Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/10/2022

Điểm báo Pháp – Thời sự quốc tế ngày 26/10/2022

RFI tiếng Việt

Thời sự quốc tế ngày 26/10/2022

Tình hình Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung, tân thủ tướng Anh trước những khó khăn là các đề tài thời sự quốc tế được đề cập nhiều hôm nay.

cyber1

Trang nhất các báo Pháp ngày 26/10/2022 © Fotomontagem RFI/Adriana de Freitas

Liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, Le Monde nói về kỹ năng vi tính và cơ khí đã giúp lực lượng vệ quốc vượt trội quân Nga.

Bên cạnh những vũ khí hiện đại của phương Tây như Himars của Mỹ hay Caesar của Pháp đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường, nhà nghiên cứu Thibault Fouillet, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhấn mạnh đến khả năng thích ứng và tìm ra những giải pháp mang tính sáng tạo của quân đội Ukraine. Ngay từ năm 2014, họ đã tạo ra một số công cụ, chẳng hạn ứng dụng GIS Arta dành cho bộ binh để gọi pháo bắn vào vị trí địch "như gọi xe công nghệ Uber. Chỉ cần nhập định vị GPS của mục tiêu, những khẩu pháo gần đó hiện lên và giao hàng". Kết quả nhanh hơn gấp nhiều lần những quân đội tân tiến khác. Hạn chế duy nhất là phải có internet.

Vào đầu cuộc xâm lăng, người dân Ukraine cũng đã dùng DIIA, một trong những ứng dụng điện thoại thông minh dành cho thủ tục hành chánh của chính phủ để báo cho chính quyền vị trí của quân Nga. Cách này rất hữu ích trong trận đánh Kiev, nhưng sau vì Nga kiểm tra điện thoại của dân tại những vùng chiếm đóng nên họ chuyển sang Telegram.

Theo Kiev, trước chiến tranh có khoảng 200.000 thảo chương viên Ukraine, một phần trong số này đã nhập ngũ hay dùng kỹ năng của mình phục vụ cho quân đội. Các kỹ sư Ukraine chỉ mất có vài tuần để cho ra một ứng dụng Android tên "ePPO" (viết tắt chữ "đây là phòng không" giúp dân chúng báo ngay cho quân đội những chiếc drone Shahed 136 của Iran để bắn chặn.

Bên cạnh kỹ năng vi tính, người Ukraine còn gây choáng cho các quân nhân phương Tây qua khả năng xoay sở về cơ khí của họ. Các hình ảnh gần đây cho thấy những chiếc xe jeep trang bị giàn phóng rốc-kết, xe tự chế có gắn súng liên thanh... Kiev cũng thử ghép súng trường vào drone mini và điều khiển từ xa. Họ còn thành công trong việc chế thiết bị để gắn hỏa tiễn siêu thanh AGM-88 HARM của phương Tây vào chiến đấu cơ Mig-29 nhằm tiêu diệt radar địch, cách làm này khiến phòng không Nga chịu nhiều thiệt hại. Trong khi nhiều chuyên gia nghĩ rằng rất khó kết hợp một vũ khí tinh tế như thế của Mỹ với một phi cơ tiêm kích Liên Xô thời thập niên 70, thậm chí là bất khả. Nhiều cảnh ghi lại trên chiến trường cho thấy các xe bọc thép Ukraine đang tiến, tổ lái được một sĩ quan hướng dẫn từ xa bằng các hình ảnh do drone chuyển đến.

Tuy nhiên chuyên gia Léo Péria-Peigné nhắc nhở, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là chiến tranh quy ước, 80 đến 90% vụ tấn công là bằng pháo binh truyền thống. Có thể hiểu : dù các ứng dụng smartphone rất hữu ích, nhưng chính số lượng đại bác và đạn pháo mới quyết định chiến trường.

Thất bại về quân sự, Nga liên tục tấn công vào mạng lưới điện Ukraine, nhất quyết làm cho người dân nước này phải khốn đốn trong mùa đông tới.

Từ ngày 10/10, cơ sở hạ tầng trên cả nước bị hỏa tiễn và drone thi nhau bắn phá, trên 30% nhà máy điện đã bị phá hủy chỉ trong một tuần lễ. Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa tố cáo trước Hội Đồng Châu Âu ngày 20/10, thì hai ngày sau lại có những vụ tấn công mới khiến 1,5 triệu người phải sống trong bóng tối. Chính quyền đành cúp điện luân phiên ở Kiev và 10 tỉnh khác, tổng cộng mất khoảng 40% sản lượng nhiệt điện. Hàng trăm ngàn người ở những vùng gần tuyến đầu sống trong điều kiện không điện nước, không thể liên lạc với người thân, quân Nga gài mìn nên đội ngũ kỹ thuật không thể sửa chữa.

Lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng để tránh quá tải cho mạng lưới được dân chúng hưởng ứng, lượng điện tiêu thụ giảm 10%. Bên cạnh đó, Kiev cũng được các đối tác quốc tế viện trợ 850 máy phát điện, nên hiện chưa cần nhập khẩu điện của Châu Âu. Viễn cảnh một mùa đông lạnh giá không có điện lẫn lò sưởi khiến nhiều người lại lục tục ra đi. Ông Zelensky báo động "Nga gây ra một làn sóng di tản mới của người Ukraine sang các nước Liên Hiệp Châu Âu". Kiev thúc giục các đối tác phương Tây giúp thêm các hệ thống phòng không - Nga đã làm lãnh vực năng lượng Ukraine thiệt hại nhiều tỉ đô la.

Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Monde cho biết "Washington cáo buộc Trung Quốc hoạt động gián điệp trên đất Mỹ", 13 người đã phải ra tòa lãnh án.

Hôm thứ Hai 24/10, đích thân tổng chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland chủ trì cuộc họp báo cùng với hai viên phó, và giám đốc FBI Christopher Wray, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Không thể không nhận thấy sự trùng hợp với thời điểm đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc bế mạc. Phó chưởng lý Lisa Monaco tố cáo các hoạt động gián điệp, gây rối hệ thống tư pháp, quấy nhiễu cá nhân, đánh cắp công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Thông cáo của Bộ Tư pháp cho biết thêm chi tiết về một số vụ. Trước hết ở New York, bảy công dân Trung Quốc bị kết tội mưu toan cưỡng bức đưa về Hoa lục một đồng hương sống ở Hoa Kỳ trong khuôn khổ chiến dịch "Săn Cáo" của bộ Công An.

Vụ thứ hai tại khu người Hoa ở New Jersey, bốn người Trung Quốc trong đó có ba gián điệp bị truy tố vì các hoạt động từ 2008-2018. Họ tìm cách tuyển mộ các giáo sư đại học có được những thông tin nhạy cảm, dưới vỏ bọc một trung tâm đại học được lập ra vì mục đích này, mang tên Institute of International Studies. Một cựu nhân viên FBI đã trở thành giáo sư được tiếp cận, đề nghị những kỳ nghỉ được bao trọn gói để đối lấy thông tin về công nghệ nhận dạng qua vân tay, và giúp phá hoại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ trong dịp Thế vận hội Bắc Kinh.

Trong vụ thứ ba, hai nhân viên tình báo Trung Quốc đề nghị 41.000 đô la bằng bitcoin để có thông tin mật về cuộc điều tra tập đoàn Hoa Vi (Huawei), nhưng chẳng may gặp phải một nhân viên FBI đóng giả. Bộ Tư pháp nhấn mạnh "không dung thứ cho bất kỳ mưu toan nào của nước ngoài phá hoại Nhà nước pháp quyền mà trên đó nền dân chủ của chúng tôi được xây dựng nên".

Trên lãnh vực kinh tế, Hoa Kỳ đã giáng một đòn cực kỳ mạnh mẽ vào tham vọng đuổi kịp về công nghệ của Trung Quốc, qua loạt trừng phạt mới.

Cho đến nay, Washington chỉ nhắm vào những doanh nghiệp riêng lẻ như Hoa Vi, nhưng lần này đã siết lại các quy định về xuất khẩu một số sản phẩm và phần mềm cho mọi định chế Trung Quốc, bắt buộc phải xin giấy phép, được ngầm hiểu là "khó như lên trời".

Cuối tháng 8/2022, Mỹ đã cấm xuất khẩu các loại thẻ hình (GPU) như Nvidia, Advanced Micro Devices sang Trung Quốc. Các GPU rẩt cần thiết cho hoạt động của trí thông minh nhân tạo, các trung tâm dữ liệu hay siêu máy tính, được sử dụng trong nghiên cứu khoa học hoặc phi cơ tiêm kích, hỏa tiễn siêu thanh. Thứ trưởng Bộ Thương mại Thea Rozman Kendler cho biểt : "Trung Quốc tìm cách trở thành số một toàn cầu về trí thông minh nhân tạo năm 2030. Họ dùng năng lực này để theo dõi, truy vết công dân mình và hiện đại hóa quân đội".

Một điểm mới nữa là người Mỹ bị cấm tham gia vào việc triển khai, sản xuất, sử dụng các bảng vi mạch trong một nhà máy chip điện tử Trung Quốc. Biện pháp này liên quan đến công dân Mỹ, người định cư ở Mỹ và người có "thẻ xanh". Washington muốn hạn chế việc chuyển giao công nghệ từ nhiều người Mỹ thường là gốc Hoa, đến Trung Quốc làm việc cho những công ty lớn ở Hoa lục hay tự khởi nghiệp. Được mệnh danh là "rùa biển", những người gốc Hoa này cho đến nay đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của công nghệ và kinh tế Trung Quốc. Sau loan báo của Mỹ, các công ty bán dẫn của Trung Quốc đã thiệt mất 8,7 tỉ euro trên thị trường chứng khoán, và một số công ty khó thể sống sót. Theo Les Echos, nhà sản xuất drone DJI của Trung Quốc sắp tới cũng sẽ cùng chung số phận với Hoa Vi.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 309 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)