Pháp-Maroc : Trận cầu vượt xa ý nghĩa của một cuộc đọ sức thể thao
Trận Pháp-Maroc tranh vé vào chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới là chủ đề trang nhất của đa số báo Pháp hôm thứ Tư 14/12/2022. Hội nghị quốc tế hỗ trợ Ukraine tổ chức tại Paris, Liên Âu trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên đánh thuế cac-bon ở biên giới, nghi án Qatar hối lộ Nghị Viện Châu Âu là các chủ đề chính khác.
Cổ động viên Pháp và Maroc chào mừng hai đội cùng lọt vào bán kết, Paris, ngày 10/12/2022. © Reuters/Benoit Tessier
Trang nhất Le Monde đăng hình ảnh lớn, cho thấy các cổ động vài phút trước thắng lợi của đội tuyển Maroc trước Bồ Đào Nha ngày 10/12. Các cổ động viên theo dõi trận đấu tại sân vận động Parc des Expositions ở Mantes-la-Jolie, tỉnh Yvelines, phía tây thủ đô Paris. Nhật báo Pháp chạy tựa "Qatar 2022 : Pháp-Maroc, trận bán kết đi vào lịch sử". Le Monde điểm ra những nét chính khiến trận cầu Pháp-Maroc mang ý nghĩa lịch sử.
"Châu Phi trỗi dậy", dân bị ngược đãi phục thù…
Thứ nhất là trận đấu thu hút những người dân Maroc sống tại Pháp, coi trận đấu giữa các cầu thủ Áo Lam và "các con Sư tử Atlas" như "cuộc đọ sức giữa những người anh em". Thứ hai việc Maroc lọt vào bán kết là niềm tự hào của toàn thế giới Ả Rập. Nhà sử học Yvan Gastaut thậm chí còn cho rằng "đây là sự phục thù của các dân tộc bị ngược đãi". Một điểm quan trọng khác đối với Le Monde, là trận cầu xảy ra đúng vào lúc quan hệ ngoại giao Paris – Rabat đang hồi căng thẳng.
Đội tuyển Áo Lam đối mặt Maroc trong thế công là hàng tựa chính của Le Figaro. Nhật báo thiên hữu đăng hình các danh thủ Pháp Ousmane Dembélé, Mbappé, Giroud đang trong một buổi tập, với chú thích đầy lạc quan : "Chiến thắng sẽ đưa Pháp vào trận chung kết, để hướng đến ngôi vô địch thế giới lần thứ ba".
"Pháp-Maroc. Vì lịch sử. Hai đội tuyển quốc gia chạm trán tối nay tại giải Vô địch thế giới, trong một trận bán kết chưa từng có" : tựa trang nhất của La Croix đăng trên nền hình ảnh cổ động viên hai đội tuyển sát cánh bên nhau dưới Khải Hoàn Môn, đại lộ Champs-Elysées, quốc kỳ ba màu của Pháp hòa cùng lá cờ đỏ sao xanh của Maroc. La Croix dành bài xã luận hôm nay cho trận cầu lịch sử.
Bài xã luận nhan đề "Au pluriel" (tạm dịch là "Một trận cầu đa nghĩa") trước hết nói về mặt thể thao. Đây là một trận cầu "hấp dẫn". Đội tuyển của Didier Deschamps phải vượt qua Maroc để hy vọng một lần nữa đoạt cúp Vàng. Đội tuyển Maroc đang trong giai đoạn phong độ cao, bất ngờ vượt qua một loạt các đội tuyển sừng sỏ, ít nhất là trên giấy tờ. Cú đột phá của Maroc cũng là "biểu tượng cho sự trỗi dậy của Châu Phi và thế giới Ả Rập đang trên đường muốn thoát khỏi sự thống trị của phương Tây".
Trận đấu "huynh đệ" : Ai giỏi hơn người ấy thắng
Tuy nhiên, cũng giống như Le Monde, điểm mà nhật báo công giáo muốn nhấn mạnh nhiều hơn đó là một trận cầu huynh đệ : "Trận đấu hôm nay cũng là câu chuyện về những dòng đời đan bện với nhau". Trong đội tuyển Maroc có nhiều cầu thủ ra đời ở Pháp, thi đấu trong các câu lạc bộ Pháp, và ngược lại, trong đội tuyển Pháp, có nhiều cầu thủ gốc Châu Phi. La Croix đặt mình vào tâm thế của nhiều người gốc Maroc sống ở Pháp, chia sẻ với tâm trạng phân đôi của họ, nửa ủng hộ Pháp, nửa ủng hộ Maroc, hay thậm chí có nhiều người đứng hẳn về phía đội tuyển quê hương. Với La Croix, tất cả đều có thể miễn sao đừng để những cảm xúc nồng nhiệt biến thành bạo lực. Và điều quan trọng là tất cả thống nhất với nhau về một nguyên tắc đơn giản : "ê kíp nào mạnh hơn ê kíp ấy sẽ thắng".
Trận cầu lịch sử đúng vào lúc Pháp-Maroc hướng đến hòa dịu
Trận cầu Maroc-Pháp cũng là chủ đề chính của nhật báo thiên tả Libération. Thay vì nói đến một trận cầu lịch sử, Libération nói về "lịch sử của một trận đấu", để điểm lại những cội rễ sâu xa của những mặc cảm, vui buồn xen lẫn đã gắn chặt số phận của hai quốc gia láng giềng bên bờ Địa Trung Hải. Cách nay hơn một thế kỷ nước Pháp thực dân đã từng cao ngạo khẳng định mang lại cho Maroc "văn minh, thịnh vuợng và hòa bình".
Libération ghi nhận, hơn một thế kỷ sau tính chất "đạo đức giả" của tuyên truyền thực dân đó đã hiển lộ. Libération điểm ra một loạt những gì cho thấy quan hệ bất ổn Pháp-Maroc, từ chính sách giới hạn visa của Pháp với Maroc, đến vụ nghe lén Pegasus… Từ hai năm nay, Paris và Rabat rút đại sứ. Ngày mai, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna có kế hoạch đến Maroc để tìm cách tháo gỡ căng thẳng.
Chuyến công du diễn ra ngay sau trận đấu Maroc-Pháp. Không hẹn mà gặp, "lịch trình quả là tuyệt vời", theo Libération. Xã luận nhật báo thiên tả mang tựa đề "Lạc quan" khẳng định nhìn từ hai phía Pháp và Maroc, có một không khí lạc quan xuyên suốt qua nhiều phóng sự liên quan đến trận đấu lịch sử sắp diễn ra, được Libération thực hiện. Trận đấu rõ ràng là căng thẳng, thắng thua dĩ nhiên là chuyện quan trọng với mỗi bên, nhưng cũng như La Croix, Libération khép lại bài xã luận cùng với "nguyên tắc mang tính trung lập và đầy khoan dung" : đội nào chơi tốt hơn đội ấy sẽ giành chiến thắng.
Đi Qatar dự bán kết, Tổng thống Macron bị lên án
Trận cầu Pháp-Maroc không chỉ là thể thao. Chuyến đi của tổng thống Pháp đến Qatar cũng là một hồ sơ chính của nhật báo kinh tế Les Echos. Bài "Macron đi Qatar bất chấp các phản đối" cho biết tổng thống Pháp thậm chí không đặt ra vấn đề đi Qatar hay không. Quan điểm của ông Macron là "không nên chính trị hóa thể thao". Ông Macron không ủng hộ chuyện tẩy chay Qatar vì các lý do nhân quyền, hay môi sinh.
Theo nhà chính trị học Chloé Morin, trên thực tế, về mặt chính trị, thực sự là không đơn giản với tổng thống Pháp, khi đến Qatar. Tuy nhiên, đối với giới hâm mộ bóng đá, đây không phải là lúc nói về nhân quyền.
Dù sao, theo nhật báo kinh tế Pháp, tổng thống Macron có nhiều lý do xác đáng để không đến Qatar, đặc biệt sau khi bùng lên bê bối tham nhũng tại Nghị Viện Châu Âu, quan chức cao cấp của định chế này bị nghi ngờ nhận hối lộ của Qatar để làm lơ trước các vi phạm quyền người lao động của quốc gia giàu có vùng Vịnh. Les Echos dẫn lại nhiều chỉ trích mạnh mẽ từ phía giới chính trị gia cánh tả Pháp, kêu gọi tổng thống từ bỏ chuyến đi. Tuy nhiên, theo Les Echos, lo ngại lớn nhất của chính phủ Pháp là bảo đảm an ninh tại thủ đô nước Pháp trong bối cảnh có nhiều nguy cơ bạo động bùng lên. Khoảng 10.000 cảnh sát đã được huy động trên toàn nước Pháp, riêng tại vùng thủ đô, có khoảng 5.000 người.
Nhân loại bước sang "phần bù giờ" trong trận đấu bảo vệ hành tinh
Libération đặc biệt chú ý đến chuyến đi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Qatar, tham dự trận đấu để cổ vũ đội nhà. Nhân chuyến công du của tổng thống Pháp, hiệp hội tranh đấu nhân quyền Avaaz đăng tải thông điệp lên án chuyến đi với hàng tựa chính : "Đừng đùa với trò chơi hủy diệt". Thông điệp được đăng trên hình tổng thống Pháp đang phấn khích (hình được cắt ra từ một trận đấu khác). Đối diện với ông Macron không phải là sân vận động bóng đá ở Qatar, mà là một sân bóng đá chìm trong lửa, đằng sau là cả khu rừng lớn, bị tàn phá, khói lửa mù mịt.
Bên dưới hàng tựa nói trên là một bức thư ngỏ gửi tổng thống Pháp. Hiệp hội bảo vệ nhân quyền Avaaz nhấn mạnh : "Đội tuyển Áo Lam không cần đến sự cổ vũ của ông, cả hành tinh của chúng ta. Khi ông kết thúc tham dự trận đấu bán kết của Pháp, thì cũng là lúc một diện tích tương đương với 1.000 sân vận động rừng nhiệt đới nguyên sinh bị hủy diệt trong thời gian thi đấu". Hiệp hội nhân quyền kêu gọi người đứng đầu của cái gọi là "Liên minh quyết tâm vì Thiên nhiên và các Cộng đồng" đóng góp làm sao để hội nghị về Đa dạng sinh học COP15 đang diễn ra đạt được một thỏa thuận vững chắc, và có cơ sở khoa học, để bảo vệ ít nhất một nửa hành tinh trước 2030, tôn trọng quyền các những người bảo vệ Trái đất…".
Avaaz hóm hỉnh lưu ý : "Trong trận đấu để bảo vệ hành tinh, chúng ta đã bước sang giai đoạn đá bù giờ".
Nghi án hối lộ Châu Âu : Qatar "tự bắn vào chân mình"
Vụ bê bối nghi án Qatar hối lộ là chủ đề chính của xã luận Le Monde. Bài "Nghị Viện Châu Âu : Mệnh lệnh minh bạch khẩn cấp". Tổng cộng hơn một triệu euro tiền mặt đã được cảnh sát Bỉ bắt giữ. Điều tra cho phép bước đầu phanh phui một "tổ chức tội phạm" thao túng các chính sách của Liên Âu có lợi cho Qatar. Chưa bao giờ một định chế của Châu Âu lại dính vào một bê bối tham nhũng như vậy. Điều đặc biệt đáng nói là khi Liên Âu lại cố gắng khẳng định "tính chất mẫu mực về mặt đạo lý chính trị và minh bạch".
Với Le Monde, vụ án này có hai hệ quả rõ ràng. Thứ nhất cho thấy tại Nghị Viện Châu Âu đã hoàn toàn vắng mặt sự "kiểm soát độc lập", tạo điều kiện cho việc hối lộ có hệ thống. Thứ hai, cuộc điều tra cho thấy chính quyền Qatar "đã tự bắn vào chân mình", khi tìm cách mua chuộc một số nghị sĩ Châu Âu. Đây là điều cho thấy "nỗ lực tuyệt vọng" của cường quốc vùng Vịnh "nhằm đánh bóng lại uy tín đã bị hao mòn".
Hội nghị hỗ trợ Ukraine : Pháp bị phê phán "đơn phương"
Hội nghị quốc tế hỗ trợ Ukraine do Pháp tổ chức là chủ đề chính của Le Monde và Le Figaro. Le Monde cho biết chính sách ngoại giao đơn độc của tổng thống Pháp bị chỉ trích. Theo Le Monde, nhiều nhà ngoại giao và đối tác Châu Âu bất bình với sáng kiến này, thậm chí phẫn nỗ bởi hành xử bị coi là đơn phương của tổng thống Macron. Nhật báo Pháp cũng có một số điều tra về chiến lược của tổng thống Pháp đối với cuộc xâm lăng Nga chống Ukraine, kể từ đầu cuộc chiến. Theo Le Monde, đằng sau quan hệ đặc biệt của tổng thống Macron với người đồng cấp Nga Putin, là việc "thực thi quyền lực mang tính tập quyền, trong đó nhiều chuyên gia về Nga bị gạt ra lề".
Cái hợp lý trong "chính sách Nga" của Macron
Trong khi đó, Le Figaro có bài xã luận "Giữa lời nói và hành động", tìm cách soi tỏ chiến lược của tổng thống Pháp với cuộc xâm lăng của Nga. Hội nghị do Pháp tổ chức tại Paris trước hết là một thành công, với hơn một tỉ euro huy động được từ phía 70 quốc gia và tổ chức quốc tế, so với số tiền 800 triệu mà tổng thống Ukraine đề xuất. Chính quyền Macron muốn qua sự kiện này, khẳng định quan hệ hữu nghị với Ukraine là "không thể chê trách", để phản bác lại những chỉ trích lâu nay nhắm vào tính chất tạm gọi là nước đôi, thậm chí là thỏa hiệp mà nhiều người ghi nhận trong quan hệ giữa Paris và Moskva, thủ phạm của các tội ác tàn bạo chống người Ukraine.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, chiến lược của tổng thống Macron có một giá trị đặc biệt quan trọng ở chỗ, dù muốn dù không, kể cả sau khi nước Nga bại trận, Nga vẫn tồn tại, và Châu Âu vẫn còn duy trì quan hệ với Nga. Chính sách Nga của ông Macron, với chủ trương "không hạ nhục nước Nga" có giá trị là ở đó.
Thuế cac-bon "lịch sử" : Giới công nghiệp lo ngại EU mất khả năng cạnh tranh
Khí hậu và kinh tế là chủ đề chính của nhật báo Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp chọn thuế cac-bon của Liên Âu làm chủ đề trang nhất. Les Echos dành lời trước hết cho các nhà công nghiệp. Trong lúc mục tiêu đánh thuế các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch được coi là cần thiết, và thỏa thuận của EU đáng được coi là lịch sử, thì thách thức hàng đầu hiện nay là nguy cơ các doanh nghiệp Châu Âu bị suy yếu trong cạnh tranh kinh tế, khi thuế cac-bon chưa được áp dụng với phần còn lại của thế giới.
Trọng Thành