Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/11/2022

Vũ khí mới của Kiev trong cuộc chiến tranh chống Nga ?

RFI tổng hợp

Nga cáo buộc tình báo Anh đứng sau cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào căn cứ Sebastopol

Trọng Thành, RFI, 02/11/222

Moskva cáo buộc tình báo Anh hỗ trợ Ukraine trong cuộc tấn công vào căn cứ Hải quân Nga kiểm soát tại Sebastopol, bán đảo Crimée của Ukraine, mà Nga sáp nhập từ năm 2014. Chính phủ Anh tố cáo Nga "đánh lạc hướng" công luận. 

nga1

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga trong một cuộc họp báo tại Moskva, Nga, ngày 23/12/2021. © AFP

Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, hôm qua, 01/11/2022 tuyên bố : "Các cơ quan tình báo của chúng tôi có các bằng chứng cho thấy cuộc tấn công này đã được các chuyên gia quân sự Anh chỉ huy và tổ chức". Vụ tấn công với các drone của Ukraine nhắm vào Hạm đội Nga tại Sebastopol ngày 29/10 gây chấn động.

Nga đã quyết định trả đũa bằng cách không khích ồ ạt vào nhiều cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, đồng thời tạm thời rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến Hắc Hải. Thỏa thuận này có mục đích bảo đảm an toàn cho tầu xuất khẩu lương thực của Ukraine qua Biển Đen.

Nga cáo buộc Ukraine "sử dụng hành lang an toàn" để tổ chức cuộc tấn công và một drone bị coi là cất cánh từ một "tàu dân sự" hoạt động trên hành lang này.

Người phát ngôn của tân thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm qua, 01/11, ngay lập tức đã bác bỏ các cáo buộc và cho rằng chính quyền Nga làm như vậy để "đánh lạc hướng", và đây là "các biện pháp quen thuộc" của Nga.

Ngoại trưởng Anh James Clevery cũng phản bác một cáo buộc khác của phát ngôn viên điện Kremlin, khẳng định chuyên gia quân sự Anh tổ chức và điều phối cuộc tấn công phá hoại nhắm vào hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 hồi tháng 9. Theo ngoại trưởng Anh, các cáo buộc của Nga "đang ngày càng hoàn toàn tách rời khỏi thực tế", với mục tiêu là để "kéo sự chú ý của dân Nga khỏi các thất bại của Nga trên chiến trường" tại Ukraine.

Trọng Thành

*************************

"Drone trên biển"

Trọng Nghĩa, RFI, 01/11/2022

Vào lúc tờ mờ sáng ngày 29/10/2022, nhiều chiếc drone trên biển, có lẽ là của Ukraine, đã tấn công cảng Sevastopol của Nga ở Crimea. Ít nhất 3 tàu Nga được cho là đã bị trúng đạn, trong đó có chiếc Makarov, soái hạm mới của Hạm đội Biển Đen.

drone1

Ảnh vệ tinh của hãng Maxar Technologies cho thấy chiếc Moskva, soái hạm trước đây của Hạm đội Biển Đen, neo tại cảng Sébastopol (Crimea) ngày 07/04/2022. AP

Quy mô thiệt hại vẫn chưa rõ ràng, nhưng dẫu sao đây là một vố đau mới cho Hải quân Nga, ba tuần sau vụ phá hoại cầu Kerch ở Crimea, vài tháng sau khi Tổng hành dinh Hải quân Nga bị drone trên không tấn công, và sáu tháng sau khi chiếc Moskva, soái hạm khi ấy của Hạm đội Biển Đen, bị bắn chìm.

Cảng Sevastopol là một địa điểm có tính chiến lược cao đối với Hải quân Nga, vì đây là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen. Một địa điểm quan trọng đối với cả cuộc chiến ở Ukraine lẫn khả năng vươn xa đến tận vùng Địa Trung Hải.

Nga tố cáo Ukraine dùng cả drone trên biển lẫn trên không

Ngay sau khi vụ tấn công xẩy ra, Nga đã lập tức tố cáo Ukraine là thủ phạm, nêu bật việc sử dụng loại drone trên biển, tức là những chiếc thuyền không người lái có mang theo chất nổ.

Theo nhật báo Pháp Libération ngày 30/10, thông báo chính thức đầu tiên đề cập đến cuộc tấn công này đến từ thống đốc Nga của Sevastopol. Vào lúc 4 giờ 13 sáng theo giờ Paris, nhân vật này xác nhận : "Chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng drone trong vùng biển của Vịnh Sevastopol. Không có cơ sở nào trong thành phố bị ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn bình tĩnh. Tình hình đang trong tầm kiểm soát ". Các hình ảnh và các tuyên bố khác nhau cho thấy là cuộc tấn công xảy ra vào lúc tảng sáng.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công vào Sevastopol được cho là có sự tham gia của 7 chiếc drone trên biển và 9 chiếc drone trên không. Trên các hình ảnh nghiệp dư khác nhau, hoặc hình ảnh do chính quyền Ukraine công bố (những hình ảnh do drone bay trực tiếp chụp được) và đã được chứng thực, ta có thể thấy ít nhất sáu chiếc drone trên biển khác nhau, ba chiếc được sử dụng trước bình minh, và ba chiếc nữa sau đó.

Trong một số đoạn video, người ta thấy lực lượng Nga cố gắng bắn chận các chiếc drone đang tiến gần đến tàu của họ. Ít nhất hai chiếc bị phá nổ trước khi tiếp cận mục tiêu.

Theo các hình ảnh kể trên, căn cứ vào hình dạng và thiết bị của các con tàu, có hai chiến hạm Nga đã bị đánh trúng. Trước hết là một khinh hạm lớp Đô đốc Grigorovich, mà một số nhà phân tích xác định rằng đó là chiếc Makarov, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, sau khi soái hạm trước đó là chiếc Moskva bị đánh chìm vào tháng 4.

Con tàu thứ hai bị bắn trúng là tàu rà mìn thời Liên Xô mang tên Ivan Golubets, mà theo chính Bộ Quốc phòng Nga, đã bị một vài "thiệt hại nhỏ".

Còn có một chiếc tàu khác bị tấn công ngay trong cảng Sevastopol, nhưng không rõ là tàu nào. Ngoài chiếc Ivan Golubets, Nga vẫn mập mờ, chỉ nói đến "một số tàu" bị tấn công.

Kiev cố tình mập mờ, chỉ chế nhạo đối phương

Về phần mình, chính quyền Kiev không chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng để cho cơ quan tình báo chế nhạo phản ứng của đối phương.

Theo Libération, chỉ vài giờ sau chiến dịch, tình báo Ukraine đã chia sẻ trên các mạng xã hội khác nhau của họ một thông điệp đáng chú ý : "Đây là thời điểm cho Bavovna ! Và điều này có nghĩa là thiết bị của Nga và cứ điểm của những kẻ chiếm đóng lại bị phá hủy".

Tờ báo giải thích : "bavovna" là một từ ngữ mỉa mai của Ukraine, được sử dụng để chế nhạo cách người Nga giảm thiểu quy mô tổn thất của các vụ nổ xảy ra trên địa bàn của họ, đặc biệt là sau các cuộc tấn công của Ukraine. Kiểu phủ nhận về mặt chính thức, nhưng lại công nhận một cách không chính thức là điều thường được chính quyền Ukraine áp dụng kể từ đầu cuộc chiến đến nay.

Đối với Libération, vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công hôm 29/10 rõ ràng là mang chữ ký của Kiev, chủ yếu sử dụng loại drone trên biển, tức là các thiết bị nhỏ, được điều khiển từ xa, phát nổ khi tiếp xúc với mục tiêu.

Đây là những thiết bị rẻ tiền, có thể được chế tạo bằng cách sử dụng các linh kiện dùng trong các sản phẩm thương mại dân dụng như động cơ mô tô nước chẳng hạn.

Một thiết bị loại này, có hình dạng tương tự như các chiếc drone trên biển được thấy trong các đoạn video do chính quyền Ukraine công bố, đã được chụp ảnh vào tháng 9 sau khi dạt vào bờ biển vùng Crimea.

Theo Le Figaro, một bức ảnh chụp nhanh đăng tải trên internet cho thấy chiếc drone trên biển đó có kích thước của một chiếc xuồng kayak, được trang bị một máy ảnh quang điện, một máy đo xa laser và một ăng-ten vệ tinh Starlink, cho phép điều khiển thiết bị từ xa. Hai vết lồi ở mũi drone dường như là ngòi nổ, ủng hộ giả thuyết về một "chiếc drone kamikaze".

drone02

Một drone của Ukraine trôi dạt vào bờ biển bán đảo Crimea - Ảnh Zone militaire 22/09/2022

Nguồn gốc các chiếc drone còn mơ hồ

Chiến dịch tấn công Sevastopol hôm 29/10 đã được nhật báo Le Figaro khen ngợi vì đã kết hợp hai loại drone vừa trên không, vừa trên biển, cho thấy trình độ thành thạo của lực lượng Ukraine trong lĩnh vực thiết bị không người lái. Vấn đề là nguồn gốc các chiếc drone trên biển do Ukraine sử dụng vẫn chưa rõ ràng.

Đối với Le Figaro, cuộc tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol là điều chưa từng có trong cuộc xung đột Ukraine, khẳng định tầm quan trọng của thiết bị không người lái trong cuộc chiến tranh "cường độ cao" này, nơi mỗi bên đều nỗ lực mở rộng kho vũ khí và phương tiện không người lái, dùng để tấn công hay giám sát và tình báo

Phía Nga đã tố cáo một số nước từ Anh đến Canada giúp đỡ Ukraine trang bị drone trên biển. Moskva khẳng định đã phân tích mảnh vỡ đến từ các chiếc drone được sử dụng hôm 29/10, và phát hiện ra các linh kiện do Canada chế tạo. Nga còn tố cáo Anh đứng sau các vụ tấn công tại Crimea.

Theo Le Figaro, Anh Quốc quả thực là đã loan báo vào tháng 8 vừa qua quyết định cung cấp cho Ukraine sáu chiếc tàu lặn không người lái để chống mìn. Thế nhưng, đặc điểm của các thiết bị đó không khớp với những gì được biết về tính chất tấn công của chiến dịch được triển khai vào sáng 29/10 tại Sevastopol.

Về phần mình, Hoa Kỳ cũng đã từng đề cập đến "các tàu phòng thủ ven biển không người lái" như một phần trong số vũ khí cung cấp cho Ukraine. Nhưng Lầu Năm Góc luôn giữ kín về những phương tiện đó, chỉ nói rằng sẽ trích ra từ kho dự trữ của Hải quân Hoa Kỳ.

Nga cũng đã trực tiếp cáo buộc Kiev lợi dụng hành lang được thiết lập để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, một tuyến đường biển từ Odessa đến vùng biển Rumani, để tấn công Sevastopol. Cụ thể hơn, Nga tố cáo việc drone trên biển của Ukraine được phóng đi từ vùng lân cận Odessa, sau đó đi theo hành lang xuất khẩu ngũ cốc để đến vùng Sevastopol. Nga thậm chí còn khẳng định rằng drone đã được phóng đi từ các tàu dân sự sử dụng tuyến hàng hải đặc biệt này.

Theo Libération, Moskva đã viện cớ như trên để đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, bất chấp thực tế là hành lang xuất khẩu đó, và rộng hơn là hành trình của các con tàu vận chuyển ngũ cốc đến eo biển Bosphorus, không hề đến gần cảng Sevastopol.

Trọng Nghĩa

***********************

Putin kêu gọi Ukraine bảo đảm an ninh cho các tàu trên Biển Đen

Anh Vũ, RFI, 01/11/2022

Theo AFP, sau vụ hạm đội Nga ở Crimea bị tấn công, tổng thống Vladimir Putin, hôm 31/10/2022, đã tố cáo Ukraine là mối đe dọa, đồng thời ông kêu gọi Kiev bảo đảm an ninh cho các tầu dân sự trên Biển Đen. Trong khi đó, các bên liên quan tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Nga trở lại thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine.

drone2

Tàu chở hàng Laodicea ở eo biển Bosphorus, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/7/2022. AP - Yoruk Isik

Trong một cuộc họp báo, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố : "Ukraine phải bảo đảm là không có một đe dọa nào cho an toàn của các tàu dân sự". Ông Putin khẳng định Nga không rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, mà chỉ "tạm ngưng" thực thi.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm, ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề cập đến vấn đề này. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga ra hôm qua cho biết "ông Lavrov nhấn mạnh đến việc Ukraine phải bảo đảm sẽ không sử dụng hành lang nhân đạo và các cảng của Ukraine để tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Nga" và chỉ trong điều kiện như vậy thì mới có thể thảo luận về việc nối lại các hoạt động trong hành lang nhân đạo.

Bộ trưởng quốc phòng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cũng đã thảo luận với nhau về vấn đề liên quan đến thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Song song với các hoạt động ngoại giao, Thổ Nhĩ kỳ và Liên Hiệp Quốc, hai bên bảo trợ cho thỏa thuận, đang nỗ lực duy trì hoạt động của các tàu chở ngũ cốc trên Biển Đen.

Thông tín viên Anne Andlauer từ Istanbul cho biết thêm chi tiết :

Trong khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đang cố gắng thuyết phục Nga trở lại thỏa thuận thì Trung tâm điều phối chung đặt trụ sở tại Istanbul vẫn nỗ lực duy trì các đoàn tàu hàng trên Biển Đen và đẩy nhanh tiến độ thanh tra các tàu đang ùn ứ ở ngoài khơi Istanbul từ nhiều tuần qua.

Những hoạt động đó vẫn được duy trì dù Nga đã rút các đại diện tham gia từ đầu tháng 8 vào việc thanh tra các tàu cùng với đại diện của Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Ba bên này cũng phối hợp với nhau để giúp cho khoảng một chục chuyến tàu rời cảng Ukraine hôm Chủ nhật và hôm qua, theo số liệu tổng hợp của Trung tâm điều phối chung.

Trong lúc Nga cho biết họ "không thể bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng Biển Đen", việc duy trì lưu thông trong hành lang hàng hải có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc tin Moskva không tấn công các tàu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm thứ Hai đã cam kết "tiếp tục các nỗ lực" để bảo vệ thỏa thuận, bất chấp thái độ của Nga, hiện còn "lưỡng lự", theo đánh giá của ông.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Anh Vũ
Read 220 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)