Nga đe dọa điều chỉnh học thuyết quân sự cho phép "tấn công phủ đầu" đối phương
Trọng Thành, RFI, 10/12/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moskva có thể điều chỉnh học thuyết quân sự để cho phép sử dụng vũ khí tối tân "tấn công phủ đầu" hủy diệt cơ quan quân sự đầu não của đối phương. Phía Mỹ lên án thái độ đe dọa hạt nhân của Nga là "hoàn toàn vô trách nhiệm".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, Nga ngày 07/12/2022. via Reuters - Sputnik
Trong chuyến công du tại Kyrgystan, hôm 09/12/2022, phát biểu trước báo giới, tổng thống Nga giải thích Moskva có thể bổ sung khái niệm "tấn công phủ đầu" như của Mỹ vào học thuyết quân sự của Nga, và khẳng định các tên lửa hành trình và các hệ thống tên lửa siêu thanh hiện có của Nga đủ để cho phép thực hiện mục tiêu này. Theo hãng tin Mỹ AP, tổng thống Nga đã nhấn mạnh đến việc Moskva cần xem xét các kinh nghiệm của Mỹ, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Ông Putin cũng nói rõ là các cuộc tấn công phủ đầu nhằm mục tiêu hủy diệt các cơ quan chỉ huy của đối phương.
Phát biểu của tổng thống Nga được đưa ra hai ngày sau tuyên bố của ông Putin về việc Nga sẽ không phải là bên sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Tuyên bố được nhiều người cho là Moskva rõ ràng đã giảm nhẹ triển vọng sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, các lời lẽ hôm qua của lãnh đạo Nga ngay lập tức bị chỉ trích mạnh mẽ từ Washington. AP dẫn lời một quan chức Mỹ xin ẩn danh cho biết, các cố vấn của tổng thống Joe Biden đã coi các tuyên bố của ông Putin là "lời đe dọa" ngầm khác rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giới chức này cũng lưu ý rằng học thuyết quân sự của Nga từ lâu đã khẳng định rằng Moskva bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên để đáp trả hành vi gây hấn quân sự quy mô lớn, tức trái ngược với tuyên bố của tổng thống Nga hôm 07/12.
Ông John Erath, thuộc Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí (Center for Arms Control and Non-Proliferation), có trụ sở tại Washington cũng coi tuyên bố của Putin là một nỗ lực mới nhằm thổi bùng lên mối đe dọa hạt nhân. Vị chuyên gia nói trên giải thích : "Ông ta hoàn toàn không nói rằng chúng tôi sẽ phóng vũ khí hạt nhân, nhưng ông ấy muốn ở Mỹ và ở Châu Âu thấy rằng, nếu cuộc chiến này kéo dài, mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ càng lớn hơn".
Phát biểu hôm qua tại Bộ Chỉ Huy Chiến lược Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm về vũ khí hạt nhân quốc gia, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin nhắc lại các đe dọa hạt nhân trước đó của tổng thống Nga : "Khi điện Kremlin tiếp tục cuộc chiến độc ác và vô cớ chống lại Ukraine, cả thế giới lại chứng kiến ông Putin đưa ra các lời lẽ đe dọa tấn công hạt nhân hết sức vô trách nhiệm". Bộ trưởng quốc phòng Mỹ không trực tiếp bình luận về các phát biểu hôm qua của tổng thống Nga.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 10/12/2022
****************************
Chiến tranh Ukraine : Mỹ cảnh báo "quan hệ đối tác quân sự diện rộng" giữa Nga và Iran
Minh Anh, RFI, 10/12/2022
Nhà Trắng hôm 09/12/2022 đưa ra một lời báo động nghiêm trọng, theo đó, Nga và Iran đã mở rộng quan hệ thành "đối tác quân sự toàn diện". Moskva lập tức phản bác và tố cáo Mỹ cùng các đồng minh tiến hành "cuộc chiến ủy nhiệm".
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 28/11/2022. AP - Patrick Semansky
Theo AFP, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby, dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, Moskva và Teheran đang nhắm đến kế hoạch cùng sản xuất các loại "drone tự sát" tại Nga, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Ông John Kirby còn nhắc lại, Iran còn dự định bán "hàng trăm" tên lửa đạn đạo cho Nga. Thông tin này đã được Mỹ công bố trước đấy.
Cũng theo Nhà Trắng, phía Nga, đổi lại, sẵn sàng cung cấp cho Iran nhiều loại trang thiết bị "tinh vi", trực thăng, hệ thống phòng không và tiêm kích. Ông John Kirby cho biết thêm là nhiều phi công Iran đã bắt đầu các khóa tập huấn tại Nga trên các chiếc SU-35, loại chiến đấu cơ mà quân đội Teheran rất có thể sẽ nhận được trong năm tới. Điều này sẽ "làm gia tăng đáng kể năng lực không quân của Iran".
Nhà Trắng đánh giá, Nga đang "cung cấp một nguồn hậu thuẫn quân sự và kỹ thuật ở một cấp độ chưa từng có" cho Iran, "biến mối quan hệ giữa hai nước lên thành đối tác quốc phòng chặt chẽ và toàn diện". Và tiến triển này là "có hại" cho Ukraine, các nước lân cận của Iran và "cộng đồng quốc tế".
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Mỹ kêu gọi "Iran nên thay đổi quỹ đạo" liên quan đến kế hoạch bán tên lửa cũng như là dự định cùng sản xuất drone tại Nga, đồng thời, cảnh báo Hoa Kỳ sẽ "sử dụng mọi phương tiện có sẵn để vạch trần và cản trở những hoạt động này".
Nga phủ nhận và tố cáo Mỹ tiến hành chiến tranh "ủy nhiệm"
Phía Nga, trong cuộc họp tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chiều hôm qua, một lần nữa đã bác thông tin nhận vũ khí của Iran. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassili Nebenzia, khẳng định "tổ hợp công nghiệp – quân sự Nga hoạt động tốt và chẳng cần sự trợ giúp của ai".
Ngược lại, khi cho rằng "công nghiệp quân sự Ukraine là không tồn tại", ông tố cáo Hoa Kỳ và các đồng minh tiến hành "cuộc chiến ủy nhiệm" khi cung cấp vũ khí cho Kiev dẫn đến rủi ro những loại vũ khí này rơi vào tay "quân khủng bố" trên những địa bàn khác.
Đại sứ Nga, bên yêu cầu mở cuộc họp, đã khẳng định rằng "tình trạng nay hiện nằm ngoài kiểm soát, đến mức các loại vũ khí dành cho Ukraine giờ xuất hiện trên thị trường chợ đen không những tại Châu Âu mà cả ở vùng Trung Đông và Châu Phi".
Trong số các biện pháp cấm vận chống Nga, bộ ngoại giao Mỹ còn nêu rõ đặc biệt trừng phạt 3 chủ thể Nga chuyên trách việc mua drone, vận chuyển và đào tạo Nga sử dụng drone nhất là tại Ukraine "trong các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự". Cụ thể, đó là các lực lượng hàng không – không gian Nga (VKS), đơn vị 924 trung tâm hàng không không người lái và bộ chỉ huy vận tải quân sự (VTA), theo thông cáo từ Nhà Trắng.
John Kirby cho biết thêm là Hoa Kỳ xem xét "nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu khác" nhằm "ngăn cản Iran tiếp cận các công nghệ nhạy cảm".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 10/12/2022