Ngày Độc Lập, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine "chiến đấu đến cùng" chống Nga
Minh Anh, Thùy Dương, RFI, 24/08/2022
Tại Ukraine, 24/08/2022 là một ngày mang tính biểu tượng kép. Đó là ngày Độc Lập đánh dấu 31 năm thoát khỏi Liên Bang Xô Viết. Cũng vào ngày này cách nay sáu tháng, Nga xâm lược Ukraine. Trong thông điệp gửi đến dân chúng, được AFP trích dẫn, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu "đến cùng" mà "không có bất cứ nhượng bộ hay thỏa hiệp nào" với Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky dự hội nghị Thượng đỉnh Crimea Platform tại Kiev, Ukraine, ngày 23/08/2022. AP - Andrew Kravchenko
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, Ukraine đã "trụ vững được 6 tháng" trước quân Nga. Ông khẳng định tình hình khó khăn nhưng nhấn mạnh người Ukraine "đang chiến đấu vì số phận" của chính họ và sẽ chỉ "giơ tay lên" để mừng "chiến thắng", chứ không phải để đầu hàng quân Nga.
Nguyên thủ Ukraine kêu gọi chiến đấu vì một đất nước Ukraine toàn vẹn lãnh thổ, với tất cả 25 vùng, tuyệt đối không nhượng bộ và không thỏa hiệp với Nga.
Tổng thống Zelensky hứa giành lại vùng Donbass ở miền đông từ phe ly khai thân Nga và cả bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014. Đối với tổng thống Zelensky, Ukraine "sẽ không tìm cách hòa hợp với những kẻ khủng bố".
Trả lời phỏng vấn RFI, tướng Pháp Dominique Trinquant nhận định về mục tiêu thu hồi lãnh thổ của tổng thống Ukraine :
"Đối với tổng thống Zelensky tuyên bố muốn thu hồi lại toàn bộ vùng lãnh thổ bị Nga xâm chiếm, thì đó không chỉ là những vùng mới bị Nga chiếm giữ gần đây, mà còn cả những nơi đã bị quân Nga xâm chiếm từ hồi năm 2014, bao gồm cả bán đảo Crimea. Sau nỗ lực hòa giải đầu tiên diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thành công, người ta đã hiểu rằng có thể sẽ có những sự nhượng bộ về lãnh thổ, nhưng hiện giờ tổng thống Zelensky đề ra mục tiêu tối đa là giải phóng toàn thể các vùng lãnh thổ. Đó là nội dung trong bài phát biểu của tổng thống Zelensky, còn trên thực địa, đà tiến của Ukraine lại rất chậm. Mỗi bên tham chiến đều tìm cách chiến thắng nhiều nhất có thể trước khi mùa đông đến, bởi vì kể từ tháng 11 chắc chắn các hoạt động sẽ bị chậm lại".
Chính quyền Ukraine đã cấm người dân hôm nay tụ tập công khai ở thủ đô vì lo ngại nguy cơ Nga lại tấn công Kiev bằng tên lửa. Nhà chức trách kêu gọi người dân trong cả nước giữ tinh thần cảnh giác và xuống hầm trú ẩn trong trường hợp có còi báo động phòng không. Ở Kiev, trong sáng hôm nay đã có 2 hồi còi báo động vang lên.
Mục tiêu của Nga tại những vùng chiếm đóng ?
Nhìn từ phía Nga, câu hỏi đặt ra là tương lai các vùng mà quân đội Nga chiếm giữ ra sao ?
Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri giải thích :
"Trên lý thuyết, mục tiêu đặt ra rất rõ ràng, và hơn nữa cũng đã được thể hiện rõ qua nhiều tấm bảng tuyên truyền của chính quyền Mariupol tại Melitopol : "Nước Nga hiện diện mãi mãi ở đây". Những vùng lãnh thổ này có khả năng trở thành một phần lãnh thổ thuộc Nga. Mặt khác, quân đội Nga, trong chuyến tham quan báo chí được tổ chức tại những vùng lãnh thổ đó, đã thường xuyên để các phóng viên thấy cảnh người dân nhận hộ chiếu Nga.
Phương pháp do chính quyền thân Moskva tại chỗ đưa ra rất có thể sẽ là tổ chức trưng cầu dân ý. Câu hỏi đặt ra : Khi nào sẽ có trưng cầu dân ý ? Liệu Nga có muốn tổ chức chúng ngay khi đã chiếm được toàn bộ vùng Donbass hay không ? Hiện tại, tổng thống Vladimir Putin chưa hé lộ chút ý định nào của ông và không một tuần nào trôi qua mà thủ phủ của nước cộng hòa ly khai thân Nga Donetsk không bị Ukraine oanh kích đến tận trung tâm thành phố".
Minh Anh
*********************
Ukraine : Sáu tháng chiến tranh, Vladimir Putin vẫn làm chủ cuộc chơi
Minh Anh, 24/08/2022
24/08/2022, là đúng sáu tháng tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống Ukraine. Một cuộc chiến mà cho đến giờ không ai biết được mục tiêu của Nga là gì. Cũng không ai có thể biết được cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bao lâu. Nhưng theo giới quan sát, có một điều chắc chắn là trong bối cảnh bất định này, chủ nhân điện Kremlin vẫn đang làm chủ cuộc chơi.
Xe tăng của quân Nga bị tàn phá : chiến lợi phẩm được phô trương tại thủ đô Kiev trong ngành lễ Quốc Khánh Ukraine 24/08/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Sáu tháng chiến tranh, hàng triệu người Ukraine phải di tản. Từ 70 – 80 ngàn binh sĩ Nga thiệt mạng, theo thẩm định của Lầu Năm Góc và hơn 9.000 lính Ukraine tử trận, theo tuyên bố của Kiev. Sáu tháng chiến dịch, quân Nga dường như không tiến được nhiều và chiến tuyến vẫn không mấy dịch chuyển.
Đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch viện Themiis, trên đài truyền hình CNEWS của Pháp phân tích, tuyên bố "tạm ngưng chiến dịch" của Vladimir Putin có thể vì ba lý do : Thứ nhất, cuộc chiến này đã giết chết 15 ngàn binh sĩ Nga (theo như tình báo phương Tây) và ông Putin có thể lo ngại phản ứng của công luận. Thứ hai là trên bình diện ngoại giao. Nga bảo toàn thắng thế về lãnh thổ (Donbass, Crimea) để có được lợi thế thương lượng và phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Phi… Giả thuyết thứ ba là về mặt quân sự : Quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề và cần hồi phục sức mạnh.
Tuy nhiên, theo CNN, điều làm cho một số nhà quan sát ngạc nhiên nhất chính là khả năng "xuyên tạc", bóp méo thực tế của Nga.
Thứ nhất là trên bình diện tuyên truyền, theo đó, các tầu chiến của Nga không bị tên lửa của Ukraine đánh chìm và các căn cứ của Nga bị nổ là do tai nạn. Chính vì vậy, các số liệu thăm dò cho thấy sự ủng hộ của công luận Nga đối với "chiến dịch quân sự đặc biệt" và với chủ nhân điện Kremlin là rất cao. Cả hai viện thăm dò, một của nhà nước (WCIOM) và một cơ quan độc lập (Levada – Center) đều đưa ra một con số là trên 80%, bất chấp việc kiểm duyệt gắt gao báo chí độc lập cũng như việc bắt bớ những người phản đối chiến tranh.
Thứ hai, trong bối cảnh Moskva bị cô lập đối với nền kinh tế toàn cầu do các lệnh trừng phạt, và phần lớn các nguồn đầu tư của phương Tây vào Nga đã rời đất nước, làm ảnh hưởng nhiều lĩnh vực kinh tế như hàng không… nhưng hệ thống tài chính của Nga vẫn chưa sụp đổ và sự lo lắng của người tiêu dùng cũng chưa biến thành bất ổn chính trị như dự báo của lãnh đạo Viện Yale School of Management gần đây.
Đó là vì từ nhiều năm qua, nguyên thủ Nga cùng với các nhà kỹ trị đã nghiên cứu tìm cách chống đỡ các trừng phạt kinh tế, cho thay thế nhập khẩu bằng cách phát triển các sản phẩm nội địa, "cây nhà lá vườn" và một hệ thống thanh toán để tránh bị cô lập về tài chính. Và đặc biệt là cho dù ông Putin có thể là người quyết định mọi việc, bất kể hậu quả kinh tế có ra sao do các lệnh trừng phạt, thì hàng ngũ các nhà tài phiệt Nga ủng hộ ông Putin vẫn không hề tan rã.
Trước những khả năng kháng cự cũng mạnh mẽ không kém gì người dân Ukraine, những nước ủng hộ Ukraine và cả chính quyền Kiev đành phải chuyển sang gây khó với người dân Nga mà một trong những biện pháp đang được nhắm tới là ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Nga. Liệu rằng giải pháp này có thể làm thay đổi hành vi của người dân Nga hay không ? Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một phát biểu tại Oslo cảnh báo các lãnh đạo Châu Âu nên tách bạch rõ ràng về vấn đề này vì hành động gây chiến với Ukraine là "cuộc chiến của ông Putin" chứ không phải là từ "người dân Nga".
Trong bức tranh ảm đạm này, theo CNN, rõ ràng Vladimir Putin vẫn sống sót trước sự hắt hủi, tẩy chay của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Nguyên thủ Nga sẵn sàng chơi một trò chơi dài hơi với Mỹ và phương Tây. Ông Putin tin rằng trong sáu tháng tới, người dân Châu Âu sẽ phải trả giá năng lượng cao hơn, có khả năng gây áp lực với các chính phủ của họ trong việc thúc đẩy Ukraine phải tuân theo một thỏa thuận hòa bình theo ý của Nga.
Minh Anh
***********************
Sáu tháng chiến tranh Ukraine, Nga ngày càng xích lại gần Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 24/08/2022
Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi không lên án cuộc chiến do tổng thống Nga phát động ở Ukraine. Bị phương Tây cô lập và trừng phạt, Nga ngày càng xích lại gần với Trung Quốc. Mối quan hệ song phương từng được lãnh đạo ngoại giao hai nước khẳng định "vững như bàn thạch". Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp tổng thống Vladimir Putin vào tháng 11/2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia.
Tổng thống Nga, V. Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022 : 20 này trước cuộc xâm lược Ukraine. © AP - Alexei Druzhinin
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tổng kết mối quan hệ Nga-Trung trong sáu tháng vừa qua :
"Đó có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau gần 3 năm dịch Covid dù thông tin vẫn chưa được chính thức xác nhận. Lời mời đã được tổng thống Indonesia chuyển tới ông Tập ở Bắc Kinh vào tháng 7. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình đến Bali vào tháng 11, ông sẽ gặp đồng nhiệm Nga, dù hình ảnh sẽ không giống như hồi tháng 02, khi Trung Quốc tìm cách phá vỡ thế khá cô lập do các nước phương Tây tẩy chay ngoại giao lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông.
Sau 6 tháng chiến tranh ở Ukraine, sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào thị trường Trung Quốc, mà nhiều người gọi là "chư hầu", ngày càng rõ nét. Moskva gia tăng cơ hội xuất hiện với cường quốc thứ hai thế giới. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc dựa được vào đồng minh Nga để chống lại điều mà Bắc Kinh coi là "bao vây chiến lược" của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng phô trương sức mạnh quân sự và mối quan hệ chặt chẽ ở thượng tầng Nhà nước, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã gặp nhau trực tiếp khoảng 20 lần. Hai nhà lãnh đạo có chung tham vọng hồi sinh và tìm lại sức mạnh, đối lập với điều mà họ gọi là một "trật tự đơn phương" đến hồi suy tàn".
Thu Hằng