Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2019

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ 'trầm lặng' khi dự Đối thoại Shangri-La ?

Nguyễn Khắc Giang

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng đại diện Việt Nam để lại ấn tượng lớn nhất ở Đối thoại Shangri-La là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và dự báo Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch "sẽ tham dự sự kiện này một cách khá trầm lặng".

ngo1

Đối thoại Shangri-La dự kiến bắt đầu vào hôm 31/5

Tâm điểm của diễn đàn hợp tác an ninh-quốc phòng Châu Á dự kiến diễn ra tại Singapore từ hôm 31/5 đến 2/6 được dự báo là cuộc gặp giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

'Tâm điểm chú ý'

Tác giả Prashanth Parameswaran viết trên trang The Diplomat :

"Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, có thể chủ đề cạnh tranh cao độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là tâm điểm chú ý của giới quan sát. Trong khi giới truyền thông có thể chú ý hơn đến các hành động kế tiếp của chính phủ Mỹ đối với Huawei hoặc cuộc gặp khả dĩ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị G-20 ở Nhật Bản vào tháng 6/2019".

"Trung Quốc lần đầu tiên cử bộ trưởng Quốc phòng dự sự kiện này sau gần một thập kỷ trong lúc quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan được trông đợi sẽ đưa ra những nét chính về khía cạnh quốc phòng của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIPS). Dự kiến phát ngôn và hoạt động của hai quan chức nêu trên sẽ chiếm trọng tựa bài tường thuật về sự kiện mỗi ngày của truyền thông".

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết : "Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hoà bình và phát triển".

"Đây cũng là mục tiêu chính và quan trọng của đoàn Việt Nam tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La".

ngo2

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Jim Mattis tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10/2018. Ông Mattis rời chức vào cuối tháng 2/2019

'Truyền thống trầm lặng'

Trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Việt hôm 28/5, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, bình luận :

"Những câu chuyện trọng tâm ở Shangri-La mỗi năm vẫn luôn xoay quanh chủ đề an ninh khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt là sau những căng thẳng vừa qua trên cả phương diện kinh tế và an ninh. Việc Mỹ cho tàu chiến đi gần bãi cạn Scarborough và eo Đài Loan gần đây là một ví dụ. Phát biểu của quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, và cuộc gặp giữa hai bên nếu diễn ra, có lẽ sẽ là sự kiện được chờ đợi nhất. Theo tôi, ngoài ra, vấn đề Bắc Hàn và an ninh mạng - cái thứ nhất về an ninh truyền thống và cái thứ hai là an ninh phi truyền thống, sẽ là các chủ đề quan trọng trọng diễn đàn".

BBC : Theo ông, việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nay là ông Ngụy Phượng Hòa, tham dự Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, là chỉ dấu của việc gì ?

Nguyễn Khắc Giang : Trong sự kiện này những năm trước, Bắc Kinh có lý do để không cử đại diện cấp cao tham gia Shangri-La. Họ luôn cho rằng diễn đàn này tập hợp các tiếng nói "thân" Mỹ, và là cái cớ để các nước "đánh hội đồng" Trung Quốc về các vấn đề trong khu vực. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng muốn đẩy mạnh diễn đàn an ninh của riêng họ - Diễn đàn Hương Sơn - nên không muốn tỏ ra quá hào hứng với Shangri-La.

Nhưng có lẽ sau một thời gian, họ nhận ra việc để trống Shangri-La sẽ khiến họ chịu thiệt thòi trong việc thể hiện quan điểm của mình, phản pháo lại các quan điểm đối lập, cũng như thấu hiểu quan điểm của các nước trong khu vực về chính sách của Bắc Kinh. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang gia tăng, chiến lược Vành đai-Con đường (BRI) đối diện với nhiều phản ứng tiêu cực, cũng như tâm lý bài Trung xuất hiện ở khu vực, Bắc Kinh có thể cho rằng họ chưa thể một mình một lối mà vẫn cần phải tham gia vào những cuộc đối thoại trong khu vực.

BBC : Từ quan sát của ông thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịchsẽ để lại dấu ấn nào trong sự kiện này ?

Nguyễn Khắc Giang : Theo tôi thấy, vị đại diện Việt Nam để lại ấn tượng lớn nhất ở Shangri-La là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013 với bài phát biểu về "lòng tin chiến lược". Còn lại phần lớn các đại biểu Việt Nam tại sự kiện này các năm sau đều tham dự một cách khá trầm lặng.

Nguyên do có thể là bởi chính sách quốc phòng thận trọng và nguyên tắc lãnh đạo tập thể, không thể hiện quan điểm cá nhân. Tôi nghĩ ông Ngô Xuân Lịch lần này cũng sẽ tiếp tục truyền thống này, và sẽ khó có đột phá nào ngoại trừ các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với các đối tác.

BBC : Liệu Biển Đông sẽ được nhắc đến tại Đối thoại Shangri-La thế nào trong bối cảnh sau khi tàu chiến Mỹ có những động thái lại gần Scarborough, qua eo biển Đài Loan vào trung tuần tháng 5/2019 ?

Nguyễn Khắc Giang : Biển Đông đã và sẽ là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Shangri-La, đặc biệt là sau một loạt các động thái cứng rắn vừa qua của Mỹ và các đồng minh để thể hiện quyền tự do hàng hải, hay dự luật đệ trình nhằm trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động quân sự trên Biển Đông.

BBC : ý kiến cho rằng Đối thoại Shangri-La hiện chỉ được xem như một diễn đàn về quân sự khu vực, nơi các đoàn đại biểu có thể nêu và tiếp nhận ý kiến chứ chưa có một cơ chế ràng buộc nào, hoặc đem lại sự thay đổi đáng kể về chính sách quân sự, quốc phòng của các nước trong khu vực sau đó. Ông nghĩ gì về bình luận này ?

Nguyễn Khắc Giang : Dù là một diễn đàn phi chính thức, Shangri-La là nơi tập trung những tiếng nói quan trọng nhất về vấn đề an ninh trong khu vực.

Đúng như tinh thần của tên gọi (Đối thoại Shangri-La), những trao đổi không mang tính ràng buộc, nhưng sẽ khiến các bên hiểu nhau hơn, và sẽ là tiền đề cho các hợp tác chính thức. Trong bối cảnh khu vực không có nhiều các diễn đàn chính thức (như diễn đàn khu vực Asean, ARF), thì đây vẫn là một kênh ngoại giao quan trọng cho tất cả các bên tham gia, thậm chí là để thể hiện các quan điểm vốn sẽ trở nên nhạy cảm hơn tại các diễn đàn chính thức.

Ben Ngô thực hiện

Nguồn : BBC, 29/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)