Dmitri Patruchev - con của thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, cựu KGB Nikolai Patruchev, nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới "siloviki" thân cận với Vladimir Putin.
Từ nhiều tháng qua, các công ty liên quan tới phe Patruchev cũng lượn lờ xung quanh các tập đoàn phương Tây trong ngành thực phẩm. Một tập đoàn Châu Âu khác là nhà sản xuất bia Carlsberg cũng đã bị chuyển vào tay Rosimushestvo. Rốt cuộc, các tài sản của hãng này nay thuộc về Yuri và Mikhail Kovalchuk, hai tài phiệt thân thiết với Putin.
Các vụ tịch biên trên đây là khởi đầu cho một đợt tái phân phối nguồn lợi tại Nga, tước đoạt từ các sở hữu chủ phương Tây. Một doanh nhân phương Tây ở Moskva, choáng váng trước vụ quốc hữu hóa Danone và Carlsberg, nói : "Tất cả là quản lý theo kiểu mafia, giữa bạn bè và đồng minh, thâu tóm vô tội vạ. Họ sẽ nhân danh Nhà nước để đứng đầu các tài sản phương Tây mà chẳng chi ra một xu nào. Một sự trở lại với thập niên 90…".
Đó là thập niên hỗn loạn sau khi nước Nga ra khỏi chủ nghĩa cộng sản, tư bản hoang dã đã giúp một số doanh nhân thân cận với chính quyền làm giàu qua việc chiếm dụng những đầu tàu kỹ nghệ của Liên Xô cũ với cái giá rẻ mạt. Ba mươi năm sau, Danone và Carlsberg, mà các hoạt động ở Nga từ lâu vẫn sinh lợi lớn, chuẩn bị rời đi. Tuân theo quy định Châu Âu, họ không thể chuyển cho phe cánh Patruchev, Kadyrov hay Kovalchuk, chưa kịp giao cho các đối tác không bị trừng phạt thì bị cướp trắng.
Từ KGB thành tài phiệt với cuộc sống vương giả
Tương tự, La Croix phân tích "Phe cánh bạn bè của Putin, mang hơi hướng của KGB và rất nhiều dầu lửa". Đây là bài cuối trong loạt bài về các tài phiệt Nga. Khi lên nắm quyền, Vladimir Putin đã gạt sang một bên các doanh nhân đã làm giàu trước mình, hỗ trợ cho một thế hệ trung thành nhanh chóng trở thành tỉ phú, đa số từng phục vụ trong KGB.
Chẳng hạn Vladimir Yakunin, điệp viên Nga tại Hoa Kỳ, nay là chủ tịch tập đoàn xe lửa Nga ; Igor Sechin, cựu thông dịch viên KGB được cho đứng đầu tập đoàn dầu lửa Rosneft ; Nicolai Tokarev, làm cùng văn phòng KGB với Putin, được bổ nhiệm làm chủ tịch Transneft, sở hữu tất cả những đường ống dẫn dầu khí lớn của cả nước.
Bên cạnh đó là một số người từng có liên hệ cá nhân với tổng thống trong những thời kỳ khác nhau, như vào thập niên 90, khi Putin còn làm ở Tòa thị chính Saint-Petersburg. Đó là trường hợp của Alexei Miller, người phó của Putin, nay là giám đốc tập đoàn khí đốt Gazprom. Một số là đối tác trong "hợp tác xã Ozero" lập ra để xây dựng những datcha sang trọng bên bờ hồ Carélie.
Trong số các tài phiệt mới, cũng phải kể thêm một số khuôn mặt tư nhân thân thiết với Putin, được giao cho những gói thầu béo bở. Chẳng hạn Arkadi Rotenberg, người tập judo chung với Putin, chỉ trong vài năm công ty SGM của ông ta đã trở thành đơn vị thầu xa lộ hàng đầu ở Nga. Chính Rotenberg đã xây cây cầu Crimea.
Tất cả đều hưởng lợi khi Vladimir Putin lên ngôi, tha hồ biển thủ của công và nhận hối lộ. Họ có cuộc sống vương giả hơn hẳn lớp tài phiệt trước. Và bản thân tổng thống sở hữu khối tài sản bí mật, thông qua một mạng lưới những cái tên cho mượn và các công ty bình phong. Nổi bật nhất là tòa lâu đài rộng đến 18.000 mét vuông nằm bên bờ Hắc Hải bị nhà đối lập Alexei Navalny tiết lộ. Dinh cơ có tất cả những tiện nghi có thể tưởng tượng ra trên đời này, như một sân trượt băng dưới tầng hầm.
Tất cả bạn bè thời trẻ của Putin đều thành tỉ phú
Nhà báo điều tra Nga Nastia Kirilenko mỉa mai : "Tất cả những người bạn thời trẻ của Putin đều trở thành tỉ phú, trong khi ông ta về mặt chính thức chỉ sở hữu một chiếc xe Lada cũ có rờ-moọc". Đáng chú ý nhất là Guennadi Timchenko, chủ Volga Group, một tập đoàn năng lượng và xây dựng, hiện là người giàu thứ 8 ở Nga với tài sản khoảng 13 tỉ euro. Bộ Tài chánh Mỹ cho rằng ông ta cất giấu giúp một phần gia tài của Vladimir Putin. Timchenko bị Mỹ trừng phạt sau khi Nga chiếm Crimea năm 2014, còn Châu Âu mãi đến 2022 mới cho ông ta vào danh sách đen.
Con cái của giai cấp quý tộc mới này thừa kế những chức vụ ở đỉnh cao quyền lực, tất cả đều được gởi đi học ở những trường đại học danh tiếng phương Tây. Đã có nhiều cuộc kết hôn "môn đăng hộ đối" trong giới. Katerina, một trong các con gái của Putin lãnh đạo một quỹ phát triển công nghệ mới là Innopraktika, đã lấy Kirill Chamalov, con trai của Nikolai, cổ đông ngân hàng Rossia và thành viên hợp tác xã Ozero. Tương tự, một trong các con gái của tài phiệt Timchenko lấy con một cựu bộ trưởng giao thông…
Họ ủng hộ Putin vì lợi ích riêng tư nhưng còn vì quan điểm. Theo Kirilenko, thế hệ tài phiệt đầu tiên là các doanh nhân, còn thế hệ thứ hai được đào tạo từ KGB sau khi có quyền, có tiền thì bắt đầu những việc mà họ có thể làm tốt nhất : chống lại phương Tây. Điều này cũng không cản trở họ kiếm thêm quốc tịch thứ hai và nhà cửa ở phương Tây để đề phòng khi "trái gió trở trời". Điều chắc chắn là tất cả những gì họ có được là nhờ Putin, và nếu ông chủ điện Kremlin mất ghế thì họ có cơ mất tất cả.
Thế vận hội Paris : Cho Nga và Belarus tham dự hay không ?
Cũng liên quan đến Nga nhưng trên lãnh vực thể thao, xã luận của Le Monde nói về "Thế vận hội 2024 : Nỗi đau đầu về sự tham gia của các vận động viên Nga". Còn một năm nữa đến Thế vận hội Paris, Ủy ban Olympic Quốc tế (CIO) vẫn chưa có quyết định rõ ràng, trong khi các bên liên quan rất kiên quyết. Một bên là Ukraine từ chối tham gia nếu có các vận động viên Nga, bên kia là Moskva đe dọa là nếu bị tẩy chay, họ sẽ tổ chức một thế vận hội gồm các nước mới nổi để cạnh tranh.
Giải pháp tạm thời là để cho các liên đoàn quyết định cho các vận động viên Nga và Belarus "trung dung" không thuộc quân đội hay an ninh được tranh tài nhưng không dưới màu cờ quốc gia, và nếu đoạt huy chương thì không kéo cờ hay hát quốc ca. Thế nhưng, rất khó xác định quan điểm của vận động viên, và chưa chi tài khoản của một số trên mạng xã hội đã được tẩy rửa sạch sẽ. Le Monde cho rằng ưu tiên phải là tránh bằng được kịch bản thảm họa : các vận động viên Ukraine vắng mặt, còn vận động viên Nga được tham dự.
Erdogan khiến Châu Âu khó xử
Một vấn đề đau đầu khác cho Châu Âu liên quan đến một đồng minh của Putin : Le Figaro dành hồ sơ và tựa chính cho việc "27 nước thành viên một lần nữa đứng trước bài toán khó Erdogan". Quan hệ đang hòa dịu trở lại giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ có lợi cho cả đôi bên. EU không có chọn lựa nào khác ngoài việc "sống chung hòa bình" với Recep Tayyip Erdogan, người láng giềng thất thường, nhưng có vai trò quan trọng cho sự ổn định của khu vực, vị trí trung gian với Nga và hồ sơ tị nạn. Ngược lại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rất cần sự ủng hộ của Châu Âu để trấn an các nhà đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Đầu tháng Bảy, Erdogan ủng hộ kết nạp Thụy Điển vào NATO với điều kiện phải hỗ trợ ông tái lập đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Yêu sách này làm nhiều nước Châu Âu bất bình, kể cả những người chủ trương hòa giải với Ankara. Cuộc thương lượng đã bị đóng băng năm 2018 vì các vấn đề nhà nước pháp quyền, độc lập tư pháp, nhân quyền. Ủy ban đối ngoại của Nghị Viện Châu Âu hôm thứ Ba đã ra tay trước bằng cách thông qua một báo cáo đề nghị EU không thương thảo trở lại, nhắc nhở rằng tỉ lệ đồng thuận của Thổ Nhĩ Kỳ với các chính sách Châu Âu chỉ có 7%. Tuy Đức, Ý, Romania, Hungary ủng hộ cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập ; các nước khác như Pháp, Hà Lan chờ đợi những hành động có ý nghĩa lớn nơi Ankara.
"Giáo sư trong chiến hào" nay là đại sứ Ukraine tại Hungary
Trên chiến trường Ukraine, La Croix cho biết Sandor Fegyir, vị "giáo sư trong chiến hào" nổi tiếng trên mạng xã hội với những hình ảnh đang soạn bài giảng cho sinh viên ngay trên chiến địa, sắp trở thành đại sứ Ukraine ở Budapest. Fegyir đã thay chiếc áo sơ-mi khi đứng trên bục giảng bằng quân phục, ngay từ đầu cuộc xâm lăng, và nay chuẩn bị mặc bộ com-lê của các nhà ngoại giao.
Sự kiện trung sĩ Sandor Fegyir đại diện cho Ukraine tại Hungary mang nặng ý nghĩa, vì ông là người thiểu số gốc Hung, hậu duệ của một gia đình di cư sang Ukraine từ thế kỷ 19. Năm nay 48 tuổi, "giáo sư trên chiến hào", từng là trưởng khoa xã hội học đại học Oujhorod ở Transcarpatia, gần biên giới Hungary, thực ra đã là cầu nối trên mạng xã hội với những người gốc Hung. Trong khi đó, không ít người cực đoan tuyên truyền rằng Kiev dùng người thiểu số làm "bia đỡ đạn", và chính quyền Hungary thì đang "câu giờ" trong việc chấp nhận tân đại sứ.
Pháp : Bài học từ đợt nóng bất thường năm 2003
Thời tiết nóng nực ở Châu Âu và Cúp bóng đá nữ thế giới là hai chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay. La Croix có hồ sơ mang tựa đề "Đợt nóng bất thường : Liệu chúng ta có rút được bài học của năm 2003 ?". Năm đó, thời tiết nóng kéo dài chưa từng thấy đã làm 15.000 người chết tại Pháp, chủ yếu là người lớn tuổi.
Vào thời đó, một xứ lạnh như Pháp không tin rằng cái nóng có thể làm chết người với tầm cỡ như vậy. Giáo sư Jean-Louis San Marco, bệnh viện Timone ở Marseille cho đến nay vẫn bị ám ảnh. Ông kể : "Vào một cuối tuần, số bệnh nhân nhập viện gấp đôi bình thường, và ba phần tư trong số đó chỉ vài tiếng đồng hồ sau là qua đời. Do tất cả đều sốt 40°C, ban đầu chúng tôi nghĩ rằng do viêm phổi, nhưng sau mới biết khí trời nóng đã giết chết họ".
Tại vùng Gard ở miền nam, nhiệt độ ngày 12/08/2003 lên mức lịch sử là 44,1°C còn tại Paris phải chịu đựng cái nóng 35°C trong suốt 9 ngày liên tiếp. Sau hai tuần lễ nóng như thiêu như đốt, những người dễ tổn thương nhất ngã gục. Cú sốc này khiến chính quyền sau đó lập ra kế hoạch quốc gia để đối phó, trong đó có việc trang bị cho các nhà dưỡng lão. Nhưng giờ đây là việc thích ứng nhà ở, vì 80% người trên 70 tuổi sống tại nhà riêng. Mùa hè rất thiếu nhân viên y tế, và chỉ riêng hè 2022 đã có 5.000 người Pháp thiệt mạng vì nóng, theo phúc trình ngày 10/07/2023 của Nature Medicine.
Thụy My
Cư dân Mykolaiv đồng lòng kháng chiến tuy bị Nga dội pháo hàng ngày, Kherson ở bên cạnh bị chiếm đóng đang trở thành một thành phố xô-viết và có tin Ukraine chuẩn bị tái chiếm. Bốn tháng sau cuộc xâm lăng của Nga, chưa ai có thể đoán được cuộc chiến này sẽ đi về đâu. Vladimir Putin chờ đợi phương Tây trở nên chán nản trước cuộc chiến tranh hao mòn.
Lính cứu hỏa đang chữa cháy sau khi Nga oanh kích vào khu dân cư ở Mykolaiv, Ukraine ngày 18/06/2022. AP - George Ivanchenko
Cuộc thử lửa của nữ thủ tướng Pháp trước Quốc Hội mới, thủ tướng Anh Boris Johnson trước áp lực từ chức, chiến sự Ukraine là những chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay. Đặc phái viên Libération tại Mykolaiv cho biết thành phố cảng miền nam Ukraine bị oanh tạc suốt năm tháng qua, cư dân chỉ còn lại phân nửa nhưng vẫn tỏ ra gan dạ, trong lúc Kiev chuẩn bị phản công trong khu vực.
Bài phóng sự mô tả một buổi sáng mùa hè bình thường tại khu phố Solanya. Một phụ nữ quét dọn những mảnh kính vỡ và gỗ vụn từ những cửa sổ tòa nhà : một quả đạn rốc-kết hay đạn cối vừa rơi xuống căn cứ quân sự gần bên, trước đó một tiếng đồng hồ. Không ai thương vong, chỉ có một con mèo bị mảnh kính văng trúng đầu đã được đưa đi bác sĩ thú y.
Người dân không thể hiểu được : đã ba lần Nga đánh vào cùng một địa điểm, nhưng căn cứ này đã bỏ trống từ 2014. Nhân viên tòa thị chính đi đếm số cửa sổ phải sửa chữa, một người tỏ ra vừa phẫn nộ vừa mệt mỏi : "Tại sao họ làm như vậy ? Trước chiến tranh, có đến một phần ba cư dân khu này thân Nga, giờ đây chỉ còn lại mỗi một bà già, mà mọi người đều tin rằng bà ấy bị điên".
Sau khi chiếm được Kherson từ những ngày đầu cuộc xâm lăng, thành phố cảng và kỹ nghệ Mykolaiv nằm cách 90 km là mục tiêu tiếp theo của quân Nga. Nhưng cư dân toàn thành phố đã tham gia kháng chiến, người thì cầm súng, người xây dựng hầm hào, và Mykolaiv còn có thể trông cậy những người lính đồn trú với số lượng đáng kể hỏa tiễn chống tăng, trong đó có Javelin. Kinh ngạc trước sức kháng cự này, quân Nga lùi lại quanh Kherson. Tập trung vào Donbass, Nga không thể tung ra những trận tấn công lớn, nhưng cũng không để yên cho Mykolaiv, mỗi ngày đều oanh kích.
Hai tuần gần đây, Nga dùng đủ loại từ rốc-kết và đạn cối 203 ly cho đến hỏa tiễn từ máy bay trút xuống, và hỏa tiễn phòng không lao vào Mykolaiv từ Hắc Hải. Phát ngôn viên chính quyền địa phương nói : "Họ thật điên rồ, số đạn dược này là cả một gia tài". Một số vũ khí có từ những năm 80, 90, có thể do Nga bắt đầu thiếu đạn. Chỉ còn không đầy phân nửa trong số 480.000 người dân còn ở lại, hầu hết không có con nhỏ. Tất cả đều sống nhờ viện trợ nhân đạo. Một tổ chức phi chính phủ được hình thành là World Central Kitchen bên cạnh hội Hồng thập tự, hàng ngày phân phát thực phẩm cho dân.
Một thiếu nữ là lập trình viên cho biết : "Dù cuộc sống không còn bình thường nhưng không phải Putin có thể đuổi tôi đi được". Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến Mykolaiv hôm 18/06 động viên người dân, và từ vài tuần qua có tin đồn sắp sửa phản công tái chiếm Kherson. Quân đội Ukraine đã chiếm được vài ngôi làng, đà tiến này nhờ trang bị M777 của Mỹ mà những người lính gọi là "casino", ý nói "trúng số", nhưng vẫn chưa thay đổi tương quan lực lượng. Quân Nga đã có đủ thời gian để đào hầm và bố phòng kiên cố.
Ở Kherson, thành phố quan trọng đầu tiên của Ukraine bị chiếm đóng, tiến trình Nga hóa được đẩy nhanh. Sergueï Elisseïev, một người Nga 51 tuổi xuất thân từ cơ quan tình báo FSB nay trở thành người lãnh đạo Kherson và Vladimir Bespalov từ Kaliningrad làm phó. Ông chủ mới của Kherson nằm trong số các "siloviki", lực lượng an ninh được Vladimir Putin tin tưởng, đưa về trấn giữ các địa phương. Cựu thị trưởng người Ukraine thân Nga Volodymyr Saldo, vốn nói rằng muốn trưng cầu dân ý về việc đưa Kherson nhập vào Liên bang Nga, trở nên lép vế khi Elisseïev được điều đến. Việc bổ nhiệm chính quyền thân Nga ở các vùng đất bị chiếm đóng – Kherson, Mariupol và ở Donbass – đều do Moskva quyết định.
Mới đây Sergueï Kirienko, phó văn phòng tổng thống Nga, được mệnh danh là người phụ trách các vấn đề nội vụ của Kremlin, đã đến thăm Mariupol, hoan nghênh chiến thắng trước "phát-xít" ở nhà máy Azovstal. Là nhà kỹ trị đầy tham vọng, Kirienko là tay chân trung thành lâu năm của Putin nhưng bị các phe trong nội bộ công kích, chuyến đi này được coi như một sự thỏa hiệp với nhóm cứng rắn nhất trong "siloviki". Trong khi đó, Kherson đang dần trở thành một thành phố xô-viết với những lá cờ đỏ khắp nơi. Chính quyền chiếm đóng cũng bắt đầu phân phát các hộ chiếu Nga trước ống kính truyền hình, nhưng hiện chỉ mới vài chục người muốn nhận. Mua bán nay phải dùng đồng rúp, các ngân hàng Nga dự kiến mở thêm 200 chi nhánh, các công ty điện thoại đến từ Nga và lính Nga chiếm các vị trí trong ngành nông nghiệp địa phương.
Tại Kramatorsk ở Donbass, đặc phái viên Le Monde gặp gỡ Oleg Sensov. Đạo diễn nổi tiếng của Ukraine, được tặng giải Sakharov năm 2018, nay là chiến binh thuộc một đơn vị đặc nhiệm chuyên bắn hạ trực thăng. Ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng anh đã xung phong gia nhập lực lượng phòng vệ dân sự ở Kiev, nhưng nay người nghệ sĩ muốn cầm súng bảo vệ đất nước một cách chuyên nghiệp hơn.
Sau thời gian được huấn luyện ở miền tây, nhà đạo diễn 45 tuổi giờ đây xuôi ngược vùng tiền tuyến Donbass với hỏa tiễn Stinger trên vai. Anh cho biết mỗi lần phát hiện trực thăng địch bay thấp trên ngọn cây, anh và đồng đội chỉ có tối đa hai đến ba giây đồng hồ để khai hỏa. "Trong thời chiến, cần phải hữu ích cho đất nước, có được tối đa chuyên môn". Cũng như nhiều chiến binh Ukraine khác, Oleg Sensov tham gia với tinh thần sẽ phải chiến đấu lâu dài. "Vấn đề duy nhất là 'to be or not to be', đó là một cuộc chiến để Ukraine có thể sống còn". Bên cạnh nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, họ còn có niềm tin cần phải hy sinh để thế hệ sau được sống trong hòa bình.
Về phía các đồng minh của Ukraine, trả lời phỏng vấn của Le Monde, nữ thủ tướng Lithuania, Ingrida Simonyte khẳng định "Nga không còn là một nước mà chúng ta có thể đối xử một cách bình thường". Bà lấy làm tiếc vì những năm gần đây Châu Âu đã tỏ ra khoan hòa với Moskva.
Từng viết trên Twitter Nga là "Nhà nước côn đồ", thủ tướng Lithuania cho rằng rất đáng buồn khi một số người vẫn tin rằng có thể thay đổi được Nga bằng cách nói chuyện lịch sự, cố gắng kéo Nga và một cuộc tranh luận dân chủ. Họ muốn coi Nga cũng như mình, tức là một nước mà các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước cử tri, giải thích những quyết định của mình trước báo chí tự do và công luận. Thời gian qua Lithuania đã rất vất vả để giải thích rằng ý đồ đế quốc, tái chiếm những vùng đất Liên Xô cũ vẫn chưa biến mất phía sau tấm bình phong kinh tế. Phương Tây tin có thể đưa bất kỳ ai vào thế giới văn minh nhờ sự thịnh vượng từ thương mại, người Nga khi giàu lên sẽ đòi hỏi tự do, nhưng thực tế diễn ra ngược lại.
Lithuania đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo từ năm 2008 sau khi Nga đưa quân vào Gruzia, và năm 2014 sau vụ sáp nhập Crimée, xúi giục nổi dậy ở Donbass. Nhưng trừng phạt của Châu Âu chỉ là tượng trưng, chế độ Putin vẫn làm giàu và âm thầm chuẩn bị cho việc xâm lăng Ukraine. Chính thái độ hòa dịu đã dẫn đến tình trạng hiện nay vì với Moskva không bao giờ là thương mại đơn thuần, tất cả đều là địa chính trị, với trò chơi lấy thịt đè người và làm săng-ta. Đó là trường hợp bắt bí Châu Âu về khí đốt hiện nay.
Bà Ingrida Simonyte bác bỏ cáo buộc của Moskva là Lithuania phong tỏa Kaliningrad, khẳng định chỉ 1 % lượng hàng đi qua bị chặn lại, đó là sắt thép, còn thực phẩm, thuốc men, dụng cụ gia đình...vẫn lưu thông bình thường. Về việc Nga đe dọa trả đũa, bà chẳng hề lo vì Moskva vẫn dọa dẫm từ 15 năm qua. Lithuania chỉ mới giành độc lập được từ 32 năm, nhiều người vẫn chưa quên thời kỳ sống dưới sự chiếm đóng của Liên Xô. Có những người bị đày đi Xibêri, hoặc sinh ra sau khi cha mẹ bị lưu đày. Bản thân nữ thủ tướng cũng từng sống dưới thời xô-viết 15 năm, và nếu Lithuania lớn tiếng, đó là vì "chúng tôi sẽ không bao giờ thuộc về thế giới đó nữa, chúng tôi là người Châu Âu".
Nhìn chung, Le Monde nhận thấy "Sự kiên nhẫn của phương Tây đang đứng trước thử thách". Bốn tháng sau cuộc xâm lăng của Nga, chưa ai có thể đoán được cuộc chiến này sẽ đi về đâu. Quân Nga tiếp tục trút bão lửa xuống các chiến sĩ Ukraine còn thiếu thốn trang bị, trừng phạt của phương Tây vẫn chưa buộc được Moskva phải qùy gối, và nhiều nước trên thế giới hãy còn đứng ngoài cuộc xung đột. Thành công về chính trị của Ukraine và sự hồi sinh của NATO, sự đoàn kết của phương Tây đã vô hiệu hóa một phần tính toán của ông chủ điện Kremlin, bao nhiêu uy tín của nước Nga đều đổ sông đổ biển, nhưng Vladimir Putin vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược quốc gia láng giềng.
Cuộc chiến tranh tiêu hao còn kéo dài cho đến khi một bên đã đạt đến giới hạn của sự chịu đựng. Đó có thể là Ukraine, mà Putin đã vi phạm tất cả các công ước chiến tranh để oanh kích không ngơi nghỉ những vùng dân cư nhằm phá hoại tình đoàn kết dân tộc. Cũng có thể là Nga, dù cố tung ra những hoạt động quân sự dồn dập hơn bao giờ hết. Nhưng cuộc chiến hao mòn này còn liên quan đến các nhân tố khác, đó là các đồng minh của Ukraine. Vladimir Putin có thể tập trung tấn công vào gót chân Achilles của các chế độ dân chủ, đó là tính chất ngắn hạn : quyền lực thay đổi theo những cuộc bầu cử.
"Sự kiên nhẫn chiến lược" cũng là điều mà dư luận quần chúng cần phải chứng tỏ. Vào đầu tháng Năm, một cuộc điều tra của Viện Brookings ở Washington cho thấy số người sẵn sàng trả tiền xăng cao hơn do chiến tranh đã giảm còn 59 %, so với 73 % hồi tháng Ba, lúc Putin vừa xua quân sang Ukraine. Tình hình còn có thể trầm trọng hơn ở Châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì dầu khí Nga.
Một sự giải thích về cái giá phải trả cho chiến tranh trở nên cần thiết đối với các đồng minh Châu Âu, cũng như sự hỗ trợ về quân sự, sau ba thập niên lặng lẽ giải trừ quân bị. Bên cạnh đó là chuẩn bị tinh thần đối với một số nước buộc phải hạn chế một số lãnh vực. Nỗ lực này cần đi kèm với việc thường xuyên nhắc nhở về tính chất dã man của cuộc xâm lăng từ Nga, bảo vệ những tiêu chí căn bản như sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Le Monde cho rằng nếu Vladimir Putin đặt cược vào sự mệt mỏi của xã hội phương Tây, thì các nhà lãnh đạo cần nhớ rằng quyết tâm và sức bền cũng phải được tập dượt như với cơ bắp.
Thụy My