Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/09/2022

Điểm tuần báo Pháp - Kherson, trận đánh quyết định thành bại

RFI tiếng Việt

Kherson, trận đánh quyết định thành bại trong cuộc chiến tranh Ukraine ?

Kherson là trung tâm nông nghiệp đồng thời là ngõ vào Crimea ở phía nam và Hắc Hải ở phía tây. Thành bại của cuộc xâm lăng do Vladimir Putin khởi động có thể được quyết định tại đây. Nếu Ukraine chọc thủng được bức tường thành của Nga, sẽ là khởi đầu cho giai đoạn ba của cuộc chiến tranh.

   kherson1

   Quân tình nguyện Ukraine được huấn luyện ở ngoại ô Kiev ngày 27/02/2022. AP - Andrew Kravchenko

The Economist nhắc lại, tháng 8/2014 quân đội Ukraine đã phải chịu đựng một trong những thảm kịch lớn nhất kể từ khi giành độc lập. Các quân nhân Ukraine bị quân thân Nga bao vây ở Ilovaisk thuộc Donetsk, khi cố vượt thoát đã có ít nhất 366 chiến sĩ thiệt mạng - trong một vụ được người Ukraine gọi là thảm sát. Có lẽ không phải tình cờ khi các tướng lãnh Ukraine quyết định tổ chức phản công vào ngày 29/08/2022, đúng tám năm sau sự kiện trên.

Kherson : Quân Ukraine vượt được những phòng tuyến đầu tiên

Những tin tức đầu tiên cho biết phòng tuyến đầu tiên ở Kherson đã bị chọc thủng. Một đơn vị Ukraine nói rằng đã đẩy lùi quân thân Nga gần Oleksandrivka, cách trung tâm thành phố 25 km, sau khi lính dù Nga không hỗ trợ nổi phải rút đi. Một nguồn tin quân sự nói với tuần báo Anh, đây chỉ là khởi đầu cho một chiến dịch rộng lớn. Lực lượng Ukraine đã chiếm được 6 làng. Đêm 28/08, Ukraine tập trung vào phía nam, oanh kích những cây cầu trọng yếu, kho đạn, sở chỉ huy của Nga nên khi pháo binh và máy bay Ukraine tấn công sau đó, quân Nga không thể gọi được yểm trợ và phải bỏ chạy thoát thân.

Đây là tin vui, nhưng vượt được phòng tuyến thứ nhì khó hơn nhiều, và nếu thành công, Ukraine có thể dấn tới phòng tuyến thứ ba để đến sông Dniepr, khiến 20.000 – 25.000 lính Nga tại đây khó có đường lui. Các cuộc tấn công trên bộ dường như nhằm tách làm đôi lực lượng Nga ở tây nam và đông bắc. Hãy còn quá sớm để biết được kết quả, nhưng vì sao Kherson lại quan trọng như thế ?

Vùng đất này không chỉ có giá trị kinh tế, chiến lược mà còn mang tính biểu tượng đối với Ukraine. Trước chiến tranh, Kherson có hơn 1 triệu dân, là trung tâm nông nghiệp cung cấp cà chua, dưa hấu, hướng dương, đậu nành. Đặc biệt Kherson đồng thời là ngõ vào Crimea ở phía nam và Hắc Hải ở phía tây, nên thành bại của cuộc xâm lăng do Vladimir Putin khởi động có thể được quyết định tại đây. 

Quân Nga dùng Kherson làm bàn đạp để tấn công cảng Odessa trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhưng rồi bị chận lại ở Mikolaiv. Các tướng Nga tuyên bố quyết chiếm Odessa cũng như toàn miền nam Ukraine. Nếu Kiev tái chiếm Kherson, không chỉ ngăn quân xâm lược tới thành phố cảng, mà còn cắt ngang con đường lên phía bắc đến Kryvyi Rih, quê hương của ông Volodymyr Zelensky, trung tâm kỹ nghệ chiếm 10% GDP Ukraine.

Trận đánh quyết định kẻ thắng người thua

Một cựu quan chức Ukraine cho biết mục tiêu trước mắt không phải là tấn công trực tiếp vào quân Nga ở Kherson, mà làm yếu dần lực lượng địch xung quanh thành phố để buộc phải rút lui ; vì nếu chiếm ngay Kherson sẽ bị Nga oanh tạc. Từ cuối tháng Sáu, các giàn phóng rốc-kết Himars của Mỹ đã vô hiệu hóa những cây cầu bắc qua sông Dniepr, làm rối loạn trầm trọng đường tiếp vận Nga, nhưng các chuyên gia nghi ngại Ukraine không đủ vũ khí và binh lính cho một chiến dịch trên bộ.

Giờ đây lần đầu tiên Himars được sử dụng để đánh vào các phòng tuyến địch, chứng tỏ Kiev tin tưởng sẽ được cung ứng tiếp. Hôm 24/08 nhân lễ Độc Lập của Ukraine, tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ viện trợ thêm 2,98 tỉ đô la thiết bị quân sự kể cả thêm nhiều đạn dược mới. Chừng như các tướng lãnh Ukraine tin rằng đây là lúc phải tiến công, trước khi quân Nga được tăng viện.

L’Express nhận định, thời tiết mùa hè với mặt đất khô ráo đang thuận lợi cho Ukraine, trước khi những trận mưa mùa thu lạnh lẽo rơi xuống khiến xe bọc thép khó di chuyển. Họ có thể đi xuyên qua những cánh đồng, làm quân Nga phải bảo vệ những không gian rộng lớn hơn. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của IFRI cho rằng khó thể có một trận Stalingrad trên sông Dniepr – lính Nga không tử chiến vì một thành phố không phải của mình và dân chúng thì thù địch.

Những ngày tới sẽ rất quan trọng, và gay go đối với những người lính trên tuyến đầu. Giai đoạn đầu của cuộc chiến kết thúc với việc Nga phải rút khỏi Kiev vào đầu tháng Tư, giai đoạn hai Nga chiếm được Severodonetsk ở Lugansk cuối tháng Sáu và giới tuyến không thay đổi suốt hai tháng. Theo The Economist, nếu Ukraine chọc thủng được bức tường thành của Nga, sẽ là khởi đầu cho giai đoạn ba của cuộc chiến tranh.

Nga hoàn toàn phá sản về logistic

Trả lời phỏng vấn của L'Express, tướng Ben Hodges, nguyên chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Châu Âu từ 2014 đến 2017 nhận định "Logistic của Nga hoàn toàn phá sản". Nga huy động tối đa sức mạnh và đã đạt điểm tới hạn, trong khi Ukraine với sự giúp sức của phương Tây đang mạnh lên. Cách một ngày lại có một kho đạn của Nga bị nổ tan tành, Kremlin không có khả năng thay thế vì cấm vận. Không quân Nga bắt đầu xẻ thịt máy bay dân dụng của Aeroflot để duy tu các phi cơ tiêm kích... Còn về tổ chức tấn công quy mô, theo ông thì đừng mơ.

Tuy Nga đã chiếm gần 1/4 lãnh thổ Ukraine, nhưng đó là kể cả Crimea và một phần lớn Donbass từ năm 2014, thực ra số đất giành được rất ít nhất là nếu so với lượng binh lính đông đảo tung vào. Về pháo binh, Nga áp đảo về số lượng, bắn lung tung nhưng hú họa, còn Ukraine chọn lọc mục tiêu. Về tinh thần binh sĩ, hình ảnh nạn kẹt xe khổng lồ tại Crimea do người Nga đua nhau chạy trốn sau khi Ukraine oanh kích, rất tai hại cho Kremlin trong chiến tranh thông tin. Tướng Nga Guerassimov sẽ phải đau đầu về vấn đề nhân sự : 60.000-70.000 lính đã bị loại khỏi vòng chiến, và mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để củng cố hải quân và không quân đang bị yếu đi rất nhiều.

Sai lầm của Putin : Đánh giá thấp đối thủ, trông cậy vào "bạn vàng" họ Tập

Giáo sư Frédéric Encel của Science Po phân tích trên L’Express "Năm sai lầm về địa chính trị của Putin". Trước hết, đáng ngạc nhiên nhất là một cựu sĩ quan tình báo cầm quyền suốt 22 năm qua lại đánh giá quá thấp tinh thần dân tộc Ukraine. Không chỉ dân miền trung và miền tây chống lại cuộc xâm lăng, mà cả những người nói tiếng Nga ở miền đông. Tổng thống Volodymyr Zelensky vào ngày lễ quốc khánh đã khẳng định "Một quốc gia mới đã xuất hiện trước thế giới vào ngày 24/02, không phải sinh ra mà là tái sinh".

Sai lầm thứ hai là coi thường các nước Châu Âu. Tất cả quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đồng loạt trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, tăng cao ngân sách quốc phòng… bất chấp ảnh hưởng đến tăng trưởng và nguồn cung năng lượng. Dù EU phản ứng yếu ớt trong vụ đàn áp Groznyi, tấn công Gruzia, oanh tạc Syria trước đây, Putin quên mất sự gần gũi địa lý và nhân văn – Ukraine cũng là Châu Âu.

Thứ ba là coi thường Joe Biden, nhưng khác với Afghanistan, tổng thống Mỹ lần này rất khôn khéo khi hỗ trợ Kiev mà không mất một người lính nào, củng cố NATO.

Sai lầm thứ tư ngược lại : đánh giá quá cao sự ủng hộ của Bắc Kinh. Trung Quốc không tiếp tay về quân sự, mà lại lợi dụng để mua dầu của Nga với cái giá rẻ mạt là… 25 đô la một thùng. Ép giá kiểu này, sự "nồng thắm" giữa Tập Cận Bình với Vladimir Putin chẳng khác nào giữa sợi dây thừng và người treo cổ.

Cuối cùng, là sai lầm về mức độ "ngu dân" : hàng ngàn người Nga bỏ chạy ra nước ngoài, không có những cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ, lính đào ngũ…

Tác giả kết luận, cứ ngỡ Putin là nhà chiến lược tài ba, hóa ra chỉ rặt lý thuyết.

Tài phiệt Nga : Từ thiên đường đến địa ngục

Trên khía cạnh kinh tế xã hội, L'Obs có hồ sơ phong phú về các nhà tài phiệt Nga. Giới này đã có nhiều thay đổi kể từ thời kỳ huy hoàng cuối thập niên 90, và nay với cuộc chiến Ukraine, thậm chí sự tồn tại lớp người siêu giàu đang bị đe dọa.

Tuần báo The Spectator từng nêu ra một ví dụ vào đầu những năm 2000 : một tài phiệt Nga đã đặt mua sushi của một nhà hàng nổi tiếng ở Luân Đôn trị giá 1.200 bảng Anh, sau đó cho chở bằng Limousine và phi cơ riêng về Baku cách đó 5.000 km, tổng chi phí 40.000 bảng. Đó là món ăn mua về nhà đắt nhất lịch sử ! Nhưng thời kỳ vàng son đã qua rồi. Từ khi Putin khởi đầu cuộc xâm lăng, những đại gia làm giàu nhờ đợt tư nhân hóa "hoang dã" trong thập niên 90 giờ đây phải "cười đau khóc hận" khi những chiếc du thuyền sang trọng bị giữ lại, những biệt thự lộng lẫy của mình không còn được vào, tài sản bị đóng băng.

Nhưng nỗi lo lớn nhất của họ không phải ở phía phương Tây. Từ đầu cuộc xâm lược Ukraine, một loạt những cái chết bí ẩn và tàn bạo đã xảy ra trong giới kinh doanh, đặc biệt trong lãnh vực dầu khí, ở tập đoàn Gazprom và Novatek. Ít nhất sáu nhà lãnh đạo cao cấp, về mặt chính thức đã "tự tử", một số "tự sát" sau khi "giết chết" vợ con. Hai tài phiệt chết trong tình huống đáng ngờ : uống thuốc quá liều, bị bắn chết trong hồ bơi. Đại tá KGB về hưu Gennady Gudkov nay sống ở Bulgaria nhắc nhở, những vụ giết người dàn dựng thành tự tử không hề là chuyện hiếm hoi trong lịch sử tình báo Nga.

Ukraine bị xâm lược, thế giới đua nhau vũ trang

Về quân sự, Courrier International dành hồ sơ và trang bìa cho "Vũ khí, cuộc chạy đua điên cuồng". Số lượng vũ khí chuyển giao và ký hợp đồng đạt mức kỷ lục. Cuộc chiến tranh ở Ukraine và tình trạng căng thắng xung quanh Đài Loan đã đẩy nhanh tốc độ tái vũ trang trên thế giới.

Tháng Bảy năm nay, Nhật Bản được Hoa Kỳ bật đèn xanh cho mua 150 hỏa tiễn không đối không có thể trang bị cho tiêm kích F-35, trị giá 293 triệu đô la. Singapore cũng được duyệt mua 630 triệu đô la loại bom có laser dẫn đường và nhiều đạn dược. Trước đó, Úc được bán cho 80 hỏa tiễn địa-không giá 235 triệu đô, Hàn Quốc mua 130 triệu đô la thủy lôi… Trong bảy tháng đầu năm nay, cơ quan phụ trách giám sát việc bán vũ khí của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã duyệt 44 hợp đồng, cao hơn hẳn năm ngoái. Tuy nhiên chuỗi cung ứng gặp khó khăn về phụ tùng lẫn nhân công, do Covid và chiến tranh Ukraine. Riêng Kiev đang cần nhiều vũ khí hơn bao giờ hết. Chính quyền Biden trong những tuần lễ tới sẽ lập một phái bộ quân sự và bổ nhiệm một tướng lãnh chuyên trách việc chuyển giao vũ khí viện trợ và huấn luyện các quân nhân Ukraine.

Đài Loan, hòa bình mong manh

Tại Châu Á, điểm nóng Đài Loan tiếp tục được chú ý. The Economist đăng bài viết của một thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ kêu gọi ưu tiên bảo vệ an ninh cho Đài Loan và giảm bớt nguy cơ xung đột vũ trang. Chính sách nhập nhằng chiến lược đã thành công trong việc giữ cho hòn đảo được yên ổn trong bốn thập niên qua. Nhưng nay nền hòa bình mong manh này bị đe dọa hơn bao giờ hết, do Bắc Kinh tỏ ra hung hăng, nguy cơ xâm lược ngày càng lộ rõ. Năm 1995, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gấp đôi Đài Loan, nay đã lên gấp 20 lần. Hai thập niên qua, Trung Quốc tăng cường quân đội nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới, và thường xuyên giương ra móng vuốt với đảo quốc.

Sau khi bà Nancy Pelosi rời Đài Loan, Bắc Kinh cho bắn hàng loạt hỏa tiễn đạn đạo và có nhiều hành động nguy hiểm khác ở vùng biển kế cận, cho 22 chiến đấu cơ vượt qua đường trung tuyến. Các chiến hạm Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, mối nguy không nhỏ đối với quốc đảo phải nhập 60% thực phẩm và 98% xăng dầu. Mỗi ngày các định chế chính phủ và tổ chức tài chánh Đài Loan đều bị tin tặc tấn công ồ ạt. Và lâu nay Bắc Kinh vẫn muốn cô lập Đài Loan về ngoại giao, kinh tế và văn hóa.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy cho rằng chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan thay đổi thì Hoa Kỳ cũng cần thay đổi, trước một địch thủ ngày càng hiếu chiến. Một số người đòi hỏi nhìn nhận Đài Loan độc lập, hay chính thức thông báo những hậu quả kinh tế và quân sự nếu Trung Quốc xâm lăng hòn đảo. Nhưng theo ông Murphy, như vậy sẽ kích thích dân tộc chủ nghĩa ở Hoa lục, trong khi Đài Loan chưa đủ sức tự vệ. Thay vào đó, Quốc hội Mỹ có thể cho phép bán rộng rãi cho Đài Bắc các loại vũ khí như hỏa tiễn Javelin, Stinger, thủy lôi, hỏa tiễn cơ động Harpoon. Bên cạnh đó là trao quyền rộng rãi hơn cho tổng thống để trừng phạt, gia tăng nỗ lực chống lại những chiến dịch phá hoại nền dân chủ Đài Loan, xúc tiến sự góp mặt của Đài Loan trong các cơ quan quốc tế và tổ chức đa phương.

Gorbachev, nhà lãnh đạo duy nhất đã cho dân Nga được tự do

Bên cạnh những vấn đề đặc thù của nước Pháp, các điểm nóng Ukraine và Đài Loan, sự kiện nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev từ trần được tất cả tuần báo dành cho nhiều bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của vị tổng thống - đã ảnh hưởng sâu đậm đến hàng tỉ người trên thế giới.  

L’Obs mô tả Mikhail Gorbachev là "một nhân vật bất thường của hệ thống". Khác với những người tiền nhiệm, ông không thuộc giai cấp công nhân lãnh đạo thiên đường xã hội chủ nghĩa, mà là một nông dân chính hiệu. Ngôi làng nhỏ bé Privolnoye ở miền nam nước Nga nơi Gorbachev sinh ra không có điện nước, điện thoại lẫn đường nhựa, nhà ga. Trong trận đói 1932-1933, một phần ba dân làng bị chết đói, trong đó có những người chú, cậu của ông.

Học giỏi, năng động và đầy lý tưởng, ông được bầu làm bí thư đoàn ở trường trung học, và năng suất lao động ở nông trang khiến ông được tặng thưởng huy chương. Chàng thanh niên nông dân leo dần lên đỉnh cao quyền lực. Là ủy viên Bộ Chính trị ở tuổi 49, xung quanh ông toàn là các nhà lãnh đạo lứa tuổi 70 mệt mỏi, bệnh tật. Và sau cái chết của Brejnev rồi đến những người tiền nhiệm Andropov, Chernenko, Mikhail Gorbachev trở thành tổng bí thư Liên Xô.

Ông quyết định trao tự do cho người dân xô-viết, chưa bao giờ họ được phát biểu thoải mái như thế sau 70 năm bị đàn áp. Kiểm duyệt bị xóa bỏ dần, các tác phẩm "Bác sĩ Jivago" của Boris Pasternak, Alexander Soljenitsyne… được xuất bản rộng rãi trong thời gian này. Chính ông đã chấm dứt tình trạng lưu vong của Sakharov và nhiều nhà ly khai. Alla Shevelkina, thông tín viên của L’Express suốt 30 năm qua tại Moskva khẳng định : "Gorbachev là nhà lãnh đạo Nga duy nhất đã cho chúng tôi được tự do. Giờ đây chúng tôi như thấy lại ba mươi năm về trước, và nỗi sợ mà Gorbachev đã giải phóng".

Không có quốc tang cho nhân vật đã làm thay đổi thế giới

Ngược với những người tiền nhiệm, Mikhail Gorbachev không tham nhũng, không tìm cách làm giàu cho bản thân, cho người thân trong gia đình hay bạn bè. Thế nên ông có thể rút lui khỏi chính trường mà không sợ tù tội hoặc tệ hơn nữa – đây khó thể là trường hợp của Vladimir Putin. Nhưng ngày nay người kế nhiệm ông đã biến di sản của Mikhail Gorbachev thành "con số không to tướng, thành tro tàn, mây khói" – như lời Alexei Venediktov, bạn cũ của tổng thống quá cố và là người điều hành một đài phát thanh độc lập đã bị Putin đóng cửa. Một ví dụ : đúng vào ngày ông Gorbachev qua đời, một nhà báo trẻ bị tuyên án 24 năm tù vì đã phê phán chính quyền.

The Economist nhấn mạnh, ác cảm trước bạo lực, Gorbachev đã để yên cho các nước vệ tinh của Moskva được ra khỏi quỹ đạo thay vì đưa xe tăng đến đè bẹp họ. Được giải thoát khỏi ách cộng sản, các nước Đông Âu nay thịnh vượng hơn, tự do hơn. Tiếc thay, các chế độ độc tài như Trung Quốc lại coi là bài học để đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn trong biển máu. Thế giới đã thay đổi từ khi Gorbachev rời điện Kremlin. Nga không còn là siêu cường mà thay vào đó là Trung Quốc, dối trá lại ngự trị. Những người yêu tự do khi khóc cho nhân vật của thế kỷ đã để cho một đế quốc độc tài tan rã, còn phải đấu tranh chống lại những tên bạo chúa thời hiện đại đang xây dựng đế chế.

Le Figaro cho biết, trưa hôm nay hàng ngàn người dân Nga đã xếp hàng vào viếng linh cữu nhà cựu lãnh đạo lừng lẫy, tổng cộng chỉ có hai tiếng đồng hồ để mọi người đến chào vĩnh biệt thay vì bốn tiếng như đã loan báo. Người đã làm thay đổi thế giới không có được nghi thức quốc tang, và lễ tang không được trực tiếp truyền hình như Boris Yeltsin hồi năm 2007. Bối cảnh chiến tranh khiến các nhà lãnh đạo quốc tế không thể đến dự, ngoại trừ thủ tướng Hungary vốn thân cận với Putin. Ông Viktor Orban viết trên Facebook, Gorbachev đã giúp Trung Âu "thoát khỏi cộng sản" mà không phải đổ máu. Mikhail Gorbachev sẽ yên nghỉ bên cạnh bà Raissa, người vợ qua đời nhiều năm trước, một tình yêu mà ông coi trọng hơn cả sự nghiệp.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 341 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)