Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/12/2022

Năm 2022, Moskva gây thiệt hại cho kinh tế Nga ?

RFI tiếng Việt

Mười tháng chiến tranh Ukraine cũng là 10 tháng kinh tế Nga bị phong tỏa. Có rất ít thông tin độc lập về thực trạng kinh tế Nga thời gian qua để trả lời các câu hỏi : "Chiến dịch quân sự đặc biệt" Vladimir Putin khởi động từ ngày 24/02/2022 ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân Nga ? Kinh tế bị suy yếu vì các biện pháp trừng phạt mà Âu Mỹ đã ban, hay vì chính những quyết định của điện Kremlin ?

mkv1

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu qua cầu truyền hình từ Moskva, Nga, ngày 07/12/2022. AP - Mikhail Metzel

Deník N, một tờ báo mạng độc lập của Cộng hòa Czech, hôm 09/12/2022 đã mời nhà kinh tế Sergueï Alexachenko, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, trả lời các câu hỏi trên. Sergueï Alexachenko là đồng sáng lập viên quỹ bảo vệ tự do mang tên cố phó thủ tướng Boris Nemsov.

Là đối thủ chính trị của tổng thống Putin, Boris Nemsov từng giữ chức phó thủ tướng Nga dưới thời tổng thống Yelsin cuối thập niên 1990. Nemsov bị ám sát ngày 27/02/2015 tại thủ đô Moskva, cách không xa điện Kremlin.

RFI xin lược dịch lại bài phỏng vấn cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Sergueï Alexachenko dành cho tờ báo mạng Deník N.

Thực hư về các đòn trừng phạt Nga

Nga bị trừng phạt kinh tế, nhưng chính người dân tại nhiều nước trong Liên Âu lại xuống đường phản đối đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang, nhất là giá năng lượng tăng vọt vì thiếu dầu hỏa và khí đốt của Nga. Vậy thì người Nga hay dân Châu Âu điêu đứng vì các biện pháp trừng phạt Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ ban hành nhắm vào chính quyền Moskva, với mục đích cắt nguồn tài chính cho phép điện Kremlin đài thọ các phí tổn quân sự tại Ukraine ? Trước hết Sergueï Alexachenko nhắc lại :

"Phản ứng của Âu, Mỹ là để trừng phạt Nga đưa quân sang xâm chiếm Ukraine. Dân Ukraine là những người khốn khổ nhất trong chuyện này".

Song ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, Âu - Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt với mục đích hạn chế khả năng của Moskva tài trợ chiến tranh. Thứ hai là những tranh cãi liên quan trực tiếp đến chính sách trừng phạt. Trên thực tế theo lời Sergueï Alexachenko, cho đến giờ phút này, "không một ai, từ Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ, Anh Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào khí đốt của Nga. Không một quyết định trừng phạt nào cấm Nga bán khí đốt trên thị trường Châu Âu. Xuất khẩu của Nga sang thị trường Châu Âu giảm sụt và giá cả tăng cao là hậu quả từ những quyết định của Vladimir Putin. Tháng 8/2022, tổng thống Nga ra lệnh cho tập đoàn dầu khí Gazprom cắt giảm xuất khẩu sang Châu Âu. Đó cũng là thời điểm giá khí đốt trên thị trường Châu Âu tăng vọt".

Moskva dùng năng lượng gây bất ổn chính trị trong Liên Âu 

Vladimir Putin tính toán những gì qua quyết định đó ? Sergueï Alexachenko trả lời :

"Chiến lược của điện Kremlin khá đơn giản : Nga muốn dùng năng lượng đế đánh vào kinh tế Châu Âu. Công dân Liên Âu phẫn nộ vì bị vạ lây từ các đợt trừng phạt Bruxelles ban hành. Từ khó khăn kinh tế và xã hội đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị để rồi Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị tan rã"

Sergueï Alexachenko tuy nhiên lưu ý : Liên Âu mới áp dụng lệnh cấm vận dầu hỏa của Nga từ ngày 05/12/2022. Nhìn kỹ thì khối lượng dầu của Nga bán sang Châu Âu trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng mạnh. Hồi tháng 2/2021, giá một thùng dầu là 60 đô la, nhưng đã tăng mạnh và đụng ngưỡng 95 đô la/thùng vào những ngày đầu tháng 2/2022, tức là trước khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Do vậy chiến tranh, hay lệnh trừng phạt không phải là nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao.

10% lạm phát, dân Nga trả giá cho chiến tranh Ukraine

Về câu hỏi đời sống của dân Nga có thay đổi gì từ khi kinh tế Nga bị phong tỏa, chuyên gia kinh tế Sergueï Alexachenko đánh giá "các biện pháp trừng phạt đã đè nặng lên người dân Nga". Sau đợt trừng phạt đầu tiên của Âu Mỹ hồi tháng 3/2022, lạm phát tại Nga tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái và phải mất khoảng 3 tháng sau, tình hình mới phần nào được ổn định. Lạm phát rơi xuống còn 10%, mãi lực của các hộ gia đình qua đó bị giảm đi. "Chất lượng cuộc sống của người dân Nga sa sút rõ rệt".

Ai phải chịu trách nhiệm cho điều đó ? Vẫn theo ông Alexachenko, "bất chấp các thống kê chính thức, tổng thống Vladimir Putin không coi đây là một thất bại về kinh tế. Ông vẫn chưa nghĩ rằng nước Nga đang lún sâu vào khủng hoảng". Ở một góc độ nào đó "kinh tế Nga đang đi xuống, nhưng không thể nói là tình hình đang vuột khỏi tầm kiểm soát". Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga ví von : Kinh tế Nga đang đứng trên một vũng nước đã bị đóng băng, tức là trong thế dễ bị trơn, trượt, nhưng không thể nói rằng Nga đang "lao đầu xuống bờ vực".

Moskva sử dụng lại những "bí quyết từ thời Liên Xô cũ"

Từ khi tổng thống Vladimir Putin đưa quân sang Ukraine, hàng loạt các công ty đa quốc gia thông báo rút khỏi nước Nga, ngừng hoạt động và cho nhân viên nghỉ việc. Tiêu biểu nhất là trường hợp của tập đoàn IKEA của Thụy Điển thông báo đóng cửa. Mất đi các cửa hàng của nhà phân phối đồ nội thất này, một phần dân Nga ở các thành phố lớn thực sự mất hướng. Deník N đặt câu hỏi với cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Sergueï Alexachenko : Giao thương với Moskva trên nguyên tắc bị phong tỏa, dân Nga có bị thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày hay không ? Cựu quan chức Nga trả lời là không.

Từ sau khi thôn tính bán đảo Crimée của Ukraine năm 2014, Nga đã bị quốc tế trừng phạt. Moskva đã khởi động chiến dịch thúc đẩy cỗ máy sản xuất nội địa để "thay thế hàng nhập" từ Âu, Mỹ. Chính quyền đầu tư 8 tỷ euro cho lĩnh vực này và ngân sách đó có chiều hướng gia tăng từ trước khi ông Vladimir Putin thông báo đưa quân sang Ukraine. Bộ Công Nghiệp Nga thông báo dự trù gần 100 tỷ đô la để khởi động lại cỗ máy công nghiệp.

Chính sách đó "hoạt động khá tốt", cho dù chất lượng "hàng nội" không bằng "hàng ngoại" và người tiêu dùng ở Nga ý thức được những mặt hàng sản xuất trên thị trường nội địa "lạc hậu đến khoảng 10 năm" so với những sản phẩn tương tự có thể tìm thấy ở những nước chung quanh.

Có điều chính sách tự túc của Nga không mấy thực tế, bởi vì "dù có đầu tư cả trăm tỷ đô la Mỹ vào khâu sản xuất, thì cũng phải mất nhiều năm các nhà máy tương lai của Nga mới có thể đi vào hoạt động". Ông Alexachenko cho rằng, tối thiểu phải mất từ 4 đến 7 năm nữa người Nga may ra mới có các sản phẩm "made in Russia" để dùng. Đố ai biết được "7 năm nữa, nước Nga sẽ đi về đâu. Chỉ biết rằng, trước mắt Moskva đầu tư hàng chục tỷ đô la vào khâu này (…) và cũng có thể là những nhà máy công nghiệp mới sẽ không bao giờ được hoàn tất".

Một điều hiển nhiên khác là nếu như Moskva huy động đến 96 tỷ đô la Mỹ, theo thông báo của bên bộ Công Nghiệp, được Sergueï Alexachenko trích dẫn, thì câu hỏi kèm theo là "số tiền đó được trích từ đâu ra ?" và ngân sách của bộ nào khác đã bị hy sinh ?

Cuối cùng, với lệnh động viên bán phần hồi tháng 9/2022, 300.000 lính dự bị sẽ được điều động ra chiến trường, tương đương với 0,5% dân số Nga trong tuổi lao động. Thế rồi, từ đầu chiến tranh, hàng trăm ngàn người Nga, trong đó có nhiều chuyên gia, đã bỏ xứ ra đi, cho dù Nga là bên gây chiến và đem quân đi xâm chiếm Ukraine. Kinh tế gia Sergueï Alexachenko nêu lên con số thêm 300.000 người đã ra nước ngoài sinh sống. Như vậy trong chưa đầy một năm, lực lượng lao động của Nga bị giảm đi mất đến 10%. Hệ quả kèm theo là 1% GDP của Nga bị "bốc hơi".

Về phí tổn chiến tranh, hàng tháng "gần 200 tỷ rúp, tức khoảng 3,5 tỷ đô la, không cánh mà bay". Nếu như Vladimir Putin giữ lời hứa với 300.000 tân binh vừa bị huy động, lương tháng của họ lên tới hơn 3.000 euro thì kinh phí chiến tranh sẽ lên tới 4,7 tỷ đô la một tháng thay vì 3 tỷ rưỡi !

Trong những điều kiện đó, khi chiến tranh Ukraine kết thúc, kinh tế Nga còn lại gì ? Chuyên gia kinh tế Sergueï Alexachenko không thể trả lời câu hỏi này, bởi "cả hai phía Ukraine và Nga dường như đều tin chắc chiến thắng sẽ thuộc về mình". Nhiều kịch bản có thể xảy ra trong mùa đông này.

Điều chắc chắn là, theo Alexachenko, tổng thống Putin hoàn toàn không tính tới khả năng Moskva phải "bồi thường thiệt hại chiến tranh : Ngày nào mà ông Putin còn nắm giữ quyền lực, ngày nào mà nước Nga còn kiểm soát một phần lãnh thổ của Ukraine, thì các biện pháp trừng phạt Nga vẫn tồn tại. Nga tiếp tục bị cắt đứt khỏi các nền kinh tế phát triển của phương Tây".

Cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, "Moskva sẽ tìm cách xích lại gần với Bình Nhưỡng, cho dù Liên Bang Nga không phải là Bắc Triều Tiên. Nga có dầu khí, khoáng sản không như Bắc Triều Tiên" và "đến nay, quốc tế không ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào nguyên liệu của Nga"

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 23/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)