"Nga tra tấn người Ukraine ở Izium không khác gì ở Bucha"
Chi Phương, RFI, 17/09/2022
Trong tuần này, Ukraine tiếp tục thông báo giành lại nhiều vùng từ tay quân Nga, trong đó có Izium. Người dân của thành phố tố cáo Nga tra tấn, thậm chí thảm sát nhiều người trong thời gian chiếm đóng. Pháp giảm giờ chiếu sáng vào ban đêm của các cơ sở công để tiết kiệm điện. Lạm phát ở Hoa Kỳ giảm nhưng chưa chắc đã khả quan. Chính sách "Không còn muỗi" ở Trung Quốc gây tranh cãi. Trên đây là những chủ đề của tạp chí Thế giới đó đây tuần này.
Các ngội mộ không rõ danh tính tại một nghĩa trang tạm bợ ở Izium, Ukraine, thành phố mới được giải phóng khỏi tay quân Nga, ngày 15/9/2022. Reuters - Stringer
Một ngày sau khi Izium được giải phóng từ tay quân Nga, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 14/09 đã đến thành phố chiến lược này, nằm trong vùng Kharkiv, cách Donbass không xa. Tại đây, ông Zelensky hứa hẹn Ukraine sẽ giành được chiến thắng trong cuộc chiến chống Nga xâm lược. Tổng thống Ukraine cũng lên án những hành động tàn bạo của quân đội Nga ở Izium, giống như những gì xảy ra ở Bucha, ngoại ô Kiev trong thời gian chiếm đóng. Có mặt tại Izium, thông tín viên RFI Becchio và Vichith thuật lại lời chứng của người dân về những hành động tàn bạo của quân đội Nga trong thời gian chiếm giữ thành phố :
"Vai quàng khăn, Victor đến quảng trường trung tâm Balaklya, gần bức tượng của nhà thơ Ukraine Taras Shevtchenko, mà hai bên hiện được treo cờ màu xanh vàng của Ukraine. Anh nói hình ảnh này sưởi ấm trái tim sau 6 tháng bị Nga bị chiếm đóng. Victor cho biết thêm : "Những gì xảy ra ở đây giống những gì mà phát xít Đức đã làm. Lính Nga bắt người rồi tra tấn ở đồn cảnh sát, nhốt họ dưới tầng hầm. Ở bên kia, đằng sau hai tòa nhà, chính là tòa nhà mà tôi sống gần đó và tôi nghe thấy tiếng người ta kêu la khi bị tra tấn".
Đồn cảnh sát trở thành trại giam, cách đó khoảng 10 mét. Một chuyên gia tội phạm học sẵn lòng dẫn chúng tôi đi thăm những địa điểm tràn ngập rác. Chúng tôi đi vào một gian phòng mà trong đó các dây điện quấn đằng sau bàn làm việc. Chuyên gia này giải thích rằng dây điện là để trói tay rồi kích điện khi tra tấn. Cô Eveguene, một kỹ sư trẻ ở Baklaklya, xác nhận có một người bạn đã bị tra tấn ở đây và người này đã rời khỏi thành phố. Cô cho biết :
"Họ lúc nào cũng tìm kiếm những người ủng hộ Ukraine. Cũng có khá nhiều người đã cộng tác và cung cấp tất cả thông tin chi tiết mà lính Nga muốn. Họ đi vào trong các căn hộ và bắt người đi, rồi đánh đập họ. Thế giới Nga là vậy đó".
Để xác định xem tội ác chiến tranh có đã xảy ra ở đây hay không, các nhà điều tra đã được cử đến hiện trường".
Pháp giảm giờ chiếu sáng tháp Eiffel để tiết kiệm điện mùa đông
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu, chính quyền thành phố Paris, Pháp, hôm 13/09 cho biết sẽ tắt đèn tháp Eiffel sớm hơn 1 tiếng. Với khoảng 20 000 bóng đèn chiếu sáng, quyết định này cho phép giảm 4 % tiêu thụ điện năng của tháp. Thị trưởng Paris, bà Anne Hildago, phát biểu trong một cuộc họp báo, được Reuters trích dẫn :
"Tháp Eiffel sẽ tắt đèn vào lúc 23 giờ 45 (thay vì 1 giờ sáng), tương ứng với thời gian đóng cửa đối với khách tham quan. Như vậy, về mặt biểu tượng, chúng tôi giảm tiêu thụ năng lượng. Điều này rất quan trọng. Tuy nhiên, Paris sẽ luôn là kinh đô ánh sáng, bởi vì ánh sáng là ý tưởng. Tôi cũng đã nói rằng chúng tôi sẽ không ngừng việc thắp đèn chiếu sáng Paris về đêm và các khu vực xung quanh, để bảo đảm an ninh".
Thị trưởng Paris cũng cho biết sẽ điều chỉnh các hệ thống đèn chiếu sáng vì mục đích trang trí, ví dụ như ở tòa thị chính Paris và các cơ sở công khác. Kể từ ngày 23/09, tất cả những đèn này sẽ tắt từ lúc 10 giờ tối. Các tòa nhà công cũng giảm nhiệt độ sưởi, duy trì ở mức 18 độ C. Nhiệt độ ở bể bơi hạ xuống còn 25 độ C, thay vì 26 độ C.
Các biện pháp trên được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron : cơ sở công nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các địa phương giảm 10 % tiêu thụ năng lượng, để ứng phó với việc Nga ngừng cung cấp khí đốt khi mùa đông đang đến gần, cũng như tình trạng giá năng lượng leo thang.
So với một số nước láng giềng Châu Âu, Pháp không bị phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga, theo Reuters. Pháp chủ yếu tiêu thụ điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện 26 trong tổng số 58 lò phản ứng hạt nhân tại Pháp đang ngưng hoạt động để bảo trì. Quá trình này bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, cộng thêm những trục trặc mới được phát hiện vào đầu năm 2022.
Pháp từ một nước xuất khẩu, giờ phải nhập khẩu điện
Theo Reuters, trong điều kiện bình thường, Pháp sản xuất khoảng 400 000 GWh điện hạt nhân, trong đó có thể xuất khẩu khoảng 10 % khi thời tiết ấm áp. Tuy nhiên, vào mùa đông, Pháp đôi khi phải nhập khẩu năng lượng.
Năm 2022, tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp EDF dự báo sản lượng điện hạt nhân của Pháp chỉ ở mức 280-300 ngàn GWh, đây là con số thấp nhất từ năm 1993. Pháp đã phải nhập khẩu điện từ Bỉ và Đức vào mùa hè vừa qua.
Theo AFP, trong cuộc điều trần tại Quốc hội Pháp hôm 14/09, giám đốc điều hành EDF, ông Cédric Lewandowski, cho biết các lò phản ứng hạt nhân sẽ sớm hoạt động trở lại.
Tài sản khổng lồ của hoàng gia Anh
Vẫn về thời sự Châu Âu, trong tuần qua, hoàng gia Anh thay đổi triều đại sau sự ra đi của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị vẫn là tâm điểm chú ý của công luận. Nếu như Charles Đệ Tam thừa kế ngai vàng và số tài sản khổng lồ từ mẹ mình, thì những thành viên khác của hoàng gia cũng được thay đổi tước hiệu và trở nên giàu có hơn. Nếu tính tổng cộng, tài sản của hoàng gia, từ các bộ trang sức quý giá đến những lâu đài nguy nga và các bất động sản, có thể lên đến 18 tỷ bảng Anh. Hoàng tử Wiliam chính thức được tấn phong làm "thân vương xứ Wales", tước vị mà Charles Đệ Tam đã giữ trong hơn 60 năm. Wiliam cũng là người đứng đầu danh sách thừa kế ngai vàng. Thêm vào đó, thân vương xứ Wales cũng được thừa kế khối bất động sản (Crown Estate) trị giá lên đến 1 tỷ đô la, theo CNN. Điều đặc biệt là cả vua Charles III và thái tử Wiliam đều không phải trả thuế đối với thu nhập từ kinh doanh bất động sản của hoàng gia, mặc dù hoàng gia Anh tự nguyện nộp thuế thu nhập cá nhân, theo một thoả thuận với chính phủ Anh năm 1993.
Giảng viên về truyền thông tại đại học Lancaster và cũng là tác giả của một cuốn sách nói về tài chính hoàng gia, bà Lancy, trả lời CNN : "Tất nhiên, tự nguyện nộp thuế thu nhập cá nhân thì không phải theo một tỷ lệ cố định và không phải khai báo số thu nhập tính thuế. Do đó, việc tự nguyện nộp thuế giống như là đưa ra một con số tùy ý nào đó".
Lạm phát giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao
Nhìn sang Hoa Kỳ, Cục Thống kê thuộc bộ Lao Động nước này công bố hôm 13/09 số liệu về tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 giảm nhẹ, ở mức 8,3 %. Giá xăng cũng liên tục giảm trong những tháng vừa qua. Thế nhưng hầu hết các mặt hàng khác đều tăng giá. Điều này cho thấy lạm phát vẫn là gánh nặng đối với các hộ gia đình Mỹ.
Từ Washington, thông tín viên RFI, Guillaume Naudin cho biết cụ thể :
"Tỷ lệ lạm phát tính theo năm giảm từ 8,5 % vào tháng Bảy xuống còn 8,3 % vào tháng Tám vừa qua, nhưng vẫn còn cao. Đặc biệt là tỷ lệ này ổn định trong tháng Sáu và tháng Bảy, nhưng tăng nhẹ trở lại, 0,1 % từ tháng 7 đến tháng 8. Tuy nhiên, chi phí di chuyển bằng máy bay hoặc giá nhiên liệu đã giảm. Giá xăng đã liên tục giảm từ tháng 6.
Thế nhưng, điều này không bù lại được các khoản chi phí khác gia tăng, như giá thực phẩm, giá điện hay giá nhà ở. Trên thực tế, khi không tính đến giá năng lượng và giá thực phẩm - thường có nhiều biến động, lạm phát vẫn ở mức cao, trên 6% trong trong vòng một năm.
Những số liệu này có thể khuyến khích Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách nâng lãi suất tại cuộc họp vào tuần sau (20-21/09). Dĩ nhiên, tổng thống Joe Biden, hiện đang vận động tranh cử cho cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11, có lẽ hy vọng điều tốt hơn. Joe Biden cũng đã tổ chức một sự kiện nhằm kỷ niệm việc thông qua một văn bản luật gọi là giảm lạm phát vào tháng 8.
Trong bài phát biểu, tổng thống Biden khiêm tốn, không muốn bình luận về các con số được đưa ra. Ngoài ra, Biden cũng hài lòng về thông cáo và ông đã thừa nhận rằng cần phải có thêm thời gian và quyết tâm hơn nữa để làm giảm lạm phát".
Chính sách "Không muỗi" gây tranh cãi ở Trung Quốc
Về thời sự Châu Á, hôm 14/09 vừa qua, một dân biểu Trung Quốc đã đưa ra đề xuất nhằm diệt muỗi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Đề xuất này, khiến cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc xôn xao, được ví giống như một chiến dịch "Không muỗi", trong khi Bắc Kinh vẫn duy trì chính sách "Không Covid".
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Đề xuất này đã gây nhiều xôn xao và chẳng để làm gì cả. Bởi vì khi đến tay Quốc hội Trung Quốc, đề xuất này không thể thực hiện được. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, "các nghiên cứu về những kỹ thuật tiên tiến để chống muỗi vẫn còn tương đối yếu kém".
Tuy nhiên, đại biểu quốc hội, trong khóa họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 đã nhấn mạnh rằng : đây là cách để "diệt muỗi tận gốc". Các đại biểu muốn thực hiện một chiến dịch y tế "yêu nước", nhằm cải thiện môi trường sống một cách toàn diện, thông qua việc giảm mật độ muỗi, diệt muỗi hoàn toàn bằng tất cả các phương tiện.
Theo South China Morning Post, đề xuất này có vẻ "hơi điên rồ", nhưng các bộ liên quan được yêu cầu có ý kiến, nếu trên 30 dân biểu ký vào đề xuất. Cuối cùng, đề xuất này đã không được thông qua. Các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc, như tờ Nhân dân Nhật báo, đã đưa tin về việc đề xuất bị loại bỏ.
Công tác nghiên cứu và giám sát các mầm bệnh mà loài muỗi (culicidae) lan truyền là một trong những ưu tiên nghiên cứu của Trung Quốc. Tuy nhiên, đề xuất diệt muỗi lần này đã khiến cộng đồng mạng Hoa lục giật mình, khi biết rằng cho đến nay, hàng chục triệu người trong số họ vẫn đang bị cách ly tại gia vì chính sách y tế liên quan đến đại dịch Covid -19. Không Covid" hay "Không có muỗi" ? Trên mạng xã hội, người ta có thể đọc những bình luận như :"xin hãy loại bỏ Omicron trước khi nghĩ đến việc diệt côn trùng".
Chi Phương
Nguồn : RFI, tạp chí đặc biệt, 17/09/2022