Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/11/2018

Chủ nghĩa thân hữu và doanh nghiệp sân sau

Nguyễn Khắc Giang

Theo báo chí, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội bản tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Trong đó, trả lời cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ về những biểu hiện "sân sau", "lợi ích nhóm"... trong các vụ án tham nhũng mà cử tri nêu.

thanhuu1

Chủ nghĩa thân hữu và doanh nghiệp sân sau - Tranh minh họa

Vấn đề này cũng được cử tri Đà Nẵng đặt ra với Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, theo đó đề nghị Quốc hội nghiên cứu tiến hành giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử, có công ty sân sau làm kinh tế, có lợi ích nhóm, "chống lưng" cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật...

Nhìn chung, người dân quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến mối quan hệ không minh bạch giữa những cá nhân giữ chức vụ cao của chính quyền và các công ty thân hữu, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Vấn đề "sân sau" không phải là mới ở nước ta. Dưới thời bao cấp, những ai thân tín với quản lý cửa hàng mậu dịch sẽ dễ tiếp cận với các loại hàng hóa vốn rất khan hiếm. Mẹ tôi - người từng làm việc trong một tổ xay xát gạo thời đó - luôn biết cách cân gạo lúc nào để người thân được nhiều hơn một chút. Câu nói "nhất quan hệ, nhì tiền tệ" có lẽ xuất phát từ giai đoạn này. Bước sang thời kỳ đổi mới, khi các mối quan hệ kinh tế trở nên phức tạp hơn, nguy cơ tham nhũng chính sách từ "thân hữu" trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Sự xuất hiện của "sân sau" diễn ra dưới hai hình thức chính : những tổ chức kinh doanh có quan hệ thân thiết với quan chức, cơ quan nhà nước (những công ty của người thân trong gia đình, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa), hoặc những doanh nghiệp đủ tiền để mua sự ủng hộ của họ. Những doanh nghiệp "sân sau" này sẽ hưởng đặc quyền tiếp cận những dự án lớn (xây dựng cơ sở hạ tầng), khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay sở hữu quỹ đất vàng với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực. Đổi lại, cơ quan nhà nước hoặc quan chức sẽ được "lại quả" các quyền lợi, chủ yếu là vật chất.

Về mặt thực tiễn, chưa có doanh nghiệp nào bị cáo buộc là "sân sau", nhưng nghi ngờ của công chúng đổ dồn về các dự án giao thông trong thời gian gần đây, đặc biệt là với các dự án chỉ định thầu như Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Lào Cai... Vụ án "Vũ Nhôm" ở Đà Nẵng đậm dấu ấn của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, vốn lợi dụng danh nghĩa "bình phong" của Bộ Công an để thu gom "đất vàng". Trong vụ án tổ chức đánh bạc trực tuyến với số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng ngàn tỉ đồng xoay quanh CNC, một doanh nghiệp "bình phong" của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Bộ Công an, hội đồng xét xử vừa truy xét về những lợi ích mà các bị cáo từng là cán bộ công an cao cấp nhận được.

"Sân sau" không phải là đặc thù ở Việt Nam. Bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn đầu phát triển của nền kinh tế thị trường đều có hiện tượng này, với tên gọi "chủ nghĩa tư bản thân hữu". Lý do là khi nền tảng pháp quyền chưa đủ mạnh, năng lực kiểm tra của nhà nước chưa cao, và chức năng giám sát của người dân chưa được coi trọng, các doanh nghiệp sẽ có khoảng trống để thiết lập và lợi dụng mối quan hệ "thân hữu" với quan chức cấp cao. Chủ nghĩa thân hữu - với ưu tiên đặc biệt cho một nhóm nhỏ doanh nghiệp - đã phần nào giúp tạo ra những đế chế khổng lồ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, hay các tỉ phú dầu mỏ ở Nga (sau khi Liên Xô sụp đổ). Nhưng tất nhiên, nó thường được nhắc đến bởi tác động tiêu cực khi làm lũng đoạn nền kinh tế, do phân bổ nguồn lực không dựa trên hiệu quả và năng lực thực tế của doanh nghiệp. Chủ nghĩa thân hữu tiêu diệt cạnh tranh bình đẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lành mạnh của môi trường kinh doanh và sức sáng tạo của nền kinh tế trong dài hạn.

Bởi vậy, giải quyết vấn đề "sân sau" không chỉ là nhằm giải tỏa bức xúc cho người dân, mà còn mang ý nghĩa quyết định cho đường hướng phát triển của một quốc gia. Cần phải hiểu rằng "sân sau" đến cùng với kinh tế thị trường, nhưng không phải là hệ quả tất yếu của nó. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, minh bạch, với hệ thống pháp luật nghiêm minh, chủ nghĩa thân hữu sẽ khó tồn tại - ít nhất là dưới những dạng thức đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Những cá nhân nắm giữ vị trí cao trong chính quyền sẽ phải từ bỏ những hoạt động có thể gây xung đột lợi ích. Hệ thống trách nhiệm giải trình chéo với các nhánh quyền lực nhà nước giám sát lẫn nhau, cùng với hệ thống giải trình dọc với cử tri và người dân sẽ làm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng chính sách. Báo chí - với chức năng "quyền lực thứ tư" - cũng góp vai trò quan trọng trong việc giám sát tính liêm chính của bộ máy nhà nước.

Như thế, xử lý chủ nghĩa thân hữu cần đi cùng với cải cách thể chế, bao gồm việc xóa bỏ những cơ chế tạo ra tham nhũng chính sách và tăng cường năng lực giám sát cả từ bên trong lẫn bên ngoài bộ máy nhà nước. Việc chuyển giao doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ, ngành về một cơ quan chủ quản thống nhất vừa qua là một ví dụ cụ thể để giảm thiểu rủi ro "vừa đá bóng vừa thổi còi". Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU quy định rõ các điều khoản về doanh nghiệp nhà nước và mua sắm công, yêu cầu nguyên tắc trung lập và minh bạch trong hai lĩnh vực vốn được coi là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa thân hữu này.

Hành động quyết liệt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như các cơ quan nhà nước trong thời gian vừa qua có vai trò nền tảng để loại bỏ chủ nghĩa thân hữu. Tuy nhiên, quyết tâm chính trị cần phải đi kèm với cải cách thể chế thì doanh nghiệp sân sau mới không có chỗ núp bóng. Đó tất nhiên là một hành trình dài, đòi hỏi nỗ lực và sự kiên nhẫn rất lớn từ những nhà xây dựng chính sách. 

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn : TBKTSG, 22/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 753 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)