Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/10/2022

Điểm báo Pháp - Nga có nguy cơ mất Kherson

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Nga có nguy cơ mất Kherson

Các tờ báo Pháp hôm 05/10/2022 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau, mặc dù chiến tranh Ukraine vẫn là chủ đề nóng nhất. 

kherson1

Một lính Nga trong vùng chiếm đóng Kherson, Ukraine, ngày 20/05/2022. AP

Nhật báo thiên hữu Le Figaro tiếp tục chú ý đến đà phản công của quân đội Ukraine. Từ cuối tháng 8, quân đội Ukraine đã tập trung tấn công vào các vị trí của Nga ở bờ bên phải sông Dnepr, cũng như vào các cây cầu bắc qua con sông nhằm cắt đứt mối liên lạc với các khu hậu cứ của Nga ở tả ngạn. Trong khi các nhà chức trách Ukraine cho đến nay vẫn giữ im lặng về tiến độ của các hoạt động này, thì hôm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng quân đội của ông đã có những tiến bộ đáng kể ở miền nam. Ông nói thêm : "Hàng chục địa phương đã được giải phóng trong tuần này".

Việc mất Kherson sẽ là một vố đau đối với Nga, cả về mặt biểu tượng lẫn chiến lược. Kherson là thủ phủ vùng duy nhất mà quân đội Nga đã chiếm được kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02. Bước đột phá của quân đội Ukraine vào Kherson diễn ra sau một chuỗi thất bại của Nga kể từ đầu tháng 9 ở phía đông bắc và phía đông đất nước. Hôm 30/09, Kiev đã thông báo về việc tiếp quản Lyman, một khu vực có tuyến đường sắt chiến lược ở phía đông. Việc huy động một phần binh sĩ, được cho là để cung cấp nhân lực mới cho quân đội, diễn ra một cách hỗn loạn, trong khi điện Kremlin bị chỉ trích đã triệu tập những người lính dự bị tuổi đã già hoặc sức khỏe kém. Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hoan nghênh việc hơn 200.000 người đã quyết định nhập ngũ. Vladimir Putin đang phải chịu nhiều áp lực, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và kêu gọi Ukraine đầu hàng. Về phần mình, tổng thống Zelensky khẳng định hôm 30/09 rằng sẽ không đàm phán với Nga chừng nào ông Putin còn là tổng thống. 

Chiến tranh hạt nhân, thế giới sẽ đi về đâu ? 

Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến hậu quả của chiến tranh hạt nhân nếu nổ ra. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nguy cơ về một ngày tận thế do vũ khí hạt nhân gây ra không còn được nhắc đến nhiều. Thay vào đó, loài người bắt đầu phải đối mặt với những mối đe dọa mới mẻ hơn. Trung tâm Nghiên cứu về sự Sinh Tồn thuộc đại học Cambridge, chuyên nghiên cứu các hiện tượng có thể dẫn đến sự diệt vong của toàn bộ hoặc một phần của loài người, đa phần nghiên cứu về sự sụp đổ của các hệ sinh thái khi vượt quá ngưỡng cho phép hay là những biến đổi khí hậu, bao gồm hiện tượng ấm lên toàn cầu… Nhưng cơ quan này không hề nghiên cứu về hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử. 

Và giờ đây, tổng thống Nga Putin với việc công khai coi phương Tây là kẻ thù và không ngừng đe dọa "bấm nút hạt nhân", đang buộc loài người phải tính đến tình huống xấu nhất. Điều này làm gợi nhớ đến câu nói đùa ngày xưa của nhà bác học Albert Einstein : "Tôi không biết Thế chiến III sẽ sử dụng vũ khí gì, nhưng điều tôi chắc chắn là Thế chiến IV con người sẽ đánh nhau bằng gậy và đá". 

Dường như những gì diễn ra ở Tchernobyl có thể cho chúng ta cơ sở để lạc quan. Trong một trong những bộ phim tài liệu mới nhất của minh có tên "A Life On Our Planet", nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng người Anh David Attenborough đã công bố những hình ảnh ngoạn mục về Tchernobyl, giờ đang tràn đầy sự sống với cây cối che khuất các tòa nhà, cỏ mọc đầy đường, những con thú hoang dã nô đùa. 

Chỉ hơn 30 năm sau thảm họa hạt nhân, Tchernobyl là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật và là nơi trú ẩn của những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở những nơi khác như gấu nâu, bò rừng Châu Âu, ngựa Przewalski, cò đen hay đại bàng Pomeranian. 

Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ không xảy ra ở khắp mọi nơi nếu chiến tranh hạt nhân thực sự nổ ra. Các nhà nghiên cứu Mỹ và Úc đã công bố hồi đầu hè, trên tạp chí nổi tiếng "AGU Advances", một nghiên cứu mô tả chi tiết tác động của một cuộc chiến tranh hạt nhân đối với khí hậu, tính đến tất cả kho vũ khí của các nước trên thế giới nếu tham gia chiến tranh. 

Bụi từ các vụ nổ sẽ chặn tia nắng mặt trời đủ để làm giảm nhiệt độ toàn cầu khoảng 7 độ C, nghĩa là lạnh hơn so với thời kỳ băng hà gần đây nhất. Hơn 15 triệu km2 nước đại dương sẽ bị đóng băng, làm tê liệt hoạt động hàng hải ở bán cầu bắc. 

Do vậy, đối với các chuyên gia, chiến tranh hạt nhân sẽ không mang lại điều gì có lợi cho hành tinh của chúng ta. Loài người ngoài khả năng bảo tồn hệ sinh thái, còn có khả năng củng cố nó. Vậy thay vì một Tchernobyl phải xây mới lại, thì hãy mơ về những thành phố được xanh hóa. 

Cộng đồng quốc tế bất lực với Bắc Triều Tiên 

Nhìn sang Châu Á, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về sự bất lực của cộng đồng quốc tế với Bắc Triều Tiên. Hôm qua, sau khi Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, cộng đồng thế giới đã lên án và đe dọa sẽ trả đũa Bình Nhưỡng, nhưng vẫn bất lực trong việc chấm dứt những hành động khiêu khích này. 

Nhật Bản đã kích hoạt cảnh báo khẩn cấp và lên án vụ phóng tên lửa là một "hành động bạo lực". Washington sau khi tham vấn với Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo sẽ có "phản ứng mạnh mẽ" đối với vụ phóng này. Liên Âu cũng lên án "một hành động gây hấn phi lý". 

Tuy nhiên, mặc dù bị cộng đồng thế giới đồng loạt lên án, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục những vụ thử tên lửa của mình. Bà Valérie Niquet, chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) giải thích : "Đúng là tên lửa vừa rồi đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản, nhưng trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nước này có rất ít sự lựa chọn, trừ khi họ bắn về phía Nga, điều mà họ sẽ không làm. Và cũng phải thấy rằng các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế có rất ít khả năng để chấm dứt các vụ phóng tên lửa đạn đạo này". 

Cụ thể, Liên Hiệp Quốc đã ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế rất hà khắc với Bắc Triều Tiên kể từ năm 2006 khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân trong lòng đất đầu tiên của mình. 

Mặc dù phương Tây vẫn tiếp tục trừng phạt Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga vẫn không ngừng cung cấp năng lượng và lương thực cho Bình Nhưỡng. Các mạng lưới tài chính của Bắc Triều Tiên ở Đông Nam Á cũng cho phép nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. 

Trong khi các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên bị đình trệ sau khi đối thoại với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội thất bại, Bình Nhưỡng đã tăng cường các kế hoạch hiện đại hóa vũ khí của mình. Đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ năm 2017, Bắc Triều Tiên vào đầu năm nay đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và thông qua đạo luật về quy chế quốc gia có vũ khí hạt nhân. 

Bà Valérie Niquet kết luận rằng Bình Nhưỡng vẫn sẽ tiếp tục mạnh dạn thử tên lửa vì họ biết rằng sẽ không gặp rủi ro gì, trong khi các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang chuẩn bị thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 7. Một kịch bản thậm chí còn đáng lo ngại hơn là các biện pháp trừng phạt hiện tại đã cực kỳ hà khắc, và việc áp dụng những biện pháp mới sẽ là vô ích. 

Na Uy tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng thiết yếu 

Quay trở lại Châu Âu, nhật báo Le Monde có bài viết nói về những binh sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ những cơ sở hạ tầng thiết yếu của Na Uy. Là một phần không thể thiếu của quân đội Na Uy, lực lượng vệ binh quốc gia hầu hết là dân thường đã được huấn luyện quân sự. Tổng cộng, hơn 40.000 binh sĩ có thể được huy động một cách nhanh chóng. Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của đất nước. 

Trong số các cơ sở hạ tầng mà họ thường bảo vệ có nhà máy lọc dầu, nhà máy chế biến khí đốt, nhưng cũng có một địa điểm làm hóa lỏng khí tự nhiên ở Hammerfest, ở phía bắc đất nước, cũng là nơi sản xuất gần 6,5 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm, tức là hơn 5% lượng xuất khẩu của Na Uy. Hôm 30/09, chính quyền Na Uy đã nâng mức cảnh báo an ninh tại 20 địa điểm, được coi là những địa điểm chiến lược của Na Uy, quốc gia đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của Châu Âu từ đầu tháng 9. 

Động thái này diễn ra 4 ngày sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, nối Nga với Đức, qua biển Baltic hôm 26/09. Jan Hallenberg, một chuyên gia về chính sách an ninh tại Viện nghiên cứu các vấn đề Quốc tế ở Stockholm, nhận xét sự kiện này đã gây ra một làn sóng gây chấn động trong khu vực : "Các chính phủ đã nhận thức được rằng các cơ sở hạ tầng then chốt ở quốc gia họ đang bị đe dọa". 

Đối với ông Hallenberg, vụ nổ này không phải là tai nạn khi vùng bị nổ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển, nhưng giáp với lãnh hải của cả hai quốc gia, gần đảo Bornholm và đối diện với căn cứ hải quân Karlskrona. Đối với ông, cũng như đối với hầu hết các chuyên gia an ninh trong khu vực, Nga là thủ phạm đằng sau vụ tấn công này. 

Trong bối cảnh đó, việc các drone chưa được xác định được nhìn thấy trong những ngày gần đây ở gần các giàn khoan dầu khí ở Biển Bắc, khiến nhà chức trách Na Uy lo lắng. Trong một bức thư gửi đến những người vận hành các cơ sở hạ tầng này vào ngày 23/09, bốn ngày trước khi các vụ nổ xảy ra, cơ quan An toàn Dầu mỏ Na Uy đã kêu gọi "tăng cường cảnh giác". Vào ngày 27/09, Oslo đã quyết định nâng cao mức độ an ninh xung quanh cơ sở hạ tầng của mình. 

Đến thăm mỏ Sleipner hôm 01/10, thủ tướng Jonas Gahr Store cho biết đất nước của ông không nhận được mối đe dọa trực tiếp nào, nhưng mọi người vẫn phải đề cao cảnh giác. Ông cũng khẳng định coi trọng sự an toàn của những nhân viên làm việc tại chỗ và nhắc lại rằng không chỉ Na Uy, "mà là toàn bộ Châu Âu và thế giới", hiện đang bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra ở trong khu vực. Một ngày trước đó, ông Gahr Store đã thông báo rằng đất nước của ông sẽ nhận được sự hỗ trợ của Anh Quốc, Đức và Pháp để bảo đảm an ninh cho hơn 90 mỏ dầu và khí đốt của họ. 

Các nước láng giềng của Na Uy cũng đã thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình. Thụy Điển đã nâng cao mức độ cảnh giác đối với các nhà máy điện hạt nhân còn Phần Lan đã tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng chiến lược của họ. 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 315 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)