Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/11/2022

Điểm tuần báo Pháp - Chiến thắng Kherson và giấc mơ hòa bình

RFI tiếng Việt

Ukraine, từ chiến thắng Kherson đến giấc mơ hòa bình

Kherson, thành phố lớn nhất mà Ukraine vừa tái chiếm, có thể là bước ngoặt cho cuộc chiến. Mới sáu tuần lễ trước Putin hùng hồn tuyên bố Kherson thuộc về Nga vĩnh viễn, nay quân Nga phải tháo chạy lần nữa, sau trận Kiev và Kharkiv. Dù chông gai còn nhiều, nhưng có thể bắt đầu mơ đến một Ukraine dân chủ, ổn định và thịnh vượng thời hậu chiến.

chienthang1

Một người dân địa phương, bà Valentyna Buhaiova mừng rỡ mang hoa tặng, ôm chầm lấy các chiến sĩ giải phóng Ukraine ở ngoại ô Kherson, ngày 12/11/2022. Reuters - Valentyn Ogilentyn

Kherson, chiến thắng lớn nhất của Ukraine kể từ đầu cuộc xâm lăng

Tái chiếm Kherson (280.000 dân) là chiến thắng lớn nhất của Ukraine kể từ đầu cuộc xâm lăng, sau cuộc phản công thần tốc để giành lại Izium (45.000 dân) hồi tháng Chín. Bộ trưởng quốc phòng Nga loan báo đã "tái phối trí" 30.000 quân cùng với 5.000 xe quân sự, thiết bị ở hữu ngạn sông Dniepr, "không để lại một ai phía sau". Nhưng các hình ảnh trên mạng xã hội ngược lại cho thấy một cuộc rút lui hỗn loạn, quân Nga qua sông bằng cầu phao tạm bợ, bỏ lại quân phục và vũ khí. Trong một video, một lính Nga khẳng định đơn vị đã được lệnh mặc thường phục và tự tìm phương tiện để rút chạy. 

Libération  Le Figaro số cuối tuần đều đánh giá đây là bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến. L'Express giải thích "Kherson : Vì sao việc Nga rút quân là chiến thắng lớn của Ukraine". Dân chúng Kherson "mãi mãi là công dân của chúng tôi", cùng với Zaporijia, Luhansk và Donetsk - Vladimir Putin đã hứa hẹn như vậy trong buổi lễ sáp nhập 30/09. Chưa đầy sáu tháng sau, quân Nga lại phải tháo chạy lần nữa, sau khi rút khỏi Kiev cuối tháng 3 và Kharkiv giữa tháng 9.

Tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái đoàn Pháp ở Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : "Đó là chiến thắng quan trọng của Ukraine. Cuộc tấn công có phương pháp để cắt đứt lực lượng Nga ở hữu ngạn khỏi các đường tiếp liệu phía sau, đã đặt quân Nga vào tình thế khốn đốn. Hoặc chiến đấu đến cùng tuy biết rằng trước sau gì cũng bị đánh bật, hoặc rút sang tả ngạn". Cuộc rút quân - một sự nhục nhã cho Putin – rất vất vả vì Kiev sau khi phá hủy những chiếc cầu bắc ngang sông Dniepr đã oanh kích những cầu phao của Nga, và chừng như đã có một thỏa thuận ngầm vì Ukraine không truy sát gắt gao quân Nga qua sông.

Mặt trận sẽ tạm lắng một thời gian

Theo Courrier International, suốt cả ngày 11/11, tất cả báo chí và truyền hình Ukraine đều chăm chú theo dõi diễn tiến ở Kherson và vùng ngoại vi, cho đến khi chắc chắn rằng quân đội Ukraine sẽ giải phóng thành phố. Tiếp theo sẽ là gì ? L’Express nhận thấy dòng sông Dniepr là rào chắn thiên nhiên khiến lực lượng Ukraine sẽ không nhanh chóng vượt qua, hơn nữa Moskva đã bố phòng bên tả ngạn nhiều khẩu pháo. Mặt trận sẽ yên tĩnh chừng vài tháng. Quân Nga có thể hoàn hồn, phải bảo vệ ít lãnh thổ hơn, có thêm lính động viên tăng viện.

Tướng Úc Mick Ryan cho rằng ông Sergey Surovikin sẽ bố trí lại những đơn vị tác chiến và yểm trợ, cũng như lực lượng dự bị ở miền nam và miền đông. Chuyên gia Mathieu Boulègue của Chatham House nhận định, Nga tin rằng mùa đông bất lợi cho những cuộc phản công lớn, họ muốn kéo dài cuộc xung đột để việc chiếm đóng trở thành chuyện đã rồi trước mùa xuân.

Về phía Ukraine không muốn ngưng chiến đấu. Những bất ngờ chiến thuật có thể diễn ra, vì Nga chưa củng cố được tất cả chiến tuyến, nhất là ở Zaporijia. Quân Nga có thể bị đẩy lui, và một sự đột phá có thể dẫn đến hiệu quả domino, cho dù khó có khả năng này. Moskva không loại trừ kịch bản trên : những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy những chiến hào mới đào trên tuyến đường nối với bán đảo Crimea. Theo Mathieu Boulègue, sự kiện Nga rút khỏi Kherson chỉ là một giai đoạn, trong một cuộc chiến còn lâu mới kết thúc.

Niềm vui chiến thắng và những thách thức sắp tới

Courrier International trích dịch tường thuật của truyền thông các nước. Trong số "những cảnh tuyệt vời" mà The Guardian nhận thấy trên quảng trường Svoboda của Kherson, là cảnh hai người đàn ông vui mừng tung một nữ quân nhân lên cao, cảnh dân chúng thành phố được giải phóng quấn lá cờ xanh vàng quanh người. Những giọt nước mắt và nụ cười của "đám đông cư dân hân hoan" đến đón mừng đoàn quân của nước mình trong tiếng còi xe và những bài hát vinh danh người lính chiến. Người dân xúc động ôm lấy những chiến binh, tặng hoa, hô vang "Vinh quang cho Ukraine ! Vinh quang cho những người hùng !"

Những hình ảnh lễ hội này tương phản với cảnh tháo chạy của Nga. Washington Post coi đây là "thất bại chính trị và quân sự lớn nhất của Vladimir Putin trong cuộc chiến tàn bạo tám tháng rưỡi qua của ông ta". New York Times lưu ý "Khi phải loan báo những tin xấu, khó thể tìm thấy Putin". Hôm thứ Tư ông ta để cho tướng Sergey Surovikin "là khuôn mặt của thất bại". Tờ Times nhấn mạnh, "Putin ngày càng khó giữ khoảng cách với những trận thua, đang dần xói mòn hình ảnh một nhà lãnh đạo bất khả chiến bại", tuy chiếc ghế của ông ta vẫn chưa bị đe dọa.

Một chuyên gia trên Washington Post cho rằng tổng thống Nga luôn nghĩ là Ukraine sẽ phải đầu hàng khi mất đi sự ủng hộ của phương Tây từ nay cho đến sang năm. Suddeutsche Zeitung cũng cho là việc Nga rút khỏi Kherson không dẫn đến kết thúc chiến tranh, hơn nữa Kiev không muốn đàm phán. CNN cho biết Nga vẫn còn kiểm soát 60% Kherson và kênh dẫn nước vào Crimea. El País nói thêm, đập Nova Kakhovka ở đông bắc Kherson đã bị hư hại, ngoài nguy cơ lụt lội, nếu đập này vỡ thì nhà máy điện nguyên tử Zaporijia sẽ không đủ nước làm nguội các lò phản ứng.

Khó có khả năng Putin dùng vũ khí nguyên tử

Về Vladimir Putin, Le Point nhận thấy những nét tương đồng giữa tổng thống Nga và Usama bin Laden, thủ lãnh Al Qaeda. Cả hai đều coi cuộc chiến của mình là "Thiện" chống lại "Ác", tố cáo bị "Đại Sa-tăng" (Mỹ) hay "phát-xít" (Ukraine) tấn công. Thế nhưng chính chế độ của Putin đã xâm lăng nước láng giềng, phạm những tội ác ghê tởm với thường dân, triển khai lính đánh thuê đi bảo vệ những tên độc tài khát máu như Assad, bỏ tù đối lập, bóp nghẹt báo chí, tham nhũng… Sự đoàn kết của phương Tây nhằm trợ giúp Ukraine liệu có tiếp tục ? Đó là vấn đề trong những tháng sắp tới, "nếu muốn tránh khả năng Sa-tăng thứ thiệt chiến thắng".

Giáo sư Dan Reiter giải thích trên L’Express "Vì sao không nên lo sợ trước một Putin tuyệt vọng (với mối đe dọa nguyên tử) ?". Có nhiều lý do, riêng với hạt nhân thì từ năm 1945 đã nhiều lần các cường quốc nghĩ đến việc sử dụng bom nguyên tử trước đối thủ không có loại vũ khí này, nhưng rốt cuộc từ bỏ ý định. Chẳng hạn Hoa Kỳ ở Việt Nam và Afghanistan, Pháp trong cuộc chiến Algeria, Trung Quốc trong cuộc xâm lăng Việt Nam thập niên 70 và 80, Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 80.

Cũng trên L’Express, cựu đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Boris Bondarev cho rằng "Putin quá yêu cuộc sống sang trọng của ông ta để có thể dùng đến vũ khí hạt nhân", có thể dẫn đến một cuộc chiến làm chính ông phải bỏ mạng. Và một khi Putin còn tại vị thì không thể đàm phán với bất kỳ ai khác.

Khodorkovsky : Chưa phải là lúc để Kiev đàm phán

Nhưng liệu có nên ngồi vào bàn thương thảo lúc này ? Tỉ phú Nga lưu vong Mikhail Khodorkovsky giải thích trên The Economist "Bây giờ không phải là thời điểm để gây áp lực về hòa đàm". Không ít nhân vật nổi tiếng đã sốt ruột thúc giục, để không phải mất thêm nhiều sinh mạng và tiền bạc. Tuy nhiên đây đã là cuộc chiến thứ tư của Vladimir Putin, sau Chechnya, Gruzia và Syria. Putin và những người thân cận cả đời chỉ biết đến luật giang hồ của mafia, đặt quyền lực lên trên tất cả. Nếu đối thủ lùi bước và đề nghị thương lượng, ông ta sẽ tập trung sức chiếm toàn bộ hoặc ít nhất hai phần ba lãnh thổ Ukraine, áp đặt tối hậu thư cho NATO, bắt bí Moldova và các nước Baltic.

Tuy nhiên hiện thời Putin đang cần tạm ngưng khoảng một năm để lấp đầy kho vũ khí đã bị vơi hẳn. Mọi cuộc đàm phán đều gây tổn hại cho tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine, có vẻ như "đâm sau lưng chiến sĩ". Hơn nữa, làm sao chắc chắn rằng sau một năm sẽ không có cuộc tấn công khác ? Theo nhà đối lập, chiến tranh chỉ kết thúc khi nào chế độ Kremlin thay đổi.

Ukraine và giấc mơ hòa bình

Dù vậy The Economist vẫn lạc quan nghĩ đến tương lai, đặt ra vấn đề "Làm thế nào một đất nước ổn định và thịnh vượng có thể nổi lên sau chấn thương từ cuộc xâm lăng của Nga". Tờ báo hình dung ra một Ukraine toàn thắng vào năm 2030, đó là một quốc gia dân chủ chuẩn bị gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Công cuộc tái thiết gần như hoàn tất, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, đủ sạch và đa dạng để tách rời các tài phiệt tham nhũng, có nền an ninh vững chắc. Chẳng phải là Moskva không muốn xâm lăng lần nữa, nhưng nghĩ rằng sẽ không thành công.

Hiện nay đội quân Nga rệu rã đã rút khỏi Kherson, chiến tranh còn tiếp diễn. Nhưng việc Ukraine và các nhà tài trợ bắt đầu nghĩ đến thời hậu chiến và bảo đảm răn đe những kẻ xâm lược tiềm năng tương lai là điều logic, vì những tháng tới sẽ quyết định thập niên này kết thúc như thế nào. Người Ukraine ngã xuống để đất nước họ có quyền được quyết định tương lai của mình. Nếu áp đặt hòa bình cho Ukraine, nền hòa bình này ít có cơ hội bền vững. Chối từ chiến thắng của Ukraine, Nga tạo ra một quốc gia thất bại ở biên giới phương Tây, Vladimir Putin hay những người kế nhiệm sẽ đe dọa an ninh của toàn NATO.

Phương Tây đang trợ giúp vũ khí, tiền bạc một cách chừng mực, gia tăng quân viện mỗi lần Kiev gặp khó khăn nhưng không muốn giúp máy bay và đạn pháo tầm xa, sợ rằng Ukraine sẽ đi xa hơn. The Economist cho rằng Ukraine cần được coi là đối tác hơn là một nước xin viện trợ. Cần có một kế hoạch ổn định với các đồng minh, để dù tổng thống Mỹ sắp tới là ai, Kiev vẫn được hỗ trợ đều đặn. Kế hoạch này phải bao gồm cả tái thiết để khôi phục lại cuộc sống người dân, hơn nữa nếu kinh tế suy sụp thì dân chủ cũng thất bại.

Các nhà tài trợ họp ở Berlin trong tháng 10 ước tính việc tái thiết trong hai năm đầu có thể tốn đến 100 tỉ đô la, và giai đoạn kế tiếp - một kế hoạch Marshall cho Ukraine - có thể còn tốn kém nhiều hơn. Khoảng vài chục chính phủ và các tổ chức tín dụng đa phương sẽ tham gia xây dựng nền tảng để thu hút thêm vốn của các nhà đầu tư tư nhân. Song song đó Kiev phải củng cố mục tiêu chống tham nhũng đã đặt ra trong thời chiến. Ukraine cũng cần kiểm soát được lối vào Hắc Hải.

Phương Tây viện trợ cho Kiev : Không phải làm từ thiện mà là tự vệ

Khi tiếng súng ngưng, Nga sẽ nhanh chóng tái vũ trang, và chính phủ Kiev cần có được bảo đảm an ninh của phương Tây, chắc chắn hơn là thỏa thuận đã không răn đe nổi Putin năm 2014. Trở nên thành viên của NATO sẽ là một tiêu chí bằng vàng, nhưng Mỹ và nhiều đồng minh không muốn xung đột trực tiếp với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể ngăn trở.

Một phương án khác mô phỏng quan hệ giữa Mỹ và Israel : một hiệp ước an ninh mang tính ràng buộc giữa Kiev và các đồng minh, với những cam kết về pháp lý và chính trị. Một số nước bảo đảm ủng hộ về quân sự, tài chánh và về tình báo nếu Nga tấn công, số khác cam đoan sẽ trừng phạt. Kế hoạch này cũng dự trù chuyển giao vũ khí và đầu tư vào quốc phòng Ukraine trong nhiều thập niên.

Cũng không nên ảo tưởng : kỹ nghệ vũ khí phương Tây giảm sút sau khi Liên Xô sụp đổ, hiện đang vất vả trong việc cung cấp thiết bị, đạn dược cho Ukraine, cũng khó thể vượt qua Nga một khi nước này lại khởi động sản xuất sau khi chiến tranh kết thúc. Công việc tăng cường sản xuất vũ khí cần được tiến hành ngay lập tức. Một nỗi lo khác là sức ép cử tri, các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Roma, Praha, và Mỹ còn có mối ưu tư khác là Trung Quốc.

Phương Tây nên hiểu rằng chi ra nhiều tỉ đô la ở Ukraine không phải là hành động từ thiện, mà là tự vệ. Trong những thập niên vừa qua, cứ vài năm là Moskva lại khởi động những cuộc chiến bên ngoài biên giới. Sự ủng hộ rụt rè đối với Ukraine không làm Putin dịu đi. Nếu ông ta khống chế được Kiev, các thành viên NATO sẽ là những mục tiêu kế tiếp. Giấc mơ chiến thắng của Ukraine bảo đảm được một nền hòa bình bền vững không chỉ cho 43 triệu dân Ukraine, mà cả cho đông đảo người dân trên toàn Châu Âu.

Tập Cận Bình sửa đổi "Giấc mộng Trung Hoa"

Nhìn sang Châu Á, The Economist đề cập đến một giấc mơ khác : "giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình. Đối với những nhà độc tài khác, kiểm soát lời nói và hành động của thần dân là đã đủ. Nhưng hoàng đế đỏ còn muốn định hướng cả những giấc mơ của nhân dân ông ta.

Chỉ vài ngày sau khi lên làm tổng bí thư, ông Tập đã chứng tỏ tham vọng lớn lao khi hứa hẹn "Trung Hoa mộng", tái lập sự vĩ đại của Trung Quốc. Đó là việc xây dựng một xã hội thịnh vượng, mạnh mẽ và hài hòa (có nghĩa là trật tự), quân đội đẳng cấp thế giới, môi trường sạch hơn, đóng vai trò trung tâm của toàn cầu. Nhưng đối với giới kinh doanh, các quan chức chủ trương cải cách và trí thức, không khí đã trở nên ảm đạm sau đại hội đảng thứ 20. Tầm nhìn tương lai của Tập Cận Bình đã hướng sang những mục tiêu tập thể một cách đáng ngại, ít khoan dung cho những mơ ước cá nhân.

Trong bốn thập niên qua, mở cửa kinh tế đã khiến hàng trăm triệu người có thể mơ tưởng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong đó có những nông dân rời làng quê để trở thành lao động nhập cư hay lập công ty tư nhân, từ tiệm buôn nhỏ đến tập đoàn công nghệ cả tỉ đô la. Có những gia đình muốn các căn hộ chưa xây xong để gia tăng cơ hội cưới vợ cho con trai, những phụ huynh chi tiền học thêm cho con cái học kém hay muốn đi du học. Thanh niên xem phim ngoại quốc, chơi game trực tuyến Mỹ, hoặc tìm về tôn giáo như một niềm an ủi.

Đối với Tập Cận Bình, những chọn lựa này đe dọa sự độc quyền của đảng về con tim và khối óc. Từ 2015, ông ta kiểm soát ngặt nghèo các tôn giáo, cấm dạy thêm kể cả học trên mạng từ giáo viên người nước ngoài, giới hạn chơi game vài giờ một tuần, giảm số phim ngoại quốc được chiếu, cổ vũ giới trẻ hy sinh cho lợi ích chung. Tuần báo cho rằng việc thay đổi khế ước xã hội mang lại nhiều rủi ro cho mọi nhà lãnh đạo, trong khi tính chính danh của đảng lâu nay dựa vào sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Bạo lực trong đấu tranh môi trường, tỉ phú công nghệ : Hồ sơ các tuần báo

Liên quan đến chính trị nước Pháp, tuần báo thiên tả L'Obs dành trang bìa cho dân biểu François Ruffin của nhóm Nước Pháp Bất Khuất, người chủ trương xây dựng thực lực cho cánh tả thay vì những hoạt động bề nổi ồn ào. L'Express đăng hình vẽ nàng Mona Lisa của bức tranh La Joconde đang phải che mặt trước một mảng sơn đỏ, và dòng tít lớn "Khi phong trào sinh thái phá hoại". Tương tự, Le Point đặt câu hỏi "Bạo lực sẽ còn đi đến đâu ?", đăng ảnh một chiếc xe tải bốc cháy trên cánh đồng, cùng loạt bài điều tra về những phong trào đấu tranh không theo phương cách dân chủ.

Từ nhiều tuần qua, xuất hiện một thế hệ đấu tranh "vì khí hậu" mới : dùng keo dán chặt tay vào đường nhựa để cản trở giao thông, đổ bê-tông vào những lỗ trong sân gôn, tràn vào phi đạo… Cao điểm là vụ tấn công vào lực lượng an ninh hôm 29/10 bằng những quả bi sắt và moọc-chê làm 61 hiến binh và 30 người biểu tình bị thương, khiến bộ trưởng nội vụ Gérald Darmanin dùng chữ "khủng bố sinh thái".

Về thời sự quốc tế, trang nhất Courrier International tuần này có hình vẽ bốn nhà tỉ phú dẫn đầu là Elon Musk, tất cả trong bộ trang phục siêu nhân nhưng chữ S trước ngực được thêm một vạch đứng, trở thành ký hiệu đồng đô la, với dòng tít lớn "Những tỉ phú đầy quyền năng". Làm giàu từ thung lũng Silicon, nhưng ảnh hưởng từ những "ông chủ mới của thế giới" vươn xa ngoài nước Mỹ. Mark Zuckerberg muốn xây dựng metavers (thế giới ảo), Zeff Bezos thống trị thương mại điện tử, Bill Gates với "tư bản từ thiện" ngày càng bị chỉ trích… Nhưng nhất là Elon Musk, một cá nhân đã bỏ ra 44 tỉ đô la mua mạng xã hội có 240 triệu người thường xuyên tham gia, sở hữu trên 3.000 vệ tinh bay quanh quỹ đạo, nhiều hơn bất kỳ Nhà nước nào. Trang bìa The Economist là bóng dáng hai đứa trẻ đang chơi trò bập bênh trên những thanh sắt vốn là "con nhím" chống xe tăng Nga, chạy tựa "Hãy hình dung ra hòa bình cho Ukraine".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 217 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)