Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/07/2022

Điểm báo Pháp - Khủng hoảng chính trị tại Ý

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng chính trị tại Ý : EU lên cơn sốt, Nga mừng vui

Chủ đề chiếm lĩnh trang nhất toàn bộ các tờ báo lớn ra tại Pháp vào hôm 22/07/2022, dĩ nhiên là sự kiện thủ tướng Ý Mario Draghi từ chức hôm qua. Ngoài ra, việc Nga cho mở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 qua Liên Âu cũng được quan tâm.

y1

Thủ tướng Ý Mario Draghi tại Kiev, thủ đô Ukraine ngày 16/06/2022.  AP - Ludovic Marin

Về cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý, với việc thủ tướng Mario Draghi từ chức, Quốc hội bị giải tán để được bầu lại vào tháng 9 tới đây, tất cả các tờ báo đều lo ngại trước tình hình chính trị rất bấp bênh tại Ý, với nguy cơ Liên Hiệp Châu Âu bị rơi vào bất ổn và chia rẽ trong bối cảnh rất cần đến sự đoàn kết để đối phó với Nga. 

EU run sợ 

Ngay trên trang nhất của mình, nhật báo thiên tả Libération tóm gọn tình hình với hàng tựa lớn rất nôm na : "Khủng hoảng ở Ý : Draghi rớt đài, Châu Âu run rẩy". Theo tờ báo, thủ tướng Ý là một người luôn luôn thiết tha với việc bảo vệ sự ổn định tiền tệ, việc ông từ chức có nguy cơ làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu, vốn đã bị đẩy vào tình trạng căng thẳng với cuộc chiến ở Ukraine và sự quay trở lại của lạm phát.  

Nhật báo thiên hữu Le Figaro, dù nhấn mạnh trên hệ quả đối với nước Ý qua hàng tít lớn trang nhất : "Mario Draghi ra đi, nước Ý lâm vào tình thế bấp bênh", nhưng cũng dành nguyên một bài để đề cập đến nguy cơ "Châu Âu phải đối phó với một ván bài phức tạp", tựa bài phân tích trang trong. 

Theo Le Figaro, sự kiện ông Mario Draghi từ chức là một phát súng cảnh cáo mới cho Liên Hiệp Châu Âu. Vốn đã phải gánh chịu các tác hại từ cuộc chiến tranh Ukraine và tình trạng lạm phát phi mã mà cuộc chiến đó gây ra, từ cuộc khủng hoảng năng lượng và nguy cơ suy thoái đang rình rập, EU sẽ phải đối phó thêm với hai vấn đề mới : sự ra đi sắp tới đây của một lãnh đạo có uy tín ở Châu Âu và một cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia lớn thứ ba trong khu vực đồng euro, đang oằn mình dưới một món nợ khổng lồ không dưới 150% GDP. 

Theo tờ báo, tất cả những điều kể trên không dự báo gì tốt lành cho Liên Âu vào lúc mà, theo như nhận định khá ý nhị của một nhà ngoại giao Châu Âu, "có một sự thiếu năng nổ của nước Đức với một Olaf Scholz đang lúng túng trong liên minh cầm quyền của mình". Đối với Le Figaro, trong tình thế đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thấy mình hơi đơn độc vào thời điểm toàn khối Liên Âu cần sự lãnh đạo mạnh mẽ. 

Trên trang nhất của mình, Le Monde cũng nói đến "Sự kết thúc hỗn loạn của kỷ nguyên Draghi tại Ý", nhắc lại rằng, dù đã từ chức, ông Draghi đã được yêu cầu ở lại xử lý công việc hàng ngày cho đến khi Quốc hội mới được bầu ra và thủ tướng mới được bổ nhiệm. Trong bài xã luận của mình, tờ báo không ngần ngại nhận định : "Sự kiện kỷ nguyên Mario Draghi kết thúc ở Ý là một cú sốc cho toàn Châu Âu". 

Nhật báo công giáo La Croix cũng không nói gì khác hơn khi ghi nhận "Nước Ý mất Mario Draghi, Châu Âu nín thở lo âu". Theo tờ báo, do việc ông Draghi là biểu tượng của sự nghiêm túc đối với Liên Hiệp Châu Âu cũng như các thị trường tài chánh, việc ông từ chức có nguy cơ kéo theo một tình trạng mất ổn định khiến giới lãnh đạo Liên Âu đổ mồ hôi lạnh.  

Nỗi lo về một kịch bản "Hy Lạp" 

Một trong những mối lo cụ thể đối với Liên Hiệp Châu Âu là nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Ý tạo điều kiện thuận lợi cho giới đầu cơ tiền tệ hoành hành, như điều đã từng xẩy ra tại Hy Lạp trước đây. 

Dưới hàng tựa lớn trang nhất ngắn gọn "Ý, cơn choáng váng", nhật báo công giáo Pháp La Croix đã gắn liền hai sự kiện : "Việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng các lãi suất chỉ đạo và việc thủ tướng Ý Mario Draghi từ chức đã đẩy Châu Âu vào một thời kỳ bất ổn". 

Nỗi sợ hãi đang gia tăng về một kịch bản "Hy Lạp", với các cuộc tấn công đầu cơ chống lại Ý và thậm chí chống lại tất cả các nước của khu vực đồng euro. Theo La Croix, từ nhiều tuần lễ qua, "các thị trường đã đặt cược vào khả năng Ý gặp rủi ro tài chánh, coi nền kinh tế lớn thứ ba của Châu Âu là mắt xích yếu mới trong khu vực đồng euro. Trong khoảng thời gian 6 tháng, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý đã tăng từ 1,3 lên 3,5%, do đó làm tăng chi phí nợ công. Con số này đã đạt 150% GDP, tức là gấp đôi mức trung bình của khu vực đồng euro". 

Theo tờ báo, "nhìn từ Bruxelles, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ý làm ​​ni bt nhng bt n v tính liên tc ca các ci cách được thc hin để trong sch hóa nn tài chính công ca đất nước này. Nhưng nếu không có ci cách, khon tin 191 t euro đã ha vi Roma như mt phn ca kế hoch khôi phc Châu Âu sẽ bị đình chỉ, điều này một lần nữa có nguy cơ đè nặng lên tăng trưởng và do đó ảnh hưởng đến các thu nhập của Ý". 

Không hẹn mà gặp, nhật báo kinh tế Les Echos cũng kết hợp tình hình tài chánh chung của Liên Hiệp Châu Âu với nội tình chính trị Ý trong hàng tít lớn trang nhất của mình : "Lạm phát, Ý : Phản ứng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu". 

Theo tờ báo, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng lãi suất, kết thúc kỷ nguyên kiếm tiền dễ dàng. Bà Christine Lagarde, lãnh đạo Ngân hàng loan báo thành lập một cơ chế chưa từng có để tránh một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực đồng euro. Điều này không phải là thừa, vì theo Les Echos, việc thủ tướng Ý Mario Draghi từ chức đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ hỗn loạn tài chính. 

Ý khủng hoảng, EU có nguy cơ chia rẽ, Putin "xoa tay" mừng

Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu đang hết sức lo ngại trước các diễn biến tại Ý, có nguy cơ khoét sâu tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong EU, có một lãnh đạo được báo Pháp cho là đang rất hả hê : Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Trong bài xã luận mang tựa đề "Hoảng sợ", báo Libération cho rằng việc ông Mario Draghi từ chức đã đẩy Liên Hiệp Châu Âu sâu hơn vào tình trạng bất ổn, trong lúc phải đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine và nạn lạm phát phi mã. Bối cảnh này một lần nữa thách thức sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên Liên Âu. 

Theo tờ báo, tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ không mong đợi nhiều như vậy. Với việc ông Draghi từ chức thủ tướng Ý, không chỉ một chỗ dựa tích cực cho Ukraine mất đi, một bán đảo một lần nữa chìm trong hỗn loạn, mà trên hết là toàn bộ Châu Âu đang chao đảo. Và khi Châu Âu rung chuyển, tất nhiên tổng thống Nga sẽ xoa tay sung sướng, vì khuynh đảo Liên Âu vẫn là một trong những mục tiêu chính của ông. 

Tại sao sự ra đi đơn giản của một thủ tướng lại có thể ảnh hưởng đến toàn bộ lục địa ? Đối với Libération, đó là vì Mario Draghi, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý rồi sau đó lên làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, là hiện thân của sự ổn định trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế nhiều biến động kể từ ngày 24 tháng 2 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga.  

Ông dường như đã kiềm chế cánh hữu cực đoan của Berlusconi, đảng Forza Italia, những người theo chủ nghĩa dân túy trong Phong Trào Năm Sao và các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực hữu của Liên Đoàn - phần lớn tán đồng các luận điểm của Putin - và trên hết là trấn an được các thị trường tài chính vào lúc Ý đang ngập đầu vì nợ nần chồng chất. 

Trong bài xã luận của mình, nhật báo Le Figaro cũng lo ngại trước nguy cơ cánh hữu cực đoan của ông Berlusconi và cánh cực hữu Ý của Liên Đoàn trở lại nắm quyền ở Roma, như vào thời lãnh đạo Liên Đoàn Matteo Salvini làm thủ tướng gần đây. Theo tờ báo lập trường thống nhất của Châu Âu về cuộc chiến ở Ukraine đang gặp nguy hiểm, vì lẽ "Berlusconi là bạn thân, và Salvini, một người hâm mộ nhiệt thành của Vladimir Putin". 

Khí đốt : Nga tái lập cung cấp, Châu Âu đẩy mạnh tiết kiệm

Như nói ở trên, ngoài cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý, sự kiện Nga mở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 cũng được báo chí Pháp quan tâm  

Le Figaro ghi nhận : "Chiến tranh Ukraine : Moskva tái lập việc cung cấp khí đốt nhưng không trấn an được Berlin". Đối với tờ báo, rõ ràng là Vladimir Putin đang "thổi nóng và lạnh", sử dụng vũ khí năng lượng để duy trì áp lực lên Châu Âu. 

Les Echos thì chạy tựa: "Khí đốt: Sau khi Nord Stream 1 được tái khởi động một phần, Berlin tăng mục tiêu tiết kiệm". Theo tờ báo, sau mười ngày bảo trì, đường ống đã tiếp tục cung cấp khí ở mức 40% công suất, không đủ để tránh tình trạng thiếu hụt tại Đức trong mùa đông này. Berlin đặt mục tiêu tiết kiệm 15% sản lượng tiêu thụ, theo yêu cầu của Bruxelles. 

Le Monde ghi nhận trong hàng tựa lớn trang nhất : "Khí đốt : Kế hoạch của Bruxelles nhằm qua khỏi mùa đông".

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm 20/07 đã đánh giá rằng "kịch bản xấu nhất" là điều rất có thể xẩy ra, tức là tập đoàn Nga Gazprom cúp hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho 27 nước Liên Âu. Để đối phó với điều này, bà đã đưa ra một kế hoạch tự nguyện yêu cầu mỗi nước thành viên giảm 15% mức tiêu thụ của mình. 

Đối với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, kỷ luật chung này có thể cho phép không cần đến khí đốt của Nga, nếu mùa đông không quá lạnh. EU đang xem xét một cơ chế đoàn kết mà Ủy ban có thể từ chối kích hoạt nếu quốc gia thành viên xin giúp đỡ không thực hiện tiết kiệm.

Nhật báo La Croix cũng ghi nhận việc Nga đã nối lại việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 vào ngày 21/07 trong lúc người dân Châu Âu lo ngại sẽ bị cắt giảm. Tuy nhiên trong bài phân tích "Tại sao Nga khó có thể cắt nguồn khí đốt (qua Châu Âu)", tờ báo cho rằng nếu Châu Âu phụ thuộc vào Nga về nguồn cung cấp, thì Nga cũng phụ thuộc Châu Âu trong tư cách là nguồn tiêu thụ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 282 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)