"Tôi muốn sống", chương trình chiêu hồi lính Nga của Ukraine
Vụ tấn công cầu Kerch nối với Crimea là một đòn quá nặng cho Putin, Nga trả đũa với loạt hỏa tiễn bắn vào dân thường ở nhiều thành phố Ukraine. Moskva bổ nhiệm một tướng nổi tiếng hung bạo và tham nhũng phụ trách mặt trận Ukraine. Phía Kiev bắt đầu tiến hành chương trình "chiêu hồi" mang tên "Tôi muốn sống", và đã nhận được hơn 2.000 đề nghị xin đầu hàng từ lính Nga.
Quân dự bị Nga tập trung trước một trung tâm tuyển mộ ở thành phố Tara ở Siberia ngày 26/09/2022 theo lệnh động viên từng phần của tổng thống Vladimir Putin. © Reuters
Quốc hội Pháp xem xét luật ngân sách, hứa hẹn nhiều căng thẳng. Nạn thiếu xăng dầu do nhân viên ngành lọc dầu đình công. Tranh cãi về việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới ở Qatar trong lúc chỉ còn vài tuần nữa sẽ khai mạc. Đó là những chủ đề chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay. Ở các trang trong, chiến tranh Ukraine vẫn được đề cập nhiều nhất và trên trang web các báo lớn đều có tường thuật trực tiếp về các vụ nổ tại thủ đô Kiev và một số thành phố lớn của Ukraine, trong bối cảnh Moskva đang hết sức cay cú vì cầu Kerch nối với Crimea bị sập một phần do vụ nổ hôm thứ Bảy 08/10.
Cây cầu nối với Crimea bị sập một phần : Cái tát vỗ mặt Putin
Le Figaro nhận định trên ấn bản có từ tối qua : "Vladimir Putin bị yếu đi vì vụ tấn công cầu Crimea". Cho tới chiều hôm qua, nhà báo quan sát thấy lưu lượng xe hơi qua cầu chỉ nhỏ giọt, phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ, một chiếc phà sẽ được điều đến để đưa xe buýt và xe tải qua eo biển.
Đây là một đòn quá nặng cho Moskva về mặt biểu tượng. Vụ nổ xảy ra ngay sau ngày sinh nhật thứ 70 của Vladimir Putin, đã đánh vào một trong những công trình hàng đầu tốn nhiều tiền của, được tổng thống Nga đích thân khánh thành năm 2018 để cụ thể hóa việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine bốn năm trước đó. Vào lúc quân Nga liên tiếp bị đẩy lùi, cái tát này càng thêm "nháng lửa", vì cầu Kerch - bắc qua eo biển nối Hắc Hải và biển Azov - được dùng để tiếp tế cho binh lính Nga ở mặt trận Kherson. Một đường tiếp liệu trên lý thuyết là ngoài tầm tấn công của Ukraine.
Tổng thống Putin đến tối qua mới có tuyên bố, tức 38 tiếng đồng hồ sau sự kiện, tố cáo tình báo Ukraine đứng phía sau, và chủ tịch ủy ban điều tra Alexandre Bastrykine nói thêm, "với sự tham gia của các công dân Nga sống ở nước ngoài". Nga tiếp tục nêu ra giả thiết xe tải gài bom, dù vài chuyên gia độc lập phương Tây tỏ ra hoài nghi. Chiếc xe tải này đã di chuyển qua Bulgaria, Armenia và Georgia, chở những tấm nhựa và người tài xế cuối cùng là một công dân Nga, nhận chở tiếp chuyến hàng từ trên đất Nga thông qua một ứng dụng internet. Người này nằm trong số ba nạn nhân thiệt mạng, theo số liệu chính thức.
Vụ tấn công cầu Kerch, cú đòn ngoại hạng
Trả lời phỏng vấn Le Figaro, chuyên gia địa chính trị Pascal Le Pautremat nhận định vụ nổ cầu Kerch, "cuống rún" nối liền Nga với bán đảo Crimea bị chiếm đóng, tỏ rõ tính dễ tổn thương của chế độ Putin. Món quà tẩm thuốc độc cho sinh nhật 70 tuổi của Vladimir Putin cho thấy một thất bại thực sự cả về chiến thuật lẫn chiến lược. Vụ nổ gây trở ngại lâu dài cho việc tiếp tế toàn bộ mặt trận miền nam, làm hạn chế các đợt tấn công do thiếu đạn chẳng hạn. Đây là minh chứng cho hồi kết của Putin.
Cũng như thời Đệ nhị Thế chiến, cuộc chiến tranh này không chỉ có những lực lượng bộ binh, không quân và hải quân tham gia, mà cả biệt kích. Sự kiện cầu Kerch là một cú đòn bậc thầy, vì huy động những nhóm nhỏ rất cơ động, có thể là đặc nhiệm hay tình báo, phối hợp chặt chẽ với các phương tiện hậu cần. Hơn nữa, việc phá vỡ tuyến tiếp liệu vào thời kỳ thời tiết ngày càng lạnh giá, cần đến những trang thiết bị cho mùa đông, có thể gây hoang mang lớn cho quân Nga ngoài mặt trận.
Moskva trả thù bằng loạt hỏa tiễn bắn vào thường dân
Để trả đũa, trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật 09/10, Nga dùng hỏa tiễn hành trình tấn công vào Zaporijia làm 17 người chết và vài chục người khác bị thương. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố : "Thật vô nghĩa, tận cùng ác độc. Bọn khủng bố tàn bạo". Và sáng sớm hôm nay 75 hỏa tiễn đã được bắn vào thủ đô Kiev cũng như một số thành phố khác của Ukraine - để làm quên đi những hình ảnh nhịp cầu chìm xuống nước và đường xe lửa bốc cháy hừng hực - theo trang web Le Monde. Phòng không Ukraine bắn chận được 41 quả, và theo ghi nhận ban đầu, có ít nhất 10 người thiệt mạng và 60 người bị thương. NATO, Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây đều lên án, Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine tự vệ.
Trang web The Economist cho rằng cuộc tấn công có thể đánh dấu cho việc khởi đầu một chương mới khó khăn, trong cuộc chiến vốn đã tàn bạo. Chiến tranh thậm chí còn có thể lan ra : Belarus cho đến nay vẫn không gởi quân tham chiến, nay tuyên bố lập "lực lượng hiệp đồng" với Nga. Dimitri Medvedev nói rằng đây chỉ mới là "khởi đầu", Vladimir Putin đe dọa sẽ ra tay mạnh hơn, nhưng theo tờ báo, vẫn không thể cứu vãn được cuộc chiến thất bại của ông ta.
Sử gia Jean-François Colosimo cho rằng Ukraine - quá gần gũi với Nga về ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa - dưới mắt Putin thì diệt trừ cuộc sống ở Kiev là điều kiện sống còn của Moskva. Giống như những cặp song sinh trong Kinh Thánh và thần thoại cổ đại !
Tham mưu trưởng mới của quân Nga nổi tiếng tham tàn
Không rõ là trùng hợp tình cờ hay cố ý, cơ quan tình báo Nga FSB tối qua công bố tài liệu cho biết số vụ oanh kích của Ukraine tại các vùng đất biên giới phía nam (Belgorod, Briansk, Kursk) tăng cao kể từ đầu tháng 10, gồm 100 vụ vào 32 địa điểm, có 1 thường dân chết. Bản thân FSB cũng bị chỉ trích vì thiếu sót về an ninh ở cầu Kerch. Áp lực lên Kremlin còn đến từ phe dân tộc chủ nghĩa. Thủ lãnh Chechnya nói rằng có 70.000 lính sẵn sàng sang Ukraine, và Evgueni Prigogine, chủ công ty lính đánh thuê Wagner cũng phụ họa.
Trong bối cảnh đó, Nga công bố chỉ huy mới cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine là Sergey Surovikin, 55 tuổi. Ông ta là ai ? Libération cho biết nhân vật này nổi tiếng là "đồ tể" tàn bạo, được Kremlin bổ nhiệm để làm giảm bớt những chỉ trích từ phe diều hâu Nga.
Tình báo Anh trong một báo cáo được The Guardian tiết lộ đã nhận định : "Từ hơn 30 năm qua, sự nghiệp của Surovikin được ghi dấu bằng tham nhũng và sự thô bạo". Viên tướng đầu trọc này từng tham gia nhiều mặt trận : ở Afghanistan, Tadjikistan, Chechnya. Tháng 3/2017, ông ta khi lãnh đạo quân Nga tại Syria để hỗ trợ Bachar Al Assad, đã ra lệnh thả bom vô tội vạ xuống những chiến binh chống chế độ. Trong một báo cáo về tội ác chiến tranh ở Idlib, Human Rights Watch cho rằng Surovikin nằm trong số những người ra mệnh lệnh. Ông ta được Putin đích thân trao cho danh hiệu anh hùng Liên bang Nga tháng 12/2017.
Thành tích của Surovikin không chỉ có vậy. Giám đốc tình báo Ukraine Kyrylo Budanov tố cáo tướng quân đội này đã cho đánh vào một khu nhà dân và hai trại hè ở Odessa hồi tháng Bảy, làm 21 thường dân thiệt mạng. Ông ta còn là một tay tham nhũng có hạng : năm 1995 bị kết tội đánh cắp và buôn lậu vũ khí, nhưng sau đó được hủy án nhờ "tình tiết giảm nhẹ". Theo Novaïa Gazeta, trong cuộc đảo chánh hụt năm 1991 Surovikin lúc đó chỉ là đại úy đã ra lệnh cho đơn vị tấn công vào hàng rào người biểu tình đòi dân chủ làm ba người chết, phải ngồi tù bảy tháng rồi được Boris Yeltsin thả ra và thăng chức.
"Tôi muốn sống" : Chương trình "chiêu hồi" lính Nga của Ukraine
Trong khi đó trên chiến trường, Ukraine tổ chức đường dây nóng cho lính Nga ra đầu hàng. Le Monde cho biết những người lính ra hàng còn được thưởng tiền nếu mang theo vũ khí.
Kể từ ngày 18/09, Kiev bắt đầu cho hoạt động chương trình mang tên "Tôi muốn sống" với hai số điện thoại có thể liên lạc bất cứ lúc nào, và một kênh Telegram là @hochu_zhyt. Kênh này đăng những thông tin cần thiết cho việc ra hàng, kêu gọi những người lính "không nên trở về nhà trong những túi đen đựng xác". Chẳng hạn một bài đăng hôm 03/10 : "Các bạn Nga ! Cơ hội duy nhất để không phải chết ở Ukraine là ra hàng. Hãy tránh bị động viên, và nếu bạn đã có mặt ở Ukraine, hãy đầu hàng lập tức, gọi lại số +38 066 580 34 98 và +38 093 119 29 84 (24/24). Hoặc sử dụng hệ thống chat tự động "Tôi muốn sống".
Nhật báo Pháp đã thử vào và nhận thấy thủ tục rất đơn giản. Bộ Tổng tham mưu Ukraine bảo đảm tôn trọng Công ước Genève đối với tù binh, trả lời trong vòng một ngày, và cho biết những thủ tục cụ thể để ra hàng một cách an toàn. Chương trình đã nhận được trên 2.000 đề nghị đầu hàng. Để trấn an những người lính Nga, tổng thống Ukraine hứa bảo đảm ba điều. Trước hết, họ sẽ được đối xử một cách văn minh, phù hợp với tất cả mọi công ước. Kiev hứa cung cấp "ba bữa ăn một ngày, được chăm sóc y tế và có thể liên lạc với người thân".
Còn nếu giao nộp khí tài, họ được thưởng 50.000 đô la cho một chiếc xe tăng, 15.000 đô la cho một khẩu đại bác tự hành và 5.000 đô la một xe bọc thép. Nhà phân tích người Anh James Rushton cho rằng chương trình "chiêu hồi" này rất có nhiều cơ hội thành công, nhất là với những người lính ký hợp đồng ngắn hạn nay bỗng trở thành vô thời hạn vì lệnh động viên của Putin. Trước nguy cơ phải chiến đấu cho đến khi tử trận hoặc bị thương trên chiến trường Ukraine, họ sẽ cân nhắc việc đầu hàng.
Glukhovski : Nhiều người Nga không ủng hộ chiến tranh nhưng sợ Putin
Về thái độ của thường dân, theo nhà văn Nga Dimitri Glukhovsky đang sống lưu vong, "Người Nga cảm thấy họ như con mồi, trước một Nhà nước là kẻ săn mồi mà họ không thể chống cự nổi". Ông cho rằng người Nga thật ra không ủng hộ chiến tranh với Ukraine, sự thụ động của họ là do sợ hãi và việc khuynh loát xã hội của Vladimir Putin. Nhà văn 43 tuổi từng cho ra mắt cuốn tiểu thuyết viễn tưởng rất thành công ở Nga và được dịch ra 20 thứ tiếng, từ tháng Giêng năm nay định cư ở châu Âu, và có nguy cơ bị 10 năm tù vì "làm mất uy tín quân đội". Đó là do ông đăng trên Instagram câu "Phản đối chiến tranh với Ukraine. Hãy nhìn nhận rằng đó là một cuộc chiến thực sự với toàn bộ nhân dân Ukraine, và ngưng lại !".
Glukhovsky cho biết có ba thời điểm ông cảm thấy bức màn đen bỗng buông xuống trước mắt. Đầu tiên là hôm khởi chiến 24/02, kế tiếp là lúc phát hiện tội ác Bucha ngày 01/04, và thứ ba là hôm 21/09 khi ông hiểu rằng không ai ở Nga có thể cản được Putin lôi kéo cả nước vào một cuộc chiến tổng lực. Bởi vì đó không chỉ là một cuộc chiến chống lại Ukraine mà còn đi ngược lại với tương lai nước Nga, biến nhân dân thành nô lệ để Putin duy trì chế độ trong máu và nước mắt, ngay cả khi ông ta chết.
Nỗi sợ có từ thời Stalin thấm vào từng gia đình, theo lời kể của ông bà và giáo dục của cha mẹ - theo đó chống lại chính phủ là không tốt và sẽ bị trừng phạt. Quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân giống như giữa thú dữ chuyên săn mồi bất khả chiến bại, và những con thú nhỏ cố thu mình lại ở phía sau, ráng không gây chú ý, không để cọp dữ nhìn thấy. Người Nga tin rằng phản kháng sẽ không đi đến đâu, ngược với người Ukraine đổ ra quảng trường Maidan. Dưới thời Vladimir Putin, không có phong trào phản kháng nào đạt được mục tiêu. Từ chống lại gian lận bầu cử năm 2010, chống việc Putin quay lại Kremlin năm 2011, sửa đổi Hiến pháp năm 2020, cho đến lên án việc đầu độc và bỏ tù nhà đối lập Alexei Navalny.
Nếu Nga bại trận, liệu người dân có thể nổi loạn hay các phe phái sẽ lật đổ Putin ? Dimitri Glukhovsky cho rằng với lệnh động viên, nguy cơ Putin bị đảo chánh cao hơn là nổi dậy. Tuy nhiên nhà văn Nga cảnh báo, đừng quên là Putin từ lâu đã chuẩn bị khả năng này, với bộ máy an ninh được ưu đãi từ nhiều năm qua. Lực lượng an ninh không bị gởi ra mặt trận mà triển khai ở khắp các đô thị, được trang bị vào loại tốt nhất thế giới, trong đó có những thiết bị Made in France.
Thụy My