Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/10/2022

Điểm tuần báo Pháp - Hoàng hôn của Vladimir Putin

RFI tiếng Việt

Vladimir Putin và hoàng hôn của chủ nghĩa đế quốc Nga

Những chiến thắng của Ukraine đã định hình lại cuộc chiến. Giấc mộng bành trướng của Putin sẽ dừng lại nơi đây, trong cuộc chiến tranh thực dân mới mà chính ông ta đã khởi động. Dựa trên bạo lực, mô hình Nga với ý hướng đế quốc có vẻ đã thất bại, mở ra con đường cho sự sụp đổ của Sa hoàng đỏ. Lịch sử sẽ lưu tên Vladimir Putin như người đã chôn vùi hào quang của Stalingrad, dưới những tàn tích của Mariupol.

hoanghon1

Tổng thống Nga Vladimir Putin quan sát cuộc tập trận Vostok 2022 tại vùng Viễn Đông, ngày 06/09/2022. AP - Mikhail Klimentyev

Trang nhất L'Express tuần này đăng chân dung tổng thống Pháp với tựa lớn "Macron trong chiếc bẫy hưu bổng gây chia rẽ", L'Obs nói về cuộc đời và sự nghiệp của nữ thủ tướng Elisabeth Borne, hồ sơ của Courrier International được dành cho kỷ niệm 5 năm phong trào MeToo. Riêng Le Point chạy tựa "Putin, kẻ điên rồ" và đặt câu hỏi, tổng thống Nga liên tục thất bại tại Ukraine, liệu ông ta sẽ còn lôi kéo chúng ta đi tới đâu ?

Kremlin mở hội, chiến trường đẫm máu

Tuần báo mô tả, bốn ngày sau các vụ nổ đáng ngờ gây rò rỉ hai đường ống Nord Stream 1 và 2, dưới những chùm đèn mạ vàng ở sảnh Saint-Georges của điện Kremlin, những khách mời chờ đợi Vladimir Putin loan báo sáp nhập bốn vùng đất của Ukraine. Sự kiện lẽ ra là lễ hội của nước Nga vĩ đại, nhưng sự lo âu, bồn chồn có thể thấy rõ nơi các quan chức, từ Nicolai Patruchev, nhà tư tưởng của chế độ; phát ngôn viên Dimitri Peskov cho đến chánh văn phòng Anton Vaino, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dimitri Medvedev.

Putin xuất hiện với bài diễn văn siêu thực lên án phương Tây "thực dân mới, ăn bám, cướp bóc toàn thế giới". Cử tọa "tỉnh giấc" vào lúc ký văn bản, Putin nắm tay bốn đại diện các vùng sáp nhập giơ cao, hô lớn "Nước Nga, Nước Nga, Nước Nga !". Buổi lễ kết thúc, blogger cực đoan Vladien Tatarsky khẳng định sẽ giết hết tất cả những người Ukraine, trong khi khách mời lặng lẽ giải tán…

Tám năm sau khi chiếm Crimea, Vladimir Putin lại dàn dựng lễ nghi long trọng, và lần này thôn tính được 15% lãnh thổ Ukraine. Có điều ông ta vô cùng vất vả khi muốn chiếm tiếp số còn lại : quân Nga bị đánh thất điên bát đảo ở đông bắc Kharkiv rồi đến Luhansk và Kherson. Tại những vùng đất trên giấy tờ đã biến thành của Nga, các thành phố lần lượt được tái chiếm. Chiến thắng gần đây nhất của Ukraine là thành phố Lyman, giao lộ đường sắt quan trọng của Donbass, nơi 5.500 lính Nga phải tháo chạy chỉ một ngày sau buổi lễ ở Kremlin ; Ukraine cũng siết chặt vòng vây tại Kherson ở miền nam.

Le Point nhận thấy "Vladimir Putin bị hạ nhục tại Crimea" khi một vụ nổ hôm thứ Bảy 08/10 đã phá hủy một phần chiếc cầu Kerch nối Nga với bán đảo, ngay sau ngày sinh nhật 70 tuổi của tổng thống Nga ; và trước đó giải Nobel Hòa bình được trao cho ba khôi nguyên có cùng điểm chung là chống lại Kremlin. Một làn sóng vui mừng rộ lên trên mạng xã hội Ukraine. Courrier International cho biết Monobank, ngân hàng thứ nhì Ukraine đã tung ra một thẻ tín dụng có hình chiếc cầu bị gãy, và bưu điện cũng sẽ phát hành tem in hình hiện trạng cầu Kertch.

Những chiến thắng của Kiev định hình lại cuộc chiến

Những tiếng hô "Nước Nga, Nước Nga !" hôm 30/09 tại Kremlin cũng khiến The Economist rất ấn tượng. Trong bài "Thành công quân sự của Ukraine đã định hình lại nước Nga và cuộc chiến", tuần báo Anh lưu ý chỉ vài giờ sau khi mở rộng lãnh thổ, nước Nga bắt đầu co lại. 

Quân đội Ukraine đột phá vào sườn trái lẫn phải, ở hai cực của một mặt trận kéo dài từ Hắc Hải ở miền nam cho đến Donbass ở miền đông. Tại Donbass, Ukraine đang thắng thế còn tại Kherson chiến thắng lại càng ý nghĩa vì đây là đầu cầu nối với Crimea đồng thời là nguồn nước cho bán đảo này. Putin ra lệnh cho các tướng lãnh phải giữ Kherson bằng mọi giá, nhưng Ukraine đã phá hủy các cầu, dồn quân Nga vào một chiếc rọ không đường rút chạy, khả năng duy nhất là đầu hàng. Tướng Úc về hưu Mick Ryan nhận định : "Chưa bao giờ kể từ chiến dịch Barbarosa hồi Đệ nhị Thế chiến, quân đội Nga bại trận hàng loạt như thế trên chiến trường".

Sau những bế tắc trong mùa hè, cuộc chiến bỗng sôi động trở lại và nay Kiev áp đặt nhịp độ. Các tướng lãnh Ukraine tin rằng có thể lập được nhiều chiến công hơn trong ba, bốn tuần tới, trước khi Nga bổ sung lính mới. Mùa đông sắp tới sẽ gây trở ngại cho cả đôi bên kể từ đầu tháng 11, nhưng dù ngưng tấn công trên bộ, Kiev có thể sử dụng các giàn hỏa tiễn Himars đang gây kinh hoàng cho địch để đánh vào những căn cứ, kho đạn của Nga.

Tân binh Nga chỉ là bia đỡ đạn

Những video mới đây trên mạng xã hội cho thấy những tân binh Nga run lập cập, đốt lửa trên cánh đồng để sưởi khi nhiệt độ xuống dưới 0°C, một video khác quay cảnh quân dự bị hỏi về tiền lương nhưng các viên chức địa phương nói không có ngân sách. Ngược lại lực lượng Ukraine nhận được trang bị mùa đông từ các nước NATO và những mạnh thường quân trong nước, ngoài ra còn có kính hồng ngoại để nhìn rõ khi ngày ngắn, đêm dài trong mùa lạnh lẽo.

Nhiều người nghi ngờ khả năng Moskva có thể huấn luyện, trang bị cho hàng trăm ngàn tân binh Nga. Cựu tướng tình báo Phần Lan Pekka Toveri cho biết Moskva có lượng dự trữ lớn những thiết bị từ thời Liên Xô, "nhưng may thay, đa số là đồ dỏm". Hai phần ba số này phơi ra ngoài trời, số còn lại bị rã lấy phụ tùng. Vì vậy theo tướng Ryan, đợt lính mới của Nga chỉ là những tấm khiên người làm chậm lại bước tiến của Ukraine mà thôi.

Moskva cũng hy vọng làm giảm được số nước phương Tây ủng hộ Kiev. Châu Âu nghi ngờ Nga phá hoại Nord Stream nhằm cảnh cáo có thể tấn công vào những đường ống khác, làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng. Có điều món võ năng lượng hiện thời tỏ ra kém hiệu quả. Các chính phủ Châu Âu sẵn sàng chi ra 500 tỉ đô la để tài trợ cho công dân khỏi phải trả tiền khí sưởi quá cao, dự trữ khí đốt hiện trên 89%, cao hơn mức bình thường, hai cảng dành cho khí hóa lỏng nhập khẩu đã được mở ở Hà Lan và sắp có hai cảng khác ở Đức vào cuối năm.

Moskva chờ đợi phương Tây mệt mỏi, nhưng dư luận ngày càng ủng hộ Kiev

Công luận phương Tây cũng nóng lên. Cuối tháng Chín, 74% người Đức cho biết muốn tiếp tục ủng hộ Ukraine dù giá dầu khí có tăng, và đa số còn muốn gởi xe tăng sang Kiev dù chính phủ vẫn do dự. Số người Mỹ lo sợ bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Nga từ 49% hồi tháng Năm xuống còn 32% trong tháng Chín. Liên Hiệp Châu Âu (EU) chuẩn bị một loạt trừng phạt mới kể cả định mức trần dầu khí, trước đây bị nhiều thành viên phản đối. Vũ khí phương Tây tiếp tục được chuyển sang : Washington viện trợ một đợt mới trong đó có 4 giàn Himars, 16 giàn đại pháo, Pháp khoảng 12 khẩu pháo Caesar...

Cuộc chiến đã làm thay đổi sâu sắc cách nhìn của phương Tây về Ukraine, làm giảm hẳn hy vọng gây chia rẽ của Putin. Nếu hồi tháng Hai, Ukraine là một nước thuộc Liên Xô cũ bị tham nhũng hoành hành, trước sau gì cũng bị Nga đánh bại ; thì đến tháng Sáu chính thức trở thành ứng cử viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Những chiến công ngoạn mục gần đây cho thấy Ukraine có thể hạ gục Nga trên chiến địa. Số người Đức nghĩ rằng Kiev sẽ chiến thắng từ 26% vọt lên 42%, các viên chức NATO nghi ngờ khả năng sử dụng vũ khí viện trợ nay ca ngợi chiến thuật của Kiev. Trong khi đó những tin tức bại trận liên tiếp gây chia rẽ ngay trong vòng thân tín của Putin.

L'Express nhận thấy trước mắt những lời chỉ trích không nhắm trực tiếp vào ông chủ điện Kremlin. Carole Grimaud, thuộc Center for Russia and Eastern Europe Research ở Genève cho rằng Putin cần làm giảm bớt lời ong tiếng ve bằng cách tìm ra một con dê tế thần. Bộ trưởng quốc phòng Serguey Shoigu đã bị cảnh cáo, nhưng theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Putin còn đợi càng lâu càng tốt trước khi cách chức Shoigu để tiếp tục đổ lỗi về các thất bại quân sự, và có được sự ủng hộ của các phe phái khác.

Nga "viện trợ" vũ khí nhiều nhất cho Ukraine

Về vũ khí, L'Express giải thích Nga bất đắc dĩ trở thành "nhà cung cấp" lớn nhất cho Ukraine như thế nào : những cuộc tiến công mới đây của quân đội Ukraine đã buộc nhiều đơn vị Nga phải chạy trối chết, bỏ lại vũ khí, đạn dược. Tại những vùng đất tái chiếm ở miền đông và miền nam Ukraine, những lá cờ xanh vàng không chỉ phấp phới ở lối vào các thành phố, làng mạc, mà còn được cắm trên nóc những chiếc xe tăng Nga bị bỏ lại, vì những người lính phải lo tẩu thoát thật nhanh để được toàn mạng.

Tối thứ Năm, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết chỉ từ ngày 01/10 tại Kherson, đã có trên 500 km2 và mấy chục khu dân cư được giải phóng. Quân Nga càng bị đẩy lùi thì số vũ khí, xe tăng còn nguyên vẹn tịch thu được càng nhiều. Hôm thứ Sáu 07/10, Bộ Quốc phòng Anh cho biết "số thiết bị của Nga tịch thu và tái sử dụng nay đã chiếm phần lớn lượng vũ khí của quân đội Ukraine". Moskva trở thành nhà cung cấp vũ khí hạng nặng lớn nhất cho Kiev, nhiều hơn cả Hoa Kỳ hay các đồng minh khác - theo các nhà phân tích tình báo được Wall Street Journal tham khảo.

Theo phía Anh, kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine đã tịch thu được 440 xe tăng và 650 xe bọc thép Nga, và hiện nay phân nửa đội xe tăng của Kiev là do kẻ địch bỏ lại. Tổng số chiến lợi phẩm nhiều hơn tất cả vũ khí được phương Tây viện trợ. Chỉ huy quân sự ở Izyum nói vui : "Chúng tôi là một tiểu đoàn bộ binh và nay bỗng trở thành tiểu đoàn cơ giới".

Trang Oryx, chuyên thống kê số thiệt hại của Nga từ những bằng chứng trên mạng xã hội và các phóng sự cho hay, Ukraine cũng tịch thu được 44 hệ thống phóng rốc-kết đa nòng và 92 khẩu pháo tự hành. Con số này thấp hơn nhiều so với thực tế vì không phải vũ khí nào bị tịch thu cũng được quay phim. Một số được tái sử dụng ngay, số khác phải sửa chữa, những xe cộ, đại bác hư hỏng nhiều được rã ra lấy phụ tùng. Jakub Janovsky, một người phụ trách của Oryx nói : "Các thiết bị tịch thu lẫn lộn giữa những vũ khí hiện đại có thể dùng lại một cách hiệu quả, số khác lẽ ra phải cho vào viện bảo tàng". Riêng về xe tăng, Moskva còn gần 8.000 chiếc nhưng trong đó có nhiều xe từ thời Liên Xô, nên không thể được coi là nguồn phụ tùng để sửa chữa những xe đời mới.

Đe dọa bom nguyên tử khác hẳn cuộc khủng hoảng Cuba 1962

Putin liên tục dọa dùng đến vũ khí nguyên tử, nhưng The Economist dẫn lời các viên chức NATO nói rằng chẳng thấy động tĩnh gì dù Kherson và Luhansk bị Ukraine tấn công. Libération cuối tuần bi quan hơn, cho rằng sự khác biệt giữa cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962 và hiện nay là rất lớn. Nếu tổng thống Nga, tuyệt vọng trước những vụ bại trận liên tiếp, quyết định cảnh cáo bằng vũ khí hạt nhân, cho dù tấn công vào một địa điểm không người đi nữa, thì sẽ không có đường lui. Trong 13 ngày căng thẳng ở Cuba, cả tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev lẫn tổng thống Mỹ John F. Kennedy đều không muốn leo thang. Nhưng ngày nay ai có thể khẳng định điều này ?

Theo nhà nghiên cứu Pierre Grasser, bộ tham mưu Nga đã bố trí một số lượng lớn oanh tạc cơ chiến lược ở căn cứ Olenya thuộc vùng Murmansk, có thể thả bom nguyên tử xuống các nước phương Tây. Một ảnh vệ tinh do một công ty tư nhân chụp được hôm 25/09 cho thấy sáu phi cơ đang lăn bánh trên phi đạo gồm 3 chiếc Tu-95MS và 3 Tu-160, là loại oanh tạc cơ có khả năng bắn ra các hỏa tiễn hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Một sự tập trung như vậy là hiếm thấy. Moskva biết rằng căn cứ này bị giám sát, và đây là lời cảnh báo. Càng đáng lo hơn khi không còn cơ chế như thời chiến tranh lạnh để thắng lại ý hướng điên rồ.

Putin và hoàng hôn của chủ nghĩa đế quốc Nga

Nhìn chung, trong bài "Vladimir Putin hay hoàng hôn của chủ nghĩa đế quốc Nga", Le Monde cuối tuần nhận định chủ trương hiếu chiến của tổng thống Nga tại Ukraine không có được sự ủng hộ như đã chờ đợi. Mặc cho các bài diễn văn ca ngợi sự vĩ đại của nước Nga, tương lai của ông chủ điện Kremlin mỗi ngày một thêm xám xịt. Tờ báo cho rằng giấc mộng bành trướng của Putin dừng lại nơi đây, trong cuộc chiến thực dân mới với Ukraine mà chính ông ta đã khởi động hôm 24/02.

Khoảng 700.000 người đã chạy trốn khỏi đất nước, theo ước tính của tờ Forbes bản tiếng Nga hôm 04/10, và xu hướng này còn tiếp tục. Cuộc di tản chính trị quan trọng nhất kể từ thập niên 20, khi phe Bạch Nga và trí thức chạy ra nước ngoài để tránh cuộc cách mạng bôn-sê-vích, chỉ là phần nổi của băng sơn. Nước Nga nghi ngại, chỉ trừ nhóm "siloviki" của bộ máy an ninh và phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan còn mong tái lập một đế quốc được sơn phết thành "thế giới Nga". Người ta tự hỏi dân Nga còn ủng hộ Putin được bao lâu nữa, khi hàng ngàn tử thi được đưa về từ chiến trường Ukraine, và liên tiếp có những tin thất trận.

Giáo sư Mỹ Timothy Snyder từ ngày 15/05 đã nhấn mạnh, "Cuộc chiến tranh này có thể là sự hấp hối của chủ nghĩa đế quốc Nga". Moskva đi theo con đường trái ngược với Ba Lan – nước láng giềng đã điều chỉnh phương hướng từ sau 1989, dẫn đến việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2004. Đáng lo hơn cho nước Nga là chiến lược hung hăng của Vladimir Putin đào sâu thêm hố ngăn cách với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Những nước này giờ đây trở thành nơi tị nạn của những người Nga chạy khỏi đất nước, và không hề muốn hướng theo "nền văn minh đặc thù Nga" - theo cách nói của Putin.

Cũng không nước nào ra tay hỗ trợ về quân sự cho dù Moskva đã kêu gọi. Kyrgyzstan và Uzbekistan thậm chí còn đe dọa truy tố các công dân đang lao động ở Nga gia nhập quân đội đi đánh Ukraine. Ngay cả tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, người chịu ơn của Putin vì đã gởi lực lượng sang đàn áp phong trào nổi dậy, cũng không động tay. Dựa trên bạo lực và lại không thành công, mô hình Nga nay lại phản ánh ý hướng đế quốc của Vladimir Putin, chừng như đã thất bại. Và mở ra con đường cho sự sụp đổ của Sa hoàng đỏ. Còn theo L’Express, lịch sử sẽ lưu lại rằng Putin là người đã chôn vùi hào quang của Stalingrad, dưới những tàn tích của Mariupol.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 304 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)