Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/09/2022

Mỹ khơi dậy ảo tưởng cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

RFA tiếng Việt

Mỗi khi gần đến khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, những ý tưởng cải cách Hội đồng Bảo an của định chế quốc tế lớn nhất thế giới lại nổi lên. Nhưng lần này đề xuất cải cách lại được đưa ra từ Hoa Kỳ, một trong những tác nhân chủ chốt của Hội đồng Bảo an, đã thu hút sự chú ý của giới quan sát, bởi người ta đều thấy bóng dáng Nga, Trung Quốc trong ý tưởng của Washington.

hdba1

Chủ tịch Tập Cận Bình sánh bước cùng Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Tượng Hải

Giữa cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Liên Hiệp Quốc thường xuyên bất lực trên các hồ sơ tranh chấp địa chính trị lớn, lời kêu gọi cải cách của Washington không giấu được những bức bối trước Nga, một thành viên thường trực cùng với Trung Quốc, luôn phủ quyết các đề xuất của phương Tây một cách có hệ thống.

Cho đến giờ, để tránh không bị Nga hay Trung Quốc ngăn cản các sáng kiến của của mình ở Hội đồng Bảo an, các nước phương Tây phải sử dụng đến những quy định và thủ tục khác. Như để tỏ lập trường trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, hồi đầu năm, phương Tây buộc phải nhờ đến lá phiếu của 193 nước thành viên ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngôn từ và nội dung của văn kiện đưa ra Đại hội đồng cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng vì các thành viên của Liên Hiệp Quốc luôn chia rẽ, theo những ảnh hưởng địa chính trị khác nhau hay những tính toán lợi ích riêng. Hơn nữa văn kiện thông qua ở Đại hội đồng chỉ mang tính hình thức, không ràng buộc thực thi như ở Hội đồng Bảo an, một định chế có nhiệm vụ chính để bảo đảm trật tự thế giới.

Theo AFP, trong một phát biểu gần đây, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield đã bày tỏ ủng hộ những "đề xuất nhạy cảm và đáng tin cậy" nhằm mở rộng hoặc cải cách Hội đồng Bảo an. Tức là cơ quan này sẽ không chỉ gói gọn trong tay của 5 thành viên thường trực hiện nay (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh Pháp) cùng 10 thành viên không thường trực, được bầu lại 2 năm một lần.

Đại diện của Mỹ nhấn mạnh : "Chúng ta không nên bảo vệ một hiện trạng không thể giữ được nữa và đã lạc hậu". Ám chỉ đến Nga, bà đại sứ Mỹ nhận xét rằng "mọi thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ những hành động của riêng mình sẽ mất hết giá trị đạo đức và phải chịu trách nhiệm".

Những kiểu phát biểu như vậy có thể khiến Bắc Kinh và Moskva cười mỉm khi họ nhớ lại thời cựu tổng thống Georges W. Bush, Hoa Kỳ cũng đã không ngần ngại sử dụng các tiểu xảo lách Hội đồng Bảo an để mở cuộc tấn công Irak.

Bà Naledi Pandor, ngoại trưởng Nam Phi, một trong số nước từ lâu nay vẫn mong muốn có chân trong Hội đồng Bảo an, cho rằng lật lại vấn đề quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an chỉ vì việc Nga sử dụng lá phiếu đó thì quả là một điều gì đó không thực tâm.

Theo Richard Gowan, nhà phân tích của cơ quan nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), những lo lắng của Hoa Kỳ xung quanh việc Hội đồng Bảo an bị đình trệ chức năng là thành thực. "Nhưng đó cũng là cách khéo léo để chỉ mặt Trung Quốc và Nga. Bởi chúng ta đều biết đây là hai nước ngần ngại nhất trong việc cải cách Hội Đồng".

Cùng với những biến động của thế giới, làm mới bản thân của Hội đồng Bảo an an là một nhu cầu chính đáng nhưng lại không dễ thực hiện. Từ năm 2005, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là ông Kofi Annan đã đưa ra đề xuất cải cách một cách nghiêm túc, trong đó có việc mở rộng số thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nhưng không thành hiện thực, vì bất đồng giữa các thành viên. Vào lúc đó, các nước như Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản cùng nộp đơn để được có chân trong thường trực Hội đồng Bảo an nhưng chưa bao giờ được chấp thuận.

Trung Quốc đã chống lại kịch liệt việc trao thêm ghế ở Hội đồng Bảo an cho một cường quốc ở Đông Á.

Mới đây, cuối tháng 8 vừa rồi, Vụ thông tin của phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức tại Oslo thủ đô Na Uy, một cuộc hội thảo có tên gọi "Cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc : Một cách tiếp cận mới để tái cấu trúc trật tự quốc tế". Đã có rất nhiều tham luận được trình bày nhưng vẫn dừng lại ở như một hội nghị khoa học không có gì mới.

Vẫn theo chuyên gia Richard Gowan, dường như Washington không có mục đích rõ ràng trong các ý tưởng cải cách Liên Hiệp Quốc, chỉ nêu ra "để thằm dò sân bãi, để thách thức Trung Quốc và Nga", như thế thì sáng kiến đó rồi có lúc sẽ xẹp xuống.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 20/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 324 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)