Trọng Nghĩa, RFI, 11/06/2022
Đúng như dự đoán, Washington và Bắc Kinh đã đấu khẩu gay gắt tại Đối thoại Shangri-La mở ra ở Singapore. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào hôm 11/06/2022 đã tố cáo đích danh Trung Quốc về một loạt hành vi ngày càng hung hăng trong khu vực, từ eo biển Đài Loan cho đến Biển Đông. Phái đoàn Trung Quốc hiện diện tại hội nghị đã phản ứng, tố cáo Washington bịa đặt để gây hấn với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc và đồng nhiệm Hoa Kỳ tại khách sạn Shangri-la ở Singapore, 11/06/2022. AP - Danial Hakim
Trong bài tham luận đọc trước diễn dàn an ninh quan trọng nhất ở Châu Á, sau khi nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh bên cạnh các đồng minh của mình, trong đó có Đài Loan, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định : "Điều này đặc biệt quan trọng vào lúc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (tên chính thức của Trung Quốc) áp dụng một cách tiếp cận ngày càng mang tính cưỡng chế và hung hăng hơn trên vấn đề yêu sách lãnh thổ của họ".
Về Đài Loan, ông Austin cho biết Mỹ "kiên quyết phản đối bất kỳ ý muốn đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng" và nêu bật các hành vi "ép buộc ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh" và "đà gia tăng liên tục các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn định" gần hòn đảo này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu bật sự kiện phi cơ quân sự Trung Quốc "bay gần Đài Loan với số lượng kỷ lục trong những tháng gần đây, và gần như hàng ngày".
Bên cạnh đó ông Austin cũng nhấn mạnh đến đà gia tăng "đáng báo động" các vụ đối đầu không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của máy bay và tàu thuyền của Trung Quốc với các nước khác.
Mới đây, Úc đã lên án vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc đã cản trở một cách nguy hiểm một trong những phi cơ do thám quân sự của Úc ở khu vực Biển Đông vào tháng Năm, trong lúc Canada cũng cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc quấy rối máy bay tuần tra Canada làm nhiệm vụ giám sát các hoạt động lách lệnh trừng phạt quốc tế của Bắc Triều Tiên.
Phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La đã bác bỏ lời tố cáo của phía Mỹ. Phát biểu với báo chí, trung tướng Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), một quan chức trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã cho rằng phát biểu của Austin là hành động "đối đầu".
Đối với viên tướng Trung Quốc : "Có nhiều cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ thái độ không hài lòng và kiên quyết phản đối những cáo buộc sai trái này".
Nhân vật này tố cáo ngược lại : "Hoa Kỳ đang cố gắng hình thành nhóm nhỏ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bằng cách liên kết và kích động một số quốc gia chống lại một số quốc gia khác. Chúng ta nên gọi điều này là gì khác hơn là đối đầu ?".
Vào hôm qua, bên lề Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã có cuộc tiếp xúc song phương với đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Theo phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc, trong cuộc họp, phía Bắc Kinh đã cảnh cáo rằng : "Nếu ai đó dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không ngần ngại lập tức khởi động một cuộc chiến, bất kể giá nào".
Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc cho biết là ông Lloyd Austin đã nói với ông Ngụy Phượng Hòa rằng Bắc Kinh nên có thái độ "kiềm chế", tránh bất kỳ hành động gây bất ổn nào khác trong khu vực.
Trọng Nghĩa
*********************
Minh Anh, RFI, 11/06/2022
Tại Đối thoại An ninh Shangri-La, diễn ra ở Singapore, thủ tướng Nhật Bản, hôm 10/06/2022 cảnh báo "Ukraine có nguy cơ sẽ là Đông Á của ngày mai", đồng thời cam kết củng cố hơn nữa vai trò của Tokyo cho an ninh khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Đối thoại Shangri La, Singapore, 10/06/2022. AP - Danial Hakim
Theo AFP, trong bài phát biểu tại diễn đàn cấp cao về an ninh, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố : "Trước hành động gây hấn của Nga nhắm vào Ukraine, nhận thức của các nước về an ninh đã thay đổi đáng kể. Ông đặc biệt ám chỉ đến quyết định tăng mức ngân sách cho quốc phòng của Đức cũng như các quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.
Ngoài việc nhấn mạnh đến "trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân", thủ tướng Nhật Bản nói thêm rằng Tokyo sẽ thực hiện một chính sách "ngoại giao thực tiễn", chủ động hơn, trái ngược với chính sách hiếu hòa. Các chính sách của Nhật Bản hướng đến bảo vệ hòa bình và anh ninh cho khu vực, mà Tokyo, Châu Á cũng như là thế giới đang phải đối mặt với những thách thức đến từ Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và Moskva.
Do vậy, theo ông, để có thể thực hiện điều này, Nhật Bản "phải cải thiện các lực lượng răn đe và năng lực đáp trả". Thủ tướng Kishida nêu rõ chính phủ Nhật sẽ xác định một chiến lược mới cho an ninh quốc gia, "Tầm nhìn Kishida cho hòa bình" vào trước cuối năm 2022.
Minh Anh
*********************
Thanh Hà, RFI, 10/06/2022
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa họp với đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ngay trong ngày đầu khai mạc hội nghị an ninh Châu Á Đối thoại Shangri-La tại Singapore hôm 10/06/2022. Đài Loan, Biển Đông là những hồ sơ được đôi bên thảo luận.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiếp xúc với đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang ngày 10/06/2022 bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Reuters – Caroline Chia
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra từ ngày 10 đến 12/06/2022. Hãng tin Anh Reuters, trích dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ với đồng cấp Trung Quốc dưới thời chính quyền Biden là cơ hội để đôi bên nỗ lực tránh để những căng thẳng song phương dẫn tới những "sự hiểu nhầm về quân sự".
Bắc Kinh và Washington bất đồng trên nhiều hồ sơ, từ chiến tranh Ukraine cho đến tự do hàng hải ở Biển Đông và nhất là vấn đề Đài Loan. Vào tháng trước, tổng thống Biden từng nêu lên khả năng Hoa Kỳ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc thâu tóm Đài Loan bằng sức mạnh. Nhà Trắng sau đó đã nhắc lại Mỹ vẫn duy trì nguyên tắc một nước Trung Quốc và không ủng hộ Đài Bắc đòi độc lập.
Ukraine cũng là một đề tài nhạy cảm. Washington chỉ trích Bắc Kinh gián tiếp hỗ trợ Moskva trong bối cảnh Nga bị phương Tây trừng phạt do xâm chiếm Ukraine. Trung Quốc kêu gọi đàm phán chấm dứt chiến tranh, nhưng đã tránh lên án điện Kremlin đưa quân sang Ukraine, đồng thời chỉ trích Hoa Kỳ viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev.
Một sự kiện khác trong ngày là tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky được mời phát biểu qua video tại Đối thoại Shangri-La lần này.
Ngoài đối thoại Mỹ -Trung, cũng hôm nay bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc còn có một buổi làm việc với đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong Sup. Hãng tin Yonhap lưu ý, ngoài vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khả năng Bình Nhưỡng lại thử vũ khí nguyên tử, cái gai trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul liên quan đến việc chính quyền mới tại Hàn Quốc muốn khởi động lại kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ. Đây là điều mà Trung Quốc không muốn xảy ra.
Bên cạnh đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng gặp gỡ đồng nhiệm Việt Nam, tướng Phan Văn Giang. Bộ trưởng Quân Lực Pháp, Sébastien Lecornu tham dự hội nghị an ninh Shangri-La.
Còn theo hãng tin Nhật Kyodo, thủ tướng Fumio Kishida, tại hội nghị an ninh Châu Á lần này sẽ tập trung vào chủ đề tự do hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Có nhiều khả năng bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sẽ trình bày "tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương"
Khoảng 40 quốc gia được mời tham dự và phát biểu trong ba ngày họp tại Shangri-La. Tuy nhiên, phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin ngày mai 11/06/2022 và của ông Ngụy Phượng Hòa vào Chủ Nhật 12/06/2022 được chú ý hơn cả.
Thanh Hà
************************
RFA, 10/06/2022
Đối thoại Shangri-la năm 2022 diễn ra từ ngày 10 đến 12/6 ở Singapore sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19.
AFP
Thông tấn xã Việt Nam ngày 10/6 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang dẫn đầu đoàn tham dự và dự kiến ông này sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp. Ngoài ra bên lề Đối thoại, ông cũng tiến hành những cuộc gặp song phương để tăng cường quan hệ quốc phòng.
AFP ngày 10/6 loan tin hai bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc trong cùng ngày có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên với nhau khi mà hai phía đang ‘đối đầu’ về những vấn đề an ninh từ chuyện Đài Loan đến các vùng biển tranh chấp. Ngoài ra còn có vấn đề an ninh mạng và tình hình nhân quyền tại Hong Kong và Tân Cương.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Singapore vào ngày 9/6. Trong ngày 10/6, ngoài cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, ông còn gặp một số bộ trưởng quốc phòng nước khác đến dự Đối thoại.
Trong cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đề cập đến chiến lược của Washington trong việc duy trì một môi trường an ninh khu vực rộng mở, bao quát và dựa trên căn bản pháp luật.
Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng đại diện Việt Nam để lại ấn tượng lớn nhất ở Đối thoại Shangri-La là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và dự báo Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch "sẽ tham dự sự kiện này một cách khá trầm lặng".
Đối thoại Shangri-La dự kiến bắt đầu vào hôm 31/5
Tâm điểm của diễn đàn hợp tác an ninh-quốc phòng Châu Á dự kiến diễn ra tại Singapore từ hôm 31/5 đến 2/6 được dự báo là cuộc gặp giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
'Tâm điểm chú ý'
Tác giả Prashanth Parameswaran viết trên trang The Diplomat :
"Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, có thể chủ đề cạnh tranh cao độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là tâm điểm chú ý của giới quan sát. Trong khi giới truyền thông có thể chú ý hơn đến các hành động kế tiếp của chính phủ Mỹ đối với Huawei hoặc cuộc gặp khả dĩ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị G-20 ở Nhật Bản vào tháng 6/2019".
"Trung Quốc lần đầu tiên cử bộ trưởng Quốc phòng dự sự kiện này sau gần một thập kỷ trong lúc quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan được trông đợi sẽ đưa ra những nét chính về khía cạnh quốc phòng của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIPS). Dự kiến phát ngôn và hoạt động của hai quan chức nêu trên sẽ chiếm trọng tựa bài tường thuật về sự kiện mỗi ngày của truyền thông".
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết : "Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hoà bình và phát triển".
"Đây cũng là mục tiêu chính và quan trọng của đoàn Việt Nam tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La".
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Jim Mattis tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10/2018. Ông Mattis rời chức vào cuối tháng 2/2019
'Truyền thống trầm lặng'
Trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Việt hôm 28/5, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, bình luận :
"Những câu chuyện trọng tâm ở Shangri-La mỗi năm vẫn luôn xoay quanh chủ đề an ninh khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt là sau những căng thẳng vừa qua trên cả phương diện kinh tế và an ninh. Việc Mỹ cho tàu chiến đi gần bãi cạn Scarborough và eo Đài Loan gần đây là một ví dụ. Phát biểu của quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, và cuộc gặp giữa hai bên nếu diễn ra, có lẽ sẽ là sự kiện được chờ đợi nhất. Theo tôi, ngoài ra, vấn đề Bắc Hàn và an ninh mạng - cái thứ nhất về an ninh truyền thống và cái thứ hai là an ninh phi truyền thống, sẽ là các chủ đề quan trọng trọng diễn đàn".
BBC : Theo ông, việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nay là ông Ngụy Phượng Hòa, tham dự Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, là chỉ dấu của việc gì ?
Nguyễn Khắc Giang : Trong sự kiện này những năm trước, Bắc Kinh có lý do để không cử đại diện cấp cao tham gia Shangri-La. Họ luôn cho rằng diễn đàn này tập hợp các tiếng nói "thân" Mỹ, và là cái cớ để các nước "đánh hội đồng" Trung Quốc về các vấn đề trong khu vực. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng muốn đẩy mạnh diễn đàn an ninh của riêng họ - Diễn đàn Hương Sơn - nên không muốn tỏ ra quá hào hứng với Shangri-La.
Nhưng có lẽ sau một thời gian, họ nhận ra việc để trống Shangri-La sẽ khiến họ chịu thiệt thòi trong việc thể hiện quan điểm của mình, phản pháo lại các quan điểm đối lập, cũng như thấu hiểu quan điểm của các nước trong khu vực về chính sách của Bắc Kinh. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang gia tăng, chiến lược Vành đai-Con đường (BRI) đối diện với nhiều phản ứng tiêu cực, cũng như tâm lý bài Trung xuất hiện ở khu vực, Bắc Kinh có thể cho rằng họ chưa thể một mình một lối mà vẫn cần phải tham gia vào những cuộc đối thoại trong khu vực.
BBC : Từ quan sát của ông thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịchsẽ để lại dấu ấn nào trong sự kiện này ?
Nguyễn Khắc Giang : Theo tôi thấy, vị đại diện Việt Nam để lại ấn tượng lớn nhất ở Shangri-La là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013 với bài phát biểu về "lòng tin chiến lược". Còn lại phần lớn các đại biểu Việt Nam tại sự kiện này các năm sau đều tham dự một cách khá trầm lặng.
Nguyên do có thể là bởi chính sách quốc phòng thận trọng và nguyên tắc lãnh đạo tập thể, không thể hiện quan điểm cá nhân. Tôi nghĩ ông Ngô Xuân Lịch lần này cũng sẽ tiếp tục truyền thống này, và sẽ khó có đột phá nào ngoại trừ các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với các đối tác.
BBC : Liệu Biển Đông sẽ được nhắc đến tại Đối thoại Shangri-La thế nào trong bối cảnh sau khi tàu chiến Mỹ có những động thái lại gần Scarborough, qua eo biển Đài Loan vào trung tuần tháng 5/2019 ?
Nguyễn Khắc Giang : Biển Đông đã và sẽ là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Shangri-La, đặc biệt là sau một loạt các động thái cứng rắn vừa qua của Mỹ và các đồng minh để thể hiện quyền tự do hàng hải, hay dự luật đệ trình nhằm trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động quân sự trên Biển Đông.
BBC : Có ý kiến cho rằng Đối thoại Shangri-La hiện chỉ được xem như một diễn đàn về quân sự khu vực, nơi các đoàn đại biểu có thể nêu và tiếp nhận ý kiến chứ chưa có một cơ chế ràng buộc nào, hoặc đem lại sự thay đổi đáng kể về chính sách quân sự, quốc phòng của các nước trong khu vực sau đó. Ông nghĩ gì về bình luận này ?
Nguyễn Khắc Giang : Dù là một diễn đàn phi chính thức, Shangri-La là nơi tập trung những tiếng nói quan trọng nhất về vấn đề an ninh trong khu vực.
Đúng như tinh thần của tên gọi (Đối thoại Shangri-La), những trao đổi không mang tính ràng buộc, nhưng sẽ khiến các bên hiểu nhau hơn, và sẽ là tiền đề cho các hợp tác chính thức. Trong bối cảnh khu vực không có nhiều các diễn đàn chính thức (như diễn đàn khu vực Asean, ARF), thì đây vẫn là một kênh ngoại giao quan trọng cho tất cả các bên tham gia, thậm chí là để thể hiện các quan điểm vốn sẽ trở nên nhạy cảm hơn tại các diễn đàn chính thức.
Ben Ngô thực hiện
Nguồn : BBC, 29/05/2019
Dù mới nhậm chức không được bao lâu, tân Bộ trưởng quốc phòng Pháp, giờ gọi là bộ Quân Lực, bà Sylvie Goulard, đã đến ngay Singapore để tham dự Đối Thoại Shangri-La (02-04/06/2017). Tại đấy, cùng với nữ đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada, Bộ trưởng Pháp đã không ngần ngại cổ vũ cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, và thể hiện lập trường cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên. Và một lần nữa, bà Sylvie Goulard cũng kêu gọi tiếp tục bảo đảm "trật tự dựa trên luật pháp và tự do hàng hải trong vùng Biển Đông".
Bà Sylvie Goulard, Bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp trên sân điện Élysée, Paris, ngày 31/05/2017. Reuters
Trong bài nhận định đăng trên trang mạng Pháp Asialyst ngày 03/06/2017, tiến sĩ Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị vùng Đông Á và Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đã cho rằng sự hiện diện của người phụ trách quốc phòng Pháp tại Đối Thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh thường niên tập hợp hầu hết các lãnh đạo quốc phòng của khu vực cũng như các chuyên gia về an ninh Châu Á, là một minh họa cụ thể cho đường lối ngoại giao quốc phòng của Pháp, muốn đóng một vai trò bền vững trong vùng, với chính phủ mới của tổng thống Macron không đi chệch hướng người tiền nhiệm.
Pháp cũng có một chiến lược xoay trục qua Châu Á
Bà Boisseau du Rocher ghi nhận nhiều động thái xuyên suốt của Paris nhằm khẳng định tiếng nói và quan điểm của mình về Châu Á :
- Về mặt đa phương : mong muốn tham gia tham gia cơ chế ADMM+, tập hợp Bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN cùng 8 đối tác lớn của khu vực với mục tiêu củng cố hợp tác trong lãnh vực an ninh ;
- Về mặt song phương : tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước trong vùng qua cơ chế 2+2 – tức là hai Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao – bắt đầu với Nhật Bản từ năm 2014, và với Úc vào tháng 03/2017 ; đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với Ấn Độ.
Khi phái Bộ trưởng Quân Lực của Pháp đến dự Đối Thoại Shangri-La, một trong những sự kiện lớn về ngoại giao quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương, tổng thống Macron muốn cho thấy ý muốn có tiếng nói về chiến lược trong một vùng then chốt cho thế cân bằng thế giới.
Đối Thoại Shangri-La : Địa bàn lý tưởng để thể hiện chính sách Châu Á
Tân tổng thống Pháp đã tiếp tục đường lối "xoay trục" hướng về Châu Á-Thái Bình Dương mà người tiền nhiệm đã khởi xướng, với cựu Bộ trưởng quốc phòng – giờ đây là ngoại trưởng – Jean-Yves Le Drian, đã từng là khách mời rất quen thuộc với Shangri-La.
Đối Thoại Shangri-La là một nơi trao đổi vô cùng thuận lợi. Chỉ trong vài ngày cuối tuần, Bộ trưởng Pháp đã gặp được mọi đồng nhiệm quan trọng, từ Mỹ, Úc, cho đến Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia…, biết bao đối tác mà Pháp trong mấy năm qua đã thắt chặt thêm quan hệ, với công cuộc hợp tác sẽ tiếp tục phát triển trong hàng thập niên tới đây. Một ví dụ : chiếc tàu ngầm cuối cùng mà tập đoàn Pháp DCNS giao cho Úc là vào khoảng năm 2050.
Sự hiện diện của Pháp tại Châu Á cho đến nay không phải là không đáng kể : Cả về thiết bị ( hơn 30% vũ khí xuất khẩu của Pháp là cho vùng Đông Á ), đào tạo, huấn luyện, cho đến hợp tác về an ninh hàng hải, chống khủng bố hay an ninh mạng, Pháp là nguồn cung cấp an ninh có trọng lượng trên sân khấu Châu Á, với chất lượng, công nghệ học và sáng kiến cải tiến được các đối tác đánh giá cao.
Hai tuần trước khi khai mạc cuộc triển lãm hàng không Le Bourget gần Paris, sự có mặt của bà Sylvie Goulard tại Singapore đã giúp Pháp ghi điểm trong một lãnh vực mà cạnh trạnh rất dữ dội.
Pháp lôi cuốn Châu Âu cùng đến với Châu Á
Theo phân tích của bà Boisseau du Rocher, khi đến Shangri-La, bà Sylvie Goulard không chỉ mang thông điệp của riêng nước Pháp. Bà còn nổi tiếng là thân Châu Âu, và các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương đang chờ đợi hai đầu tàu Pháp-Đức của Châu Âu khẳng định lại một quyết tâm tái dấn thân rõ ràng và mang tầm nhìn của Châu Âu : An ninh và tương lai của khu vực không thể bị lệ thuộc vào hai đối thủ cạnh tranh nhau là Washington và Bắc Kinh.
Đối với chuyên gia Pháp, một Châu Âu có "nhiều tham vọng" hơn, với sự thúc đẩy trở lại một công cuộc hợp tác quốc phòng có hiệu quả mà tổng thống Pháp Macron mong muốn và thủ tướng Đức Angela Merkel đã xác định là một thông điệp mạnh mẽ mà bà Sylvie Goulard gởi đến cho các đối tác Châu Á.
Đấy cũng là lời giải cho những trăn trở của các lãnh đạo khu vực về sự độc lập chiến lược của họ. Vì cho dù không hoàn hảo, nhưng Châu Âu không chỉ mang đến cho Châu Á một thông điệp về tương lai, mà còn giúp cho khu vực có thêm không gian hành động cần thiết.
Sự lấn áp của Trung Quốc, với nào là Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR, nào là Biển Đông, hiện đại hóa quân đội, cộng thêm với sự trống vắng chiến lược đến từ một chính quyền Donald Trump khó lường nếu không muốn nói là phản tác dụng (bỏ TPP, không rõ ràng trên hồ sơ Bắc Triều Tiên…) đã tạo ra một khoảng trống mà Châu Âu có thể lấp đầy. Trong bối cảnh đó, rõ ràng Pháp hiện là nước Châu Âu dấn thân nhiều nhất vào lãnh vực quốc phòng và an ninh trong khu vực - hơn cả Vương quốc Anh - và Paris có ý định đóng vai trò đầu tàu kéo các nước khác đi theo.
Dĩ nhiên là Liên Hiệp Châu Âu không thể ngày một ngày hai trở thành một tác nhân quân sự có trọng lượng tại Châu Á, nhưng ảnh hưởng chiến lược của Châu Âu là một điều có thật trên bình diện cải tổ lại cấu trúc của an ninh và giúp giải quyết căng thẳng, từ Bắc Triều Tiên đến Biển Đông.
Chính là trên hồ sơ Biển Đông mà cựu Bộ trưởng quốc phòng Pháp Le Drian đã gây ấn tượng mạnh tại Đối Thoại Shangri-La lần thứ 14 (tháng 6 năm 2016) bằng cách đề nghị tổ chức những cuộc tuần tra hải quân của Liên Hiệp Châu Âu trong vùng biển này. Đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Liên Hiệp Châu Âu là một tác nhân đa chức năng, thực tế, và do đó hữu ích.
An ninh của Châu Á không chỉ là an ninh của Trung Quốc
Đối thoại Shangri-La cũng rất hữu ích trong việc cho phép đo lường tầm quan trọng chiến lược của các liên minh ở Châu Á. Trong địa hạt an ninh cũng như trong các lĩnh vực khác, Trung Quốc có xu hướng chiếm lĩnh không gian, dù cố ý hay không. Dĩ nhiên là sức mạnh chiến lược của họ, nỗ lực hiện đại hóa và tăng cường năng lực triển khai quân đi xa, thái độ quyết đoán mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cứng rắn (đặc biệt là ở Biển Đông), đang làm thay đổi những mô hình an ninh... Thái độ mập mờ của Mỹ cũng có tác động.
Tuy nhiên, cho rằng an ninh Châu Á chỉ tùy thuộc vào các yếu tố đó mà thôi là một điều nguy hiểm.
Nhật Bản của ông Abe đã sẵn sàng để trở thành một cường quốc quân sự khu vực, nếu thủ tướng nước này thành công trong việc sửa đổi Hiến Pháp cho phép biến quân đội Nhật, cho đến nay chuyên phòng thủ, thành một lực lượng tấn công.
Ấn Độ, nước đã mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp vào năm 2016, đã thúc đẩy một chính sách Hướng Đông hiện đang có kết quả mà thủ tướng Ấn Modi có ý định phát huy. Hàn Quốc là trung tâm của các cuộc đàm phán về tương lai bán đảo. Một số quốc gia Đông Nam Á đã trở thành những tác nhân an ninh thực thụ, ngay ở trung tâm vòng xoáy an ninh của Châu Á.
Bà Boisseau du Rocher cuối cùng liệt kê những điều Paris cần thực hiện để phát huy hơn nữa vai trò của minh trong vùng : Trấn an các đối tác về quyết tâm dấn thân của Pháp nhằm phục vụ một Liên Hiệp Châu Âu có trách nhiệm tại Châu Á-Thái Bình Dương, duy trì một mạng lưới các mối quan hệ song phương và đa phương, thiết lập những mối quan hệ mới, nêu bật những ưu tiên của tổng thống Macron và thử nghiệm các sáng kiến bằng cách đo lường phản ứng trước các chủ đề nhạy cảm... sẽ vô cùng quan trọng để nâng cao uy tín và ảnh hưởng Pháp hiện có trong vùng.
Mai Vân
Chiến dịch "Đá Vành Khăn" : Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông (RFI, 05/06/2017)
Phải chờ đến bốn tháng sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày 25/05/2017 vừa qua mới thấy một chiến hạm Mỹ tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Dewey quá cảnh Biển Đông ngày 06/05/2017. Ảnh tư liệu của Hải Quân Mỹ. Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS
Trong bài phân tích đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 02/06 vừa qua, tiến sĩ Lynn Kuok, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc, thỉnh giảng tại Trung Tâm Luật Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nhận định rằng : chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông đầu tiên thời chính quyền Trump là một dấu hiệu cho thấy là Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực.
Bên cạnh đó, căn cứ vào một số thông tin hiếm hoi có được về chiến dịch được khu trục hạm USS Dewey, thuộc Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief reef), có thể thấy là lần này, so với thời tổng thống Obama, Washington đã bắn đi một tín hiệu cứng rắn hơn về phía Trung Quốc.
Một cuộc tuần tra cho thấy quyết tâm tiếp tục dấn thân
Mở đầu bài viết mang tựa đề "Chiến dịch tuần tra đầu tiên của chính quyền Trump vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông : Trễ còn hơn không", tác giả bài phân tích trước hết ghi nhận tâm lý nóng ruột của cả giới quan sát lẫn các đối tác và đồng minh trong khu vực trước sự kiện chính quyền mới tại Mỹ có vẻ như bất động về Biển Đông.
Ngay từ đầu, các nhà quan sát đã tự hỏi là liệu chính quyền Donald Trump có tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông hay không, và nếu có thì vào lúc nào, và như thế nào. Theo họ, việc sẵn sàng tiến hành chiến dịch là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nói một cách rộng hơn, đó là một chỉ dấu quan trọng của sự dấn thân của Mỹ trong khu vực.
Năm 2016, tức là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đã được thực hiện theo nhịp độ 3 tháng một lần, và dù như thế, vẫn vấp phải lời chỉ trích là quá ít. Đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và cả bên ngoài khu vực đã càng lúc càng lo ngại khi thấy đã 4 tháng trôi qua mà chính quyền Trump vẫn không cho tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải nào. Điều đó đã khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Biển Đông để đánh đổi lấy hợp tác của Trung Quốc ở nơi khác, như trên vấn đề Bắc Triều Tiên chẳng hạn.
Tàu Mỹ tập trận thực sự bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn
Thông tin về chiến dịch mới đây của chiến hạm Mỹ USS Dewey bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, như vậy đã chấm dứt hàng tháng trời thắc mắc. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, nhấn mạnh rằng "chiến hạm USS Dewey đã thực hiện một cuộc "diễn tập bình thường", với bài tập "điều khiển con tàu" bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Một số thông tin còn nói rõ là chiếc tàu cũng đã di chuyển ngang dọc theo hình chữ Z, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu "người bị rơi xuống biển".
Đối với chuyên gia Lynn Kuok, như vậy là hiển nhiên chiến hạm Mỹ đã không áp dụng thủ tục "qua lại vô hại" khi đi qua vùng biển của một nước khác.
Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khi đi qua vùng 12 hải lý của một lãnh thổ nào đó, kể cả đảo, tàu một nước khác phải thực hiện cái gọi là thủ tục "qua lại vô hại - innocent passage". Dù không cần phải xin phép nước có chủ quyền, nhưng khi đi qua thì phải đi thẳng và liên tục, không được có hành vi hay hoạt động không tốt cho "hòa bình, trật tự hay an ninh" đối với quốc gia có chủ quyền, ví dụ như hoạt động quân sự hay do thám. Một bài tập kiểu "cứu người rơi xuống biển" rõ ràng là không phù hợp với quy định về quyền qua lại vô hại.
Còn ở bên ngoài vùng 12 hải lý, theo UNCLOS, đó là quyền tự do hàng hải, với một loạt quyền trong đó có tự do lưu thông hàng hải, hàng không... Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.
Khi một quan chức Mỹ mô tả là chiếc tàu USS Dewey đã thực hiện những "nhiệm vụ bình thường" và một bài tập "điều khiển con tàu", thì điều đó có nghĩa là Mỹ không áp dụng thủ tục qua lại vô hại, dùng khi đi qua hải phận quốc gia, mà là thực hiện quyền tự do hàng hải, một quyền khi di chuyển trên biển khơi và trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển.
Không công nhận lãnh hải quanh Đá Vành Khăn
Đối với chuyên gia Lynn Kuok, cách thức được chiến hạm Mỹ áp dụng đầy ý nghĩa, vì nếu chiếc USS Dewey tuân theo quy định trong thủ tục qua lại vô hại, thì điều đó có nghĩa là Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải.
Chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của chính quyền Trump tại Biển Đông như vậy đã phù hợp với phán quyết tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng 7 năm 2016 về Biển Đông, cho rằng Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi, cho nên không thể có hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế, bất kể việc Trung Quốc đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.
Theo chuyên gia trên tờ The Straits Times, hiện không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết.
Nói một cách khái quát thì việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chận nỗ lực của Trung Quốc thực hiện trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc phản đối nhưng với lập luận không thuyết phục
Trước tiên Bắc Kinh tố cáo Mỹ tác hại đến "chủ quyền và an ninh" của Trung Quốc. Thế nhưng, như phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định, Trung Quốc không thể có chủ quyền gì trên các bãi ngầm hay thực thể nửa chìm nửa nổi, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác. Đá Vành Khăn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines
Điểm thứ hai, Bắc Kinh phản đối việc chiếc USS Dewey đã đi vào "vùng biển tiếp giáp của các đảo trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) của Trung Quốc mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh".
Thật ra cho dù Mischief Reef là một thực thể có lãnh hải, điều mà phán quyết Tòa Thường Trực đã hoàn toàn phủ nhận, thì tàu chiến vẫn có quyền đi qua theo thủ tục qua lại vô hại mà không cần xin phép trước.
Thứ ba, Bộ Ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời tố cáo các chiến dịch tự do hàng hải : "hành động sai trái", "khiêu khích", "phô trương sức mạnh", "thúc đẩy quân sự hóa khu vực", "hành vi lệch lạc".
Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia là hoạt động đó chỉ là sự khẳng định quan điểm pháp lý một cách hợp pháp, ôn hòa...
Mỹ cần có thêm hành động dứt khoát chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Với việc chính quyền Trump thể hiện thái độ sẵn lòng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều quốc gia trong khu vực đã thở phào nhẹ nhõm, mặc dù một cách kín đáo và tránh xa ánh mắt giận dữ của Trung Quốc...
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Lynn Kuok, Bắc Kinh nên hiểu rằng cách tiếp cận của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà bắt nguồn từ việc bảo vệ nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định.
Về phần Hoa Kỳ, nước này không thể chỉ dừng lại một chiến dịch duy nhất, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực. Mỹ cần thường xuyên khẳng định các quyền trên Biển Đông, theo tinh thần phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đó.
Riêng đối với chính quyền Trump, cần phải nghiêm túc thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS để khỏi bị chỉ trích là đạo đức giả.
Mai Vân
******************
Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về Biển Đông (RFI, 05/06/2017)
Hôm 05/06/2017, Trung Quốc cực lực bác bỏ những tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông tại hội nghị an ninh Shanghri-la cuối tuần qua.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis (G) cùng các đồng nhiệm Nhật Bản, bà Tomomi Inada (T) và Úc, bà Marise Payne, tai Đối thoại An ninh Shangri-La, Singapore 03/06/2017. REUTERS/Edgar Su
Hôm thứ Bảy 03/05, tại Đối thoại An ninh Shangri-la, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Ông Mattis lên án thái độ "khinh miệt" của Trung Quốc đối với các nuớc láng giềng và thái độ bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành "quân sự hóa" Biển Đông. Lãnh đạo Lầu Năm Góc cho rằng "tầm mức và những tác động" của các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại những vùng đang tranh chấp ở Biển Đông khác hẳn các nước khác.
Trong một thông cáo đưa ra cuối chiều Chủ Nhật 04/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cực lực bác bỏ những tuyên bố "vô trách nhiệm" của ông Mattis và lên án một số nước bên ngoài khu vực đưa những tuyên bố "sai lạc" vì những lý do mà họ muốn che giấu. Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc có chủ quyền "không thể tranh cãi được" trên quần đảo Trường Sa và các vùng biển chung quanh.
Wahsington vẫn thường xuyên bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, vì theo họ, điều này đe dọa đến tự do hàng hải tại con đường giao thương rất quan trọng này.
Sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Úc Julie Bishop tại Sydney hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ và Úc bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, nhưng không thể chấp nhận việc Bắc Kinh dùng sức mạnh kinh tế để tránh né các vấn đề khác, như việc quân sự hóa Biển Đông hoặc không gây đủ áp lực lên Bình Nhưỡng.
Ông Tillerson nói :"Họ phải chấp nhận rằng vai trò ngày càng lớn với tư cách cường quốc kinh tế và thương mại phải đi kèm với trách nhiệm về an ninh". Cho nên ông Tillerson kêu gọi Trung Quốc và các nước khác gia tăng nỗ lực để ngăn chận chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
****************************
Trung Quốc nổi đóa vì phát biểu ‘vô trách nhiệm’ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông (VOA, 05/06/2017)
Trung Quốc tỏ rõ sự tức giận đối với những phát biểu mà nước này gọi là "vô trách nhiệm" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Biển Đông tại một diễn đàn an ninh vào cuối tuần qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ngày 3/6/2017.
Theo Reuters, ông Mattis đã cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore, ông Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực.
Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho những người đồn trú tại đó, đồng thời duy trì chủ quyền và thực hiện các trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.
Các hoạt động có chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện không liên quan gì đến việc quân sự hóa, bà Hoa nói trong bài phát biểu đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày Chủ nhật.
Bà Hoa nói thêm rằng các nước quanh khu vực Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, nhưng những kẻ khác ở bên ngoài khu vực lại "tìm cách đi ngược lại xu hướng này, liên tục đưa ra những nhận xét sai trái, phớt lờ sự thật và cố tình gây nhầm lẫn với những động cơ mờ ám".
Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng "Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi các bên liên quan ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này".
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói việc tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuần trước, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây trên một bãi đá có tranh chấp ở Biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục "bay, đi lại và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và thể hiện quyết tâm này thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và xa hơn nữa", ông Mattis khẳng định.
Bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, nhưng phản đối các cuộc biểu dương lực lượng ở Biển Đông dưới hình thức các cuộc tập trận như là những đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Reuters dẫn nguồn báo China Daily hôm thứ Hai cáo buộc Hoa Kỳ là "đạo đức giả".
Báo này nói "Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một ví dụ mới nhất về cách Hoa Kỳ bất chấp các thỏa thuận quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và ích kỷ của mình".
Ông Mattis đảm bảo Mỹ cam kết lâu dài với Châu Á (VOA, 04/06/2017)
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hồi cuối tuần đã sử dụng một diễn đàn hàng đầu về an ninh khu vực để trấn an Châu Á rằng Hoa Kỳ không rút khỏi cam kết lâu dài của họ đối với khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phát biểu về An ninh Mỹ-Á tại Singapore, 3/6/2017
Ông Mattis lưu ý rằng ông chủ yếu tham gia Đối thoại Shangri-La để lắng nghe.
Sáng Chủ nhật, ông đã có cuộc gặp đặc biệt với toàn bộ 10 lãnh đạo quốc phòng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của ông, là diễn văn thực sự đầu tiên của chính quyền ông Trump trước toàn khu vực, ông Mattis nói về tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm thế nào để mọi quốc gia, cả lớn lẫn nhỏ, đều có tiếng nói trong việc định hình hệ thống quốc tế.
Ông nói Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, cả ông Mattis lẫn Ngoại trưởng Rex Tillerson đều đã thực hiện một số chuyến đi đến khu vực, theo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, điều này thể hiện rõ cam kết lâu dài của Washington đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Ông phát biểu : "Sự cam kết lâu dài này dựa trên các lợi ích chiến lược và các giá trị chung là người dân tự do, các thị trường tự do, và một quan hệ đối tác kinh tế sôi động và mạnh mẽ, một quan hệ đối tác cởi mở đối với tất cả các quốc gia bất kể quy mô, dân số hay số lượng tàu trong hải quân, hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào khác".
Ông cũng cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng khả năng làm việc với các nước khác để đảm bảo một Châu Á hòa bình, thịnh vượng và tự do, một Châu lục tôn trọng tất cả các quốc gia đang duy trì luật pháp quốc tế.
Ông nói : "Chúng tôi không nhận thấy không quốc gia nào là một hòn đảo cô lập khỏi các quốc gia khác, chúng tôi sát cánh với các đồng minh và cộng đồng quốc tế cùng giải quyết các thách thức an ninh bức bách".
Ông Kurt Campbell, cựu trợ lý Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói bài phát biểu của ông Mattis đã mô tả tốt tính liên tục về quan điểm của Hoa Kỳ đối với khu vực.
Theo đánh giá của ông Campbell, bài phát biểu rất mạnh mẽ và có tác dụng trấn an, nhưng nó được đưa ra ngay sau khi Tổng thống rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuần trước, tại NATO, Tổng thống Trump đã không khẳng định điều 5 của Hiến chương NATO, là điều quy định rằng tấn công vào một nước là tấn công cả khối.
Ông Campbell nói ông Trump là tổng thống đầu tiên làm như vậy.
Những động thái chính sách của Tổng thống Donald Trump, dù là việc rút khỏi hiệp định Paris, hay việc ông rút khỏi nhóm các nước tham gia TPP, đều đã đặt ra những câu hỏi về con đường phía trước ở Châu Âu và Châu Á.
Ông Campbell nói rằng điều thấy rõ từ bài phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ là có một khoảng cách không thể phủ nhận giữa các phương pháp tiếp cận truyền thống mạnh mẽ của các Bộ trưởng Mattis, Tillerson, và những người khác so với cách làm của tổng thống.
Ông Campbell nói : "Chúng ta chưa có câu trả lời về việc chúng ta đang đi đến đâu liên quan đến TPP, chúng ta chưa có câu trả lời về thương mại, chúng ta chưa có câu trả lời về sự ủng hộ của chúng ta đối với các định chế. Khu vực hiện đang kiên nhẫn, họ đã chấp nhận là Hoa Kỳ đúng dù không có bằng chứng, nhưng điều đó sẽ không kéo dài được lâu hơn nữa".
Tuy nhiên, một số người không lo lắng, họ lưu ý rằng tổng thống Mỹ mới nắm quyền vài tháng và các quan chức của ông đã thường xuyên thăm khu vực, những điều này nêu bật cam kết liên tục với khu vực.
********************
Shangri-la : Pháp, Nhật hoan nghênh Mỹ hiện diện quân sự ở Châu Á (RFI, 04/06/2017)
Diễn Đàn An Ninh khu vực kết thúc vào Chủ Nhật 04/06/2017 tại Singapore. Một hôm trước, hai nữ Bộ trưởng quốc phòng Nhật và Pháp, kẻ trước người sau, hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc và Bắc Triều Tiên bị xem là mối đe dọa gây lo ngại cho toàn khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Tomomi Inada phát biểu tại diễn đàn an ninh Châu Á - Đối Thoại Shangri-la, Singapore, ngày 03/06/2017. Reuters
Theo AP, trong phần phát biểu tại Diễn Đàn An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương, còn được gọi là Đối Thoại Shangri-la, được tổ chức hàng năm ở Singapore, nữ Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cổ vũ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, cũng như lập trường cứng rắn của Washington đối với Bắc Triều Tiên. Nữ Bộ trưởng Nhật nhấn mạnh là Tokyo sẽ kết hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền Donald Trump, để tăng sức ép lên chế độ Bình Nhưỡng, mà khả năng đe dọa đã lên "mức độ mới".
Paris cũng chia sẻ mối lo âu của Nhật Bản và giới chuyên gia an ninh của 39 nước tham dự Đối Thoại Shangri-la. Bà Sylvie Goulard, nữ Bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp, tên mới của bộ quốc phòng , lưu ý Bắc Triều Tiên là quốc gia duy nhất thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở thế kỷ thứ 21 này. Thái độ của Bình Nhưỡng vừa gây căng thẳng trong khu vực, nơi mà Pháp có quyền lợi kinh tế rất quan trọng, vừa có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang, bà Sylvie Goulard nhấn mạnh.
AP cho biết thêm, hai nữ Bộ trưởng quốc phòng Pháp, Nhật cùng kêu gọi Mỹ tiếp tục bảo đảm "trật tự dựa trên những luật lệ tự do hàng hải trong vùng Biển Đông", nơi mà Trung Quốc tranh giành chủ quyền biển đảo với nhiều nước Đông Nam Á.
Cho dù Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris với nhiều "hệ quả tai hại" nhưng Bộ trưởng Quân Lực Pháp tuyên bố "không có lý do gì nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương".
Đối Thoại An Ninh Shangri-la diễn ra trong ba ngày và kết thúc vào Chủ Nhật 04/06 với mối đe dọa của Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là với tổ chức Daesh đang bắt rễ tại Đông Nam Á.
Theo Jakarta, ít nhất 1.200 chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo đang hoạt động tại Philippines. Bộ trưởng quốc phòng Malaysia cho biết có kế hoạch cùng Hải Quân của hai quốc gia láng giềng Indonesia và Philippines tuần tiễu chung trong tháng này.
Tú Anh
***********************
Bắc Kinh bị chỉ trích về Biển Đông, Hoa Đông (VOA, 04/06/2017)
Tại hội nghị an ninh khu vực hồi cuối tuần, Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho dù các đại diện của Bắc Kinh lập luận rằng nước của họ tuân thủ luật phát quốc tế.
Các Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật, Hàn bắt tay khi gặp bên lề Đối thoại Shangri-La, Singapore, 3/6/2017
Các Bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Nhật và Úc cũng lên tiếng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm ngoái tuyên có lợi cho Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại Diễn đàn An ninh Châu Á ở Singapore, hôm 3/6, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã phản đối việc Trung Quốc khuấy động những căng thẳng ở Biển Đông. Ông nói : "Xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các cơ sở trên các thực thể ở vùng lãnh hải quốc tế làm xói mòn sự ổn định của khu vực".
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Tomomi Inada cũng có lời chỉ trích tương tự dành cho Trung Quốc. Dù không nêu đích danh, bà nói ngụ ý rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm nhiều nhất về những thay đổi đối với tình hình an ninh ở các vùng biển.
Bà nói : "Ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, chúng ta tiếp tục thấy là dù không hề bị khiêu khích vẫn có những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng dựa vào những sự áp đặt không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế hiện có".
Bà Inada khẳng định : "Về Biển Đông, tòa trọng tài đã ra phán quyết giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 7/2016".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về Biển Đông nhưng vấp phải phản đối của Việt Nam và một số nước khác. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền về các đảo ở Biển Hoa Đông.
Bộ trưởng quốc phòng Úc Marise Payne cũng nêu ra quyết định của tòa trọng tài trong phát biểu của mình. Bà nhấn mạnh : "Các tàu và máy bay của chúng tôi sẽ hoạt động ở Biển Đông như đã làm trong hàng thập kỷ qua, phù hợp với quyền tự do hàng hải và hàng không. Và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quyền của các nước khác được thực hiện các quyền này".
Trong một tuyên bố chung, ba nước Mỹ, Nhật và Úc kêu gọi "đối thoại, hợp tác và can dự" với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh cam kết với luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải và hàng không.
Họ kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền hãy "dừng các hoạt động bồi đắp, phi quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, và tránh các hành động khiêu khích có thể làm tăng căng thẳng".
Đoàn của Giải phóng quân Trung Quốc đã họp báo sau khi các Bộ trưởng quốc phòng 3 nước kể trên đọc diễn văn. Các đại biểu Trung Quốc nói nước họ tuân theo luật pháp quốc tế và họ cảm thấy bị tách ra cũng như bị chỉ trích một cách không công bằng.
(theo South China Morning Post, Express.co.uk)
************************
Shangri-la : Jakarta khẳng định Daesh có 1200 chiến binh tại Philippines (RFI, 04/06/2017)
Tổ chức Nhà Nước Hồi giáo - Daesh - có 1.200 tay súng, trong số này có hàng chục công dân Indonesia, hoạt động tại Philippines. Tin này do Bộ trưởng quốc phòng Indonesia loan báo Chủ Nhật 04/06/2017, ngày cuối cùng kết thúc Diễn Đàn An Ninh Shangri-la, Singapore, được tập trung vào đe dọa khủng bố Hồi giáo.
Quân đội Philippes tấn công lực lượng hồi giáo chiếm phần lớn thành phố Marawi. Ảnh ngày 02/06/2017. Reuters
Trong bối cảnh trận đánh đẫm máu đối đầu giữa quân đội Philippines và một nhóm Hồi giáo võ trang tuyên bố theo Daesh ở thành phố Marawi, miền nam Philippines vẫn tiếp diễn, Jakarta, qua tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Ryamizard Ryacudu, kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á hợp tác chống Daesh.
Trước các đồng nhiệm quốc tế họp tại Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Indonesia cho biết "vừa được thông báo trong đêm, khoảng 1.200 chiến binh Daesh, trong đó có độ chừng 40 người Indonesia, đang chiến đấu tại Philippines".
Một phần thành phố Marawi, ở miền nam Philippines vẫn còn bị một nhóm Hồi giáo võ trang kiểm soát sau hai tuần xung đột với quân đội chính phủ, làm 177 người chết, trong số này có 120 chiến binh Hồi giáo.
Phủ nhận con số 1.200 chiến binh Daesh do Indonesia đưa ra, thứ trưởng quốc phòng Philippines Ricardo Davis thẩm định Daesh có chừng 250 cho đến 400 chiến binh là nhiều, trong số này có 40 người nước ngoài tham dự trận đánh Marawi.
Hồi đầu tuần, Manila báo động có nhiều tay súng Indonesia, Malaysia, Yemen, Saudi Arabia và Tchetchenia xâm nhập Philippines. Một số bị bắn chết trong trận Marawi.
Một trong những đề nghị đối phó cụ thể được Malaysia loan báo là kể từ 19/06, Hải Quân ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ tuần tiễu chung. Không Quân sẽ tham gia sau.
Thủ phạm đốt sòng bạc ở Manila không phải là khủng bố
Theo cảnh sát Philippines, người đàn ông phóng hỏa đốt một sòng bạc ở Manila vào thứ Bảy 27/05 làm chết 37 người là một kẻ nghiện bài bạc đến sạt nghiệp.
Cảnh sát Philippines đã truy ra danh tính thủ phạm là Jessie Javier Carlos, 43 tuổi, có vợ và ba con. Từ hai tháng nay, đương sự, một công chức của bộ Tài Chính, bị hợp tác xã bài bạc Philippines cấm cửa các casino. Tuyệt vọng, Carlos đã phóng hỏa sòng bạc để trả hận và sau đó tẩm xăng tự thiêu ở một khách sạn.
Khi vụ việc xẩy ra, Daesh, qua kênh tuyên truyền Amaq, tự nhận là một "chiến binh thánh chiến" đã ra tay.
Tú Anh
Diễn đàn an ninh vùng : Biển Đông nằm ở đâu ? (BBC, 02/06/2017)
Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh khu vực, sắp khai mạc nhưng chưa rõ lập trường của Hoa Kỳ là gì và căng thẳng ở Biển Đông nằm ở đâu trong nghị trình.
Lãnh đạo liên minh quân sự 5 nước là Úc, Anh, Singapore, Malaysia và New Zealand (FPDA) họp báo chung hôm 02/06
Diễn đàn năm nay có sự tham dự của 12 Bộ trưởng quốc phòng.
Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, hiện đang thăm Singapore, sẽ có bài phát biểu nhập đề vào tối hôm khai mạc 2/6.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Thứ trưởng Quốc phòng, và Thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an đại diện đoàn Việt Nam.
Tướng Nam sẽ phát biểu tại một phiên thảo luận có chủ đề "Các biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên biển" vào chiều 3/6.
Đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tham gia phiên thảo luận này.
Bắc Kinh vài năm gần đây có động thái muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của diễn đàn an ninh mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh thường đóng vai trò khuynh đảo nghị trình thảo luận.
Vào sáng hôm 2/6, lãnh đạo liên minh quân sự 5 nước là Úc, Anh, Singapore, Malaysia và New Zealand (FPDA) đã có cuộc họp báo chung khẳng định sự cần thiết và hợp thời của nhóm này trong cấu trúc an ninh khu vực.
Phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC có mặt tại họp báo cho biết mặc dù các phóng viên hỏi về tranh chấp lãnh thổ và khả năng tuần tra chung tại Biển Đông, cử tọa dường như không muốn bình luận cụ thể vào chủ đề này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Tướng James Mattis, sẽ chủ trì phiên thảo luận mở màn vào hôm 3/6 với chủ đề Hoa Kỳ và An ninh Châu Á Thái Bình Dương.
Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ năm 2002 dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Chính phủ Singapore.
Hội nghị này mang tên của khách sạn nơi các cuộc gặp song phương và đa phương diễn ra từ 2-4 tháng Sáu.
*****************
Đối tác Châu Á chờ Mỹ làm rõ chính sáchb (RFI, 02/06/2017)
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull phát biểu tại Diễn Đàn an ninh Châu Á - Shangri-La Dialogue - ở Singapore, ngày 02/06/2017.Reuters
Diễn đàn an ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La, tại Singapore, diễn ra từ hôm nay 02/06 đến Chủ Nhật 04/06/2017. Diễn đàn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo quốc phòng, chuyên gia về an ninh quốc tế từ khoảng 40 quốc gia. Trong dịp hội nghị lần thứ 16 này, mọi chú ý đều đổ dồn vào Hoa Kỳ, với hy vọng là bài phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ làm rõ chính sách an ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Washington trong nhiệm kỳ Donald Trump.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ có bài phát biểu tại phiên họp khoáng đại sáng 03/06, có chủ đề chính là "Hoa Kỳ và an ninh Châu Á-Thái Bình Dương". Cho đến nay, mặc dù tổng thống Mỹ và các cố vấn thân cận vẫn khẳng định tầm quan trọng của khu vực, nhưng theo nhiều nhà ngoại giao Châu Á, Washington chưa khẳng định rõ chính sách trong thời gian tới, tiếp tục đường lối xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của người tiền nhiệm, hay có những thay đổi.
Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đối Thoại Shangri-La, thái độ của Hoa Kỳ được chú ý nhất chứ không phải là Trung Quốc như điều thường thấy.
Theo Reuters, trên đường tới Singapore dự hội nghị, trả lời báo giới, Bộ trưởng James Mattis cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến một "trật tự thế giới" cần thiết cho hòa bình tại Châu Á, ngụ ý nhắc đến hồ sơ hạt nhân nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên, với tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Trong lần thứ hai tới Châu Á, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đặc biệt có kế hoạch gặp các đồng nhiệm Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Ông James Mattis khẳng định quan điểm của Bộ quốc phòng Mỹ là tăng cường hợp tác với các đồng minh, hỗ trợ các nước nâng cao khả năng tự phòng vệ và gia tăng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ để ngăn ngừa chiến tranh.
Vẫn theo Reuters, lãnh đạo Bộ quốc phòng Mỹ cho biết ủng hộ "về nguyên tắc" đề xuất của thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng Viện, về ngân sách quân sự 7,5 tỉ đô la cho Châu Á-Thái Bình Dương.
Việc Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hai lần thử hạt nhân từ đầu năm ngoái đến nay đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, rõ ràng là vấn đề hàng đầu của hội nghị Shangri-la lần này. "Những nguy cơ hạt nhân tại Châu Á-Thái Bình Dương" sẽ là chủ đề của một phiên thảo luận cuối chiều mai. Vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập tới trong phiên thảo luận về "các biện pháp tránh xung đột trên biển".
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới trên đường tới Singarpore, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến đòi hỏi tuân thủ "luật pháp quốc tế", một diễn đạt rõ ràng liên quan đến các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc tại một số khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Việc Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump, lần đầu tiên cử chiến hạm vào trong khu vực 12 hải lý của một đảo nhân tạo (đá Vành Khăn) do Trung Quốc kiểm soát tại quần đảo Trường Sa hồi tuần trước (ngày 25/05), để bảo vệ quyền tự do hàng hải, mang lại một tín hiệu phần nào cho thấy Washington không từ bỏ cam kết.
Về diễn đàn Shangri-la lần này, giới quan sát cũng chú ý đến việc đoàn Trung Quốc chỉ do một lãnh đạo cấp thấp dẫn đầu, một tướng về hưu thuộc Viện hàn lâm quân sự. Về phía Việt Nam, thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công An, sẽ có bài phát biểu trong phiên thảo luận về "các biện pháp tránh va chạm trên biển".
Trọng Thành
*****************
Trung Quốc cử đoàn cấp thấp, ngóng Mỹ lên tiếng (VietTimes, 02/06/2017)
Diễn đàn an ninh Châu Á, tức Đối thoại Shangri-La 2017 tại Singapore có sự tham gia của nhiều lãnh đạo quốc phòng, chuyên gia về an ninh quốc tế từ khoảng 40 quốc gia. Mọi chú ý đều đổ dồn vào Mỹ, với hy vọng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ làm rõ chính sách an ninh Châu Á-Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Mattis tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh : Vnexpress.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ có bài phát biểu tại phiên họp sáng 3/6 với chủ đề chính là "Mỹ và an ninh Châu Á-Thái Bình Dương". Cho đến nay, mặc dù tổng thống Mỹ và các cố vấn thân cận vẫn khẳng định tầm quan trọng của khu vực, nhưng theo nhiều nhà ngoại giao Châu Á, Washington chưa khẳng định rõ chính sách trong thời gian tới, tiếp tục đường lối xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của người tiền nhiệm, hay có những thay đổi.
Giới quan sát đánh giá, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đối thoại Shangri-La, thái độ của Mỹ được chú ý nhất chứ không phải là Trung Quốc.
Reuters đưa tin, trên đường tới Singapore dự hội nghị, Bộ trưởng James Mattis cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến một "trật tự thế giới" cần thiết cho hòa bình tại Châu Á, hàm ý nhắc đến vấn đề hạt nhân nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên, với tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ có kế hoạch gặp các đồng nhiệm Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Ông James Mattis khẳng định quan điểm của Mỹ là tăng cường hợp tác với các đồng minh, hỗ trợ các nước nâng cao khả năng tự phòng vệ và gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ để ngăn ngừa chiến tranh.
Theo Reuters, lãnh đạo Bộ quốc phòng Mỹ cho biết ủng hộ về nguyên tắc đề xuất của thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện về ngân sách quân sự 7,5 tỉ USD cho Châu Á-Thái Bình Dương.
Tình hình Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hai lần thử hạt nhân từ đầu năm 2016 đến nay đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, rõ ràng là vấn đề hàng đầu của hội nghị Shangri-la lần này. "Những nguy cơ hạt nhân tại Châu Á-Thái Bình Dương" sẽ là chủ đề của một phiên thảo luận cuối chiều 3/6. Vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập tới trong phiên thảo luận về "các biện pháp tránh xung đột trên biển".
Bộ trưởng Mattis cũng cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến đòi hỏi tuân thủ "luật pháp quốc tế", một diễn đạt rõ ràng liên quan đến các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo giới quan sát, việc Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump lần đầu tiên cử chiến hạm vào trong khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn do Trung Quốc kiểm soát trái phép tại quần đảo Trường Sa hôm 25/5 nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, đã phần nào cho thấy Washington không từ bỏ cam kết với các đồng minh và khu vực.
Tham dự diễn đàn Shangri-la lần này, đáng chú ý là đoàn Trung Quốc chỉ cử lãnh đạo cấp thấp là một tướng về hưu thuộc Viện hàn lâm quân sự dẫn đầu.
An Công