Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/09/2022

Điểm báo Pháp - Thế giới không thể để yên cho Putin

RFI tiếng Việt

Thế giới không thể để yên cho Putin đùa với sự tồn tại của hành tinh

Cách đây 60 năm trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, Kennedy và Khrushchev hoàn toàn ý thức được sự khủng khiếp của thảm họa nguyên tử. Nhưng Putin ngày nay như một tay chơi thua đậm, muốn "ăn cả ngã về không". Với trò dùng bom hạt nhân để bắt bí, ông ta đùa với sự tồn tại của hành tinh. Thế giới không thể chấp nhận sống dưới bóng ma một cuộc chiến tổng lực, với cái giá khổng lồ về sinh mạng.

duagion1

Hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Sarmat được bắn đi từ tây bắc nước Nga, bổ sung vào khu vũ khí nguyên tử mà tổng thống Putin nói rằng sẽ làm cho những kẻ thù của Moskva phải suy nghĩ. Ảnh do cơ quan Roscosmos công bố ngày 20/04/2022. AP

Xe hơi điện Việt Nam và tham vọng tiến vào thị trường phương Tây

Trang kinh tế của Le Figaro nói về "Xe hơi chạy điện của tập đoàn VinFast trên đường chinh phục Châu Âu và Hoa Kỳ". Tờ báo ghi nhận, trên những đường phố Việt Nam đầy xe gắn máy và trên những giao lộ chính, lâu nay xe hơi Nhật và Mỹ vẫn ngự trị. Nhưng từ ba năm qua, một logo mới mang hình chữ "V" mạ kền của VinFast xuất hiện : nhà tỉ phú kín tiếng Phạm Nhật Vượng lao vào kỹ nghệ xe hơi từ năm 2017. Nhà máy ở Hải Phòng bắt đầu sản xuất xe điện từ tháng 6/2019, hợp tác với BMW và Magnat, còn VinES sắp tới sẽ làm ra bình điện.

Từ cuối năm nay, VinFast dự tính bán sang Hoa Kỳ và Canada những chiếc xe địa hình 7 chỗ chạy điện đầu tiên. Cả hai mẫu VF9 và VF8 sẽ có mặt tại Hội chợ Xe hơi Quốc tế ở Paris trong tháng 10. Vẫn còn vô danh ở Mỹ và Châu Âu, thương hiệu Việt Nam liệu có thu hút được khách hàng, nhất là thị trường Châu Âu cạnh tranh hết sức dữ dội ? Người đại diện tập đoàn nói rằng có thể chinh phục được với chất lượng sản phẩm, giá cả phải chăng và dịch vụ. Tập đoàn mẹ VinGroup lần này rời khỏi sân nhà, nhắm vào thị trường phương Tây, và theo Le Figaro, đây là thử thách khá gay go về tài chánh.

Đặt ý thức hệ lên trên kinh tế, Trung Quốc bị coi là nhiều rủi ro

Cũng tại Châu Á, Le Monde nhận thấy "Đối với các doanh nghiệp Châu Âu, Trung Quốc trước hết là sự rủi ro". Phòng Thương mại Châu Âu đánh giá Bắc Kinh "đặt ý thức hệ lên trên kinh tế". Sự quay mặt thật là ngoạn mục. Từ hai chục năm qua vẫn được các nhà đầu tư phương Tây coi là cơ hội lớn chưa từng thấy, nhưng vài năm gần đây Trung Quốc bị coi là thị trường nhiều nguy cơ. Đó là nhận định chính trong tài liệu được Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc công bố hôm 21/09.

Việc duy trì zero Covid bằng mọi giá, đóng cửa biên giới, chủ trương tự cung tự cấp, ủng hộ cuộc xâm lược của Nga với Ukraine, gây lo ngại Trung Quốc cũng sẽ tấn công Đài Loan, công chúng ngày càng tỏ ra dân tộc chủ nghĩa… Tất cả khiến các nhà đầu tư coi Trung Quốc là một đất nước "bất định, kém tin cậy, thiếu hiệu quả". Tuy đa số công ty Châu Âu không muốn rời khỏi công xưởng thế giới, nhưng hiếm có doanh nghiệp nào muốn đầu tư thêm. Hơn nữa, trong những điều kiện hiện nay khó thể tìm được người chịu sang Hoa lục làm việc.

Ukraine : Cơ hội đào thoát cuối cùng của cư dân vùng chiếm đóng

Liên quan đến Ukraine, phóng sự của Le Monde mô tả "Tại Zaporijia, cơ hội chạy trốn cuối cùng của cư dân vùng chiếm đóng". Nhiều gia đình kiên nhẫn chờ đợi dọc theo những hàng dài xe hơi để trình giấy cho cảnh sát Ukraine. Một người đàn ông tên Aleksandr cùng với con trai nhỏ vừa vượt thoát khỏi Kherson, giọng anh nghẹn ngào khi cho biết còn cha mẹ phải ở lại. Cũng vì vậy mà anh đành phải sống tại vùng chiếm đóng sáu tháng. Lệnh động viên của Vladimir Putin khiến Aleksandr phải ra đi để khỏi phải cầm súng chống lại đồng bào mình. Không ai nghi ngờ là cuộc bỏ phiếu sẽ bị gian lận. Aleksandr nói, những trò loại này khiến anh "muốn ói".

Trong những tuần đầu bị chiếm đóng cuối tháng Hai, người dân Kherson đã can đảm biểu tình phản đối. Đại đa số những người biểu tình, bị đàn áp dữ dội, đã di tản hoặc mất tích. Thứ Sáu 23/09, ngày đầu tiên "trưng cầu dân ý", trên đường đến Zaporijia, Aleksandr nhận được cuộc gọi của mẹ, cho biết người Nga đe dọa sẽ không nhận được lương hưu nếu không bỏ phiếu, anh đành bảo mẹ bỏ phiếu ủng hộ Nga để còn sống sót.

Đã nhiều tháng qua, khu vực Epicenter ở Zaporijia tiếp nhận khoảng 1.500 người chạy loạn từ Kherson mỗi ngày. Nhưng từ khi có loan báo trưng cầu dân ý, người tị nạn hiếm dần, quân Nga không cho đàn ông 18 đến 35 ra đi. Một nữ giáo viên nói dù sao đi nữa, nếu bỏ phiếu chống cũng có thể bị hóa phép thành phiếu thuận. Một linh mục nói rằng người dân chờ đợi tin tốt lành từ quân đội Ukraine, nhưng với cuộc trưng cầu dân ý này, thời gian không còn đứng về phía họ, đành phải di tản thôi vì sau đó mọi người bị buộc phải nhận hộ chiếu Nga. Một linh mục khác, rưng rưng nước mắt cho biết đã từng gặp những trường hợp bị tra tấn, có khi chỉ vì mang giày kiểu giống nhà binh. Các gia đình khác cũng khẳng định cuộc bỏ phiếu là động cơ khiến phải ra đi, đây là cơ hội cuối cùng cho họ.

Những "thiên thần sắt" Donbass

Đặc phái viên Le Figaro nói về những người anh hùng của ngành đường sắt, đã giúp vô số người Ukraine di tản được đến vùng tự do. Đội ngũ "thiên thần" đường sắt này rong ruổi đến ga cuối cùng còn hoạt động ở gần tiền tuyến ở Donbass, đưa phụ nữ, trẻ em, người già chạy trốn bom đạn vì đường bộ quá nguy hiểm, dù xe lửa cũng không tránh được hỏa tiễn của quân Nga. Như hôm 24/08, đúng vào Ngày độc lập của Ukraine, Nga đã bắn vào ga Tchapliné làm 25 người thiệt mạng, và nhiều lần đạn pháo rơi gần đường ray. Kể từ đầu cuộc xâm lăng, đã có 200 nhân viên đường sắt Ukraine thiệt mạng.

Làn sóng người Nga chạy trốn lệnh động viên

Về phía Nga, Le Monde cho biết "Tại Istanbul, tràn ngập người Nga chạy trốn lệnh động viên". Hàng ngàn nam giới, đi một mình hay với gia đình, mang theo hành lý hay không, trong những ngày qua đã đến các sân bay Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Gruzia, Armenia, là những nước hiếm hoi hiện nay không đòi hỏi visa đối với người Nga. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, khác với những người đồng hương chạy sang từ tháng Hai, tháng Ba, hầu hết là những người chống chế độ Putin, đợt sóng di tản lần này gồm những người ít quan tâm đến chính trị nhưng nhiều tiền hơn. Vào lúc này, phải chi ra từ 4.000 đến 9.000 đô la cho một tấm vé một chiều, nhưng vẫn không thể tìm được chỗ cho đến cuối tháng Chín. Các hãng Turkish Airlines, Pegasus và Anadolu Jet bay đến 85-120 chuyến/ngày, riêng tuyến Moskva-Istanbul là 53 chuyến/ngày.

Cũng như hồi 1917 phải chạy trốn cách mạng xô-viết, tiếng Nga nghe được khắp nơi trên đất Thổ. Họ cũng gặp một số khó khăn, như thẻ tín dụng Mir (tiếng Nga là "hòa bình" và "thế giới"), được Moskva tung ra để tránh cấm vận vì Visa và Mastercard đã ngưng hoạt động tại Nga, giúp người Nga có thể chi trả ở Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Cuba và Hàn Quốc. Thẻ này được năm ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận nhưng giờ chỉ còn có ba vì sợ bị trừng phạt lây.

Trong khi đó "Liên Hiệp Châu Âu chia rẽ về việc tiếp đón người Nga trốn quân dịch". Đức cho biết sẵn sàng nhận những người "có nguy cơ bị đàn áp nặng nề", nhưng Cộng hòa Czech từ chối. Latvia cho rằng : "Nhiều người Nga chạy trốn quân dịch đã từng đồng thuận với việc sát hại người Ukraine, lúc đó họ không phản đối (…). Có nguy cơ an ninh quan trọng nếu tiếp nhận, và còn có những nước khác ngoài EU họ có thể đến".

"Tintin ở đất nước xô-viết"

Về cuộc "trưng cầu dân ý" do quân Nga tổ chức tại các thành phố Ukraine bị chiếm đóng, trong bài xã luận "Vẹc-ni", nhật báo công giáo La Croix cho rằng trò hề này khiến người ta nhớ tới truyện "Tintin ở đất nước xô-viết". Trong truyện, vị cán bộ cộng sản phụ trách tổ chức bầu cử, khi giới thiệu danh sách đảng cộng sản, đã chĩa súng vào cử tọa đang cúi đầu, hỏi "Ai phản đối danh sách này giơ tay tên ? Ai chống lại ?", và sau đó tuyên bố danh sách đã được "nhất trí thông qua" !

Ảnh bìa tờ báo cho thấy các viên chức địa phương ở Mariupol ôm thùng phiếu đi qua những tòa nhà đổ nát, đến từng nhà dân. La Croix nói thêm, đi kèm với họ là những người vũ trang, người dân bị buộc phải bỏ phiếu, và tất nhiên không có chuyện phòng phiếu được quây màn kín. La Croix đặt câu hỏi, làm thế nào mà một trò thô bỉ như vậy có thể mang lại tính chính danh cho Vladimir Putin để duy trì đội quân tại bốn vùng đất Ukraine dưới sự kiểm soát toàn bộ hoặc một phần của họ ? Moskva vốn là bậc thầy trong việc tránh né các nguyên tắc dân chủ và luật pháp quốc tế, cũng như hồi 2014. Một vụ sáp nhập, cho dù được phết lên lớp vẹc-ni tham vấn, vẫn là sự sáp nhập. 

Quy tắc răn đe nguyên tử đang thay đổi ?

Le Figaro nhắc nhở, mới hồi tháng Giêng 2022, năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong đó có Nga đã cùng tuyên bố "một cuộc chiến tranh nguyên tử không thể chiến thắng và không bao giờ nên tiến hành". Lời cam kết này khiến người ta an tâm, dù còn thiếu Ấn Độ, Pakistan, Israel, Bắc Triều Tiên. Nhưng trên thực tế, vũ khí nguyên tử trở thành công cụ bắt bí của Vladimir Putin, còn Trung Quốc thì muốn đưa số đầu đạn hạt nhân lên 1.000 vào năm 2030.

Nhà nghiên cứu Heather Williams của CSIS lưu ý, nếu trong chiến tranh lạnh, việc leo thang là hậu quả của hiểu lầm, thì giờ đây là cố tình. Hiệp ước New Start kiểm soát vũ khí nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Nga đã được gia hạn đến 2026, và sau đó nếu tiếp tục, không thể để Trung Quốc đứng ngoài. Hãy còn quá sớm để thương lượng, và tương lai của hiệp ước còn tùy thuộc vào kết cục của cuộc chiến ở Ukraine.

60 năm trước, Kennedy và Khrushchev hiểu rõ mối nguy

Theo Les Echos, tình trạng hiện nay là trầm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba tháng 10/1962. Nhưng thời đó mọi việc còn tuân theo những quy định mà các nhân tố chính đều hiểu rõ. Bốn năm sau tang lễ quốc vương Edouard VII năm 1910, Đệ nhất Thế chiến đã nổ ra. Chẳng lẽ chỉ bốn tháng sau lễ tang người cháu của ông là Elizabeth II, lại đến Đệ tam Thế chiến ? Chưa đến nỗi như vậy, nhưng khả năng này đang rõ dần, và Putin vừa dấn lên một bước mới.

Bị sỉ nhục trên chiến trường, ngày càng bị cô lập về ngoại giao - ngay cả Trung Quốc, Ấn Độ cũng chỉ trích - Vladimir Putin công khai đe dọa dùng vũ khí nguyên tử, và còn bồi thêm "không phải là nói suông". Không chiếm nổi các vùng đất ở đông bắc và miền nam Ukraine bằng vũ lực, Putin bèn giở trò hề "trưng cầu dân ý". Thông điệp của ông ta rất rõ, một khi đã hô biến thành đất Nga, Ukraine đừng hòng chiếm lại, nếu không Nga sẽ "bảo vệ lãnh thổ" bằng mọi cách, kể cả phi quy ước.

Vào thời chiến tranh lạnh, lực lượng nguyên tử Mỹ ban đầu chỉ nhằm cân bằng lại lực lượng quy ước Liên Xô. Giờ đây chừng như vũ khí phi quy ước của Nga là nhằm cân bằng lại so với thế thượng phong của vũ khí quy ước Ukraine được phương Tây hỗ trợ. Tuy nhiên cách đây 60 năm, Kennedy và Khrushchev không chỉ hành động theo lý trí, mà còn hoàn toàn ý thức được sự khủng khiếp của thảm họa nguyên tử. Họ thuộc về một thế hệ vẫn còn lưu giữ những hình ảnh kinh hoàng của Hiroshima và Nagasaki.

Thế giới không thể sống dưới bóng ma chiến tranh nguyên tử

Nhưng Putin ngày nay thì khác. Ông ta như một tay chơi đã thua đậm ván trước nên muốn ăn cả ngã về không. Và ngược với Khrushchev, Putin dường như không có ý niệm về đạo đức. Dù vậy cũng cần nói với đương kim chủ nhân điện Kremlin, như De Gaulle trong cuộc khủng hoảng Cuba đã nói với đại diện Moskva ở Paris : "Vậy thì thưa ông đại sứ, chúng ta sẽ chết chùm". Trước săng-ta của Putin, chúng ta không còn chọn lựa nào khác là cứng rắn và rõ ràng. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar muốn mở đàm phán lập tức để giảm căng thẳng. Nhưng đàm phán những gì ? Les Echos nhấn mạnh, chẳng có gì để thương lượng cả. Nga đặt cược vào bạo lực và đã thua.

Sau khi loan báo động viên từng phần, không còn chỗ trên những chuyến bay từ Moskva và Saint-Petersburg ra nước ngoài, và xe hơi kẹt nhiều cây số ở biên giới với Gruzia. Những người trẻ thành thị, có học không muốn chết cho cuộc chiến tranh của Putin, vội vã rời khỏi đất nước giờ đây đang làm họ sợ hãi. Chiến tranh Ukraine đối với người Nga đang trở thành một Việt Nam cuối thập niên 60.

Thế giới không thể chấp nhận sống dưới bóng ma một cuộc chiến tổng lực với cái giá khổng lồ về sinh mạng, kinh tế, tài chánh và đạo đức ; không thể cúi đầu tuân theo mệnh lệnh của Vladimir Putin. Với trò dùng bom nguyên tử để bắt bí, ông ta đùa với sự tồn tại của hành tinh, biến nước Nga thành đế quốc của điều ác và sự điên rồ. Theo Les Echos, an ninh và ổn định quốc tế chỉ có được hậu Putin.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 376 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)