Ukraine : Tân binh Nga làm bia đỡ đạn cho lính đánh thuê Wagner ở Bakhmut
Trung Quốc chấp nhận trả cái giá về kinh tế cho "chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa", cứng rắn hơn với phương Tây. Về phía Nga, liên tiếp thất bại trên chiến trường Ukraine, Moskva cáo buộc Kiev chuẩn bị "bom bẩn". Nga định gắp lửa bỏ tay người, hay đánh lạc hướng ? Trong khi đó tại Bakhmut, tân binh Nga vừa động viên bị đưa lên tuyến đầu làm bia đỡ đạn cho lính đánh thuê Wagner.
Chiến binh Ukraine sử dụng pháo tự hành ở gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 22/10/2022. AP - Libkos
Mỹ, Anh, Pháp đồng lòng đứng sau Kiev, phản đối cáo buộc "bom bẩn" của Moskva. Anh có tân thủ tướng gốc Ấn. Chứng khoán Trung Quốc xuống dốc sau khi Tập Cận Bình tăng cường quyền lực với đội ngũ cứng rắn hơn sau Đại hội đảng cộng sản. Pháp chuẩn bị khai thác một trong những mỏ lithium lớn nhất Châu Âu. Đó là những thông tin được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay.
Phương Tây chuẩn bị đối mặt một Trung Quốc hung hăng hơn
Trước hết về dư âm Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Le Monde có bài xã luận khuyến cáo nên biết "Thích ứng với việc Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn". Tập Cận Bình đã toại nguyện, giờ đây ông ta là tổng bí thư trọn đời với tất cả quyền lực trong tay. Những khuôn mặt ôn hòa như thủ tướng Lý Khắc Cường đã bị loại, thậm chí bị lăng nhục như cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào - bị áp giải ra ngoài ngay giữa Đại hội. Sáu ủy viên thường trực Bộ Chính trị đều là người trung thành và không ai còn trẻ để có thể thay thế ông Tập. Tư tưởng Tập Cận Bình còn được nâng lên hàng "mác-xít của Trung Hoa đương đại trong thế kỷ 21".
Trong khoảng 15 năm sau cái chết của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc được cai trị bởi các nhà kỹ trị khao khát hiện đại hóa, những con người khô khan nhưng thực dụng, để ngỏ cho tranh luận nhiều chiều trong Đảng. Thời kỳ đó đã chấm dứt khi Tập Cận Bình thâu tóm quyền hành tuyệt đối, đưa ra những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa, tung ra những con diều hâu thù địch với phương Tây như Vương Nghị hay Tần Cương. Đây là mối nguy không chỉ cho Trung Quốc và cả với thế giới.
Những năm sắp tới phương Tây phải đối mặt với một Trung Quốc hung hăng về ngoại giao, hiếu chiến về quân sự, ít cởi mở hơn về kinh tế, tự thu mình lại trong ý thức hệ. Năm 2027, kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội Trung Quốc và Đại hội Đảng 21, có thể đầy hiểm nguy. Không thể ảo tưởng sẽ thay đổi được Trung Quốc từ bên trong, và Bắc Kinh chỉ biết có tương quan lực lượng, thạo trò chia rẽ. Theo Le Monde, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm đối với Nga về năng lượng : không quá lệ thuộc vào một cường quốc phi dân chủ. Tuy vẫn có thể hợp tác nhưng không ngần ngại chống lại Tập Cận Bình nếu cần, vì Trung Quốc cũng cần đến EU.
Bắc Kinh chấp nhận trả giá cho việc đối đầu
Nhà phân tích Alice Ekman phản bác xu hướng cho rằng Bắc Kinh không thể đóng cửa với các đối tác thương mại hàng đầu là EU và Hoa Kỳ, vì cái giá phải trả rất cao, vả lại kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc. Chuyên gia về Châu Á nhận thấy Trung Quốc ngày nay sẵn sàng trả cái giá cho quan điểm chính trị và địa chính trị của mình.
Trong ba năm gần đây Bắc Kinh đã nhiều lần chứng tỏ điều đó. Hồng Kông bị mất đi sức thu hút về kinh tế tài chánh vì luật an ninh quốc gia mới ; chính sách về Tân Cương vẫn giữ nguyên dù sau những trừng phạt qua lại, thỏa thuận nguyên tắc về đầu tư giữa Bruxelles và Bắc Kinh không được phê chuẩn. Và báo cáo khai mạc Đại hội Đảng của Tập Cận Bình hôm 16/10 cho thấy chủ trương zero Covid không thay đổi, dù những vụ phong tỏa ngặt nghèo đã kìm hãm nền kinh tế, làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Không phải là Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng, nhưng ưu tiên nay dành cho việc đương đầu với Hoa Kỳ. Nhất là đảng cộng sản tin rằng củng cố quyền lực là tiền đề cho phát triển, phải đặt Trung Quốc vào con đường "đúng đắn" của "chủ nghĩa xã hội mang đặc thù Trung Hoa", và 10 năm qua của Tập Cận Bình chỉ mới là giai đoạn đầu của việc tái định hướng này.
Tập Cận Bình làm tiếp "tập 3", cổ phiếu Trung Quốc lao dốc
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết việc ông Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba đã làm cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh. Các nhà đầu tư đã "đầu hàng". Trước Đại hội, họ chờ đợi một ban lãnh đạo cân bằng hơn, nhưng rốt cuộc cả Bộ Chính trị đều là những người trung thành với ông Tập, trong khi chủ trương zero Covid của ông khiến nền kinh tế phải trả giá đắt.
Thủ tướng tương lai, có thể là ông Lý Cường, người đã áp dụng chính sách phong tỏa khắt khe, bất chấp sự bất bình của dân chúng ; ông thuộc loại người luôn chấp hành vô điều kiện mọi mệnh lệnh của ông Tập. Một yếu tố khác là căng thẳng địa chính trị : tham vọng chiếm Đài Loan, cũng như ưu tiên cho trục Bắc Kinh-Moskva. Cuối cùng, việc chậm công bố số liệu GDP mà không nói lý do tạo cảm tưởng thị trường không được chính quyền chú trọng.
Hậu quả là người chơi chứng khoán mất hết hy vọng thấy một chính quyền Trung Quốc thực dụng về kinh tế. Sau khi bị sụt giá ở Hồng Kông, cổ phiếu của các tập đoàn internet Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ lao dốc từ 15 đến 20%. Cũng trong ngày hôm qua, các nhà đầu tư ngoại quốc bán ra 2,5 tỉ đô la các cổ phiếu niêm yết ở Hoa lục, con số kỷ lục trong một phiên giao dịch. Tính từ đầu năm nay, người đầu tư bị thiệt khoảng 25%.
Ba cường quốc nguyên tử cùng bác bỏ cáo buộc "bom bẩn" của Nga
Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, Les Echos, Le Monde, Libération và Le Figaro đều chú ý đến việc Moskva cáo buộc Kiev muốn sử dụng "bom bẩn".
"Bom phóng xạ", chữ này gây sợ hãi, vô cùng sợ hãi. Tuy chưa phải là "bom nguyên tử", nhưng đủ để khiến cuộc chiến tranh ở Ukraine lên một nấc mới chưa từng thấy, nếu "bom bẩn" được dùng đến. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu trong cuộc điện đàm hôm Chủ nhật đã nêu vấn đề này ra với các đồng nhiệm Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Một cuộc gọi hoàn toàn bất thường. Theo ông Shoigu, hai tổ chức của Ukraine có những chỉ thị cụ thể để sản xuất hai quả bom loại này, và đang trong giai đoạn hoàn tất.
Nhưng không ai bị lừa : Washington, Luân Đôn và Paris trong một thông cáo chung hôm qua đã thẳng thừng bác bỏ. Thông cáo viết : "Không ai nghi ngờ về mưu toan sử dụng cáo buộc này để leo thang. Chúng tôi bác bỏ mọi cớ leo thang từ phía Nga". Cùng ngày, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tố cáo động thái của Moskva là "ngớ ngẩn" và "nguy hiểm", kêu gọi các đồng minh trả đũa "thật cứng rắn".
Trên Libération, nhà nghiên cứu Bruno Tertrais lưu ý, thông cáo chung trên đây là trường hợp hiếm hoi, vì tập hợp ba thành viên thường trực Hội đồng Bảo an - cũng là ba cường quốc nguyên tử và thành viên NATO. Cả ba đều ý thức rằng hoặc Nga toan tính gắp lửa bỏ tay người, hoặc đánh lạc hướng trước khi giở một trò mới, nên bộ ba muốn bóp chết âm mưu từ trong trứng.
Khác biệt giữa "bom bẩn" và bom hạt nhân
Cần nhớ là loại bom này chưa bao giờ được sử dụng trên thế giới. "Bom bẩn" được làm bằng chất nổ quy ước, được cho thêm các chất phóng xạ, để khi nổ sẽ lan tỏa chất thải nguyên tử vào khu vực bị tấn công khiến vùng đất này bị nhiễm độc. Nếu được chế từ chất thải hạt nhân, loại bom này không được coi vũ khí nguyên tử vì không tạo ra sức nóng hay lượng phóng xạ như một quả bom hạt nhân.
Tuy không hủy diệt hàng loạt, nhưng nó được dùng như công cụ trung gian để làm nhiễm xạ. "Bom bẩn" có thể được chế tạo bởi một bên tham chiến có thể không có vũ khí nguyên tử, chỉ có vật liệu phóng xạ. Chỉ cần vào được một nhà máy điện nguyên tử thu thập chất thải chẳng hạn, là có thể làm ra quả bom này. Thế nên Nga mới tìm cách quy chụp cho Ukraine, là quốc gia không có vũ khí hạt nhân.
Ủy ban An toàn Hạt nhân Hoa Kỳ (USNRC) nói rằng tác hại của "bom bẩn" là từ vụ nổ chứ không phải phóng xạ. Chỉ có những ai đang ở rất gần mới bị nhiễm xạ đủ để bị bệnh nặng ngay, nhưng bụi và khói phóng xạ có thể bay xa hơn, gây hại nếu hít phải hoặc dùng thức ăn nước uống bị nhiễm độc. Theo Les Echos, chỉ cần một tờ giấy cũng chận được các tia alpha và bêta phát ra, còn tia gamma nguy hiểm hơn, có thể gây chết người nhưng phải sau nhiều tháng trời. Ngược lại, vùng đất liên quan sẽ không thể cư trú trong nhiều năm nếu không đổ rất nhiều tiền ra tẩy độc, thế nên bị coi là tội ác chiến tranh.
Tung tin để lén rút quân ở miền nam Ukraine, tránh mất mặt ?
Trả lời Le Monde, tướng Pháp Dominique Trinquand cho rằng mục đích của Moskva là nhằm "che giấu việc lén lút rút lui của quân Nga" ở miền nam Ukraine, đồng thời kéo sự chú ý về hướng khác trong khi quân Nga đang thất bại nặng nề.
Phải chăng đây cũng là việc tung hỏa mù để sau đó chính Nga dùng đến "bom bẩn" ? Tướng Trinquand không tin vì kế hoạch này quá thô thiển. Theo ông, do mục đích ban đầu của quân Nga ở miền nam là chiếm được thành phố Odessa, nhưng đến nay chưa bao giờ tiến được xa hơn Mykolaiv, thành phố ở phía tây Kherson. Đợt phản công của Ukraine vào giữa tháng 9 khiến quân Nga phải lùi mãi, và nay buộc lòng phải rút dần khỏi hữu ngạn sông Dniepr. Đây là thất bại chiến lược của Nga, vì nếu chiếm vùng này Moskva sẽ có được lối vào Hắc Hải.
Tân binh Nga bị lính đánh thuê Wagner dùng làm bia đỡ đạn ở Bakhmut
Cũng về chiến tranh Ukraine, đặc phái viên Libération có bài phóng sự mang tựa đề "Tại Bakhmut, quân đội Nga gởi người tới để bị tàn sát". Bakhmut, một trong những thành phố cuối cùng còn bị quân Nga tấn công, đã trở thành gạch vụn. Những người dân hiếm hoi còn ở lại và các quân nhân Ukraine không thể nào hiểu được vì sao suốt 5 tháng qua Nga cứ đánh mãi dù bị thiệt hại rất nặng, sự ngoan cố này là phi logic về mặt chiến lược.
Trận đánh Bakhmut chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc, mỗi bên huy động khoảng 1.000 quân. Serguei Cherevaty, phát ngôn viên quân đội Ukraine ở Donbass nói : "Nga chẳng có kế hoạch gì cả, họ chỉ gởi lính tới để rồi bị giết. Đó là những bia đỡ đạn". Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ có cùng ý kiến, và nhấn mạnh Nga ít có hy vọng chiếm nổi Bakhmut.
Vậy tại sao họ cứ miệt mài điều thêm lính tới ? Một trong những lý giải của ISW là ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner, Evgheny Prigojin, một người thân cận với Vladimir Putin đang dần dà trở thành khuôn mặt đại diện cho cuộc xâm lăng. Một chiến thắng ở Bakhmut dù chỉ mang tính tượng trưng chứ không có giá trị chiến lược, sẽ tăng cường vị thế cho ông ta trong giới chóp bu và đối với bộ tham mưu. Cherevaty cho biết : "Prigojine còn tung ra cuộc chiến thông tin. Ông ta nhiều lần loan báo những ngôi làng gần đó như Ivangrad, Opytne đã thất thủ, lính Wagner đã tiến vào Bakhmut. Tất cả đều là tin vịt".
Những trận đụng độ liên tục, đôi khi dữ dội khiến các chiến binh Ukraine mệt mỏi. Quân Nga được tăng cường bằng các tân binh mới bị động viên hôm 21/09, tung ra hết đợt tấn công này tới đợt tấn công khác, khoảng 20 đợt một đêm, không chỉ vào Bakhmut mà cả những làng lân cận, dùng tất cả các loại đạn pháo có được và không ngần ngại sử dụng cả bom bi. Serguei Cherevaty nói thêm : "Từ vài tuần qua, Nga buộc các tân binh đi đầu, biết rằng họ sẽ bị bắn chết, chỉ để xác định được vị trí của chúng tôi. Lính đánh thuê sau đó mới xông lên tấn công".
Mỹ bầu cử giữa kỳ, Ukraine lo quân viện
Về phía các đồng minh, ngoài chính trường Anh rối rắm, tân chính phủ Ý do phe cực hữu thống trị, Pháp-Đức căng thẳng, Ukraine còn đang đứng trước một thử thách khác : cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Liệu quân viện cho Kiev có bị ảnh hưởng ? Kevin McCathy, thủ lãnh Cộng hòa ở Hạ Viện tuần này nói rằng không muốn phóng tay chi, nêu ra nguy cơ suy thoái của Hoa Kỳ.
Theo Le Monde, thực ra McCathy có tham vọng trở thành chủ tịch Hạ Viện năm 2023, muốn thu hút các dân biểu của phong trào MAGA (Make America Great Again, khẩu hiệu của cựu tổng thống Donald Trump). Nhưng ông Trump rất ghét McCathy vì đã để cho thành lập ủy ban điều tra về vụ tấn công đồi Capitol. Ngược lại thủ lãnh phe Cộng hòa ở Thượng Viện, Mitch McConnell ra thông cáo kêu gọi ủng hộ Kiev tích cực và nhanh chóng hơn, nhất là hệ thống phòng không, pháo tầm xa, cũng như viện trợ kinh tế và nhân đạo. Ông cam kết đa số Cộng hòa ở Thượng Viện trong tương lai sẽ chú ý "chuyển giao đúng lúc những vũ khí cần thiết, và đồng minh hỗ trợ tối đa cho Ukraine".
Thụy My