Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/08/2022

Điểm báo Pháp - Pháp muốn hòa giải với thuộc địa cũ Algérie

RFI tiếng Việt

Pháp muốn hòa giải với thuộc địa cũ Algérie vì khí đốt

Trong bối cảnh khủng hoảng khí đốt ở Châu Âu, việc nguyên thủ Pháp đến thăm Algérie là chủ đề được nhiều báo số ra hôm 26/08/2022 quan tâm.

algerie1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm nghĩa trang Châu Âu Saint-Eugène tại Alger, Algérie, ngày 26/08/2022. AFP – Ludovic Marin

Sau chuyến thăm đầu tiên cách nay 5 năm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Algérie công du 3 ngày, 25-28/08, gặp đồng nhiệm Abdelmajid Tenbboune hôm 25/08 tại Alger. Libération chạy tựa lớn trang nhất : "Macron quay trở lại thời hiện tại". Trong cuộc gặp này, tổng thống Algérie chiếm thế thượng phong, theo nhật báo thiên tả. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, Châu Âu rất quan tâm tới khí đốt của Algérie. Thời gian vừa qua, lãnh đạo ngoại giao Mỹ, Ý cũng như Nga cũng đã vội vàng đến thăm nước Bắc Phi. Xã luận Libération nhận định rằng Algérie đã trở thành vua dầu khí trong cuộc khủng hoảng này.

Ngoài ra, Pháp cũng cần đến sự trợ giúp của Algérie để thực hiện các hoạt động khủng bố ở Sahel, do không thể trực tiếp can thiệp vào lãnh thổ Mali từ năm 2020. Chiến dịch Barkhane của Pháp đã kết thúc, những người lính cuối cùng đã rời khỏi Mali vào ngày 15/08 vừa qua.

Xã luận Libération đặt câu hỏi : Emmanuel Macron muốn gì khi đến Algérie vào những ngày này ? Macron muốn hòa giải hay xoa dịu những nỗi đau, bất đồng lịch sử ? Nhật báo thiên tả cho biết kể từ khi Macron lên nắm quyền, ông đã nhiều lần nỗ lực củng cố quan hệ ngoại giao giữa hai nước, như là xác nhận việc quân đội Pháp đã sát hại các nhà hoạt động Algérie, tố cáo cuộc đàn áp đẫm máu người Algérie của cảnh sát Paris năm 1961. Pháp cũng đã nêu ra "tội ác chống lại loại người" mà chế độ Pháp đã thực hiện ở Algérie dưới thời thuộc địa. Thế nhưng, trong một bài phát biểu, tổng thống Pháp khiến Algérie hiểu rằng nếu không có Pháp thì không có một nước mang tên Algérie.

Cả Le Figaro Le Monde đều đề cập đến việc tổng thống Pháp muốn trở thành đối tác với Algérie trong tương lai. Trên trang mạng của báo Le Monde có tựa "Macron bày tỏ ý muốn hòa giải". Trong chuyến thăm này, tổng thống Pháp tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban quy tụ các sử gia của hai nước để đưa ra một cách nhìn tổng thể về giai đoạn lịch sử, giữa hai nước, từ thời Pháp thuộc đến khi Algérie giải phóng. Tuy nhiên, theo Libération, ở phía bên kia biển Địa Trung Hải, Alger vẫn đợi Pháp bồi thường cho những nạn nhân trong các vụ thử hạt nhân của Pháp ở Sahara, chưa kể đến vấn đề về thị thực mà sứ quán Pháp gây khó dễ đối với người Algérie.

Pháp tăng lương cho giáo viên 

Về thời sự tại Pháp, trong chuyến thăm tại đại học Sorbonne sáng ngày 25/08, tổng thống Pháp nêu ra những thay đổi trong hệ thống trường học. Chương trình mà Macron đưa ra nhằm "xây dựng lại trường học" được hầu hết các báo số ra hôm nay quan tâm.

Trang nhất báo Le Monde chạy tựa lớn "Macron đưa ra lộ trình" cho năm học mới. Bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa thể thao, Macron kêu gọi thay đổi hệ thống trường dạy nghề (lycée professionnel), đưa nhiều khóa thực tập vào trong chương trình. Macron cũng hứa hẹn tăng lương cho giáo viên, từ 10% đến 30% tùy vị trí và thông báo lập ra một "quỹ đổi mới sư phạm", trị giá 500 triệu euro, nhằm trao nhiều quyền tự do cho giáo viên và các cơ sở giáo dục.

Trong một bài đăng khác trên Le Monde cho biết, trong năm học mới, 09/2022, Pháp thiếu khoảng 4.000 giáo viên, trong đó có 1.700 giáo viên ở trường tiểu học. Libération thì nêu ra nhận xét của một giáo viên trung học về việc hầu hết các bộ trưởng Giáo Dục trước đây đều đồng tình rằng giáo viên được trả lương thấp, nhưng chưa có ai thực sự giải quyết được tình trạng này. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng sức mua giảm, tuyên bố tăng lương của Macron, trên thực tế, không làm hài lòng được các giáo viên.

Liệu Liên Âu có tiếp tục viện trợ lâu dài cho Ukraine ?

Về chiến tranh Ukraine, sau 6 tháng giao tranh, báo Le Monde số ra hôm nay quan tâm đến việc phương Tây viện trợ quân sự lâu dài cho Ukraine. Nhật báo nhận định "không có chuyện bỏ rơi Ukraine". Hôm 24/08 vừa qua, các nước phương Tây gia tăng viện trợ cho Kiev, nhân ngày Quốc khánh lần thứ 31 của nước này. Thủ tướng Anh cũng đồng tình và đến Kiev lần thứ ba nhân dịp này.

Cả Pháp và Mỹ đều khẳng định sát cánh cùng người dân Ukraine trong cuộc chiến này. Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ thông báo khoản viện trợ quân sự mới, lên đến 2,89 tỷ euro cho Ukraine, nâng tổng viện trợ lên đến 13,5 tỷ đô la. Bên cạnh các hệ thống tên lửa bắn hàng loạt Himars trong các đợt viện trợ trước, lần này Ukraine sẽ nhận được 6 hệ thống tên lửa phòng không Nasam, 24 radar phòng không, hệ thống chống drone và hơn 300.000 quả pháo và đạn cối. Tổng thống Joe Biden khẳng định gói viện trợ này có thể giúp Ukraine có thể tự vệ lâu dài.

Theo Le Monde, trên thực tế, phương Tây đang căng thẳng khi nhìn vào kho vũ khí của họ và khó có thể cung cấp nhanh chóng vũ khí cho Ukraine. Tại Pháp, quân đội nước này đang lo lắng vì khi cung cấp các thiết bị hiện đại cho Ukraine, năng lực của quân đội Pháp sẽ bị suy yếu nếu cho đi quá nhiều.

Cũng trong chủ đề này, La Croix có tựa : "Liên Hiệp Châu Âu dự tính huấn luyện lính Ukraine". Các bộ trưởng quốc phòng của khối 27 nước sẽ đưa ra quyết định vào ngày 29/08 về việc các nước thành viên sẽ huấn luyện lực lượng Ukraine ra sao. La Croix cho biết Liên Âu có kinh nghiệm 20 năm trong việc đào tạo quân sự, qua nhiều chương trình khác nhau. Theo nhật báo công giáo, Bruxelles hành động cẩn trọng, vừa ngỏ ý giúp đỡ Ukraine nhưng lại tránh để điện Kremlin coi là hiếu chiến, khiêu khích, châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba. La Croix kết luận rằng, vẫn cần phải chờ xem Liên Hiệp Châu Âu quyết định huấn luyện lính Ukraine ra sao và có phối hợp với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO hay không, và nhất là Châu Âu không cần thêm một lý do bất hòa mới, vì vốn đã có những bất đồng trong việc trừng phạt Nga. 

Zaporijjia "mất điện" và nguy cơ thảm họa hạt nhân

Về phần mình, cả Libération Le Figaro quan tâm đến việc mất điện ở Zaporijia. Nhà máy hạt nhân của thành phố trở thành tâm điểm chú ý từ nhiều tuần qua khi Nga và Ukraine không ngừng pháo kích gần nhà máy lớn nhất Châu Âu, với 6 lò phản ứng với công suất lên đến 1000 MW. Nếu như phóng sự của Libération miêu tả quá trình mất điện ra sao và nỗi lo xảy ra thảm hoạ hạt nhân của người dân trong vùng thì Le Figaro nêu ra chuyến thăm "mơ hồ" của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Ngày đến kiểm tra mức độ an toàn của nhà máy Zaporijjia vẫn chưa được ấn định.

Theo Le Figaro, mặc dù chiến tranh xảy ra từ 6 tháng qua, nhưng nhà máy vẫn cung cấp điện cho Ukraine. Cho đến ngày hôm qua, ban điều hành nhà máy nhà máy điện hạt nhân tố cáo Nga đã ngắt kết nối nhà máy Zaporijjia khỏi mạng lưới điện quốc gia Ukraine.

Nhật báo thiên hữu nhận định rằng chắc chắn Nga đang che giấu điều gì đó ở Zaporijia, nơi mà quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy. Do quân đội Ukraine không dám liều lĩnh tấn công vào nhà máy, Nga có thể cất giấu thiết bị quân sự và tiến hành kết nối điện của nhà máy vào mạng lưới điện ở bán đảo Crimea. Les Echos trích dẫn nhận định của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cho rằng tình hình cực kỳ quan ngại và cần phải gửi phái đoàn của cơ quan nguyên tử quốc tế đến Zaporijjia.

Tương lai của Giáo hội Công giáo

Vẫn về thời sự Châu Âu, trang nhất báo La Croix có tựa "Giáo hoàng Phanxicô chuẩn bị cho tương lai của Giáo hội"Hôm 27/08, giáo hoàng tấn phong 20 hồng y mới. Tất cả sẽ họp tại Roma, Ý, vào ngày 29-30/08 để thảo luận về việc cải cách Giáo hội. Tuy nhiên, giáo hoàng gặp phải chỉ trích vì các hồng y được lựa chọn tấn phong đều có chung quan điểm, và không ai có tư tưởng thần học khác với giáo hoàng. Đa số họ đều vẫn còn trẻ tuổi và thường không được công chúng biết đến. La Croix cho biết, điều đáng chú ý là những hồng y mới này được lựa chọn không phải chỉ vì hồ sơ cá nhân của họ mà còn theo vị trí địa lý. Một người thân cận của giáo hoàng nêu ra ví dụ : "Nếu tấn phong một hồng y ở Mông Cổ, thì không phải bởi vì phẩm chất của người này, mà còn là vì Mông Cổ nằm ở biên giới giữa Nga và Trung Quốc". Một số hồng y khác thì được tấn phong vì được giáo hoàng quý mến.

Trong mục xã luận, La Croix nêu ra tình trạng sức khỏe của giáo hoàng Phanxicô dù không được tốt lắm nhưng vẫn tiếp tục giữ vai trò của mình và tham vọng cải cách Giáo hội. Việc cải cách cũng chính là để thích nghi tốt hơn với thế giới hiện đại.

Vai trò của ngân hàng trung ương đối với lạm phát

Về tình trạng lạm phát gia tăng, đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, hôm 25/08, đại diện của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới họp thường niên tại bang Wyoming, Hoa Kỳ trong vòng 3 ngày. Theo Le Monde, mục đích là để giữ lạm phát ở mức 2% và điều này không dễ dàng gì khi lạm phát ở mức 8,5% ở Hoa Kỳ, 8,9% trong khu vực đồng euro, và 10,1% ở Anh Quốc. Le Monde đưa ra nhận định của các chuyên gia, chỉ trích các ngân hàng trung ương đã không làm đúng nghĩa vụ bình ổn giá, đồng loạt phạm các sai lầm như : in tiền vào thời điểm mà sản xuất bị han chế khiến cho thị trường có quá nhiều tiền mặt mà không có đủ hàng hóa. 

Giới kinh tế học thì cho rằng các ngân hàng không hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng lạm phát như hiện nay mà vì những nguyên nhân khác lớn hơn, đó lá kinh tế kiệt quệ hậu Covid và chiến tranh Ukraine.

Các ngân hàng phải đưa ra chọn lựa. Nếu tăng lãi suất thì có thể giảm lạm phát nhưng điều này đồng nghĩa với việc nhìn nền kinh tế suy thoái. Còn nếu như không làm gì thì sẽ không kiểm soát được lạm phát. Theo Les Echos, việc giá khí đốt tăng giá là mối lo lớn nhất của các nhà băng, không chỉ vì giá khí đốt tỷ lệ thuận với lạm phát mà còn bởi những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế Châu Âu.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 236 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)