Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/11/2018

Đất vàng 'dậy sóng' : Loạt quan chức nhúng chàm, lao lý

Lương Bằng

Nhiều quan chức, cựu quan chức ở loạt tỉnh thành đã phải đối diện với pháp luật khi các sai phạm liên quan đến đất đai bị "sờ gáy". Nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước có đất vàng khi hợp tác liên doanh với tư nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để chủ đầu tư hưởng lợi khủng trong khi ngân sách thất thu vài ngàn tỷ. 

datvang1

5 bị can bị khởi tố, hàng trên gồm : Nguyễn Hữu Tín (bên trái), Đào Anh Kiệt (bên phải) và hàng dưới từ trái sang : Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương và Trương Văn Út

Nhúng chàm vì đất

Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và môi trường).

Trước đó, ngày 10/11, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 người nguyên là cán bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án liên quan khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh của Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

5 người gồm : ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ; Lê Văn Thanh, Phó chánh văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Trương Văn Út, Phó trưởng phòng Quản lý sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).

Vào giữa tháng 9, trừ Trương Văn Út thì 4 người gồm : Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương cũng đã bị khởi tố bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", được xác định là có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm".

Tại Đà Nẵng, từ tháng 4/2018 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hơn 10 bị can nguyên là lãnh đạo UBND Thành phố Đà Nẵng và Bộ Công an. Trong đó có ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng ; Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Đà Nẵng ; ông Trần Văn Toán, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Đà Nẵng ; Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Thành phố Đà Nẵng...

Người thì bị khởi tố vì các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí ; người thì bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý đất đai...

Các vụ việc ở Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh kể trên đều có liên quan đến đất đai trong quá trình biến đất công thành đất tư.

Thông qua hình thức hợp tác kinh doanh, hay "đổi đất lấy hạ tầng", hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều khu đất công ở vị trí đắc địa đã lọt vào tay các doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Nhiều khu đất vàng nhanh chóng biến thành các trung tâm thương mại, chung cư cao cấp, mang lại nguồn lợi khổng lồ cho những kẻ trục lợi.

Khi kiểm toán, đánh giá việc thực hiện một số Hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 1.393 tỷ đồng. Đồng thời cơ quan này chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập và sai sót qua thực hiện các hợp đồng BT. Đó là : Chỉ có 1/12 dự án trong giai đoạn 2013-2017 thực hiện đấu thầu, còn lại 11/12 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án ; giá đất không sát với giá thị trường, khu đất đối trừ được giao chỉ định trái Luật Đất đai... tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

Tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ mới đây cũng đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2003-2016.

Các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được Hà Nội cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có đất vàngkhi hợp tác liên doanh với tư nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để chủ đầu tư hưởng lợi khủng trong khi ngân sách thất thu vài ngàn tỷ.

datvang2

Nhiều khu đất vàng ở Sài Gòn có dấu hiệu bất thường khi chuyển nhượng.

Thanh tra Chính phủ kết luận : Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.

Do vậy, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội xử lý nghiêm những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, và quản lý sử dụng đất trên địa bàn, và sớm có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Tràn lan đất vàng thất thoát : Trục lợi, tham nhũng

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, thất thoát trong sử dụng đất công, trong đó có đất được doanh nghiệp nhà nước quản lý là rất lớn. 

Theo kết quả giám sát, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, vẫn còn hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định. Đơn cử tại Thành phố Hải Phòng vẫn còn một số doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất không đúng mục đích đã xác định trong phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa ; có doanh nghiệp tự ý phân đất cho cán bộ, công nhân viên để ở, cho thuê lại hoặc bỏ hoang không sử dụng như Công ty cổ phần Xây dựng Ngô Quyền, Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai, Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Hải Phòng, Công ty cổ phần Phát hành sách Hải Phòng,...

Một số doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất.

"Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước", Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ.

Lương Bằng

Nguồn : VietnamNet, 22/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 780 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)