Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/06/2017

Đối Thoại Shangri-La : Cơ hội để Pháp tỏ rõ hướng xoay trục qua Châu Á

RFI tiếng Việt

Dù mới nhậm chức không được bao lâu, tân Bộ trưởng quốc phòng Pháp, giờ gọi là bộ Quân Lực, bà Sylvie Goulard, đã đến ngay Singapore để tham dự Đối Thoại Shangri-La (02-04/06/2017). Tại đấy, cùng với nữ đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada, Bộ trưởng Pháp đã không ngần ngại cổ vũ cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, và thể hiện lập trường cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên. Và một lần nữa, bà Sylvie Goulard cũng kêu gọi tiếp tục bảo đảm "trật tự dựa trên luật pháp và tự do hàng hải trong vùng Biển Đông".

phap1

Bà Sylvie Goulard, Bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp trên sân điện Élysée, Paris, ngày 31/05/2017. Reuters

Trong bài nhận định đăng trên trang mạng Pháp Asialyst ngày 03/06/2017, tiến sĩ Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị vùng Đông Á và Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đã cho rằng sự hiện diện của người phụ trách quốc phòng Pháp tại Đối Thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh thường niên tập hợp hầu hết các lãnh đạo quốc phòng của khu vực cũng như các chuyên gia về an ninh Châu Á, là một minh họa cụ thể cho đường lối ngoại giao quốc phòng của Pháp, muốn đóng một vai trò bền vững trong vùng, với chính phủ mới của tổng thống Macron không đi chệch hướng người tiền nhiệm.

Pháp cũng có một chiến lược xoay trục qua Châu Á

Bà Boisseau du Rocher ghi nhận nhiều động thái xuyên suốt của Paris nhằm khẳng định tiếng nói và quan điểm của mình về Châu Á :

- Về mặt đa phương : mong muốn tham gia tham gia cơ chế ADMM+, tập hợp Bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN cùng 8 đối tác lớn của khu vực với mục tiêu củng cố hợp tác trong lãnh vực an ninh ;

- Về mặt song phương : tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước trong vùng qua cơ chế 2+2 – tức là hai Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao – bắt đầu với Nhật Bản từ năm 2014, và với Úc vào tháng 03/2017 ; đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với Ấn Độ.

Khi phái Bộ trưởng Quân Lực của Pháp đến dự Đối Thoại Shangri-La, một trong những sự kiện lớn về ngoại giao quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương, tổng thống Macron muốn cho thấy ý muốn có tiếng nói về chiến lược trong một vùng then chốt cho thế cân bằng thế giới.

Đối Thoại Shangri-La : Địa bàn lý tưởng để thể hiện chính sách Châu Á

Tân tổng thống Pháp đã tiếp tục đường lối "xoay trục" hướng về Châu Á-Thái Bình Dương mà người tiền nhiệm đã khởi xướng, với cựu Bộ trưởng quốc phòng – giờ đây là ngoại trưởng – Jean-Yves Le Drian, đã từng là khách mời rất quen thuộc với Shangri-La.

Đối Thoại Shangri-La là một nơi trao đổi vô cùng thuận lợi. Chỉ trong vài ngày cuối tuần, Bộ trưởng Pháp đã gặp được mọi đồng nhiệm quan trọng, từ Mỹ, Úc, cho đến Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia…, biết bao đối tác mà Pháp trong mấy năm qua đã thắt chặt thêm quan hệ, với công cuộc hợp tác sẽ tiếp tục phát triển trong hàng thập niên tới đây. Một ví dụ : chiếc tàu ngầm cuối cùng mà tập đoàn Pháp DCNS giao cho Úc là vào khoảng năm 2050.

Sự hiện diện của Pháp tại Châu Á cho đến nay không phải là không đáng kể : Cả về thiết bị ( hơn 30% vũ khí xuất khẩu của Pháp là cho vùng Đông Á ), đào tạo, huấn luyện, cho đến hợp tác về an ninh hàng hải, chống khủng bố hay an ninh mạng, Pháp là nguồn cung cấp an ninh có trọng lượng trên sân khấu Châu Á, với chất lượng, công nghệ học và sáng kiến cải tiến được các đối tác đánh giá cao.

Hai tuần trước khi khai mạc cuộc triển lãm hàng không Le Bourget gần Paris, sự có mặt của bà Sylvie Goulard tại Singapore đã giúp Pháp ghi điểm trong một lãnh vực mà cạnh trạnh rất dữ dội.

Pháp lôi cuốn Châu Âu cùng đến với Châu Á

Theo phân tích của bà Boisseau du Rocher, khi đến Shangri-La, bà Sylvie Goulard không chỉ mang thông điệp của riêng nước Pháp. Bà còn nổi tiếng là thân Châu Âu, và các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương đang chờ đợi hai đầu tàu Pháp-Đức của Châu Âu khẳng định lại một quyết tâm tái dấn thân rõ ràng và mang tầm nhìn của Châu Âu : An ninh và tương lai của khu vực không thể bị lệ thuộc vào hai đối thủ cạnh tranh nhau là Washington và Bắc Kinh.

Đối với chuyên gia Pháp, một Châu Âu có "nhiều tham vọng" hơn, với sự thúc đẩy trở lại một công cuộc hợp tác quốc phòng có hiệu quả mà tổng thống Pháp Macron mong muốn và thủ tướng Đức Angela Merkel đã xác định là một thông điệp mạnh mẽ mà bà Sylvie Goulard gởi đến cho các đối tác Châu Á.

Đấy cũng là lời giải cho những trăn trở của các lãnh đạo khu vực về sự độc lập chiến lược của họ. Vì cho dù không hoàn hảo, nhưng Châu Âu không chỉ mang đến cho Châu Á một thông điệp về tương lai, mà còn giúp cho khu vực có thêm không gian hành động cần thiết.

Sự lấn áp của Trung Quốc, với nào là Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR, nào là Biển Đông, hiện đại hóa quân đội, cộng thêm với sự trống vắng chiến lược đến từ một chính quyền Donald Trump khó lường nếu không muốn nói là phản tác dụng (bỏ TPP, không rõ ràng trên hồ sơ Bắc Triều Tiên…) đã tạo ra một khoảng trống mà Châu Âu có thể lấp đầy. Trong bối cảnh đó, rõ ràng Pháp hiện là nước Châu Âu dấn thân nhiều nhất vào lãnh vực quốc phòng và an ninh trong khu vực - hơn cả Vương quốc Anh - và Paris có ý định đóng vai trò đầu tàu kéo các nước khác đi theo.

Dĩ nhiên là Liên Hiệp Châu Âu không thể ngày một ngày hai trở thành một tác nhân quân sự có trọng lượng tại Châu Á, nhưng ảnh hưởng chiến lược của Châu Âu là một điều có thật trên bình diện cải tổ lại cấu trúc của an ninh và giúp giải quyết căng thẳng, từ Bắc Triều Tiên đến Biển Đông.

Chính là trên hồ sơ Biển Đông mà cựu Bộ trưởng quốc phòng Pháp Le Drian đã gây ấn tượng mạnh tại Đối Thoại Shangri-La lần thứ 14 (tháng 6 năm 2016) bằng cách đề nghị tổ chức những cuộc tuần tra hải quân của Liên Hiệp Châu Âu trong vùng biển này. Đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Liên Hiệp Châu Âu là một tác nhân đa chức năng, thực tế, và do đó hữu ích.

An ninh của Châu Á không chỉ là an ninh của Trung Quốc

Đối thoại Shangri-La cũng rất hữu ích trong việc cho phép đo lường tầm quan trọng chiến lược của các liên minh ở Châu Á. Trong địa hạt an ninh cũng như trong các lĩnh vực khác, Trung Quốc có xu hướng chiếm lĩnh không gian, dù cố ý hay không. Dĩ nhiên là sức mạnh chiến lược của họ, nỗ lực hiện đại hóa và tăng cường năng lực triển khai quân đi xa, thái độ quyết đoán mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cứng rắn (đặc biệt là ở Biển Đông), đang làm thay đổi những mô hình an ninh... Thái độ mập mờ của Mỹ cũng có tác động.

Tuy nhiên, cho rằng an ninh Châu Á chỉ tùy thuộc vào các yếu tố đó mà thôi là một điều nguy hiểm.

Nhật Bản của ông Abe đã sẵn sàng để trở thành một cường quốc quân sự khu vực, nếu thủ tướng nước này thành công trong việc sửa đổi Hiến Pháp cho phép biến quân đội Nhật, cho đến nay chuyên phòng thủ, thành một lực lượng tấn công.

Ấn Độ, nước đã mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp vào năm 2016, đã thúc đẩy một chính sách Hướng Đông hiện đang có kết quả mà thủ tướng Ấn Modi có ý định phát huy. Hàn Quốc là trung tâm của các cuộc đàm phán về tương lai bán đảo. Một số quốc gia Đông Nam Á đã trở thành những tác nhân an ninh thực thụ, ngay ở trung tâm vòng xoáy an ninh của Châu Á.

Bà Boisseau du Rocher cuối cùng liệt kê những điều Paris cần thực hiện để phát huy hơn nữa vai trò của minh trong vùng : Trấn an các đối tác về quyết tâm dấn thân của Pháp nhằm phục vụ một Liên Hiệp Châu Âu có trách nhiệm tại Châu Á-Thái Bình Dương, duy trì một mạng lưới các mối quan hệ song phương và đa phương, thiết lập những mối quan hệ mới, nêu bật những ưu tiên của tổng thống Macron và thử nghiệm các sáng kiến bằng cách đo lường phản ứng trước các chủ đề nhạy cảm... sẽ vô cùng quan trọng để nâng cao uy tín và ảnh hưởng Pháp hiện có trong vùng.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 673 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)