Ukraine đánh bại Nga không còn là chuyện nằm mơ, nếu phương Tây tiếp tục giúp
Tập Cận Bình không ruồng rẫy Vladimir Putin lúc này, nhưng vì chính mình trước hết, và muốn có bạn là chiến binh chứ không phải kẻ bại trận. Nga có thể kết thúc cuộc xung đột, tuy nhiên hòa bình sẽ không đạt được theo những điều kiện mà Putin mong muốn lúc ban đầu. Khả năng chiến bại trước Ukraine là viễn cảnh vô cùng đáng sợ cho Putin.
Tình nguyện quân Ukraine tập luyện ở ngoại ô Kiev, ngày 17/09/2022. AP - Andrew Kravchenko
Chiến thắng thần tốc của những người kế tục Maidan
Đặc phái viên Le Point đưa người đọc đến Kharkiv và Balakliia, "những vùng vừa được Ukraine giải phóng". Những người dân thành phố Balakliia chiếm đóng từ sáu tháng qua ra nhận hàng cứu trợ, cho biết quân Nga tháo chạy rất nhanh, bỏ lại một số đồng đội. Phóng viên The Economist tường thuật dọc dài trên con đường đến Izyum là vô số xe quân sự, xe tăng Nga, có cả đại bác, hỏa tiễn, "như một dòng sông kim loại". Một sĩ quan lữ đoàn số 25 Ukraine kể lại có một lính Nga thản nhiên lái xe bọc thép trên đường, khi đến chốt kiểm soát mới biết "quân ta" đã chạy hết, đành đầu hàng.
Trong bài xã luận "Slava Ukraini", Le Point viết : Ai có thể tin được ? Sáng 24/02, khi xe tăng Nga càn lên những con đường Ukraine, câu hỏi là bao giờ Kiev thất thủ. Kremlin sẽ sáp nhập toàn bộ hay một phần Ukraine, hoặc chỉ dựng lên một chính quyền bù nhìn ? Đến hôm nay biết bao chặng đường đã vượt qua, thắng lợi mà Ukraine đạt được vô cùng to lớn ; dù biết rằng có vũ khí viện trợ của phương Tây và thông tin tình báo quý giá của Mỹ.
Cuộc phản công của Kiev giúp tái chiếm nhiều ngàn kilomet vuông lãnh thổ là hết sức quan trọng, không chỉ mang tính quyết định trong cuộc chiến, mà còn đập tan luồng dư luận cho rằng phe dân chủ tự do đang xuống dốc, phương Tây yếu kém. Các chiến binh Ukraine đang đi tiếp con đường của những người biểu tình Euromaidan cuối 2013, đầu 2014, chính họ ngày nay đang đối đầu với Putin trong niềm tin về các giá trị dân chủ, và Châu Âu có thể cảm ơn họ vì lòng tin ấy.
Putin nhiều lần gọi điện xin Tập hỗ trợ mạnh hơn
Về quan hệ Nga-Trung, Le Monde số cuối tuần đặt câu hỏi, Tập Cận Bình có thể sẵn sàng ủng hộ "ông bạn cũ" Vladimir Putin đến mức nào ? Từ đầu năm đến tháng Tám, Trung Quốc đã nhập 72,9 tỉ đô la hàng của Nga, đại đa số là dầu khí, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái ; và bán cho Nga 44,2 tỉ đô la. Nhà nghiên cứu François Chimits của Mercator Institute for China Studies ở Berlin nhận thấy Bắc Kinh tỏ ra cơ hội và thực dụng, cung cấp những gì có thể để giúp đối tác duy trì được, nhưng tránh bị liên đới.
Chuyên gia François Godement lưu ý, tốc độ trao đổi tăng nhanh vào tháng Năm, khi Bắc Kinh cứng giọng với Mỹ. Trung Quốc mua nhiều dầu khí của Nga hơn, trả bằng đồng rúp và nhân dân tệ. Giá mua không được biết rõ, nhưng các nhà quan sát cho rằng được giảm 20% đến 50% - Gazprom cung cấp cho Bắc Kinh với giá thấp nhất trong số tất cả khách hàng. Trung Quốc còn lời to khi bán lại khí đốt Nga cho Châu Âu với giá cắt cổ và lấp đầy khoảng trống cấm vận.
Từ mùa hè, lượng hàng Trung Quốc xuất sang Nga tăng rất cao gồm xe tải, xe hơi, chất bán dẫn, thiết bị nông nghiệp, nhôm thép, đặc biệt là chất bán dẫn tăng đến 340%. Dù chậm chạp và ngốn năng lượng hơn Intel hay AMD, nhưng chip Trung Quốc cũng giúp lướt web và làm việc văn phòng được. Tuy vậy vẫn không đủ, Moskva phải tháo chip bán dẫn hàng tiêu dùng để sử dụng cho quân đội. Các tập đoàn lớn của Trung Quốc cải chính việc bán cho Nga, nhưng các công ty nhỏ vẫn làm. Châu Âu và Mỹ khó kiểm soát được.
Về tài chánh, Bắc Kinh ngần ngại không dám tài trợ trực tiếp hay đầu tư vào Nga. Trong những tháng gần đây, Vladimir Putin nhiều lần gọi cho Tập Cận Bình để đề nghị giúp đỡ nhiều hơn : rõ ràng là đối tác chiến lược của ông ta không ở mức "vô giới hạn" như đã hứa. Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ Nga vì vấn đề Đài Loan, nhất là sắp tới đại hội đảng. Biết ý, Kremlin không hề hà tiện những tuyên bố ủng hộ đối với Bắc Kinh.
"Bạn vàng" Trung Quốc có còn sát cánh nếu Nga bại trận ?
Tương tự, The Economist cho rằng "Tập Cận Bình sẽ không bỏ rơi Vladimir Putin ngay bây giờ". Mục tiêu mà Trung Quốc nhắm đến ở Ukraine là sự chia rẽ và thất bại của phương Tây, hơn là một chiến thắng cho Nga.
Putin nợ ông Tập một lời xin lỗi. Cuộc xâm lăng Ukraine diễn ra vào thời điểm hoàn toàn không phù hợp. Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 16/10, trong bối cảnh kinh tế sa sút, dân chúng bất mãn vì zero Covid. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau đại dịch, Tập Cận Bình phải xuất hiện ở Samarkand (Uzbekistan) với một nhà lãnh đạo được ông gọi là "bạn tốt nhất" nhưng lại tỏ ra tàn bạo, liều lĩnh và bất tài. Tuy nhiên đôi bên có chung sự thù địch với phương Tây, mà Bắc Kinh coi là một cuộc chiến lâu dài.
Trung Quốc hành động vì lợi ích của chính mình, tố cáo liên minh quốc phòng và sự trừng phạt của Mỹ vì lo sợ sẽ được sử dụng để ngăn chặn sự bành trướng ở Châu Á hoặc để trừng phạt vì vấn đề Đài Loan. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hy vọng sẽ thủ lợi từ việc Moskva thắng hay hòa ở Ukraine. Hoặc Nga bị yếu đi và Trung Quốc sẽ lấn át trong quan hệ song phương, hoặc Nga thắng - đó là thất bại của phương Tây.
Những tai ương hiện tại của Putin là điều không mong muốn, nhưng vẫn có thể kiểm soát được ; còn bại trận trước Ukraine lại là chuyện khác. Một mặt, có thể đe dọa chế độ Moskva, mặt khác làm phương hại đến luận điệu cho rằng phương Tây đang suy tàn. Ông Tập muốn có bạn là chiến binh chứ không phải kẻ bại trận.
Sa hoàng đỏ đang trần trụi
Trong bài bình luận mang tên "Sa hoàng cởi truồng", Le Point cho rằng thành công chiến thuật của quân đội Ukraine đã làm rung chuyển chế độ Moskva và những kẻ ủng hộ, đặc biệt là Bắc Kinh. Theo như đà tiến hiện nay, cuộc phiêu lưu quân sự của Vladimir Putin có nguy cơ trở thành thất bại nặng nề như Moskva đã phải chịu đựng và phải rút quân khỏi Afghanistan năm 1989, góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô hai năm sau. Tương tự, nếu Nga bại trận ở Ukraine sẽ lay động sâu sắc chế độ Putin. Lịch sử cho thấy một thất bại quân sự ở tầm cỡ đó sớm muộn gì cũng dẫn đến những đảo lộn chính trị tại nước thua cuộc.
Trong gần bảy tháng qua, tổng thống Nga không đạt được bất cứ mục tiêu nào. Từ việc lập ra một chính quyền con rối, đưa Ukraine vào quỹ đạo Nga vĩnh viễn, hay đơn giản chỉ là củng cố và mở rộng những lãnh thổ đã chiếm được từ 2014. Hoàn toàn ngược lại ! Cuộc chiến đã nâng cao tinh thần dân tộc Ukraine, củng cố ý định hướng về phương Tây ; làm lung lay các nước cộng hòa giả tạo ở Donbass và bán đảo Crimea đã bị sáp nhập. Còn NATO thêm vững mạnh nhờ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập.
Tệ hại nhất cho Kremlin là cuộc xung đột đã bộc lộ những yếu kém của hệ thống an ninh mà nhờ đó Putin ngự trị được từ nhiều năm qua. Tình báo Nga không bảo vệ được bí mật quan trọng nhất, kế hoạch xâm lăng Ukraine đã bị CIA lật tẩy nhiều tháng trước khi tiến hành. Và từ đó đến nay, quân đội thứ nhì thế giới đã cho thấy tình hình thảm hại của mình. Quân Nga thiếu trang bị, huấn luyện không đầy đủ, đói ăn, không có tinh thần chiến đấu, cấp trên tham nhũng và chỉ huy bằng phương thức cổ lỗ sỉ thời 1945. Các tội ác chiến tranh của quân Nga cũng nhuộm đen tên tuổi "Hồng quân", như vụ thảm sát Bucha và mới đây ở Izyum.
The Economist cho biết bất mãn đối với Putin ngày càng tăng, dẫn những lời đả kích trên Telegram : "Quân đội không có kính hồng ngoại, không áo giáp, không có phương tiện liên lạc an toàn, không có túi thuốc cấp cứu" trong khi Putin tổ chức lễ hội Moskva tốn kém 1 tỉ rúp, đúng vào ngày quân Nga phải tháo chạy khỏi Kharkiv !
Phòng không Nga kém cỏi đáng kinh ngạc
Riêng về thiết bị quân sự, Le Monde cuối tuần nói về những lỗ hổng đáng kinh ngạc của hệ thống phòng không Nga, vẫn được cho là hữu hiệu nhất thế giới. Trên lý thuyết, quân đội Nga được cho là có những vũ khí tốt nhất để đối phó với những cuộc tấn công từ trên không. Nổi tiếng nhất là hệ thống hỏa tiễn địa-không S-300 và S-400, có thể tiêu diệt các phi cơ và hỏa tiễn đạn đạo hay hành trình ở rất cao và cách xa đến 300 kilomet. Moskva cam đoan S-400 có thể theo dõi cùng lúc vài chục mục tiêu, đây là mặt hàng "vơ-đét" của kỹ nghệ quốc phòng Nga, được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra Nga còn có các hỏa tiễn Tor, Buk hay Pantsir rất cơ động, dùng cho phòng không ở tầm trung và tầm thấp.
Dù vậy, Ukraine vẫn thường xuyên xâm nhập được. Ngày 01/04, hai trực thăng của Kiev đã vượt biên giới, tấn công vào một kho xăng ở Belgorod và quay về bình an vô sự. Ngày 31/07 và 20/08, các drone của Ukraine đã đánh vào sở chỉ huy của hạm đội Hắc Hải tại Sevastopol, và trong cuộc vây hãm Mariupol, các trực thăng Ukraine đã bảy lần tiếp tế được cho lực lượng đang bị vây hãm ở nhà máy Azovstal. Ngoạn mục nhất là vụ tấn công vào căn cứ không quân Saki ở Crimea hôm 09/08, phá hủy hơn một chục oanh tạc cơ Sukhoi-24 và tiêm kích Sukhoi-30.
Chỉ trong tháng Bảy, có ít nhất 60 hỏa tiễn không bị Nga chặn. Sự yếu kém của phòng không Nga không hẳn do con người mà có thể do thiếu linh kiện điện tử. Đặc biệt đối với các drone, nhỏ hơn nhiều và bay thấp hơn máy bay, dùng S-300 để đối phó cũng giống như dùng búa đập ruồi. Nga càng chịu thêm áp lực khi Hoa Kỳ chuyển giao các hỏa tiễn AGM-88 HARM (High-speed anti-radiation missile), có thể vô hiệu hóa các radar phòng không.
https://youtu.be/W2kmNdd2QKw
Kẻ được người mất trong cuộc xâm lăng Ukraine
Còn gì tồi tệ hơn cho một nhân vật quyền lực như Putin ? Những tiết lộ trên đây làm phương hại đến tính chính danh của vị Sa hoàng đỏ - độc tài được cho là hiệu quả hơn dân chủ, cũng như sự khả tín. Ông chủ điện Kremlin gây chiến để bảo vệ chế độ của mình, ông ta cảm thấy bị đe dọa bởi một Ukraine tự do dân chủ có thể gợi cảm hứng cho dân Nga nổi dậy. Thế nhưng viễn cảnh này lại được củng cố nhờ sự chiến đấu can trường, tinh thần kháng chiến của người Ukraine, và nhờ sự ủng hộ của phương Tây.
Sự chao đảo của Putin tại Ukraine làm yếu đi các chế độ vẫn trông cậy vào Moskva, từ Alger tới Bamako, từ Budapest tới Belgrade, Minsk ; gây khó khăn nghiêm trọng cho Tập Cận Bình. Ông Tập ngỡ rằng ủng hộ Putin là cách để hạ nhục Washington, nâng cao tham vọng về Đài Loan và dạy một bài học cho tất cả những nước nào mon men đến gần thế giới dân chủ. Nga đại bại ở Ukraine sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho Tập Cận Bình.
Ngược lại, chiến thắng vẻ vang của Kiev là thành công cho tổng thống Joe Biden, vốn phóng tay hỗ trợ Volodymyr Zelensky, cũng như Anh và Canada. Châu Âu nhất là Trung Âu và Đông Âu trở nên thân Mỹ hơn bao giờ hết. Còn những nước từ lâu không muốn tin vào khả năng Ukraine ca khúc khải hoàn, đứng đầu là Pháp, Đức, Ý, ảnh hưởng bị giảm sút. Tác giả bài viết cho rằng hãy còn chưa muộn để thôi lưỡng lự, tăng nhanh chuyển giao vũ khí cho Kiev để sớm đến ngày chiến thắng.
Điều kiện hòa bình sẽ không như Putin mong muốn
The Economist cũng nhận định "Cuộc chiến của Putin ở Ukraine đang thất bại, phương Tây cần giúp sức để Nga bại trận nhanh hơn". Tiến bộ của Ukraine trên chiến trường dựa trên hai trụ cột : khí tài và con người. Về vũ khí, Mỹ và các nước bạn thường xuyên gởi cho những hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao để tiêu diệt các kho đạn, sở chỉ huy, trung tâm hậu cần ở xa tiền tuyến, còn Nga thì không. Nga chẳng còn ưu thế trên không do các hệ thống phòng không và đạn dược cạn dần, còn Ukraine thì ngược lại. Lợi thế của Ukraine về quân số cũng tăng lên. Dù đến tận các nhà tù để mộ quân và hứa hẹn tiền thưởng cao, Putin vẫn không thay thế nổi số 70.000-80.000 lính đã bị loại khỏi vòng chiến. Phía Kiev còn cả một lực lượng dự bị tiềm năng, với tinh thần quyết bảo vệ quê nhà và đồng bào của họ.
Theo tờ báo, phương Tây nên gởi thêm các vũ khí tối tân có tầm xa hơn. Chẳng hạn hệ thống Himars mà trước đây Mỹ không muốn chuyển giao, đã chứng tỏ được hiệu quả khủng khiếp trên chiến trường. Kiev cũng cần rất nhiều đạn dược cho những chiến dịch tấn công trong tương lai, và xe bọc thép để chuyển quân nhanh chóng. Bên cạnh đó là mở rộng việc huấn luyện binh sĩ Ukraine ở nước ngoài. Động lực chiến tranh có thể tự nó duy trì. Nếu người dân Ukraine ở những thành phố bị chiếm đóng tin rằng kẻ xâm lăng sẽ ở lại vĩnh viễn, một số có thể xuôi tay chấp nhận hoặc thậm chí hợp tác. Còn nếu cho rằng quân Nga sẽ bị đuổi chạy trong vài tháng nữa, động cơ sẽ ngược lại. Nga càng mất nhiều vùng đất cướp được, thì càng khó giữ nổi số còn lại.
Phương Tây cũng cần cố gắng tạo khoảng cách giữa chế độ Moskva và người dân, nhấn mạnh cuộc chiến hiện nay là với Putin chứ không phải với nhân dân Nga. Tiếp đón những người Nga chạy sang nhất là người có học vấn cao, ngược lại không cấp visa cho những ai phục vụ chế độ. Rất có thể giới tinh hoa sẽ dần chán ngán tình trạng bị cô lập, lực lượng an ninh không còn muốn bị đẩy vào một cuộc chiến tranh không thể chiến thắng, bởi một nhà độc tài vĩ cuồng. Nga có thể kết thúc cuộc xung đột bất cứ lúc nào, nhưng hòa bình sẽ không đạt được theo những điều kiện mà Vladimir Putin mong muốn lúc ban đầu.
Tuần báo Anh cho biết một đề nghị do cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đồng soạn thảo đã được giới thiệu với Kiev hôm 13/09, bảo đảm tiếp tục cung cấp vũ khí, giúp huấn luyện và thông tin tình báo cho Ukraine, dựa theo cách Mỹ cam kết với Israel. Chừng như là để gieo rắc ý nghĩ mà nhiều người không thể tưởng tượng được hồi đầu cuộc chiến : Nga có thể bại trận ! Đây là viễn cảnh vô cùng đáng sợ cho Vladimir Putin.
Tang lễ thế kỷ của nữ hoàng Anh
Bên cạnh chiến tranh ở Ukraine, cuộc gặp giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình tại Uzbekistan, nữ hoàng Anh là chủ đề được các tuần báo Pháp bàn luận nhiều nhất. Courrier International đăng trên trang nhất chân dung Elizabeth II thời trẻ đang đội vương miện với dòng tựa "Vị nữ hoàng cuối cùng". Hồ sơ của L'Obs cũng được dành cho nữ hoàng Anh, với hình ảnh bà đang tươi cười, chạy tít "Nữ hoàng của một thế kỷ - Elizabeth II". Cũng với chân dung nữ hoàng Anh trên trang nhất, L’Express nói về "Cuộc chia tay vương giả".
Bảy thế kỷ trị vì, tương đương với 14 nhiệm kỳ 5 năm của các nguyên thủ, ngay cả Vladimir Putin và Tập Cận Bình cũng chỉ là "hợp đồng thời vụ" nếu so với bà. Nhưng nữ hoàng không lãnh đạo, mà là hiện thân cho quốc gia dân tộc, những phát biểu hiếm hoi của bà trấn an được thần dân trong lúc đất nước nguy nan. Bà là mẫu mực cho cung cách quản trị : ứng xử hoàn toàn theo kiểu quý tộc, không chạy theo dân túy, nhưng Elizabeth II được cả những người không ưa chế độ quân chủ yêu mến
Sống cùng thời kỳ với Stalin, Churchill, Elizabeth II đã biết đến chiến tranh lạnh, bức tường Berlin sụp đổ, sự xuất hiện một thế giới đa cực. Bà đã bắt tay ít nhất 10 tổng thống Pháp, bổ nhiệm 15 thủ tướng Anh, nhìn thấy Khối Thịnh vượng chung mất đi sự hấp dẫn. Như là dấu gạch nối giữa thế kỷ 20 và 21, sự kiện bà từ trần kết thúc một thế giới cũ, đưa người dân - nhiều thế hệ chỉ biết đến mỗi mình bà – vào một kỷ nguyên đầy bất trắc. Đối với tân vương Charles III, những khó khăn còn ở phía trước.
Courrier International cho biết tang lễ của Elizabeth II trùng hợp với ngày "leaders day" tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Đến Luân Đôn, New York hay cả hai ? Đó là mối đau đầu cho nguyên thủ và phái đoàn các nước. Được biết thủ tướng New Zealand, tổng thống Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, chủ tịch Ủy ban Châu Âu sẽ có mặt ở Luân Đôn, cùng với nhiều hoàng gia Châu Âu. Trong "đám tang thế kỷ này", các nhà lãnh đạo được yêu cầu không đến bằng phi cơ riêng, và đưa đến dự tang lễ bằng xe buýt thay vì công xa – thêm một thách đố về tổ chức và an ninh.
Thụy My