Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/09/2022

Sự trở lại của ‘đạo quân thứ năm’

Harris Mylonas & Scott Radnitz

Những ‘kẻ phản bội’ – cả thực tế lẫn tưởng tượng – đang ảnh hưởng đến địa chính trị như thế nào ?

fifthcolumn1

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi, Nga, tháng 8/2022 - Handout / Reuters

Sau khi xâm lược Ukraine, chính phủ Nga đã tiến hành một cuộc đàn áp quy mô lớn chống lại những công dân được cho là phản đối chiến tranh. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ ý định của mình trong một bài phát biểu vào tháng 3, cảnh báo rằng phương Tây "sẽ cố gắng đặt cược vào cái gọi là đạo quân thứ năm, vào những kẻ phản bội – vào những kẻ kiếm tiền ở một nơi, nhưng sống ở một nơi khác. Sống ở đây không phải là theo nghĩa địa lý, mà là trong tư tưởng, trong tư duy nô lệ của họ".

Luận điệu của Putin đã được đưa vào chính sách chính thức : những người bất đồng chính kiến và những người Nga có tư tưởng độc lập đã bị cáo buộc đang thúc đẩy các lợi ích của phương Tây và cố gắng phá hoại nước Nga từ bên trong. Một số người đã bị phạt tiền, bỏ tù, hoặc tra tấn. Chiến dịch chống lại những kẻ phản bội không chỉ được thực hiện bởi các đặc vụ của Điện Kremlin, mà còn bởi chính những công dân bình thường tin rằng họ đang bày tỏ lòng yêu nước bằng cách tố cáo hàng xóm và đồng nghiệp. Đây là chính sách đang được các nhà lãnh đạo áp dụng ở ngày càng nhiều quốc gia, xác định và chỉ trích các nhóm trong nước được cho là đang bắt tay với kẻ thù bên ngoài để làm suy yếu lợi ích quốc gia – rồi sau đó kích động công chúng nhắm mục tiêu vào họ. Khi làm như vậy, những nhà lãnh đạo này đã khai thác những định kiến tồn tại từ trước, những lo ngại về an ninh quốc gia, và sự cạnh tranh địa chính trị nhằm làm suy yếu các đối thủ chính trị trong nước, và tăng cường sự gắn kết của những "người trong cuộc" ủng hộ họ.

Dù phải đến thập niên 1930 thì thuật ngữ "đạo quân thứ năm" (fifth column) mới xuất hiện, nhưng việc xác định và nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa trong nước là một hiện tượng đã có từ lâu, thậm chí còn trước cả khi quốc gia-dân tộc (nation-state) ra đời. Trong phần lớn lịch sử, các chính phủ chủ yếu xử lý đạo quân thứ năm một cách bí mật, thay vì kêu gọi chú ý đến nhóm này để đạt được lợi ích chính trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các luận điệu chính trị về đạo quân thứ năm đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới. Nguyên nhân đến từ sự hội tụ của một số yếu tố : bất ổn địa chính trị gia tăng, từ đó làm tăng khả năng các nước can thiệp vào công việc nội bộ của đối thủ ; sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc như một niềm tin phổ biến, tạo điều kiện củng cố ảnh hưởng của các tuyên bố về đạo quân thứ năm ; chiến thắng bầu cử của các phong trào dân túy và sắc tộc, vốn thường thổi bùng lên những lo ngại về đạo quân thứ năm ; và sự phổ biến của mạng xã hội, giúp lan truyền nhanh chóng những luận điệu về đạo quân thứ năm. Chừng nào những xu hướng này còn tồn tại, thì người ta vẫn sẽ còn tập trung vào "những kẻ thù bên trong" được nước ngoài hậu thuẫn. Các đạo quân thứ năm, dù thực tế hay tưởng tượng, sẽ không chỉ định hình chính trị nội bộ của nhiều quốc gia, mà còn định hình quan hệ giữa các quốc gia trong cuộc tranh giành quyền thống trị trên trường quốc tế.

Một hiện tượng của lịch sử

Nghi ngờ rằng có một nhóm nội gián đang làm suy yếu lợi ích quốc gia có thể xuất phát từ ý thức hệ như của Putin, hoặc từ bản sắc dân tộc, văn hóa, hoặc tôn giáo, trong đó xác định có một nhóm khác biệt với đa số của quốc gia, khiến họ trở thành kẻ đáng nghi. Đâu là tiêu chí quan trọng nhất trong số những tiêu chí này còn phụ thuộc vào những quan ngại bao trùm và những động lực địa chính trị của thời đại.

Nửa đầu thế kỷ 20 đã chứng kiến sự tập trung vào đạo quân thứ năm trên cơ sở sắc tộc, trong lúc các đế chế của Châu Âu bắt đầu sụp đổ. Các nhà lãnh đạo lập quốc ở những nước mới nổi đã chỉ trích một số nhóm nhất định, gọi họ là "thiểu số", và ban hành các chính sách loại trừ nhắm vào đạo quân thứ năm thực tế hoặc tiềm tàng. Kết quả là các chiến dịch thanh lọc sắc tộc và cưỡng bức di cư, bao gồm cả cuộc diệt chủng người Armenia vào những năm 1910.

Chiến tranh và các mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ đã khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến đạo quân thứ năm về sắc tộc trong thời kỳ này. Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã ra lệnh trục xuất nhiều cộng đồng sắc tộc – từ người Chechnya, người Tatar ở Crimea, đến người Ingush, và người Turk ở Meskheti – lấy lý do là để trừng phạt những kẻ, theo lời người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật của Stalin, "đã phản bội Tổ quốc, đi theo những kẻ chiếm đóng phát xít, [và] gia nhập hàng ngũ những kẻ phá hoại và gián điệp". Sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, chính phủ Mỹ đã cho giam lỏng (internment) hơn một trăm ngàn người Mỹ gốc Nhật, bất chấp thực tế rằng các báo cáo tình báo vào thời điểm đó không tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy nào về hoạt động gián điệp hoặc phá hoại ở quy mô lớn.

Với sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản và sự gia tăng của cạnh tranh Chiến tranh Lạnh, đạo quân thứ năm về sắc tộc đã nhường chỗ cho đạo quân thứ năm về ý thức hệ. Tại Liên Xô, vốn đang chìm trong nỗi sợ "bị tư bản bao vây", Stalin cảnh báo rằng các đối thủ phương Tây của ông đang hành động thông qua "những kẻ gây rối, gián điệp, phá hoại, và giết người". Còn tại Mỹ, các chính trị gia cánh hữu cáo buộc nhiều nhân viên chính phủ là cảm tình viên bí mật của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô. Dù ban đầu được thành lập để chống lại sự xâm nhập của Đức Quốc Xã, Ủy ban Hạ viện Kiểm tra Hành động chống Mỹ đã hoạt động mạnh mẽ hơn trong các cuộc điều tra các công chức, các nhà hoạt động cánh tả, và các nhân vật văn hóa được cho là có cảm tình với cộng sản. Những lời thề trung thành của các công chức càng khiến công chúng tin vào mối đe dọa của đạo quân thứ năm đối với sự đoàn kết dân tộc.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự tập trung vào các đạo quân thứ năm có nền tảng là ý thức hệ đã giảm dần, và được thay thế bằng sự trở lại của vấn đề sắc tộc và lòng trung thành quốc gia. Sự tan rã của Liên Xô và Nam Tư khiến các dân tộc thiểu số bị mắc kẹt giữa những nỗ lực mới của các nhóm đa số nhằm tạo ra quốc gia-dân tộc của "riêng" họ. Một ví dụ là khối dân nói tiếng Nga ở các quốc gia mới thời hậu Xô Viết, những người được xem là công cụ thực hiện các tuyên bố của chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ đã mất của Nga. Tương tự, người Serbia Krajina ở Croatia được mô tả là đạo quân thứ năm có thiện cảm với nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic dựa trên cơ sở sắc tộc, dù hầu hết họ không chia sẻ quan điểm của ông vào thời điểm đó.

Giai đoạn đạo quân thứ năm được định hướng bởi sắc tộc này cũng được thể hiện rõ ràng ở Châu Á. Sau khi những người biểu tình Duy Ngô Nhĩ yêu cầu chấm dứt việc người Hán nhập cư ồ ạt vào tỉnh Tân Cương hồi năm 1990, Trung Quốc đã đàn áp nhóm biểu tình và bắt đầu mô tả người Duy Ngô Nhĩ là mối đe dọa dân tộc về sắc tộc và tôn giáo. Mô tả đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, khi Trung Quốc gọi bạo lực chính trị ở Tân Cương là sản phẩm của sự xâm nhập nhằm mục đích lật đổ của các mạng lưới thánh chiến xuyên quốc gia.

Bất ổn và xâm nhập

Ngày nay, khía cạnh chính trị về đạo quân thứ năm có mặt khắp nơi. Sự kết thúc "thời khắc đơn cực" của Mỹ, cùng với nguyện vọng ngày một lớn của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, đã làm gia tăng bất ổn địa chính trị. Nga là nguồn gốc chính của sự bất ổn này, khi xâm lược Gruzia vào năm 2008, xâm lược Ukraine hai lần, đều nhân danh những người ly khai nói tiếng Nga hoặc những dân tộc bị áp bức. Các cường quốc khu vực khác như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Ả Rập Saudi, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã tìm cách kiến tạo ảnh hưởng trong các trật tự khu vực đầy bất ổn.

Thông thường, nước bảo trợ sẽ ủng hộ một nhóm dân tộc chủ nghĩa hoặc một nhóm sắc tộc thân thiện ở một nước liền kề với họ, những nhóm đang mong muốn được tự quyết hoặc tự trị. Để đáp trả, các chính trị gia ở nước bị nhắm mục tiêu có thể sử dụng liên hệ giữa đạo quân thứ năm và người ủng hộ nước ngoài của họ để kêu gọi sự ủng hộ từ nhóm đa số trong nước. Những tương tác kiểu này đã xuất hiện trong nền chính trị căng thẳng xoay quanh sự ủng hộ (thực tế hoặc tưởng tượng) của Iran đối với người Houthi ở Yemen, sự ủng hộ của Ả Rập Saudi đối với các chiến binh Sunni ở Syria, và sự ủng hộ của Trung Quốc đối với "đạo quân thứ năm" ở Đài Loan.

Các cường quốc khu vực cũng sử dụng chính trị đạo quân thứ năm để thu hút sự ủng hộ ở các nước có tầm quan trọng về mặt chiến lược. Các chính trị gia phương Tây đã cáo buộc Nga hỗ trợ các đồng minh có chung ý thức hệ ở một vài nước gia dân chủ ; tương tự, Trung Quốc đã "mua" lòng trung thành của các chính trị gia ở Australia, Canada, và Mỹ. Đầu năm nay, Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo rằng các quan chức thân Trung Quốc đắc cử ở Mỹ sẽ "có thể thực hiện những yêu cầu của Bắc Kinh khi quyền lực và ảnh hưởng của họ tăng lên". Các cường quốc ủng hộ nguyên trạng, kể cả Mỹ, cũng đang có các hoạt động tương tự khi hỗ trợ các phong trào thân phương Tây trên toàn cầu.

Cơ hội cho chủ nghĩa dân túy

Các nhà lãnh đạo cũng đã sử dụng luận điệu đạo quân thứ năm để tận dụng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc sắc tộc (ethnonationalism). Các chính trị gia cánh hữu thường dựa vào thù hận sắc tộc và văn hóa, sử dụng nỗi lo lắng về sự bất trung của các nhóm cụ thể trong nước làm cơ sở cho các phong trào chính trị dân túy. Thủ tướng Hungary Viktor Orban là điển hình cho cách tiếp cận này, khi ông miêu tả nhà tài chính và nhà từ thiện George Soros là người đứng đầu một đạo quân thứ năm trong các chiến dịch dựa trên những khuôn mẫu bài Do Thái. Các chính trị gia và các đảng phái cực hữu khác ở Châu Âu thì mô tả các công dân Hồi giáo là mối đe dọa đối với nền văn minh Thiên Chúa giáo, và các chính trị gia bảo thủ ở Mỹ đã sử dụng lập luận tương tự để nói về người Mỹ theo Hồi giáo. Những lời kêu gọi của chủ nghĩa dân túy từng thành công ở một quốc gia nào đó sẽ được các chính trị gia ở những quốc gia khác tái sử dụng, để hồi đáp những tình cảm chống giới tinh hoa và những bất bình văn hóa tương tự.

Ngoài các tiêu chí về ý thức hệ và sắc tộc, luận điệu đạo quân thứ năm còn nhắm vào các nhóm khác biệt theo những hình thức mới. Hiện nay, đồng tính đang ngày càng bị cho là có liên quan đến sự xâm nhập của các giá trị phương Tây, và bản sắc LGBTQ đã bị xem là một hình thức hoạt động của đạo quân thứ năm. Tại Ba Lan, ứng viên tổng thống của Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền đã so sánh cái mà ông gọi là "ý thức hệ LGBT" với chủ nghĩa cộng sản, và tại Trung Quốc, người đồng tính bị xem là "đại diện cho ảnh hưởng của nước ngoài".

Ngoài ra, đạo quân thứ năm còn có một nền tảng khác là lòng trung thành của các chính trị gia đối với các tổ chức siêu quốc gia, thay vì với lợi ích quốc gia. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các đảng và phong trào đối lập ở Châu Âu đã nhận thấy cơ hội để hủy hoại tính chính danh của các đảng cầm quyền, những người sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận cho vay với các tổ chức bên ngoài như Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Những cáo buộc bất trung đã được phong trào dân túy cánh tả lẫn cánh hữu sử dụng. Và chúng đã vượt ra khỏi việc phân chia xã hội thành những công dân yêu nước "trong sạch" và tầng lớp tinh hoa "suy đồi" – điều mà phong trào dân túy thường làm – thay vào đó, liên kết tầng lớp tinh hoa với các tác nhân "xấu" bên ngoài, chẳng hạn như IMF, Đức, và Liên minh Châu Âu.

Cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã sử dụng chính những lý do này để công kích các đảng đã bỏ phiếu cho hai thỏa thuận cứu trợ và nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng khác trước khi Liên minh Cánh tả Cấp tiến của ông lên nắm quyền : "Đừng bao giờ quên rằng kẻ thù không chỉ ngồi ở Berlin, Brussels, hoặc Washington. Kẻ thù, có lẽ là kẻ thù tồi tệ nhất, đang ở ngay trong biên giới của chúng ta", ông nói trong một bài phát biểu vào năm 2015. Những cáo buộc nảy lửa như vậy đã dần mất đi sự ủng hộ vào cuối nhiệm kỳ thủ tướng của ông vào năm 2019, đặc biệt là sau khi Liên minh Cánh tả Cấp tiến bỏ phiếu cho thỏa thuận cứu trợ thứ ba. Nhưng quan điểm cho rằng giới tinh hoa chính trị đã bắt tay với Ủy ban Châu Âu ở Brussels, hoặc IMF ở Washington, biến Hy Lạp thành một "thuộc địa nợ nần", như lời các thành viên hàng đầu trong đảng của Tsipras, đã tiếp tục được các đảng cánh tả và cánh hữu lặp lại. Các cáo buộc rằng đạo quân thứ năm liên kết giới tinh hoa trong nước với "những người theo chủ nghĩa toàn cầu" và với các thể chế tài chính quốc tế, thường mang âm hưởng bài Do Thái, đã tiếp tục tồn tại sau khủng hoảng tài chính và đã tạo cơ hội cho các chính trị gia dân túy trên khắp thế giới.

Những ý tưởng nguy hiểm đã lan truyền như thế nào ?

Khả năng lan truyền ý tưởng ra khắp thế giới từng được xem là điều có lợi cho nền dân chủ, khi các phong trào và các nhà lãnh đạo bắt chước thành công của nền dân chủ ở những nơi khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những người hưởng lợi chính từ quá trình học tập này lại là các lực lượng dân túy, sắc tộc, và chuyên chế. Những lãnh đạo cứng rắn như Putin, Erdogan, và Orban đã cho thấy rằng luận điệu về đạo quân thứ năm có thể tạo ra thành công trong bầu cử, và thống nhất liên minh đa số quanh các mối đe dọa về văn hóa và an ninh. Những lời kêu gọi như vậy đã được lan truyền rộng rãi, một phần nhờ vào mạng xã hội. Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều đảng phái trong các nền dân chủ lâu đời cũng sử dụng các chiến thuật tương tự. Các đảng cực hữu ở Pháp coi Hồi giáo và người Hồi giáo là mối đe dọa sống còn đối với lối sống của người Pháp. Tại Mỹ, cái gọi là lý thuyết thay thế – cho rằng giới tinh hoa (thường là người Do Thái) đã cố tình thúc đẩy làn sóng nhập cư từ "các nước phương Nam" để làm suy giảm quyền lực chính trị của người Mỹ da trắng – đã nhanh chóng phổ biến ở cánh hữu và đang dần trở thành quan điểm dòng chính. Gần đây hơn, nhóm chống Trung Quốc trong lưỡng đảng Mỹ đã đe dọa nhắm mục tiêu vào các sinh viên, học giả, và nhà khoa học có gốc gác Trung Quốc.

Những luận điệu như vậy có thể sẽ phát triển mạnh hơn trong các kỳ bầu cử sắp tới. Và chắc chắn, chúng sẽ có ý nghĩa chính sách quan trọng. Về mặt đối nội, sự hiện diện đáng lo ngại của đạo quân thứ năm có thể làm phai mờ lòng tin giữa các nhóm sắc tộc, xã hội, và đảng phái khác nhau, khuếch đại sự phân cực và phá hoại sự gắn kết quốc gia. Khi những tuyên bố về đạo quân thứ năm được phổ biến, các xã hội có thể trở nên mong manh hơn, dễ bị can thiệp từ bên ngoài, và dễ xảy ra bạo lực.

Trên bình diện quốc tế, niềm tin rằng một số quốc gia đang tìm cách viện trợ hoặc "thiết lập" các nhóm thân thiện với nước ngoài để làm suy yếu đối thủ của họ có thể tự nó trở thành sự thật, thúc đẩy các nhóm bị đàn áp tìm kiếm sự bảo vệ từ bên ngoài trước chính phủ của họ. Những luận điệu thể hiện sự quan tâm thái quá, hoặc sự hỗ trợ thực tế của các tác nhân bên ngoài dành cho nhóm bị coi là đạo quân thứ năm có thể làm tăng nhận thức về mối đe dọa ở các quốc gia mục tiêu, từ đó làm tăng khả năng xảy ra xung đột giữa các nước với nhau. Trong kịch bản cực đoan nhất, việc cả hai bên tham chiến đều lạm dụng các nhóm dễ bị tổn thương có thể dẫn đến thanh lọc sắc tộc, như đã xảy ra ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ trước, và ở Bosnia và Serbia vào cuối thế kỷ trước.

Đạo quân thứ năm sẽ còn tồn tại

Nếu các xu hướng hiện tại được duy trì, chính trị đạo quân thứ năm sẽ trở thành một đặc trưng của địa chính trị, ngoại giao, cũng như chính trị trong nước. Các học giả và những cá nhân có nhiệm vụ giải quyết xung đột phải học cách nhận biết dấu hiệu của các chiến dịch chống lại đạo quân thứ năm, và phải hiểu rằng phân cực nội bộ và khủng hoảng an ninh quốc tế có thể kết hợp với nhau và gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Giống như khi các chính trị gia hoài nghi hiểu rằng việc buộc tội các nhóm yếu thế là bất trung có thể khởi đầu một chu kỳ xa lánh và gây hấn, các nhà hoạch định chính sách có thiện chí cần nhận thức rằng những luận điệu về an ninh của họ có thể vô tình làm trầm trọng thêm mối nghi ngờ đối với các nhóm dân cư không đồng hóa (unassimilated) hoặc bị tẩy chay (ostracized).

Các tổ chức quốc tế nên thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi các cáo buộc đạo quân thứ năm, và vun đắp quan hệ với các nhóm xã hội dân sự địa phương. Tập thể quốc tế nên phản ứng với các phát biểu hoặc chính sách nhằm khơi mào xung đột nhắm vào đạo quân thứ năm bằng cách chỉ trích hoặc trừng phạt. Chừng nào còn xuất hiện những luận điệu chính trị nhằm khiêu khích phản ứng từ đạo quân thứ năm, việc vạch trần chiến lược này và những quan điểm này thông qua các chiến dịch truyền thông địa phương có thể giúp đẩy lùi những hành động khiêu khích như vậy.

Tuy nhiên, các động lực thúc đẩy chính trị xoay quanh đạo quân thứ năm quả thật rất mạnh, và chúng sẽ không suy giảm cho đến khi sự phân cực chính trị, bất bình đẳng về thu nhập, và việc truyền bá thông tin sai lệch trên mạng xã hội suy giảm – không điều nào trong số này có khả năng sẽ sớm xảy ra. Trong thời đại của bất ổn và chia rẽ, đạo quân thứ năm đã không còn bị giới hạn trong những góc tối của tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, mà sẽ trở thành trung tâm của nền chính trị trong nước và toàn cầu.

Harris Mylonas & Scott Radnitz

Nguyên tác : "The Disturbing Return of the Fifth Column", Foreign Affairs, 26/08/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 06/09/2022

Harris Mylonas là Giáo sư Khoa học Chính trị và Các Vấn đề Quốc tế tại Đại học George Washington và là Tổng biên tập của tờ "Nationalities Papers".

Scott Radnitz là Giáo sư về Nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Đại học Washington. Từ năm 2022 đến năm 2023, ông là nghiên cứu viên của Viện Đại học Châu Âu ở Florence, Ý.

Cả hai là đồng chủ biên cuốn sách "Enemies Within : The Global Politics of Fifth Columns".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Harris Mylonas Scott Radnitz, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)