Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/06/2017

Qatar : khủng hoảng ngoại giao hay quyền lợi ?

Tổng hợp

Khủng hoảng ngoại giao Qatar : Những nguyên nhân sâu xa (RFI, 06/06/2017)

Từ khi được thành lập năm 1981, chưa bao giờ Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh lại gặp khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Về mặt chính thức các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Saudi Arabia, đã cắt đứt bang giao với Qatar vì nước này bị cáo buộc là yểm trợ khủng bố, cụ thể là yểm trợ tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Huynh Đệ Hồi giáo. Nhưng quyết định nói trên thật ra xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn, đó là nhằm làm suy yếu vai trò ngoại giao ngày càng lớn của Qatar, đồng thời khơi lại căng thẳng với Iran, quốc gia đang bành trướng thế lực trong vùng.

qatar1

Lãnh đạo Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Ảnh chụp ngày 25/03/2017.Reuters

Từ nhiều ngày qua, giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh đã "cơm không lành, canh không ngọt", nhưng đỉnh điểm là ngày 23/05/2017, khi hãng tin chính thức của Qatar thông báo là trang web của họ đã bị tin tặc thao túng để phát đi những thông tin sai lạc, trong đó có những tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar, Tamim al-Thani.

Lãnh đạo Qatar dường như đã cảnh báo các đồng minh vùng Vịnh là không nên đối đầu với Iran, cường quốc Hồi giáo khu vực, đồng thời đã bênh vực cho tổ chức Hamas Palestine và Hezbollah Lebanon, hai tổ chức đều do Iran yểm trợ. Mặc dù phía Doha đã cải chính, những tuyên bố đó đã được các phương tiện truyền thông của Saudi Arabia, Ai Cập, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả rập liên tục phát đi phát lại, cho nên đã gây lên làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội của những nước đó.

Trước đó, ngày 21/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viếng thăm Saudi Arabia và đã được đón tiếp rất trọng thể. Khác với người tiền nhiệm Obama, đã cố hòa dịu với Iran để đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa quốc tế với Tehran, tại Riyadh, ông Trump đã cực lực lên án Iran can thiệp gây mất ổn định các nước Ả rập và yểm trợ khủng bố.

Tuyên bố như thế, tổng thống Mỹ coi như ủng hộ vai trò lãnh đạo khu vực của Saudi Arabia và đồng tình với đường lối cứng rắn của Riyadh đối với Iran.

Cho tới nay, Saudi Arabia rất bực bội khi thấy đàn em Qatar vừa rất năng động về ngoại giao, vừa quá thân thiết với Mỹ. Vào lúc Saudi Arabia muốn lập một liên minh các nước Hồi giáo Sunni để đối đầu với nước Iran Hồi giáo Shia, Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran.

Không thể chịu được nữa, Saudi Arabia đã lợi dụng ngay tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar để cáo buộc chính quyền Doha yểm trợ khủng bố, rồi lấy cớ để cắt đứt bang giao. Vì Riyadh cáo buộc Qatar yểm trợ tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo, nên lôi kéo cả Ai Cập và Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả rập vào khủng hoảng ngoại giao. Cairo và Abu Dabi vốn rất thù ghét Huynh Đệ Hồi giáo. Nhất là Ai Cập đang rất cần đến trợ giúp tài chính của Saudi Arabia nên lại càng tích cực tham gia "dạy một bài học" cho Qatar.

Nhưng khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các láng giềng thật ra sẽ chỉ có lợi cho Iran, vì cho tới nay Tehran vẫn rất ngán ngại khối đoàn kết vùng Vịnh. Nay khối đoàn kết này đang tan rã, nhất là vì trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, Kuwait và Oman đã không theo chân Saudi Arabia trong việc trừng phạt Qatar.

Trước mắt, lợi dụng tình hình này, Iran tỏ ra mình là một cường quốc có trách nhiệm khi kêu gọi Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh "nối lại đối thoại để giải quyết các bất đồng".

Thanh Phương

******************

Donald Trump 'ủng hộ cô lập Qatar'  (BBC, 06/06/2017)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi nhiều nước Ả rập cắt đứt quan hệ với Qatar.

qatar2

Các chuyến bay của hàng không Qatar Airways đã bị hạn chế

Đăng một loạt tin trên Twitter, ông Trump dường như ủng hộ việc cô lập Qatar.

Ông Trump viết trên Twitter rằng ông "vui mừng" khi chuyến thăm Saudi Arabia gần đây "đang có kết quả".

"Họ nói sẽ cứng rắn với việc cấp tiền cho cực đoan, và tất cả đều chỉ vào Qatar. Có lẽ đây sẽ bắt đầu để chấm dứt khủng bố".

qatar3

Tổng thống Donald Trump đọc diễn văn ở Riyadh, Saudi Arabia hôm 21/5

Ông Trump nói khi thăm Saudi Arabia mới đây, ông được cho hay Qatar đang tài trợ "ý thức hệ cực đoan".

Diễn văn của ông Trump tại thủ đô của Saudi Arabia, lên án Iran và thúc giục các nước Hồi giáo chống cực đoan, được xem là khuyến khích các nước vùng Vịnh chống lại Qatar.

Cùng trong tuần ông Trump thăm Saudi Arabia, các nước gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và UAE đã chặn các trang tin của Qatar gồm cả al-Jazeera.

Thứ Hai tuần này, Saudi Arabia, Bahrain, và UAE ra lệnh cho công dân Qatar phải ra đi trong vòng hai tuần.

Các nước này cũng cắt đứt mọi tuyến đường giao thông với Qatar.

Kuwait đã đề nghị làm trung gian đàm phán, còn Qatar nói họ sẽ hoan nghênh đối thoại.

Saudi Arabia và Bahrain đã rút giấy phép hàng không Qatar Airways, ra lệnh các văn phòng phải đóng cửa trong 48 tiếng.

*********************

Năm điều về Qatar có thể bạn chưa biết (BBC, 06/06/2017)

Nhà nước Qatar hiện nay đang là tâm điểm của cơn bão ngoại giao khi vừa bị nhiều nước láng giềng cắt đứt quan hệ.

qatar4

Cảnh thủ đô Doha của Qatar

Vậy các bạn biết gì về đất nước này, ngoài chuyện Qatar sẽ đăng cai tổ chức World Cup năm 2022 ?

Sau đây là năm điều có thể bạn chưa biết.

Nam giới 'áp đảo' phụ nữ

Có dân số khoảng 2,5 triệu dân, Qatar chỉ có chưa đầy 700.000 phụ nữ.

Sự chênh lệch này được cho là do bùng nổ dân số ở Qatar. Đất nước này do người lao động nhập cư, đa phần là đàn ông trẻ tuổi, xây dựng.

Nhiều người đổ đến Qatar tìm việc làm. Trong vài năm qua, dân số nước này tăng vọt từ chưa đầy 700.000 năm 2003 lên khoảng 2,5 triệu năm 2016.

qatar5

Đất nước Qatar do lao động nhập cư xây dựng

Chủ đầu tư lớn nhất của London ?

Qatar đã mua nhiều khu bất động sản tiếng tăm ở London, trong đó có tòa nhà cao nhất London the Shard, cửa hàng Harrods nổi tiếng, khu địa ốc Chelsea Barracks và Làng Olympic, cũng như có cổ phần ở khu kinh doanh lớn Canary Wharf.

Ông Ali Shareef al-Emadi, Bộ trưởng Tài chính Qatar, cho BBC hay hồi tháng Ba ông ước tính nước này có "hơn 35 đến 40 tỷ USD tiền đầu tư vào Anh".

Chưa dừng ở đó, ông Emadi nói Qatar có kế hoạch đầu tư tiếp 5 tỷ USD vào nước Anh trong vòng ba đến năm năm nữa, trong đó có cả bất động sản.

Qatar rất yêu hội họa

Qatar được biết đến là một nước truyền thống, nhưng trong vài năm qua, nước này đã mở cuộc triển lãm gây tranh cãi của họa sĩ đương đại Damien Hirst năm 2013.

Cũng trong năm đó, bà Sheikha al-Mayassa bint Hamad bin Khalifa al-Thani, chị gái của Tiểu vương, và người đứng đầu Cục Bảo tàng Qatar, đứng đầu danh sách 100 người quyền lực nhất của tạp chí Art Review.

qatar6

Đèn Gấu là một điểm nổi bật ở Sân bay quốc tế Hamad, Doha

Một con gấu bông lớn

Tình yêu hội họa của Qatar đã tràn từ các bảo tàng sang những không gian công cộng.

Ai từng đến Sân bay quốc tế Hamad của Doha không thể không thấy chú gấu vàng cao hơn 7m ngồi ngay giữa sân bay.

Chiếc đèn hình con gấu này được đúc bằng đồng và nặng gần 20 tấn, do nghệ sĩ người Thụy Sĩ Urs Fischer thiết kế cách đây hơn mười năm.

Qatar có GDP bình quân đầu người đứng thứ hai thế giới

Làm sao một nước nhỏ như vậy có kinh phí chi trả cho các dự án lớn ? Nhờ nguồn dầu khí dồi dào, cũng như các khoản đầu tư khôn ngoan, Qatar có GDP bình quân đầu người đứng thứ hai thế giới .

Năm 2016, thu nhập bình quân của Qatar là 129.700 USD, cao hơn nước đứng thứ ba là Luxembourg tới là 20.000 USD, theo số liệu World Factbook của CIA.

Tuy nhiên, sự giàu có của Qatar chỉ tập trung vào một số ít. Cựu tiểu vương Qatar, ngài Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani, được cho là có tài sản khoảng 2.4 tỷ USD. Còn nhiều người lao động nhập cư cho BBC hay hồi năm 2015 họ chỉ có thu nhập 350 USD một tháng.

********************

Khủng hoảng vùng Vịnh : Qatar kêu gọi các đồng minh đối thoại (RFI, 06/06/2017)

qatar7

Qatar, tâm bão ngoại giao trong vùng Vịnh. Reuters

Bị Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất, Bahrain và Yemen cáo buộc "yểm trợ khủng bố" và cắt đứt quan hệ ngoại giao, ngày 06/06/2017, Qatar kêu gọi các nước trên "đối thoại cởi mở và trung thực" để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Phát biểu trên truyền hình, ngoại trưởng Qatar khẳng định, là một đồng minh lâu năm của cả Hoa Kỳ và Saudi Arabia, Doha sẽ không có bất cứ hành động "leo thang" nào khiến căng thẳng gia tăng. Chính phủ Qatar khẳng định sẽ "tiến hành mọi biện pháp cần thiết để làm thất bại các mưu đồ làm hại đến đời sống người dân và nền kinh tế đất nước".

Lãnh đạo ngoại giao cũng nói thêm là mối quan hệ Qatar - Hoa Kỳ mang tính chiến lược, các lĩnh vực hai nước hợp tác nhiều hơn các lĩnh vực Doha và Washington có bất đồng.

Về phản ứng quốc tế, Hoa Kỳ kêu gọi các nước vùng Vịnh "đoàn kết". Tổng thống Nga Vladimir Putin khuyến khích các bên "tìm giải pháp thỏa hiệp". Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif và đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với ngoại trưởng Qatar.

Còn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, một đồng minh thân cận của Qatar, cũng đã điện đàm với lãnh đạo các quốc gia có liên quan và với cả đồng nhiệm Nga Vladimir Putin nhằm góp phần giải quyết bất đồng giữa các nước được gọi là "anh em, bè bạn" ở vùng Vịnh.

Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1981, khi Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (CCG) được thành lập, gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất, Kuwait, Oman và Qatar.

Thùy Dương

******************

Qatar thường xuyên bị nghi "ủng hộ khủng bố" (RFI, 06/06/2017)

Qatar, vừa bị nhiều nước Ả rập cắt đứt quan hệ hôm nay 05/06/2017, vốn ủng hộ các phong trào Hồi giáo và thường xuyên bị cáo buộc là dung túng cho việc tài trợ các nhóm khủng bố.

88888888888888888

Khu vực ngoại giao đoàn ở Doha, Qatar nhìn từ trên không. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/03/2013. REUTERS/Fadi Al-Assaad/File Photo

Hỗ trợ các phe Hồi giáo

Từ khi Qatar trở thành thế lực trên trường khu vực cũng như quốc tế vào cuối thập niên70, tiểu vương quốc Ả rập giàu nguồn khí đốt, đồng minh của Hoa Kỳ đã cổ vũ các phong trào Hồi giáo, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp tại các nước "Mùa xuân Ả rập".

Qatar cũng được coi là một trong những nhà tài trợ cho Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, và những nhóm thân cận với tổ chức này tại các nước láng giềng (chủ yếu là Syria, Libya, Tunisie). Doha tích cực ủng hộ cựu tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi thuộc Huynh đệ Hồi giáo, và gọi vụ tướng Abdel Fattah al-Sissi hất cẳng ông Morsi năm 2013 là "đảo chính". Sau 9 tháng khủng hoảng ngoại giao, dưới áp lực của các nước vùng Vịnh khác, Qatar đã chấp nhận nhẹ giọng hơn khi chỉ trích ông Sissi nhưng chưa bao giờ ngưng lại.

Qatar luôn tiếp nhận các lãnh đạo hàng đầu của Huynh đệ Hồi giáo bị Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất xếp vào loại "khủng bố", như Yusuf al-Qaradawi, được coi là một trong những lãnh tụ tinh thần của phong trào này. Cựu lãnh tụ Hamas Palestine, Khaled Mechaal cũng ở Qatar, còn phe Taliban Afghanistan có văn phòng tại đây.

Tài trợ cho khủng bố

Qatar thường xuyên bị nghi ngờ đã dung túng cho các quỹ riêng của các tổ chức "khủng bố", điều mà nước này luôn kiên quyết bác bỏ.

Năm 2010, một bức điện ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ đánh giá Qatar là "tệ hại nhất khu vực", về mặt hợp tác với Washington để làm cạn kiệt nguồn tài trợ các nhóm cực đoan. Quốc gia này "hết sức thụ động", và cơ quan an ninh của họ "ngần ngại không muốn hành động đối với những kẻ khủng bố đã biết rõ", vì sợ bị cho là quá thân cận với Hoa Kỳ - theo bản báo cáo năm 2009.

Sau vụ tấn công vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris tháng 1/2015, nhiều quan chức Pháp đã chỉ trích chính sách ngoại giao của nước đồng minh quan trọng này. Đại sứ Qatar ở Paris, khi nhấn mạnh đến các luật chống rửa tiền đã được thông qua, than phiền : "Ý kiến cho là Qatar tài trợ hay ủng hộ khủng bố dường như đã trở thành định kiến trong các cuộc tranh luận về chủ nghĩa cực đoan ở Châu Âu".

Những nghi ngờ mới đến từ Hoa Kỳ năm 2016 : một viên chức cao cấp của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Qatar cũng như Kuwait "vẫn thiếu sự kiên quyết cần thiết và khả năng áp dụng các luật lệ chống tài trợ các tổ chức khủng bố". Vài ngày sau đó, Hoa Kỳ lại hoan nghênh các "cố gắng tích cực" của Qatar để dập tắt các trợ cho quân thánh chiến và đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi giáo.

Al Jazeera, tiếng nói gây tranh cãi

Được chính phủ Qatar thành lập cách đây trên 20 năm, kênh truyền hình Al Jazeera có gần 80 văn phòng trên khắp thế giới, phát bằng nhiều thứ tiếng, đã tuyên truyền cho các phong trào Mùa xuân Ả rập.

Nhưng những người chỉ trích cho là đường hướng biên tập của đài này quá thiên về phía Hồi giáo, và đôi khi bị coi là một công cụ cho ngành ngoại giao Qatar. Năm 2014, ba phóng viên của Al Jazeera tại Ai Cập đã bị lãnh những bản án tù nặng nề vì "ngụy tạo thông tin" có lợi cho những người ủng hộ tổng thống của tổ chức Những anh em Hồi giáo, ông Morsi.

Tháng 4/2016, chính quyền Iraq đóng cửa văn phòng Al Jazeera ở Bagdad vì đưa tin bênh vực nhóm thánh chiến Sunni mang tên tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (IS) và thù địch với đại đa số người Shia ở Iraq.

Trong quá khứ, kênh truyền hình này đã có những rắc rối với các nước Ả rập vì cách đưa tin bị cho là gây sốc hay định hướng, và Washington coi là phát ngôn viên cho các nhóm cực đoan. Cựu thủ lãnh al-Qaeda, Usama bin Laden chủ yếu đưa các thông điệp của mình qua kênh này.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 916 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)