Trung Quốc, Nga, Iran : Tham vọng soán ngôi phương Tây thành ảo vọng
Ba quốc gia độc tài lâu nay vẫn cho rằng phương Tây đang suy tàn, chờ thời cơ soán ngôi. Nhưng giờ đây vấn đề khăn choàng Hồi giáo đã nối kết các sắc tộc thiểu số từ thành thị tới nông thôn, Zero Covid của Tập Cận Bình cũng liên kết người dân từ Urumqi đến Thượng Hải. Quan tài những người lính tử trận tại Ukraine quay về hàng loạt sẽ có tác động không nhỏ trên toàn lãnh thổ nước Nga. Đó là những chủ đề đáng quan tâm trên các báo Pháp ngày 01/12/2022.
Tập trận hải quân chung giữa Iran, Nga và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, với 11 chiến hạm Iran, 3 chiến hạm của Nga và 2 của Trung Quốc tham gia. Ảnh do quân đội Iran cung cấp ngày 21/01/2022. AP
Trang nhất Libération hôm nay nói về Covid, viêm phổi trẻ em, cúm, ba dịch bệnh xuất hiện cùng một lúc trong khi bệnh viện đã quá tải và việc chích ngừa còn chậm. La Croix quan tâm đến việc nghiệp đoàn bác sĩ đa khoa kêu gọi đình công hôm nay và ngày mai để đòi tăng giá khám bệnh. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận giá địa ốc tiếp tục giảm. Le Monde tố cáo sự gian dối của các quỹ đầu tư tự xưng là sinh thái. Phong trào phản kháng ở Trung Quốc cũng là chủ đề được các báo bàn luận nhiều ở trang trong, bên cạnh hồ sơ Ukraine.
Zero Covid làm cơn giận bùng nổ
Le Figaro nhấn mạnh "Chính sách zero Covid đã giải phóng tâm lý phẫn nộ đối với Tập Cận Bình". Một loạt cuộc biểu tình nổ ra tại ít nhất 18 thành phố Trung Quốc là sự kiện chưa từng thấy kể từ cuộc nổi dậy đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989.
Nếu vài ngàn người xuống đường chỉ là giọt nước so với 1,4 tỉ dân Hoa lục, chế độ cộng sản đang phải đối mặt với phong trào phản kháng trên toàn quốc, lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên, tại một đất nước mà những bất mãn thường chỉ trong phạm vi địa phương. Nhà chính trị học độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh nhận xét : "Phong trào thu hút cả giới công nhân, người có của ăn của để và sinh viên ; đi xa hơn cả khát vọng dân chủ trừu tượng năm 1989 của giới tinh hoa trong các trường đại học".
Động cơ chính là sự chán ngán nạn phong tỏa, và sâu xa hơn là kinh tế sa sút. Những câu khẩu hiệu chống đảng cộng sản vẫn là thiểu số. Nhà nghiên cứu Lý Minh Giang (Li Mingjiang) ở Singapore cho rằng đối với nhiều người, bất mãn chủ yếu từ chiến lược y tế và những cấm cản quá đáng của chính quyền địa phương. Việc áp đặt xét nghiệm mỗi 48 giờ và phong tỏa liên miên ngay từ khi phát hiện một ít ca nhiễm, làm giới kinh doanh lao đao và người dân không thể di chuyển ngay trong nội địa.
Thanh niên Hoa lục không thấy tương lai
Bên cạnh đó là những khó khăn kinh tế từ nhiều năm qua. Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 dự kiến thấp nhất từ trước tới nay : 3,2%. Le Figaro lưu ý tình trạng "1/5 thanh niên thất nghiệp tại nền kinh tế thứ nhì thế giới". Claude Albagli, viện trưởng Viện Cedimes xác nhận, những công ty lớn không tuyển người nữa. Nhiều công ăn việc làm là từ các cơ sở thương mại nhỏ, nhưng nay người dân không được ra đường, họ mất đi thu nhập. Sinh viên ra trường không tìm được việc. Những ngày gần đây, các thành phố bị phong tỏa chiếm đến 1/5 GDP toàn quốc.
Giới trẻ cũng bất bình trước việc Tập Cận Bình từ 10 năm qua áp đặt ý thức hệ cộng sản cứng nhắc. Họ muốn được lướt web không phải thông qua VPN, xem những phim với những thần tượng mình yêu thích, không muốn tuổi trẻ bị phí hoài với những hạn chế, kiểm duyệt. Chính quyền nay phải cho chiếu những trận đấu World Cup chênh với thời gian thực, và xóa cảnh khán giả không mang khẩu trang. Những hình ảnh càng làm chế độ thêm bối rối vì Qatar không phải là một nước dân chủ phương Tây - mà lâu nay vẫn tuyên truyền là đối phó kém trước con virus.
Đàn áp đã diễn ra. Công an canh gác khắp nơi, truy lùng người biểu tình bằng công nghệ, xét giấy người đi đường, kiểm tra cả điện thoại. Ông Lôi Cường cảnh báo : "Bắc Kinh sẽ trấn áp thô bạo một cách hiệu quả, họ đã có nhiều kinh nghiệm ở Tân Cương và Hồng Kông". Đội ngũ kiểm duyệt đã vào cuộc từ lúc đầu, hy vọng câu chuyện sẽ đi được lãng quên như Thiên An Môn. Nhưng nhân lúc ông Giang Trạch Dân qua đời, trên WeChat đã chia sẻ rộng rãi bài hát "Tiếc rằng đó không phải là anh", để trù ẻo người kế nhiệm bị căm ghét của ông Giang.
Cây gậy và củ cà rốt giảm nhẹ phong tỏa
Theo Le Monde, "Bắc Kinh đe dọa phong trào phản kháng" nhưng song song đó đã có dấu hiệu giảm nhẹ chính sách phong tỏa. "Củ cà rốt" là âm thầm thay đổi giọng điệu về những điểm chính yếu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, còn "cây gậy" là để cho cơ quan an ninh đe dọa "kiên quyết trấn áp các hoạt động xâm nhập và phá hoại của thế lực thù địch".
Les Echos lưu ý, phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) phụ trách y tế, vốn cứng rắn áp dụng "zéro Covid", sau cuộc họp hôm qua với các chuyên gia trong ngành đã không hề nhắc đến chính sách này. Bà nói rằng Trung Quốc đối mặt trước "tình hình mới và nhiệm vụ mới", do biến thể Omicron đang trở nên ít nguy hiểm hơn, và tỉ lệ chích ngừa tăng lên.
Tôn Xuân Lan cũng kêu gọi cố gắng tăng cường tiêm chủng cho người lớn tuổi. Các nhà phân tích của Nomura cho rằng tuyên bố của bà Tôn là dấu hiệu cho thấy "zéro Covid" sẽ kết thúc trong những tháng tới. Một ngày trước đó, thành phố Quảng Châu (18,7 triệu dân) nơi người biểu tình đụng độ dữ dội với công an, loan báo dỡ bỏ phong tỏa dù số lây nhiễm vẫn cao. Một quyết định rất được chú ý và được mạng xã hội ủng hộ.
Chống Covid, Bắc Kinh chọn giải pháp thời Trung Cổ
Tuy nhiên theo Le Figaro "Giữa phong trào phản kháng và mối đe dọa dịch bệnh, Tập Cận Bình có rất ít khả năng xoay sở". Tờ báo cho rằng "Trung Quốc không biết cách ra khỏi zero Covid và có nguy cơ trên 1 triệu người chết". Tháng 3/2020, cả thế giới phải phong tỏa, còn Trung Quốc đắc thắng loan báo thoát khỏi Covid nhờ chính sách không dung thứ trước con virus Sars-CoV-2. Nhưng từ vài tháng qua tình hình đã đảo ngược. Thế giới tìm lại tự do, con virus vẫn lây lan nhưng không gây nhiều phiền hà cho cuộc sống.
Giáo sư Antoine Flahault, đại học Genève phân tích, không chỉ có Trung Quốc áp dụng zero Covid, trước khi có vac-xin, nhiều nước Châu Á cũng như New Zealand, Úc cũng từng phong tỏa. Nhưng nay Trung Quốc là nước duy nhất lâm vào tình trạng khủng hoảng, bị sụp bẫy vì biến thể Omicron. Le Monde dẫn lời giáo sư Mahmoud Zureik chuyên về dịch tễ, cho rằng cần có một loạt biện pháp, trong đó có chích ngừa hầu như toàn bộ người lớn tuổi. Nhưng Trung Quốc là một đất nước rất đa dạng, từ những đại đô thị vùng duyên hải cho tới các khu vực nông thôn ở tây bắc, tỉ lệ tiêm chủng, cơ cấu dân số và năng lực hệ thống y tế rất khác nhau.
Chỉ có 40% người trên 80 tuổi ở Hoa lục chích đủ ba liều, để so sánh, ở Pháp tỉ lệ này là 80%. Nếu con virus lây lan như hiện nay ở Châu Âu, sẽ có trên 1 triệu người tử vong tại Hoa lục. Sars-CoV-2 vẫn là virus vô cùng nguy hiểm đối với dân số không miễn dịch, các bệnh viện Trung Quốc không có đủ khoa hồi sức như Châu Âu. Những làn sóng Omicron gần đây không tác hại nhiều ở phương Tây nhờ mức độ tiêm chủng cao trong dân. Cũng theo Antoine Flahault, do không thúc đẩy người lớn tuổi chích ngừa, Bắc Kinh làm toàn bộ cư dân phải chịu hậu quả. Ông nói : "Trong cuộc khủng hoảng này, có hai giải pháp. Một là như thời Trung Cổ, với phong tỏa và giới nghiêm, và giải pháp tân tiến là vac-xin. Trung Quốc đã bị đóng khung ở thời kỳ Trung Cổ".
Giang Trạch Dân, người hiện đại hóa Trung Quốc và đàn áp Pháp Luân Công
Libération nhận thấy, lên cầm quyền tháng 6/1989 để lật sang một trang mới sau Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) qua đời hôm qua ở tuổi 96, đúng vào lúc nổ ra các cuộc biểu tình lịch sử ở Trung Quốc. Ông Giang được đưa lên thay thế tổng bí thư cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) - bị trừng phạt vì quá khoan hòa với sinh viên biểu tình – nhờ là một khuôn mặt mà các phe đều chấp nhận. Dần dà "băng Thượng Hải" của Giang Trạch Dân thâu tóm được nhiều quyền hành.
Dưới thời ông, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hồng Kông và Macao được trao trả, Bắc Kinh giành được quyền tổ chức Thế vận hội 2008. Giới chủ được vào đảng, doanh nghiệp nhà nước được cải cách. Tuy nhiên đó là một kiểu chủ nghĩa tư bản hoang dã : sa thải hàng loạt, bùng nổ bất bình đẳng và tham nhũng, hủy hoại môi trường.
Giang Trạch Dân nối lại quan hệ với phương Tây, cởi mở với Hoa Kỳ. Le Figaro cho biết Giang là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiếm hoi nói lưu loát tiếng Anh, tiếp nữ hoàng Elizabeth II không cần phiên dịch năm 1986. Thích nghe nhạc cổ điển, Giang Trạch Dân cũng thích ca hát và khiêu vũ. Theo Le Monde, ngược với Tập Cận Bình, ông Giang có cách cư xử thoải mái hơn. Năm 2000, ông trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CBS, một hành động mà không một tổng bí thư nào sau ông dám thực hiện. Nhưng Giang Trạch Dân cũng là người đàn áp Pháp Luân Công và cấm hoạt động tháng 7/1999.
Dù là người cất nhắc Tập Cận Bình, nhưng sau khi lên nắm quyền ông Tập vẫn không tha những người thân của Giang Trạch Dân. Hai người con trai của ông là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) và Giang Miên Khang (Jiang Miankang) được cho là nằm trong tầm ngắm của Tập vì là trung tâm nhóm lợi ích trong một số lãnh vực. Les Echos cho biết Tập Cận Bình đã lập ban lễ tang gồm 688 người, trong đó cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu thủ tướng Chu Dung Cơ cũng là thành viên.
Đảng sẽ lại bóp chết phong trào phản kháng từ trong trứng nước ?
Trong bài xã luận Le Figaro nhận thấy như một tình cờ lịch sử, cựu chủ tịch Giang Trạch Dân qua đời vào lúc Trung Quốc sôi sục vì biểu tình. Sau sự kiện Thiên An Môn, ông Giang chủ trương "bóp chết từ trong trứng" mọi nhân tố phản kháng, và trên ngôi cao, Tập Cận Bình chắc hẳn cũng có cùng quyết tâm với người tiền nhiệm.
Các nhà lãnh đạo cộng sản luôn muốn vùi dập những mầm mống phản kháng. Họ đều biết rằng trong đất nước Trung Quốc mênh mông, tất cả đều có thể thổi bùng đến một tầm mức không thể kiểm soát nổi. Những cuộc nổi dậy nho nhỏ đôi khi trở thành cả một dòng sông cách mạng. Thế nên những ông chủ ở Trung Nam Hải nhanh chóng đánh mạnh vào tất cả những ai dám manh động. Việc đấu tranh chống một thảm họa môi trường hay tham nhũng, và giờ đây là "zéro Covid", không thể để lan từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ vấn đề xã hội trở thành chính trị.
Đảng cộng sản Trung Quốc rất thiện nghệ trong việc xử lý khủng hoảng, "vừa đấm vừa xoa". Bắc Kinh không ngần ngại tống giam giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), tác giả bản Hiến chương dân chủ dù văn bản này hết sức ôn hòa, để "giết gà dọa khỉ". Một lần nữa, bộ máy đàn áp lại khởi động. Nhưng lời cảnh báo là nghiêm khắc. Những cuộc biểu tình rộng rãi như thế tại nhiều nơi trên toàn quốc là chưa từng thấy từ bốn thập niên qua. Người biểu tình còn "phạm thượng" hô khẩu hiệu đòi Tập đại đế từ chức. Công nhân phẫn nộ, giới trung lưu cũng vậy. Trong khi tại Trung Quốc tư bản khoác áo cộng sản, chính với giới này mà đảng bảo đảm sự thịnh vượng, đổi lại, phải im miệng. Ngày nay khế ước đã rạn vỡ. Để đối phó, Tập Cận Bình có cây gậy răn đe và dân tộc chủ nghĩa đầy nguy hiểm.
Đại bác của đồng minh cũng không chịu nổi cường độ chiến tranh Ukraine
Nhìn sang Ukraine, Le Monde cho biết khoảng 350 khẩu đại báo được phương Tây chuyển cho Kiev kể từ đầu cuộc chiến thường xuyên bị hư – theo New York Times ngày 25/11 – chủ yếu do phải hoạt động quá nhiều. Trang web Oryx ghi nhận ít nhất 20 đại bác M777 của Mỹ, một khẩu Caesar (Pháp), một PzH 2000 (Đức) và một FH70 (Ý) bị bom Nga phá hủy hay làm hư hỏng. Tuy nhiên cường độ hoạt động mới là nguyên nhân chính. Theo Lầu Năm Góc, lực lượng Ukraine mỗi ngày bắn 5.000-7.000 quả đạn vào quân Nga, lúc cao điểm lên đến 20.000.
Kỹ sư Marc Chassilan chuyên về vũ khí bộ binh giải thích, khi bắn quá nhiều, các bộ phận bị hao mòn rất nhanh như nòng, khóa nòng (culasse)… Thường thì một nòng đại bác chịu đựng khoảng 2.000 phát, không đủ để trụ lại nhiều tháng theo nhịp độ hiện nay. Hơn nữa Ukraine lúc nào cũng cần đạn vì dùng đại bác phương Tây với các loại đạn nhiều khi không thích hợp nên càng dễ hư. Pháp sẽ giúp đào tạo trên 150 quân nhân Ukraine riêng về môn MCO (duy tu trong điều kiện hoạt động), và công ty KNDS của Pháp-Đức loan báo lập một trung tâm bảo trì ở Slovakia vào đầu tháng 12 để sửa chữa xe bọc thép và đại bác. Phía Mỹ cũng lập nhiều trung tâm bảo trì ở Ba Lan.
Trung Quốc, Nga, Iran : Ba chế độ độc tài đang lao đao
Nhìn chung về địa chính trị, Le Monde nhận định ba quốc gia độc tài Trung Quốc, Nga, Iran lâu nay vẫn cho rằng phương Tây đang suy tàn, nay bản thân các nước này đều lao đao. Cộng hòa Hồi giáo Iran gần ba tháng nay phải đối đầu với phong trào mạnh mẽ chống lại chính cái nền tín ngưỡng, khiến bộ máy đàn áp chuyên nghiệp phải bất ngờ. Nga sau khi xâm lăng Ukraine phải chịu đựng nạn chảy máu não gây hậu quả lâu dài, các thất bại quân sự khiến ngay cả các nước chư hầu cũ thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể cũng giữ khoảng cách. Chiến lược zero Covid của Tập Cận Bình làm dân chúng nung nấu bất mãn cực độ, chưa đầy 6 tuần sau Đại hội Đảng 20.
Trước đây thời gian chừng như đứng về phía các cường quốc xét lại, chủ yếu là Trung Quốc và Nga, chỉ cần kiên nhẫn chờ lãnh đạo thế giới "đổi bên". Các chế độ này được cho là hiệu quả, ổn định hơn phương Tây, đổi lại thần dân nên biết điều, giữ mồm giữ miệng. Nhưng nay tác động của trừng phạt quốc tế lên người dân Iran - do tham vọng về chương trình nguyên tử - từ lâu đã quá nặng nề. Cuộc phiêu lưu của Vladimir Putin đã khiến khế ước lâu nay tan vỡ, vì người dân phải trả giá bằng máu. Tương tự đối với việc Tập Cận Bình chuyển hướng, không còn coi trọng tăng trưởng, cộng với sự độc đoán của đảng cộng sản. Cựu bộ trưởng tài chánh thời Bill Clinton, Lawrence Summer còn dự báo Trung Quốc sẽ cùng chung số phận với Nhật Bản ba thập niên trước - từng được cho là sẽ trở thành nền kinh tế số một thế giới.
Ở cả ba nước, tự cầm tù trong ý thức hệ và sự xơ cứng của chế độ đã gây ra cùng hậu quả. Ban lãnh đạo Iran phải trả giá cho việc chấm dứt chủ trương đa phương của phe cải cách. Tại Nga, Vladimir Putin trị vì quá lâu theo kiểu băng nhóm nên bị tách rời với thực tế. Tập Cận Bình ngồi lại thêm nhiệm kỳ thứ ba, cộng với việc lăng nhục Hồ Cẩm Đào trong đại hội đảng, cho thấy giai đoạn ngắn ngủi của phong trào nhân quyền đã thành quá khứ từ hơn một thập niên.
Việc hủy bỏ các cơ cấu phản kháng theo "chiều thẳng đứng" không ngăn được các phong trào diễn ra theo "chiều ngang". Vấn đề khăn choàng Hồi giáo đã nối kết các sắc tộc thiểu số, từ thành thị tới nông thôn. Zero Covid của Tập Cận Bình cũng liên kết người dân từ Urumqi đến Thượng Hải. Quan tài những người lính tử trận tại Ukraine quay về hàng loạt cũng sẽ có tác động không nhỏ trên toàn lãnh thổ nước Nga. Theo Le Monde, cách mạng khó thể diễn ra tại ba nước độc tài nổi tiếng sắt máu ; nhưng ba chế độ từng có tham vọng trở thành mô hình đối chọi, cạnh tranh với phương Tây, nay đang lâm vào thế bí.
Thụy My