Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng đại diện Việt Nam để lại ấn tượng lớn nhất ở Đối thoại Shangri-La là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và dự báo Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch "sẽ tham dự sự kiện này một cách khá trầm lặng".

ngo1

Đối thoại Shangri-La dự kiến bắt đầu vào hôm 31/5

Tâm điểm của diễn đàn hợp tác an ninh-quốc phòng Châu Á dự kiến diễn ra tại Singapore từ hôm 31/5 đến 2/6 được dự báo là cuộc gặp giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

'Tâm điểm chú ý'

Tác giả Prashanth Parameswaran viết trên trang The Diplomat :

"Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, có thể chủ đề cạnh tranh cao độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là tâm điểm chú ý của giới quan sát. Trong khi giới truyền thông có thể chú ý hơn đến các hành động kế tiếp của chính phủ Mỹ đối với Huawei hoặc cuộc gặp khả dĩ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị G-20 ở Nhật Bản vào tháng 6/2019".

"Trung Quốc lần đầu tiên cử bộ trưởng Quốc phòng dự sự kiện này sau gần một thập kỷ trong lúc quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan được trông đợi sẽ đưa ra những nét chính về khía cạnh quốc phòng của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIPS). Dự kiến phát ngôn và hoạt động của hai quan chức nêu trên sẽ chiếm trọng tựa bài tường thuật về sự kiện mỗi ngày của truyền thông".

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết : "Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hoà bình và phát triển".

"Đây cũng là mục tiêu chính và quan trọng của đoàn Việt Nam tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La".

ngo2

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Jim Mattis tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10/2018. Ông Mattis rời chức vào cuối tháng 2/2019

'Truyền thống trầm lặng'

Trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Việt hôm 28/5, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, bình luận :

"Những câu chuyện trọng tâm ở Shangri-La mỗi năm vẫn luôn xoay quanh chủ đề an ninh khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt là sau những căng thẳng vừa qua trên cả phương diện kinh tế và an ninh. Việc Mỹ cho tàu chiến đi gần bãi cạn Scarborough và eo Đài Loan gần đây là một ví dụ. Phát biểu của quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, và cuộc gặp giữa hai bên nếu diễn ra, có lẽ sẽ là sự kiện được chờ đợi nhất. Theo tôi, ngoài ra, vấn đề Bắc Hàn và an ninh mạng - cái thứ nhất về an ninh truyền thống và cái thứ hai là an ninh phi truyền thống, sẽ là các chủ đề quan trọng trọng diễn đàn".

BBC : Theo ông, việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nay là ông Ngụy Phượng Hòa, tham dự Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, là chỉ dấu của việc gì ?

Nguyễn Khắc Giang : Trong sự kiện này những năm trước, Bắc Kinh có lý do để không cử đại diện cấp cao tham gia Shangri-La. Họ luôn cho rằng diễn đàn này tập hợp các tiếng nói "thân" Mỹ, và là cái cớ để các nước "đánh hội đồng" Trung Quốc về các vấn đề trong khu vực. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng muốn đẩy mạnh diễn đàn an ninh của riêng họ - Diễn đàn Hương Sơn - nên không muốn tỏ ra quá hào hứng với Shangri-La.

Nhưng có lẽ sau một thời gian, họ nhận ra việc để trống Shangri-La sẽ khiến họ chịu thiệt thòi trong việc thể hiện quan điểm của mình, phản pháo lại các quan điểm đối lập, cũng như thấu hiểu quan điểm của các nước trong khu vực về chính sách của Bắc Kinh. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang gia tăng, chiến lược Vành đai-Con đường (BRI) đối diện với nhiều phản ứng tiêu cực, cũng như tâm lý bài Trung xuất hiện ở khu vực, Bắc Kinh có thể cho rằng họ chưa thể một mình một lối mà vẫn cần phải tham gia vào những cuộc đối thoại trong khu vực.

BBC : Từ quan sát của ông thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịchsẽ để lại dấu ấn nào trong sự kiện này ?

Nguyễn Khắc Giang : Theo tôi thấy, vị đại diện Việt Nam để lại ấn tượng lớn nhất ở Shangri-La là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013 với bài phát biểu về "lòng tin chiến lược". Còn lại phần lớn các đại biểu Việt Nam tại sự kiện này các năm sau đều tham dự một cách khá trầm lặng.

Nguyên do có thể là bởi chính sách quốc phòng thận trọng và nguyên tắc lãnh đạo tập thể, không thể hiện quan điểm cá nhân. Tôi nghĩ ông Ngô Xuân Lịch lần này cũng sẽ tiếp tục truyền thống này, và sẽ khó có đột phá nào ngoại trừ các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với các đối tác.

BBC : Liệu Biển Đông sẽ được nhắc đến tại Đối thoại Shangri-La thế nào trong bối cảnh sau khi tàu chiến Mỹ có những động thái lại gần Scarborough, qua eo biển Đài Loan vào trung tuần tháng 5/2019 ?

Nguyễn Khắc Giang : Biển Đông đã và sẽ là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Shangri-La, đặc biệt là sau một loạt các động thái cứng rắn vừa qua của Mỹ và các đồng minh để thể hiện quyền tự do hàng hải, hay dự luật đệ trình nhằm trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động quân sự trên Biển Đông.

BBC : ý kiến cho rằng Đối thoại Shangri-La hiện chỉ được xem như một diễn đàn về quân sự khu vực, nơi các đoàn đại biểu có thể nêu và tiếp nhận ý kiến chứ chưa có một cơ chế ràng buộc nào, hoặc đem lại sự thay đổi đáng kể về chính sách quân sự, quốc phòng của các nước trong khu vực sau đó. Ông nghĩ gì về bình luận này ?

Nguyễn Khắc Giang : Dù là một diễn đàn phi chính thức, Shangri-La là nơi tập trung những tiếng nói quan trọng nhất về vấn đề an ninh trong khu vực.

Đúng như tinh thần của tên gọi (Đối thoại Shangri-La), những trao đổi không mang tính ràng buộc, nhưng sẽ khiến các bên hiểu nhau hơn, và sẽ là tiền đề cho các hợp tác chính thức. Trong bối cảnh khu vực không có nhiều các diễn đàn chính thức (như diễn đàn khu vực Asean, ARF), thì đây vẫn là một kênh ngoại giao quan trọng cho tất cả các bên tham gia, thậm chí là để thể hiện các quan điểm vốn sẽ trở nên nhạy cảm hơn tại các diễn đàn chính thức.

Ben Ngô thực hiện

Nguồn : BBC, 29/05/2019

Published in Diễn đàn

Theo báo chí, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội bản tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Trong đó, trả lời cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ về những biểu hiện "sân sau", "lợi ích nhóm"... trong các vụ án tham nhũng mà cử tri nêu.

thanhuu1

Chủ nghĩa thân hữu và doanh nghiệp sân sau - Tranh minh họa

Vấn đề này cũng được cử tri Đà Nẵng đặt ra với Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, theo đó đề nghị Quốc hội nghiên cứu tiến hành giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử, có công ty sân sau làm kinh tế, có lợi ích nhóm, "chống lưng" cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật...

Nhìn chung, người dân quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến mối quan hệ không minh bạch giữa những cá nhân giữ chức vụ cao của chính quyền và các công ty thân hữu, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Vấn đề "sân sau" không phải là mới ở nước ta. Dưới thời bao cấp, những ai thân tín với quản lý cửa hàng mậu dịch sẽ dễ tiếp cận với các loại hàng hóa vốn rất khan hiếm. Mẹ tôi - người từng làm việc trong một tổ xay xát gạo thời đó - luôn biết cách cân gạo lúc nào để người thân được nhiều hơn một chút. Câu nói "nhất quan hệ, nhì tiền tệ" có lẽ xuất phát từ giai đoạn này. Bước sang thời kỳ đổi mới, khi các mối quan hệ kinh tế trở nên phức tạp hơn, nguy cơ tham nhũng chính sách từ "thân hữu" trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Sự xuất hiện của "sân sau" diễn ra dưới hai hình thức chính : những tổ chức kinh doanh có quan hệ thân thiết với quan chức, cơ quan nhà nước (những công ty của người thân trong gia đình, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa), hoặc những doanh nghiệp đủ tiền để mua sự ủng hộ của họ. Những doanh nghiệp "sân sau" này sẽ hưởng đặc quyền tiếp cận những dự án lớn (xây dựng cơ sở hạ tầng), khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay sở hữu quỹ đất vàng với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực. Đổi lại, cơ quan nhà nước hoặc quan chức sẽ được "lại quả" các quyền lợi, chủ yếu là vật chất.

Về mặt thực tiễn, chưa có doanh nghiệp nào bị cáo buộc là "sân sau", nhưng nghi ngờ của công chúng đổ dồn về các dự án giao thông trong thời gian gần đây, đặc biệt là với các dự án chỉ định thầu như Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Lào Cai... Vụ án "Vũ Nhôm" ở Đà Nẵng đậm dấu ấn của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, vốn lợi dụng danh nghĩa "bình phong" của Bộ Công an để thu gom "đất vàng". Trong vụ án tổ chức đánh bạc trực tuyến với số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng ngàn tỉ đồng xoay quanh CNC, một doanh nghiệp "bình phong" của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Bộ Công an, hội đồng xét xử vừa truy xét về những lợi ích mà các bị cáo từng là cán bộ công an cao cấp nhận được.

"Sân sau" không phải là đặc thù ở Việt Nam. Bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn đầu phát triển của nền kinh tế thị trường đều có hiện tượng này, với tên gọi "chủ nghĩa tư bản thân hữu". Lý do là khi nền tảng pháp quyền chưa đủ mạnh, năng lực kiểm tra của nhà nước chưa cao, và chức năng giám sát của người dân chưa được coi trọng, các doanh nghiệp sẽ có khoảng trống để thiết lập và lợi dụng mối quan hệ "thân hữu" với quan chức cấp cao. Chủ nghĩa thân hữu - với ưu tiên đặc biệt cho một nhóm nhỏ doanh nghiệp - đã phần nào giúp tạo ra những đế chế khổng lồ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, hay các tỉ phú dầu mỏ ở Nga (sau khi Liên Xô sụp đổ). Nhưng tất nhiên, nó thường được nhắc đến bởi tác động tiêu cực khi làm lũng đoạn nền kinh tế, do phân bổ nguồn lực không dựa trên hiệu quả và năng lực thực tế của doanh nghiệp. Chủ nghĩa thân hữu tiêu diệt cạnh tranh bình đẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lành mạnh của môi trường kinh doanh và sức sáng tạo của nền kinh tế trong dài hạn.

Bởi vậy, giải quyết vấn đề "sân sau" không chỉ là nhằm giải tỏa bức xúc cho người dân, mà còn mang ý nghĩa quyết định cho đường hướng phát triển của một quốc gia. Cần phải hiểu rằng "sân sau" đến cùng với kinh tế thị trường, nhưng không phải là hệ quả tất yếu của nó. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, minh bạch, với hệ thống pháp luật nghiêm minh, chủ nghĩa thân hữu sẽ khó tồn tại - ít nhất là dưới những dạng thức đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Những cá nhân nắm giữ vị trí cao trong chính quyền sẽ phải từ bỏ những hoạt động có thể gây xung đột lợi ích. Hệ thống trách nhiệm giải trình chéo với các nhánh quyền lực nhà nước giám sát lẫn nhau, cùng với hệ thống giải trình dọc với cử tri và người dân sẽ làm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng chính sách. Báo chí - với chức năng "quyền lực thứ tư" - cũng góp vai trò quan trọng trong việc giám sát tính liêm chính của bộ máy nhà nước.

Như thế, xử lý chủ nghĩa thân hữu cần đi cùng với cải cách thể chế, bao gồm việc xóa bỏ những cơ chế tạo ra tham nhũng chính sách và tăng cường năng lực giám sát cả từ bên trong lẫn bên ngoài bộ máy nhà nước. Việc chuyển giao doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ, ngành về một cơ quan chủ quản thống nhất vừa qua là một ví dụ cụ thể để giảm thiểu rủi ro "vừa đá bóng vừa thổi còi". Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU quy định rõ các điều khoản về doanh nghiệp nhà nước và mua sắm công, yêu cầu nguyên tắc trung lập và minh bạch trong hai lĩnh vực vốn được coi là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa thân hữu này.

Hành động quyết liệt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như các cơ quan nhà nước trong thời gian vừa qua có vai trò nền tảng để loại bỏ chủ nghĩa thân hữu. Tuy nhiên, quyết tâm chính trị cần phải đi kèm với cải cách thể chế thì doanh nghiệp sân sau mới không có chỗ núp bóng. Đó tất nhiên là một hành trình dài, đòi hỏi nỗ lực và sự kiên nhẫn rất lớn từ những nhà xây dựng chính sách. 

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn : TBKTSG, 22/11/2018

Published in Diễn đàn

Mặc dù là bạn bè cộng sản của nhau, chế độ độc đảng của Việt Nam được coi là tương đối dân chủ hơn Trung Quốc. Lời khen ngợi này là do sự lãnh đạo dựa trên sự đồng thuận của Việt Nam, dân chủ nội bộ, và xã hội dân sự ít bị trấn áp hơn. Tuy nhiên, những yếu tố này đã xấu đi rõ rệt kể từ khi ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, được bầu lại vào đầu năm 2016. Xu hướng này đã được đẩy nhanh khi Đảng cộng sản chuẩn bị tổ chức cuộc họp giữa kỳ vào mùa xuân này , Hội nghị lần thứ 7, khi đó sẽ có những quyết định quan trọng về lãnh đạo và cải cách nội bộ.

theo1

Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình tại Hà Nội, vào tháng 11/2017.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) dưới sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng đáng sợ để trấn áp cả "hổ và ruồi" sau Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2012, chính trị nội bộ vẫn là cuộc chiến giữa Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng khi ấy Nguyễn Tấn Dũng. Sự cạnh tranh cân bằng này đã giúp Đảng cộng sản duy trì môi trường ổn đinh kể từ khi đưa ra chính sách cải cách định hướng thị trường (hoặc Đổi mới) vào năm 1986. 

Tuy nhiên, ngay khi Trọng xuất hiện với tư cách là người chiến thắng, người thủ lĩnh bảo thủ đã quyết tâm theo bước các đồng chí Trung Quốc của mình và dọn sạch "gốc rễ xấu" trong nội bộ Đảng. Sau một năm giải quyết, năm 2017 đã chứng kiến ​​sự rung động chưa từng có trong lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, vì Đảng cộng sản đã thanh trừng nhiều quan chức cao cấp vì tham nhũng, quản lý kém kinh tế, cố tình vi phạm các quy định của nhà nước, biển thủ và lạm dụng quyền lực.

Điều đáng chú ý nhất là việc cách chức Đinh La Thăng, uỷ viên Bộ Chính trị đầy quyền lực và từng là một ngôi sao chính trị đang lên. Sau lần xét xử đầu tiên với hai cáo buộc chống, ông Thăng bị kết án 13 năm tù, trở thành uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên phải chịu hình phạt nghiêm khắc như vậy. Cái "lò nóng"-hình ảnh tượng trưng cho chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng-cũng đã đốt luôn các nhân vật điển hình khác, bất kể còn đương nhiệm hay nghỉ hưu từ chính quyền địa phương, các bộ, và các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù có vẻ như chiến dịch này đã mang lại chút công lý cho vấn đề tham nhũng khét tiếng của Việt Nam, mặt khác chiến dịch này cũng đã giúp củng cố quyền lực độc tài vào tay của Trọng và những người phe cánh của ông, nhất là Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng-một Vương Kỳ Sơn Việt Nam. Ngoài ra, sau hai năm tại vị, ông Trọng đã hoàn toàn kiểm soát quân đội và lực lượng công an. Đã là Bí Thư Quân uỷ trung ương, trong năm 2016 ông Trọng đã có được vị trí trong Ban Chấp hành Công an trung ương, đây là lần đầu tiên trong chính trị Việt Nam một Tổng bí thư được phép tham gia Ủy ban.

Mặt khác, có lẽ với một chiến lược dài hạn hơn, ông Phạm Minh Chính, một đồng minh của Trọng và trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng, đang thí điểm một chương trình "nhất thể hóa" các chức vụ của Đảng và Nhà nước. Nói một cách đơn giản, mục tiêu là giảm bớt gánh nặng cho hệ thống quản lý nhị nguyên của Việt Nam bằng cách sáp nhập vị trí lãnh đạo địa phương (nay là cấp huyện và cấp xã) với các vị trí được bầu của UBND. Nhiều người mong muốn chương trình thí điểm này là bước đi đầu tiên để "nhất thể hóa" hai vị trí cao nhất trong chính trường Việt Nam : tổng thống và tổng bí thư. Đây là truyền thống được thực hiện ở Trung Quốc từ năm 1993 khi Tổng Bí thư Giang Trạch Dân được xác nhận là người đứng đầu nhà nước Trung Quốc, trong khi lại không có ở Việt Nam kể từ người cha sáng lập Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969.

Tất cả những động thái này chắc chắn đã khẳng định Trọng là nhà lãnh đạo mạnh nhất Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trong một bối cảnh như vậy, Việt Nam đang dần dần rời khỏi chế độ độ đảng thành chế độ độc nhân, giống như Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Ngoài ra, và có lẽ đáng lo ngại hơn, đây không chỉ là những điểm tương đồng về thủ tục mà còn là những thủ thuật kích động mà Đảng cộng sản Việt Nam đã học được từ sách của Bắc Kinh. Điều này được minh họa rõ nét trong cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thành , cán bộ cao cấp của chính phủ và cựu giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước liên quan đến Đinh La Thăng như thời chiến tranh lạnh ngay trung tâm Berlin. Vụ việc này gây sốc cho Đức và gây ra một sự căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước. Người ta có thể tham khảo các vụ bắt cóc khác nhau của cảnh sát an ninh Trung Quốc ở Hồng Kông hay Thái Lan (mặc dù với Đức có lẽ ở một mức độ khác).

Tuy nhiên các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam có thể đã không bị sốc bởi vì họ đã bị đối xử tàn nhẫn bất thường trong hai năm nhiệm kỳ mới của ông Trọng. Cảnh sát đã bắt giữ 19 và 21 nhà hoạt động trong năm 2016 và 2017, so với chỉ bảy vào năm 2015. Luật về Hội , vốn có thể làm cho môi trường bấp bênh tại Việt Nam an toàn hơn đối với xã hội dân sự , đã bị đình chỉ vô thời hạn. Tình hình cũng ảm đạm đối với báo chí Việt Nam, về mặt lý thuyết là thuộc sở hữu nhà nước và đã được Đảng kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn, năm 2016, hơn 150 cơ quan truyền thông đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt tiền vì "đưa tin sai", con số lớn nhất từng ghi nhận. Mặc dù không phải tất cả các bài báo bị phạt mang tính chính trị, điều này cho thấy chế độ sẵn sàng gia tăng nhiều áp lực cho một trong những môi trường báo chí khó khăn nhất trên thế giới. 

Ở Việt nam Người ta nhìn nhận ông Trọng là một nhà lãnh đạo sạch sẽ, liêm khiết, điều đó tạo cho ông Trọng có được sự hỗ trợ rất lớn cả bên trong và ngoài Đảng để thực hiện chiến dịch chống tham nhũng. Cái "lò nóng", mặc dù bị cáo buộc là mặt nạ để thanh trừng chính trị, đã có những tác động tích cực đến việc quản lý nhà nước Việt Nam, điều này từ lâu nay bị thiếu cơ chế giải trình hiệu quả, như người ta có thể thấy ở bất kỳ chế độ độc tài nào. Tuy nhiên, cách tiếp cận từ trên xuống này phụ thuộc rất nhiều vào "những nhà lãnh đạo giỏi", người có thể thực hiện kế hoạch này một cách liên tục và không có ý tư lợi. 

Có một chút không đồng ý rằng ông Trọng, hiện nay 73 tuổi, sẽ bước từ chức vào Đại hội đảng lần tới vào năm 2021. Vào lúc đó, nếu tất cả các chiến thuật củng cố quyền lực của ông, dưới tên gọi " nguyên tắc tập trung dân chủ", được thể chế hóa, người kế nhiệm của ông sẽ được ban tặng quyền lực để siết chặt "lãnh đạo tập thể" Việt Nam nếu muốn. Nếu điều này xảy ra, thì những cải cách chính trị khiêm tốn vốn đã kéo dài hàng bao năm sẽ bị qua mặt và do đó viễn cảnh về sự dân chủ hóa đất nước sẽ bị kéo chậm lại. Có lẽ chỉ có các đồng chí của họ ở Bắc Kinh sẽ hài lòng với kịch bản như vậy. 

Nguyễn Khắc Giang

Nguyên tác : Is Vietnam Going the Way of China ?, The Diplomat, 22/02/2018

Phương Thảo dịch

Nguồn : VNTB, 24/02/2018

Nguyễn Khắc Giang-ông là nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

Published in Diễn đàn