Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/09/2022

Điểm báo Pháp - Nga và Ukraine đều bí mật tìm mua thêm vũ khí

RFI tiếng Việt

Chiến tranh quá ác liệt, Nga và Ukraine đều bí mật tìm mua thêm vũ khí

Le Monde hôm nay tiết lộ, Nga và Ukraine đều tìm mua thêm vũ khí của nước khác. Đó là hệ quả bất ngờ của cuộc chiến khốc liệt chưa từng thấy tại Châu Âu kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, do Vladimir Putin khởi xướng.

vukhi1

Một lính Nga chuẩn bị phóng chiếc drone Orlan-10 tại một địa điểm không được tiết lộ, ngày 09/08/2022. Chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, máy bay không người lái được sử dụng nhiều như trên chiến trường Ukraine (Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp). AP

Cả Moskva lẫn Kiev đều đối mặt với nguy cơ thiếu khí tài, đạn dược, và thông tin của quân đội cũng như tình báo phương Tây cho thấy, hai bên tham chiến không ngần ngại tìm đến các nước như Bắc Triều Tiên, Iran, Pakistan để bổ sung.

Nga tìm mua đạn rốc-kết của Bắc Triều Tiên và drone của Iran

Theo như các tin tức được Washington giải mật và New York Times tiết lộ hôm 06/09, Nga "đang mua hàng triệu khẩu rốc-kết và pháo của Bắc Triều Tiên" để cung cấp cho đội quân đang ở Ukraine. Tuy không có chi tiết nào thêm về số vũ khí này, nhưng Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất đạn 152 ly, một trong những loại đạn quân Nga sử dụng, và đạn cho giàn phóng rốc-kết đa nòng TOS-1 hiện đang có mặt trên chiến trường Ukraine.

Giữa tháng Bảy, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định có thông tin cho thấy "Tehran chuẩn bị cung cấp cho Nga mấy trăm chiếc drone trong thời gian ngắn". Tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc hôm 30/08 công nhận "Các phi cơ vận tải Nga đã được chất lên những drone tại một sân bay Iran và sau đó bay về Nga, trong nhiều ngày suốt tháng Tám".

Theo các chuyên gia quân sự, đó là những drone tác chiến mặt đất, chủ yếu loại Shahed-129 có thể bay 24 giờ liên tục, được coi là cạnh tranh với Predator của Mỹ. Tuy vậy Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng các drone này đang bị một số trục trặc, vẫn chưa được đưa ra mặt trận. Trên thực địa cũng không thấy hình ảnh nào về drone Iran.

Vũ khí NATO không đủ, Ukraine mua đạn pháo từ Pakistan

Về phía Kiev, trang web Ukraine @UAWeapon chuyên theo dõi những vũ khí trên chiến trường hôm 30/08 cho biết lực lượng Ukraine có sử dụng đạn pháo của Pakistan. Trong các hình ảnh, video trên mạng xã hội cũng có thể thấy những chiến binh Ukraine dùng đạn 122 ly có chữ POF (Pakistan Ordnance Factories), nhà sản xuất vũ khí chính của Islamabad. Theo một nhà ngoại giao Mỹ ở Nam Á, có thể đó là từ thỏa thuận tay ba trên cơ sở ứng trước món tín dụng 1,17 tỉ đô la mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hứa cho vay từ đầu năm. Các chuyên gia hàng không ghi nhận một chiếc Boeing C-17 của Không quân Hoàng gia Anh trong tháng Tám đã bay ít nhất 12 chuyến giữa căn cứ Rawaljpindi của Pakistan và Romania - nước trung chuyển vũ khí cho Ukraine.

Sau thất bại trong việc chiếm Kiev, quân Nga rút về tấn công miền đông và miền nam. Mỗi ngày Nga bắn đến 60.000 quả pháo, tạo sức mạnh kinh hồn nhằm đè bẹp đối thủ. Ukraine chỉ có đại bác dùng đạn 122 ly và 152 ly còn sót lại thời Liên Xô, và hầu như đã tận dụng hết, trong khi đạn của NATO là 155 ly, thế nên phải quay sang Pakistan.

Phía Nga từ đầu mùa hè phải đối mặt với chiến dịch tiêu hủy kho đạn hết sức hiệu quả của Ukraine, nhờ các giàn rốc-kết đa nòng M142 Himars và M270 MLRS do phương Tây viện trợ, có tầm bắn đến 80 kilomet với sai số chỉ vài mét. Hôm thứ Hai, bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết từ tháng Sáu, quân Ukraine đã pháo kích tầm xa 350 lượt vào các mục tiêu "có giá trị cao". Do cấm vận, Moskva cũng cần khẩn cấp nhiều linh kiện như bộ biến điện, bộ điều hợp, bán dẫn... đa số do Mỹ, hay Đức, Anh, Đài Loan sản xuất. Đó là một trong những lý do khiến Nga phải tìm đến nước thứ ba.

Truy tặng huy chương dù là kẻ sát nhân

Về lực lượng binh sĩ, Nga cũng không thay thế nổi số lính tử trận tại Ukraine. Kremlin phải nỗ lực tuyển mộ các "tình nguyện quân", nhận cả tù nhân, công nhân viên, thậm chí đăng lời rao ở bệnh viện tâm thần. Hôm 05/09 tại Kamchatka ở vùng Viễn Đông, cách mặt trận đến 7.000 km, Vladimir Putin ra lệnh cho chính quyền địa phương phải bảo đảm được chỉ tiêu quân tình nguyện.

Ông ta cổ vũ công dân cầm súng bằng cách phân phát huy chương. Hôm 26/08, Putin truy tặng huy chương dũng cảm cho Ivan Neparatov, một kẻ sát nhân tái phạm nhiều lần, bị kết án 25 năm tù. Vladimir Ossetchkine, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Gulagu.net phát hiện thông tin này, cho biết trong vụ giết người cuối cùng năm 2010, Neparatov đâm nạn nhân đến 88 nhát !

Tử trận quá nhiều, Nga chiêu mộ quân cả ở nhà tù và viện tâm thần

Ossetchkine cũng thu thập được nhiều bằng chứng về các chiến dịch tuyển quân tại các nhà tù ở Rostov gần Ukraine. Một người tù kể lại vào lúc 6 giờ sáng 30/08, tất cả được tù nhân trại giam số 2 của Rostov được lệnh xếp hàng nghe thông báo tuyển quân. Họ được hứa trả lương 100.000 đến 300.000 rúp một tháng (1.600-5.000 euro), hợp đồng 6 tháng, sau đó được trả tự do và xóa án. Nếu tử trận, thân nhân nhận được 5 triệu rúp. Số tù nhân chấp nhận đề nghị này được cho là 400 người ở trại giam số 2 và 600 ở trại giam số 15. Các "tình nguyện quân" Donbass được báo trước là sẽ sung vào các đơn vị xung kích ở tuyến đầu.

Các tập đoàn quốc doanh cũng bị áp lực : tập đoàn đường sắt RZD được lệnh cung cấp "tối thiểu 10.000 quân tình nguyện". Một nhà báo còn phát hiện thông báo tuyển quân đăng trên trang web của hai bệnh viện tâm thần ở Saint Petersburg ; một tổ chức trợ giúp người vô gia cư được đề nghị phân phát truyền đơn tuyển mộ.

Nhu cầu binh lính vô cùng lớn : tiền tuyến trải dài 2.000 km, đối thủ Ukraine quyết tự vệ và đôi khi có được những vũ khí vô cùng lợi hại. Trong sáu tháng qua, số lính Nga bị loại khỏi vòng chiến được Mỹ ước tính khoảng 80.000, và hôm thứ Ba Ukraine loan báo số lính tử trận của Nga đã vượt quá 50.000. Moskva thì đã ngưng công bố số thương vong từ 25/03. Về mặt chính thức, chỉ có 1.351 lính Nga thiệt mạng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Moskva đang đùa với lửa tại nhà máy điện nguyên tử Zaporijia

Liên quan đến nhà máy điện nguyên tử Zaporijia, Le Monde  La Croix cùng chú ý đến việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) đòi lập một "khu vực bảo vệ", trước tình trạng "không thể chịu đựng nổi" tại đây.

Tổng giám đốc AIEA, ông Rafael Mariano Grossi từ đầu cuộc chiến không ngừng bày tỏ quan ngại, và sau khi đến thăm nhà máy ông tuyên bố "Chúng ta đang đùa với lửa". Các chuyên gia nhận thấy tầm cỡ của thiệt hại do các cuộc oanh kích và giao tranh gây ra : trong số những công trình bị hư hại có những tòa nhà chứa nhiên liệu, chất thải phóng xạ rắn, hệ thống cảnh báo và giám sát mức phóng xạ… Một mối đe dọa thường trực đối với những trách vụ quan trọng như ngăn chận phóng xạ thoát ra và làm nguội lò phản ứng ! Hôm 03/09, thậm chí ê-kíp AIEA còn phải trú ẩn ở tầng trệt do bị oanh kích gần đó.

Tác động khác của các hoạt động quân sự là nhân viên người Ukraine phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, bị stress, quá tải – chẳng hạn lực lượng chữa cháy chỉ còn phân nửa – có thể xảy ra những sai lầm. Ông Grossi đã thành công trong việc thương lượng cho hai thanh tra lưu lại nhà máy nhằm góp phần giảm bớt nguy cơ tai nạn.

Putin hướng sang Châu Á, Miến Điện cảm thấy "đồng bệnh tương lân"

Trên lãnh vực đối ngoại, Le Figaro chú ý đến việc"Tại Vladivostok, Vladimir Putin biện minh cho việc xoay trục sang Châu Á", với hy vọng tìm được các thị trường và nhà cung cấp mới trong tình thế bị cấm vận. Đọc diễn văn hôm qua tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF), tổng thống Nga đả kích "cơn sốt trừng phạt" của phương Tây nhằm "duy trì một trật tự thế giới lỗi thời", nhưng "không thể cô lập được Nga". Có bốn nhà lãnh đạo hiện diện : Mông Cổ, Miến Điện, Armenia, và nhân vật số 3 của Trung Quốc là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu).

"Bị phương Tây trừng phạt, Moskva cùng với tập đoàn quân sự Miến Điện tỏ ra ý hợp tâm đầu" - là tựa đề một bài viết khác trên Le Figaro. Nga trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Miến Điện về xe tăng, phi cơ tiêm kích, hỏa tiễn, còn Miến Điện bắt đầu mua dầu khí Nga và trả bằng đồng rúp. Các tướng lãnh đảo chánh ngày càng bị quốc tế cô lập, liên tục đi thăm Moskva từ một năm qua và đã hai năm liên tiếp các quân nhân Nga tham gia diễn binh mừng ngày thành lập quân đội Miến Điện. Tuy không có việc cho Nga đặt căn cứ quân sự vì Hiến pháp cấm, nhưng sắp tới các chiến hạm Nga có thể băng qua vịnh Bengale. Sự xích gần lại giữa hai nước nằm trong bối cảnh Moskva ngày càng hướng về Đông Á. Kremlin duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và không hề quan tâm đến nhân quyền.

Nga đe dọa cắt nguồn, Châu Âu vẫn quyết áp giá trần khí đốt

Về năng lượng, Les Echos nhận thấy "Châu Âu sẵn sàng nhận lấy rủi ro khi ấn định mức trần cho giá khí đốt", dù Vladimir Putin đe dọa sẽ cúp nguồn cung cấp khí. Làm để nào để chấm dứt tình trạng bị Moskva liên tục bắt bí ? Bruxelles hôm qua đề nghị một loạt biện pháp nhằm làm giảm giá khí đốt, đồng thời hạn chế thu nhập của Gazprom - hiện đang tài trợ cho chiến tranh. Đây là lần đầu tiên : Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ can thiệp để hạn chế giá cả thị trường, cho dù giá khí đốt đã tăng từ 8 đến 10 lần kể từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine, dẫn đến giá điện cũng tăng theo.

Theo Ủy Ban Châu Âu, việc áp mức trần là "khả thi nhất", vì nay EU chỉ lệ thuộc 9% nguồn cung từ Nga so với trước chiến tranh là 40%. Trên thực tế, có nhiều vấn đề phải giải quyết. Ấn định giá trần quá thấp sẽ làm tăng mức cầu, thế nên phải quy định cả quota nhập khẩu, và sau đó phân bổ cho các thành viên – cả một kế hoạch logistic phức tạp. Châu Âu cũng sẽ thương lượng với Na Uy, Algeria, Hoa Kỳ… để mua được khí đốt giá phải chăng. Riêng về khí hóa lỏng (GNL) thì không thể áp giá, vì 100% nhà sản xuất ở Mỹ là tư nhân.

Tài phiệt Ukraine nương theo chiều gió

Riêng về tình hình nội bộ Ukraine, Le Figaro cho biết sức ảnh hưởng của các nhà tài phiệt đã yếu đi rất nhiều, họ đang trong tầm ngắm của tổng thống Volodymyr Zelensky. Làm giàu trong thập niên 90, các nhà tài phiệt Ukraine vẫn làm mưa làm gió trên chính trường và truyền thông. Cho đến khi chiến tranh xảy ra, một số tài phiệt tài trợ cho các đơn vị Ukraine, tuy nhiên số khác thân cận với tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovich chỉ khoanh tay đứng nhìn, thậm chí hỗ trợ các phong trào thân Nga. Nhưng nay cảm thấy gió đã đổi chiều, họ quay sang ủng hộ chính phủ Kiev.

Nổi bật nhất là trường hợp Rinat Akhmetov, từ lâu đứng về phe Yanukovich. Từ tháng Hai, đại gia này bị mất nhiều nhà máy nhất là ở Mariupol, tài sản từ 15,4 tỉ đô la xuống còn 4,2 tỉ. Akhmetov kiện Moskva lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu và tặng 100 triệu euro cho trợ giúp nhân đạo. Tuy nhiên tổng thống Zelensky bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng với đạo luật có hiệu lực từ tháng Sáu. Theo luật mới, bị coi là tài phiệt khi hội đủ 3/4 tiêu chí : độc quyền, có trên 50 triệu euro, có ảnh hưởng chính trị và truyền thông ; danh sách này ước tính có 86 người, Akhmetov liền nhượng lại các kênh truyền hình của mình để hy vọng tránh né.

Thậm chí cả Ihor Kolomoisy, sở hữu chủ kênh truyền hình đã lăng-xê bộ phim nhiều tập "Người đầy tớ nhân dân", từng là người bảo trợ chính trị cho Zelensky cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhà hoạt động Tatiana Chevtchouk nói : "Nga đã đầu tư vào việc làm tham nhũng lan tràn nơi chúng tôi, mua các dân biểu và viên chức địa phương, phá hoại cải cách để tạo ra một Ukraine thiếu minh bạch". Đối lập cho rằng cần xây dựng những định chế vững chắc mới có thể đối phó với tham nhũng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 285 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)