Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/09/2022

Điểm báo Pháp – Trốn chạy ra nước ngoài : xã hội Nga hỗn loạn

RFI tiếng Việt

Chống bắt lính, chạy ra nước ngoài bằng mọi giá : Xã hội Nga hỗn loạn

Putin tuyên bố huy động 300.000 quân dự bị, nhưng các quy định rất mơ hồ, và theo tin tức rò rỉ, 1 triệu người sẽ bị "bắt lính". Có những người lớn tuổi, bị bệnh, chưa bao giờ cầm súng cũng bị gọi nhập ngũ. Trên 260.000 nam công dân đã chạy ra nước ngoài, nhiều cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra, đặc biệt tại những vùng đất nghèo khổ có nhiều thanh niên đã tử trận như Siberia, Daghestan.

tron1

Người biểu tình ở Moskva ngày 21/09/2022 chống lệnh động viên của Vladimir Putin bị cảnh sát đàn áp. Reuters

Izyum, trên những hoang tàn đổ nát

Le Monde có bài phóng sự cảm động mang tựa đề "Trên những hoang tàn của Izyum, thành phố đau thương của Ukraine vừa được giải phóng". Một phái đoàn các nhà ngoại giao tận mắt chứng kiến các xà-lim hôi hám, tối tăm dưới hầm một trụ sở cảnh sát, văn phòng bị biến thành nơi tra tấn với những sợi dây điện ngổn ngang trên mặt đất. Tại Kharkov, tỉnh bị quân Nga chiếm đóng sáu tháng qua, mỗi thành phố đều có địa điểm tra tấn riêng, riêng Izyum có sáu. Trong một xà lim, tù nhân đánh dấu số ngày bị giam trên vách rồi bỗng dừng lại với câu kinh "Lạy Cha chúng con ở trên trời…". Lính Nga chạy trốn khi quân đội Ukraine phản công, lẹ đến nỗi những người tù có thể tự giải thoát.

Trên đại lộ Soborna vốn sang trọng nhất, không giống một thành phố vừa được giải phóng chút nào. Không có băng-rôn ở mặt tiền, không trẻ em nào reo hò bên cửa sổ. Nhưng thực ra tất cả các tòa nhà đều bị hư hại, chẳng có mặt tiền lẫn cửa sổ, thành phố bị phá hủy đến 80%. Người cũng chẳng còn nhiều, hai phần ba cư dân đã chạy trốn bằng mọi phương tiện : đi bộ, đi xe đạp, bơi qua sông… Vẫn chưa có điện, nước, khí đốt. Ngày 11/09 khi lực lượng Ukraine tiến vào, nhiều người dân vẫn chưa biết quân xâm lược đã bỏ chạy hết. Thành phố được tái chiếm chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, những người lính Ukraine phải hô to trên đường phố để báo tin. Chỉ có duy nhất một lá cờ được vẫy chào mừng, nhờ chủ nhà giấu kín dưới ghế bành trong thời chiếm đóng.

Putin động viên 300 ngàn quân, nhưng trên 260 ngàn đã chạy khỏi Nga

Nhiều người dân Nga nay mới hiểu họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến. "Căng thng xã hi và chính tr sau lnh động viên ca Vladimir Putin", "Động viên tng phần, giữa hỗn loạn và phản kháng" - nhiều tờ báo có cùng nhận định. Tuy Putin tuyên bố huy động 300.000 quân dự bị "có kinh nghiệm trong quân đội và có chuyên môn", từ 25 đến 35 tuổi, nhưng các nghị định được công bố rất mơ hồ. Những tin tức rò rỉ trên báo chí cho biết thật ra có đến 1 triệu người sẽ bị "bắt lính", gây nhiều lo sợ. Các video nhất là trên Telegram nhanh chóng cho thấy chiến dịch động viên trông giống các cuộc bố ráp hơn.

Le Monde dẫn nguồn từ Novaia Gazeta Europe cho biết đã có đến 261.000 nam công dân Nga chạy ra nước ngoài kể từ ngày 21/09. Có những người sẵn sàng đi bộ đến tận Gruzia. Sân bay, trạm biên phòng đông nghẹt người, ở biên giới Gruzia hàng xe và người dài đến 30 kilomet. Không ít người trên lý thuyết nằm ngoài các tiêu chí động viên, nhưng họ không hề tin vào những hứa hẹn của chính quyền.

Theo Le Figaro, nhiều trường hợp người đứng tuổi, sinh viên, thậm chí đang bị bệnh cũng bị gọi nhập ngũ. Báo mạng Nga Mediazona đăng lời chứng của một phụ nữ, mà người chồng 45 tuổi chỉ mới được huấn luyện một ngày đã bị đưa sang Ukraine, và sung vào sư đoàn xe tăng số 3 vốn được coi là đơn vị tinh nhuệ. La Croix nêu ra tại Volgograd ở miền tây nam chẳng hạn, một cựu quân nhân hưu trí 63 tuổi bị tiểu đường nặng, và hiệu trưởng một trường học 58 tuổi chưa bao giờ đi quân dịch cũng bị động viên.

Xung đột ở nhiều nơi chống bắt lính

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, đặc biệt tại những vùng đất nghèo xa xôi mà thanh niên hầu hết đã bị bắt đi sang Ukraine. Có một số làng ở Siberia, tất cả đàn ông đều nhận được giấy gọi nhập ngũ. Tại Makhatchkala, thủ phủ Daghestan - một trong những vùng có tỉ lệ lính tử trận nhiều nhất - tối Chủ nhật 25/08 hàng ngàn người biểu tình đối đầu với lực lượng an ninh. Các nhân chứng ghi lại những cảnh hiếm thấy tại Nga – những người đàn ông tấn công cảnh sát, phụ nữ hè nhau ngăn trở những vụ bắt giữ… Chỉ khoảng 100 người bị bắt, cho thấy dù đã được tăng viện, cảnh sát vẫn bất lực trước sự phẫn nộ của dân chúng. Tại những làng khác, đôi khi cư dân cố chận đường vào.

Khắp nơi phụ nữ đi đầu, vì nam thanh niên biểu tình nếu bị bắt thường nhận được lệnh động viên. Họ hô những câu như "Con cái chúng tôi không phải là phân bón", "Hãy gởi con cái các vị đi trước đã", "Phản đối chiến tranh"… Những hình ảnh đầu tiên từ các căn cứ quân sự cho thấy tân binh được phát các loại trang bị cổ lỗ sỉ. Một số tố cáo là bị lừa - họ được hứa là tập trung xong sẽ cho về nhà. Trước những thông tin gây bối rối này, nhiều quân khu loan báo ý định cấm tân binh giữ điện thoại.

Đã xảy ra những vụ xung đột, như ở trung tâm tuyển mộ Oust-Ilimsk (Siberia), một thanh niên đã bắn chết chính ủy. Tại Riazan, thành phố ở đông nam Moskva, một người đàn ông tự thiêu trước một bến xe, hô to rằng anh không muốn đi chiến đấu ở Ukraine. Rất nhiều vụ phóng hỏa các trung tâm tuyển mộ xảy ra trên toàn quốc, tổng cộng đã có 54 vụ tấn công. Đôi khi cơ quan hành chánh hay trụ sở đảng Nước Nga Thống Nhất cũng trở thành mục tiêu.

Ấn Độ bắt đầu mất kiên nhẫn trước cuộc chiến của Nga

Về phía các đối tác của Moskva, Le Figaro nhận thấy "Ấn Độ cũng bắt đầu mất kiên nhẫn và thúc giục Nga nên kết thúc". Hôm 22/09 trước Hội đồng Bảo an, ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố, cuộc xung đột Ukraine gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là vấn đề nguyên tử. Ban đầu còn nói riêng, giờ đây chính quyền không ngần ngại công khai. Sự kiên nhẫn của Ấn Độ là do lệ thuộc nhiều vào vũ khí Nga : 85% phương tiện đang sử dụng trong quân đội là của Nga, nhưng nay Moskva không còn có khả năng cung ứng phụ tùng, đạn dược cho New Delhi, khiến tư lệnh lục quân Ấn phải lên tiếng báo động. Dấu hiệu này cho Ấn Độ thấy Nga không còn là đối tác chiến lược khả tín.

Le Figaro nhắc lại, hồi Liên Xô đưa quân sang Afghanistan năm 1979, thủ tướng Ấn Indira Gandhi đã lên án. Moskva bèn mua sự im lặng bằng cách cho vay ưu đãi 1,6 tỉ đô la, chuyển giao chiến xa, chiến đấu cơ và chiến hạm cho Ấn Độ. Bốn thế kỷ sau, Nga không còn khả năng, mà ngược lại còn lệ thuộc vào Ấn Độ, khách hàng mua dầu lửa đứng thứ nhì. Xăng dầu tăng giá do chiến tranh cũng đánh vào tầng lớp bình dân, một trong những lực lượng cử tri của thủ tướng Ấn. Ngành ngoại giao Ấn Độ trở nên chia rẽ, lớp già từng học ở Moskva ủng hộ Nga, lớp trẻ cho rằng nên thắt chặt quan hệ với một số nước Châu Âu. Điểm đồng thuận là chiến tranh cần chấm dứt các sớm càng tốt vì điều tệ hại nhất cho New Delhi là Nga yếu đi hẳn và bị cô lập, trở thành chư hầu Trung Quốc - đối thủ của Ấn Độ.

Putin dọa dùng bom nguyên tử và bắt lính, Tập Cận Bình lo lắng

Trong khi đó, "Bắc Kinh lúng túng trước hành động của Vladimir Putin". Lệnh động viên của Putin được Bắc Kinh đón nhận bằng sự im lặng đầy lo ngại. Báo chí nhà nước ít đề cập, trừ tờ cực đoan Hoàn cầu Thời báo, và bản tin truyền hình CCTV chỉ nói sơ qua vào cuối chương trình. Các nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp tục kêu gọi "đối thoại". Tại New York, Vương Nghị lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến tranh đã gặp đồng nhiệm Ukraine, Dmytro Kuleba, kêu gọi tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước", và trong cuộc gặp đại diện ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã cho biết Trung Quốc phản đối việc sử dụng "vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Việc Putin đe dọa dùng vũ khí nguyên tử gây lo lắng cho chế độ Bắc Kinh, vốn ám ảnh bởi sự ổn định, vào lúc đại hội đảng sắp diễn ra trong bối cảnh kinh tế u ám. Ngoài ra vài ngày gần đây còn có tin đồn đảo chánh ở Bắc Kinh. Cuộc gặp tay đôi Vladimir Putin – Tập Cận Bình ở Samarkand hôm 15/09 kết thúc bằng một thông cáo chung ở mức tối thiểu, bị tuyên truyền của Trung Quốc cho xuống hạng nhì. Nhà nghiên cứu Trần Cương (Chen Gang) của đại học NUS (Singapore) nhận định, đối tác Nga-Trung rõ ràng là "có giới hạn".

Ông Tập phải hạn chế dính líu tới "rủi ro Putin", nhưng không thể bỏ rơi đối tác quan trọng này trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương. Khả năng Nga bại trận khiến các nhà chiến lược đỏ lo sợ, đến nỗi một số "diều hâu" đòi gởi vũ khí cho Kremlin – một lằn ranh đỏ đã được Washington vạch ra và đến nay đảng chưa dám bước qua.

Phương Tây và Trung Quốc tách biệt dần

Nhìn rộng hơn trên bình diện quốc tế, Le Monde nhận định "Trung Quốc và phương Tây đang tách rời nhau". Các nhà lãnh đạo công ty phương Tây làm ăn tại Hoa lục kể từ ngày 16/10 sẽ phải dán mắt theo dõi đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, với câu hỏi liệu định hướng chiến lược 5 năm tới có tiếp tục tạo thêm những khó khăn, và sâu xa hơn là vấn đề Đài Loan. Nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên vàng của đầu tư ngoại quốc. Phong tỏa ngặt nghèo ngay từ những ca Covid đầu tiên, những quy định hạn chế, chiến dịch tẩy chay, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, căng thẳng Biển Đông : tất cả khiến họ phải thận trọng dù không muốn rời Trung Quốc. Chỉ có những công ty có thể giúp Bắc Kinh đuổi kịp khoảng cách công nghệ mới được đối xử tử tế hơn.

Chú trọng nội địa hơn là mở cửa thị trường, chính trị đứng trên kinh tế, đó là nhận định chung của các chủ doanh nghiệp. Chỉ riêng tổng giám đốc Stellantis (PSA-Fiat-Chrysler), Carlos Tavares phá vỡ "luật im lặng", ông tố cáo việc "chính trị hóa không khí kinh doanh từ bốn, năm năm qua". Tavares dự báo căng thẳng với phương Tây sẽ tăng lên, những trừng phạt qua lại đặt các công ty vào tình cảnh khó khăn. Số bán xe hơi Đức, Nhật, Mỹ giảm sút vì ưu tiên dành cho xe Trung Quốc, thế nên các tập đoàn đầu tư nhiều vào Hoa lục sẽ chịu thiệt hại. Nhưng không chỉ trong lãnh vực xe hơi. Chưa bao giờ vốn đầu tư đổ sang các nước ổn định hơn nhiều như thế : Apple vào Việt Nam, TSMC tại Nhật Bản.

Các báo cáo của nhiều tổ chức khác nhau đều có cùng nhận định. US Business Council tập hợp 270 công ty lớn của Mỹ loan báo giảm đầu tư năm 2023, Phòng Thương mại Châu Âu khẳng định Trung Quốc không còn hấp dẫn. Nhóm nghiên cứu Rhodium cho biết đầu tư trực tiếp của Châu Âu còn duy trì chỉ nhờ một vài tập đoàn lớn chủ yếu là Đức. Tưởng chừng "công xưởng thế giới" không thể thay thế, nhưng cuộc chiến thuế quan của Donald Trump vẫn được Joe Biden kế tục, và các công ty Trung Quốc dần bị loại khỏi thị trường chứng khoán New York. Hoa Kỳ sẽ tăng cường kiểm soát việc chuyển giao công nghệ về trí tuệ nhân tạo, vi tính lượng tử, công nghệ sinh học.

Và tệ hại nhất là nếu Trung Quốc xâm lăng Đài Loan, sẽ phá vỡ trạng thái lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn chưa chuẩn bị, còn một Nhà nước kế hoạch như Trung Quốc có lẽ chống chọi tốt hơn. Dù sao đi nữa, tất cả những nhà lãnh đạo đều biết rằng leo thang thì tất cả đều thiệt hại, và Tập Cận Bình có lẽ chừng mực hơn Vladimir Putin.

Châu Âu đứng trước "trận động đất" Meloni ở Ý

Ảnh của chủ tịch đảng Huynh Đệ Ý chiếm trang nhất tất cả các báo hôm nay. Le Monde nhấn mạnh "Chiến thắng lịch sử của cực hữu Ý", Les Echos chạy tựa "Giorgia Meloni giành được quyền lực". "Giorgia Meloni, thách thức cho Châu Âu", tít lớn của Le Figaro, Libération chạy tựa trang nhất "Phát-xít ở Châu Âu : Mọi con đường đều dẫn đến La Mã" ; La Croix nhìn thấy "Bước ngoặt Meloni".

Bài xã luận của La Croix đặt vấn đề, bà Meloni là tân phát-xít, hậu dân túy hay siêu bảo thủ ? Tất nhiên là mỗi thứ một ít, bà không phải là phe "trung hu" như đã t khẳng định, nhưng giờ đây cần đánh giá theo hành động cụ thể. Từ vài tuần qua, Giorgia Meloni cố gắng trấn an giới kinh doanh và các láng giềng Châu Âu. Rằng bà không từ bỏ đồng euro, không chi tiêu xả láng, bà ủng hộ Ukraine, giữ khoảng cách với nước Nga của Putin. Tuy nhiên đây vẫn là một trận động đất, khi một quốc gia thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu (EU) được lãnh đạo bởi một người luôn ngưỡng mộ Mussolini, không giấu diếm sự thân cận với Viktor Orban.

Tương tự đối với Libération, thắng lợi đáng buồn của cực hữu Ý là một "trn địa chn chính tr". Đành rằng Huynh Đệ Ý tiếp tục cải cách, và tương đối bị trói tay vì cần đến ngân sách Châu Âu. Nhưng đừng quên EU đã bị yếu đi vì chính sách dân túy của Hungary, Ba Lan, và chiến thắng mới đây của cực hữu Thụy Điển. Trong bối cảnh đó, Pháp cần phải sát cánh với Đức chiến đấu cho những giá trị Châu Âu. Coi đây là "Bước ngot Ý", Le Figaro nhấn mạnh, cho đến nay ông Orban ở Hungary và đảng Pháp luật & Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan chỉ gây ra những rắc rối nho nhỏ trong Châu Âu. Hai nước này chỉ mới gia nhập EU chưa đầy 20 năm, chiếm chưa đầy 5% GDP của cộng đồng. Sự xuất hiện của bà Giorgia Meloni với tư cách người đứng đầu nền kinh tế thứ ba EU là một sự thay đổi sâu sắc về tương quan lực lượng.

Riêng Les Echos tương đối lạc quan khi cho rằng tuy có những tuyên bố cực đoan, nhưng Meloni vẫn cố duy trì sự kế tục với chính phủ tiền nhiệm Draghi. Bà không chống Châu Âu mà tỏ ra hợp tác, và nhiệt tình ủng hộ Ukraine. Mối lo từ hai đồng minh Matteo Salvini và Silvio Berlusconi, vốn bênh vực Vladimir Putin nay giảm bớt vì họ nhận được ít phiếu.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 264 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)