Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/07/2022

Điểm báo Pháp - Macron cố giành lại thế thượng phong

RFI tiếng Việt

Trả lời phỏng vấn Quốc khánh Pháp : Tổng thống Macron cố giành lại thế thượng phong

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn nhân ngày Quốc khánh 14/07. Đây là lần thứ hai ông Macron trả lời phỏng vấn ngày Quốc khánh, kể từ khi nhậm chức tổng thống lần đầu tiên năm 2017. Tổng thống Macron cố gắng giành lại thế thượng phong với cuộc phỏng vấn, là chủ đề chính trang nhất của đa số báo chí Pháp hôm nay. Nhiều báo tỏ ra thái độ chỉ trích gay gắt bài phỏng vấn của nguyên thủ Pháp, bị chỉ trích là lẩn tránh thực tại.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn nhân Quốc khánh 14/07/2022, tại điện Elysée, Paris.  AFP – Ludovic Marin

"Macron phản công" là nhan đề trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos. "Đối mặt với các khủng hoảng, Macron thể hiện lạc quan", tựa lớn trang nhất của Le Figaro thiên hữu. Nhật báo Công giáo La Croix có bài xã luận : "Chiến đấu", nhấn mạnh đến hai điểm chính trong bài trả lời phỏng vấn của tổng thống Macron : kế hoạch tiết kiệm năng lượng và luật về lao động.

Tổng thống Macron không từ bỏ các dự án cải cách chính

Tăng tốc tiến trình hướng đến tiết kiệm năng lượng, giải quyết triệt để nạn thất nghiệp và tiếp tục tìm cách thực hiện dự án cải cách chế độ hưu trí là ba nội dung chính trong cương lĩnh hành động của tổng thống Macron mà Les Echos ghi nhận. Xã luận Les Echos, với tựa đề "Macron, con đường hẹp (nhưng tốt lành)", hoan nghênh việc tổng thống Macron đã "không từ bỏ các dự định cải cách", vốn bị đình lại trong nhiệm kỳ đầu tiên với một cuộc khủng hoảng có nguồn gốc bên ngoài (đại dịch Covid), và hai cuộc khủng hoảng xuất phát từ chính sách của chính phủ (sắc thuế sinh thái đánh vào xăng dầu gây cuộc khủng hoảng Áo Vàng 2018 – 2019, và dự án cải cách hưu trí).

Les Echos đánh giá cao việc tổng thống Macron đã kiên quyết đặt hồ sơ về lao động – việc làm lên hàng đầu, coi đây là một "tín hiệu tốt lành". Bởi tình hình hiện tại là khẩn cấp : 6 trên 10 chủ doanh nghiệp khó tuyển mộ lao động (mức kỷ lục từ năm 1991), trong lúc hàng triệu người không tìm được việc làm.

Nhưng vì sao lại là "con đường hẹp" ? Theo Les Echos, chính phủ hiện nay đang gặp khó khăn để thông qua được các biện pháp tại Quốc Hội, để điều chỉnh luật lao động cũng như nhằm bảo vệ "sức mua" của người dân trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Cái khó là liên minh cầm quyền hiện nay không có được đa số tuyệt đối. Tình hình vốn được coi là gần như bế tắc đối với chính quyền Macron.

"Trưng cầu dân ý", nếu đối lập tại Quốc Hội không hợp tác

Làm thế nào để một chính quyền, vốn không còn đa số tuyệt đối tại Quốc Hội, có thể đưa ra được các quyết định ? Mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị" của Les Echos, nhan đề "Trên đời không chỉ có Quốc Hội", thuật lại quan điểm mới của tổng thống trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày hôm qua. Có hai điểm chính : Thứ nhất là tổng thống bác bỏ việc trọng tâm của quyền lực đã chuyển dịch sang Quốc Hội, và thứ hai là tổng thống nêu khả năng sử dụng biện pháp trưng cầu dân ý.

Les Echos ghi nhận thái độ rất quyết đoán của ông Macron, để lại ấn tượng là dường như "không gì có thể dừng được ông ấy". Tổng thống Macron "tránh thách thức Quốc Hội", nhưng gây áp lực. Ông Macron một mặt có những lời lẽ giễu cợt đối với cánh tả, mặt khác gửi cảnh báo "trách nhiệm" đến cánh hữu, qua thông điệp : "Tôi tin tưởng ở thái độ minh triết của Quốc Hội". Tổng thống Macron tìm cách buộc các dân biểu đối lập hướng đến tìm kiếm thỏa hiệp với chính phủ. Trong trường hợp bất hợp tác, các dự luật không được thông qua do không đủ đa số, tổng thống Macron nhấn mạnh : "Tôi có thể hướng thẳng đến các công dân Pháp, để yêu cầu họ ra quyết định", tức trưng cầu dân ý.

"Chúng ta sẽ tới đích" : Câu "thần chú" của Macron

Quyết tâm không từ bỏ các dự án cải cách của tổng thống Macron cũng là ghi nhận của Le Figaro. Tuy nhiên, bài xã luận của nhật báo thiên hữu đặc biệt chú ý đến thái độ "lạc quan" có thể coi là quá mức của nguyên thủ Pháp, bởi trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, ông Macron đã bỏ qua hàng loạt thách thức của hiện tại. Theo Le Figaro, căn cứ trên những phát biểu của ông Macron, nước Pháp hiện lên như một xã hội "không hề có vấn đề với tình trạng bệnh viện thiếu nhân viên y tế, trường học thiếu giáo viên, một nước Pháp không biết đến bạo động tại Sân vận động Stade de France, hay một xứ sở không có khủng hoảng nhập cư, không bị Hồi giáo cực đoan đe dọa, một xã hội không bị rạn nứt về địa lý, kinh tế, văn hóa, một cộng đồng không có xung đột thế hệ".

Le Figaro đặc biệt chú ý đến việc tổng thống đã quy giản các thách thức đối với nước Pháp vào ba yếu tố chính bên ngoài (là "chiến tranh tại Ukraine, khí hậu bị hâm nóng và lạm phát") và ba vấn đề trong nước ("thất nghiệp, sức mua sụt giảm và tuổi hưu trí"). Tổng thống Macron muốn truyền đến công chúng niềm tin vào tương lai tốt đẹp. Nhưng đối với Le Figaro, điệp khúc "on va y arriver / chúng ta sẽ tới đích" được tổng thống Macron nhắc đi nhắc lại, đã vang lên chỉ như "một câu thần chú". Nhật báo thiên hữu kết luận : Nguyên thủ Pháp đã tập trung dùng "sức mạnh của lời lẽ để bù lấp cho những yếu kém về chính trị (của mình)".

Chỉ trích bài trả lời phỏng vấn của tổng thống ngày Quốc khánh cũng là lập trường của Libération. Nhật báo thiên tả đả kích tổng thống Macron mạnh hơn nhiều so với đồng nghiệp thiên hữu. Hàng tít trang nhất của Liberation đầy vẻ giễu cợt : "Cuộc phỏng vấn ngày 14/07 : Làm việc nhiều hơn để được trả lương ít hơn", đăng trên nền hình ảnh ông Macron cười hoan hỉ, mắt nhắm tít, vẻ mặt đầy thỏa mãn.

Cuộc phỏng vấn ngày Quốc khánh : Cơ hội để ông Macron đánh bóng hình ảnh

Libération ghi nhận việc người đứng đầu nước Pháp "đã liên tục đưa ra các tín hiệu tìm đồng cảm ở cánh hữu, lực lượng chính trị mà ông Macron đang cần đến sự hỗ trợ, để các dự luật chính phủ đưa ra có thể được Quốc Hội thông qua". Xã luận của Liberation nhan đề "Những điều tai hại" lên án tổng thống Macron đã tìm cách quy trách nhiệm cho những người khác, về tất cả những thách thức mà ông đang phải đương đầu. Đổ lỗi cho báo chí về những cáo buộc liên quan đến những liên hệ với tập đoàn Uber, đổ lỗi cho các dân biểu về việc dự luật y tế bị thất bại một phần… hay cho người dân Pháp, vì làm việc không đủ chuyên cần…". Đối với Liberation, điểm duy nhất được coi là tương đối "có lý" trong bài trả lời phỏng vấn của tổng thống là một số biện pháp liên quan đến khí hậu, như "kế hoạch tiết kiệm năng lượng", "địa nhiệt", "điện gió"…

Nhưng nhật báo thiên tả cũng chỉ ra mức độ tương phản rất lớn giữa các đề xuất nói trên của tổng thống và thách thức ghê gớm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay. Liberation mô tả : "những làn gió khô nóng thổi từ sa mạc Sahara tràn vào khu vườn của điện Elysée đúng vào lúc giọng nói của tổng thống biến đi, như thể các vị thần linh muốn giễu cợt các biện pháp dè dặt chống lại sự hỗn loạn khí hậu, vừa được tổng thống thông báo".

Chế giễu bài trả lời của ông Macron ngày Quốc khánh là giọng điệu xuyên suốt bài xã luận của Liberation. Nhật báo thiên tả khen ngợi hai đồng nghiệp Caroline Roux et Anne-Claire Coudray (hai người phỏng vấn ông Macron), đã thật hoàn hảo trong vai kẻ tung, người hứng, khi tạo điều kiện cho nguyên thủ Pháp cơ hội đánh bóng lại hình ảnh. Ông Macron giờ đây đã xa rời với danh hiệu "thần Jupiter", biệt danh mà nhiều người chỉ trích đã gọi ông để mệnh danh một cách điều hành xã hội từ trên cao, từ bên trên, như vị thần tối cao trong thần thoại La Mã. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm qua, tổng thống Macron tự nhận là danh hiệu "thần Vulcain" hợp với ông hơn. Trong thần thoại thời cổ đại, thần Vulcain là thần lửa, thần bảo trợ nghề rèn, ngọn nguồn của các hoạt động công nghiệp. Có nghĩa là tổng thống giờ đây chọn thái độ hòa mình với thế giới nhân sinh. Chỉ có điều theo Liberation, tổng thống Macron, người chọn lấy vị thần Vulcain khiêm nhường, lại là người "khá thỏa mãn với bản thân".

Tổng thống Pháp : Chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài tại Ukraine

Bài phỏng vấn đặc biệt của tổng thống Macron nhân ngày Quốc khánh Pháp được khen ngợi, cũng như bị chỉ trích dữ dội. Nhưng dù khen ngợi, hay chỉ trích, một thông điệp nổi bật được nhiều báo Pháp ghi nhận trong bài phỏng vấn nói trên là nước Pháp cần phải chuẩn bị cuộc chiến tranh lâu dài tại Ukraine, và "mùa hè đang diễn ra và đầu mùa thu tới chắc chắn sẽ rất khó khăn".

Le Figaro trong bài "Nguyên thủ Pháp chờ đợi một cuộc lâu dài tại Ukraine" nhấn mạnh đến thông điệp của tổng thống Macron về việc nước Pháp đang bước vào "một nền kinh tế thời chiến". Cuộc chiến tại Ukraine không có triển vọng sớm chấm dứt buộc nước Pháp và Châu Âu phải xem xét lại "mọi lĩnh vực", bao gồm việc xây dựng một quân đội hùng mạnh hơn, cũng như điều chỉnh nhiều chính sách về địa-chính trị.

"Kinh tế Đức hụt hơi khiến các nước Châu Âu lo ngại"

Cuộc chiến tại Ukraine khiến kinh tế Đức suy thoái là chủ đề trang nhất của Le Figaro. Bài "Kinh tế Đức hụt hơi khiến các nước Châu Âu lo ngại" cho biết tỉ lệ tăng trưởng của "nguyên đầu máy kinh tế của Châu Âu" dự kiến sẽ chỉ đạt mức 1,4% trong năm nay, tỉ lệ thuộc hàng thấp nhất của Châu Âu. Lý do chủ yếu của tình trạng này là sự phụ thuộc nặng nề của Đức vào khí đốt Nga. Mà Moskva hiện đang triệt để sử dụng khí đốt như một vũ khí để đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế của Châu Âu.

Không chỉ khủng hoảng về năng lượng, Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tín dụng trầm trọng. Bài "Cuộc khủng hoảng nợ đang trước mặt chúng ta" trên Les Echos cảnh báo Châu Âu phải sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tài chính với quy mô tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hay khủng hoảng những năm 1970.

Tổng thống Mỹ công du Trung Cận Đông : Dầu mỏ và Iran, hai chủ đề trọng tâm

Chuyến công du Trung Cận Đông của tổng thống Hoa Kỳ cũng là một hồ sơ chính khác của báo chí Pháp. Le Figaro tóm lược ý nghĩa của chuyến đi với bài "Joe Biden muốn kéo Ả Rập Xê Út tham gia hỗ trợ Hoa Kỳ đối mặt với các thách thức về năng lượng và an ninh".

Tổng thống Biden hy vọng Ryad sẽ hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống lại nạn giá cả xăng dầu tăng vọt, hậu quả của cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine. Trên thực tế, theo giới chuyên gia, Washington khó có thể hy vọng nhiều ở Ả Rập Xê Út trong việc gia tăng sản lượng, bởi các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Ả Rập Xê Út trong những năm gần đây đã không được đầu tư. Bên cạnh đó, chính quyền Ryad cũng có những cam kết với khối các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn OPEP+, bao gồm Nga.

Ngoài hồ sơ dầu mỏ, tổng thống Hoa Kỳ cần đến sự hỗ trợ của Ả rập Xê Út và nhiều quốc gia vùng Vịnh trong hai vấn đề lớn khác, đe dọa Iran và quan hệ với Israel. Mục tiêu mà tổng thống Biden muốn đạt được trong chuyến đi này là Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út và Israel thỏa thuận "một lộ trình" cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Jerusalem và Riyad.

Nguy cơ chiến tranh Israel – Iran bùng phát bất cứ lúc nào

Giải hòa giữa Israel và các nước Ả Rập là điều cấp bách với Hoa Kỳ. Bởi đe dọa một cuộc chiến tranh mới có thể bùng lên tại Trung Cận Đông từ bất cứ lúc nào. "Cuộc chiến bí mật giữa Iran và Israel có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang công khai" là chủ đề một phân tích trên Le Monde của chuyên gia Antoine Basbous (giám đốc Đài quan sát các xã hội Ả Rập). Theo vị chuyên gia này, chính quyền Israel đang bắt đầu thay đổi học thuyết về an ninh. Thay vì tấn công vào các lực lượng địa phương do Iran điều khiển, tại Liban, hay Syria, chính quyền Israel giờ đây chủ trương nhắm thẳng vào "đầu con bạch tuộc".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 215 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)