Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/09/2022

Đưa người lên Mặt Trăng : cuộc chạy đua tốn kém giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

RFI tổng hợp

Trung Quốc vẫn nung nấu tham vọng đặt chân lên Mặt Trăng

RFI, 04/09/2022

Vụ phóng tên lửa đẩy cực mạnh của cơ quan không gian Mỹ NASA đã phải hoãn lại ở vào phút chót ngày 03/09/2022, đây là lần thứ hai sự kiện bị lỡ. Trong khi đó, được đặt chân lên Mặt Trăng vẫn luôn là tham vọng lớn của Bắc Kinh. Những ngày này, người Trung Quốc đang tất bật với các công việc hoàn tất xây dựng trạm không gian riêng của mình, chuẩn bị cho các chương trình nghiên cứu không gian và tiếp đó sẽ là đưa người lên Mặt Trăng.

mattrang1

Ảnh tư liệu : Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F phóng tàu Thần Châu 14 của Trung Quốc vào không gian ngày 05/06/2022. © AP - Li Gang

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde,

Tại Trung Quốc, các tên lửa "Trường Chinh" cuối tuần này vẫn làm việc, đưa lên quỹ đạo một vệ tinh dò tìm từ xa và chuẩn bị phóng các modun của trạm không gian Trung Quốc. Người Trung Quốc trong đầu vẫn mơ đến các vì sao và Mặt Trăng không phải là xa. Cho dù mục tiêu một ngày nào đó họ bước chân trên mặt trăng vẫn còn chưa rõ ràng. Giờ đây người ta nói phải đến năm 2030.

Khi bắt tay xây dựng trạm Thiên Cung, Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa người lên mặt trăng vào năm 2024. Trạm không gian này sẽ phải hoàn tất trong những tuần tới và sẽ giúp Trung Quốc từ nay đến cuối năm nay thực hiện các chuyến đưa phi hành đoàn lên trạm quỹ đạo.

Các công đoạn để vươn tới mặt trăng của Trung Quốc cho đến giờ đều rất thành công : 2013 khởi đầu các sứ mệnh Thường Nga (Cheng’e) và Thỏ Ngọc (Yutu). Các bánh xe của cỗ máy tự hành này lần đầu đã được dính bụi Mặt Trăng. Năm 2019, một cỗ xe nhỏ khác cũng đã được đặt lên mặt khuất của trăng, điều chưa từng xảy ra. Năm 2020, một xe tự động khác của Trung Quốc đã trở lại Mặt Trăng và mang về trái đất những mẫu đất ở các miệng hố trên Mặt Trăng.

Giai đoạn tới sẽ nghiên cứu phần cực nam của trăng. Nhiệm vụ kéo dài tới 2026 này nhằm chuẩn bị cho các chuyến bay có người và một dự án trạm không gian quốc tế nghiên cứu mặt trăng, được xây dựng cùng với đối tác Nga.

Nguồn : RFI, 04/09/2022

************************

Mỹ : NASA chuẩn bị phóng phi thuyền Artemis lên Mặt Trăng

Thùy Dương, RFI, 03/09/2022

Sau khi bị hoãn hôm thứ Hai 29/08/2022 do vấn đề kỹ thuật, hôm 03/09 siêu phi thuyền trong chương trình Artemis của Mỹ được NASA phóng lên Mặt Trăng từ Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Mũi Canareval.

mattrang2

NASA trước giờ phóng phi thuyền Artemis lên Mặt trăng từ Mũi Canaveral- Florida. Ảnh ngày 30/08/2022. © AP - Joel Kowsky

Một hôm trước khi siêu phi thuyền con thoi đầu tiên của chương trình Artemis được phóng thử nghiệm lên Mặt trăng, đã có rất đông người đổ về bang Florida của Mỹ để chứng kiến thời khắc lịch sử 50 năm sau chuyến bay đầu tiên lên Mặt trăng trong chương trình Appolo. Nhà chức trách ước tính vụ phóng thử nghiệm của NASA hôm nay thu hút khoảng 400.000 người đến tận nơi xem.

Từ Mũi Canaveral, thông tín viên David Thomson gửi về bài phóng sự :

Bà Carole cùng người chồng tên là Wayne đã đến đây 24 tiếng trước giờ phóng tên lửa của chương trình Artemis. Họ ngồi chờ 24 tiếng trên những chiếc ghế gấp thường được dùng khi đi cắm trại, vì nhất quyết không để lỡ mất sự kiện các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng.

Bà Carole nói : "Vâng, đúng là việc qua đêm ở đây cũng hơi điên rồ thật. Chúng tôi cũng đã tự hỏi tại sao lại phải làm vậy. Nhưng mà đây là chuyến bay thử để đến năm 2024 sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt trăng. Tôi thấy việc được bay lên Mặt trăng thật là tuyệt vời".

Cũng giống như cặp vợ chồng đã nghỉ hưu và đến từ Orlando, theo dự kiến, hàng trăm ngàn người sẽ đến khu vực xung quanh Trung Tâm Không Gian Kennedy, nơi mà hôm nay NASA phóng thử tên lửa SLS lên Mặt trăng, theo lần dự kiến thứ hai. Các vị trí đều rất đắt giá, nhất là vị trí của ông bà Wayne và Carole, chỉ cách có một đoạn là đến trục phóng của siêu tên lửa dài 98 m. Tên lửa được trông thấy rõ từ xa, ở phía bên kia vịnh.

Bà Carole nói thêm : "Anh hãy nhìn ra đằng kia, phía bên trái. Đấy là bệ phóng đấy. Tôi nổi hết da gà khi nhìn thấy bệ phóng. Các động cơ của nó mạnh gấp đôi những động cơ khác. Vì thế tiếng ồn sẽ rất lớn. Tôi rất phấn khích".

Thứ hai tuần trước, Carole đã có mặt trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên, chờ suốt 18 tiếng đồng hồ, thế mà rốt cuộc vụ phóng tên lửa bị hủy do trục trặc động cơ. Hôm nay, NASA dự báo mức độ thuận lợi về điều kiện thời tiết là 60% cho cuộc phóng thử nghiệm tên lửa lên Mặt trăng.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, RFI tiếng Việt
Read 325 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)