Theo báo cáo thường niên mà tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp công bố hôm 14/12/2022, tính đến ngày 01/12/2022, trên thế giới có tổng cộng 533 nhà báo bị giam giữ trong tù. Con số các nhà báo bị bỏ tù như vậy đã tăng 13,4% trong vòng 1 năm. Số nhà báo bị giết hại là 57, tăng 18% so với năm trước. Đây là những kỷ lục mới đáng buồn đối với tự do báo chí.
Người biểu tình cầm tấm biển có dòng chữ "báo chí không phải là tội ác" trong một cuộc biểu tình ủng hộ tự do báo chí ở Berlin, Đức. © Britta Pedersen/DPA/AFP via Getty Images
Phát ngôn viên RSF, Pauline Ades-Mevel, nhận định "chưa bao giờ RSF thấy số nhà báo bị cầm tù cao đến như vậy". Điều này khẳng định rằng các chế độ chuyên chế vẫn tiếp tục bỏ tù, thậm chí không qua xét xử, các nhà báo "làm phiền" chế độ. Chỉ hơn 1/3 số nhà báo bị xét xử trước khi bị bỏ tù và ngày càng có nhiều nhà báo nữ bị cầm tù. Đối với RSF, tình hình rất đáng lo ngại.
Với 39 nhà báo bị giam giữ, Việt Nam cùng với Trung Quốc (110), Miến Điện (62), Iran (47) và Bélarus (31) là những nước bị tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp vào danh sách các "nhà tù lớn nhất thế giới". Hơn một nửa số nhà báo hiện bị giam giữ trong tù là ở các nước nói trên. Báo cáo của RSF cũng cho biết số nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm.
Theo RSF, Iran đã "trở thành một trong những chốn ngục tù tệ nhất đối với các nhà báo" do Iran trấn áp người biểu tình và các nhà báo đưa tin về phong trào đấu tranh chống chế độ Hồi Giáo Teheran trong những tháng qua. Về Trung Quốc, dù vẫn dẫn đầu danh sách các nước bỏ tù nhà báo, nhưng số nhà báo bị giam giữ đã giảm nhẹ.
Về số nhà báo bị giết hại, con số năm vừa qua đã tăng thêm 18%, lên thành 57 người. Số nhà báo, phóng viên hiện vẫn bị bắt làm con tin là 65, đơn cử trường hợp nhà báo Pháp Olivier Dubois, bị một nhóm khủng bố Hồi Giáo trực thuộc Al-Qaeda giữ làm con tin từ 20 tháng nay. Ngoài ra, RSF cũng ghi nhận 49 nhà báo bị mất tích.
Thùy Dương