Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/12/2022

Sau 10 tháng gây chiến, Liên bang Nga được và mất gì ?

RFI tổng hợp

Phương Tây chưa thể đánh quỵ nền kinh tế Nga sau 10 tháng áp dụng các trừng phạt

Trọng Nghĩa, RFI, 26/12/2022

Tính đến ngày 24/12/2022, như vậy là cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine do Nga tiến hành đã tròn 10 tháng. Ngay sau khi Moskva khởi chiến, phương Tây đã ban hành hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại nhằm bóp nghẹt Nga, buộc nước này ngưng chiến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là dù bị suy yếu, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững bất chấp 10 tháng trừng phạt.

nga1

Dầu lửa của Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu bất chấp trừng phạt của phương Tây. Ảnh : Tàu chở dầu xuất khẩu Nga tại cảng Novorossiysk, Nga, ngày 11/10/2022. AP

Phải nói là mục tiêu mà phương Tây đề ra với các biện pháp trừng phạt đáng kể rất rõ ràng : "Cắt đứt mọi ràng buộc giữa Nga và hệ thống tài chính toàn cầu". Trên cơ sở đó, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định nào là phong tỏa tài sản của Ngân Hàng Trung Ương Nga, nào là loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính quốc tế SWIFT, nào là cấm vận dầu hỏa và khí đốt Nga…

Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 23/12 vừa qua, các dữ liệu mới nhất về thương mại của Nga mà tổ chức tư vấn Bruegel tại Bruxelles thu thập được cho thấy là Moskva vẫn tiếp tục, ở mức độ thấp hơn, các giao dịch của họ với các nước Liên Âu, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia chưa bao giờ thực sự lên án cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Ví dụ điển hình về sức đề kháng tốt của Moskva là cán cân thương mại của Nga với 34 quốc gia trên thế giới – trong đó có Liên Âu, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc – chiếm 75% kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga vào năm 2019, năm cuối cùng trước đại dịch. Vào tháng 3 vừa qua, ngay sau khi cuộc chiến bắt đầu, Nga đã đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục là 36,6 tỷ đô la, rồi sau đó ổn định ở mức gần với mức cuối năm 2021. 

Nghịch lý : Chính EU đã chi 106 tỷ cho Nga

Nga đã thu lợi được nhờ giá nguyên liệu thô tăng vọt, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ, và các khoản thu liên quan, do cuộc chiến Ukraine gây ra. Điều oái oăm là một mặt trừng phạt Nga, nhưng một mặt khác Liên Âu chưa từ bỏ việc nhập năng lượng từ Nga. Vào tháng 10 năm 2022 chẳng hạn, gần một nửa số nguyên liệu thô xuất khẩu của Nga được bán qua một quốc gia EU, với 9,7 tỷ đô la được chi cho việc mua dầu và khí đốt. Nếu tính thêm tiền mua than, số tiền mà các nước EU chi trả cho Nga lên tới 106 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 vừa qua !

Để giảm thiểu tác hại từ việc không xuất được hàng qua Châu Âu, Nga đã ồ ạt gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Ấn Độ. Trong thực tế, lượng dầu khí mà New Delhi mua của Nga đã tăng lên gấn năm lần và vào tháng 11 vừa qua, Moskva đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ.

Đối với các sản phẩm khác mà Nga bán ra, xu hướng cũng tương tự như dầu khí : Xuất khẩu sang phương Tây đã giảm : (-62% với EU, -72% với Hoa Kỳ, -99% với Vương quốc Anh), trong lúc hàng hóa bán qua Trung Quốc và Ấn Độ lại gia tăng.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên duy nhất của NATO không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Moskva, đã trở thành khách hàng của hơn 40% hàng xuất khẩu của Nga sang 34 quốc gia được nghiên cứu !

Trung Quốc : Nhà cung cấp chính cho Nga

Vế nhập khẩu trong cán cân thương mại của Nga cũng tuân theo logic của vế xuất khẩu. Theo tổ chức Bruegel, sau cú suy giảm dữ dội trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, việc mua hàng từ nước ngoài của Nga đã tăng lên trở lại, thậm chí còn trở lại mức trước xung đột trong trường hợp Trung Quốc, nước đã soán ngôi Châu Âu trong tư cách là nhà cung cấp chính của Moskva.

Nhìn chung, theo dữ liệu mới nhất hiện có, vào tháng 10 năm 2022, giá trị nhập khẩu của Nga lên tới 14,2 tỷ đô la cho 34 quốc gia được nghiên cứu, so với 17,7 tỷ đô la một năm trước đó. Mức suy giảm đó rất đáng kể, nhưng rõ ràng là nền kinh tế Nga dường như còn lâu mới chuyển sang trạng thái tự cung tự cấp như mong muốn của phương Tây.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, việc kinh tế Nga không bị đánh quỵ không có nghĩa là trừng phạt của phương Tây hoàn toàn thất bại. Nếu có một lãnh vực có thể nói là hiệu quả, thì đó là các biện pháp trừng phạt công nghệ.

Theo một ghi chú do nhà nghiên cứu Iryna Bogdanova thuộc Viện Phát Triển Bền Vững Quốc Tế công bố, những đòn đánh vào lãnh vực công nghệ "có khả năng có tác động tàn phá, không chỉ đối với năng lực quân sự của Nga mà còn đối với khả năng phát triển các giải pháp công nghệ cho mục đích phi quân sự, đặc biệt bằng cách hạn chế quyền tiếp cận của Nga đối với các linh kiện bán dẫn".

Trọng Nghĩa

**************************

Tổng thống Nga : Chiến tranh Ukraine kéo dài là do Kiev và phương Tây

Trọng Thành, RFI, 26/12/2022

Trong một trích đoạn phỏng vấn trên kênh truyền hình Nga hôm 25/12/2022, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa cố thuyết phục công luận về tính chính đáng của cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Ông Putin cảnh báo sẽ phá hủy "100%" các hệ thống tên lửa Patriot tối tân mà Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine để tự vệ.

nga2

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng Nga hôm 21/12/2022 tại Moskva, Nga. AP - Sergey Fadeichev

Nguyên thủ quốc gia Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng không nêu ra các đề xuất cụ thể. Theo tổng thống Nga, cuộc chiến kéo dài là do chính quyền Ukraine và phương Tây.

Thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình từ Moskva :

Nếu chiến sự tiếp diễn tại Ukraine, đó là do lỗi của phía Ukraine và các đồng minh phương Tây. Theo tổng thống Nga, vấn đề là các đối thủ địa chính trị của Nga, cụ thể là phương Tây và chính quyền Kiev, đang tìm cách chia rẽ "nước Nga lịch sử", phá hủy mối liên hệ truyền thống tồn tại từ nhiều thế kỷ nay giữa Kiev và Moskva.

Đây là quan điểm mà tổng thống Nga bảo vệ trong bài trả lời phỏng vấn phát trên truyền hình hôm Chủ nhật 25/12. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng thảo luận với tất cả các bên tham gia vào tiến trình thương lượng này, nhưng với điều kiện là - cần chú ý sắc thái quan trọng này - có thể đạt được một số kết quả chấp nhận được. Tuy nhiên, tổng thống Nga đã hoàn toàn tránh nêu ra các hướng đàm phán hay đưa ra các ví dụ cụ thể cho phép đạt được một kết quả như vậy.

Đối với ông Putin, cuộc nói chuyện hôm qua cũng là một cơ hội để biện minh cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Nga nhắc lại rằng Moskva chỉ bảo vệ các lợi ích của quốc gia, lợi ích của các công dân Nga, của nhân dân Nga. Sau khi tố cáo việc các lợi ích của Nga bị gạt ra bên lề sau bài phát biểu của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước Quốc Hội Mỹ, ông Putin hy vọng phương Tây cuối cùng sẽ lắng nghe Nga.

Ukraine đề xuất loại Nga khỏi ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an 

Về phần mình, chính quyền Ukraine dự kiến hôm nay sẽ chính thức đề xuất loại Nga khỏi ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Trong một chương trình truyền hình hôm qua, 25/12, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết vấn đề ghế thành viên thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an đã bắt đầu được thảo luận trong nội bộ giới ngoại giao. Theo ngoại trưởng Ukraine, nhiều người đặt câu hỏi cần làm thế nào để Nga "không trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới".

Kể từ đầu cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine, một số dự thảo nghị quyết lên án cuộc chiến xâm lăng của Nga đã bị bác tại Hội đồng Bảo an, do Moskva có quyền phủ quyết. Để đạt được một nghị quyết lên án Nga xâm lược, các đồng minh của Ukraine đã phải đưa dự thảo ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trọng Thành

**********************

Chiến tranh Ukraine : Điện Kremlin cấm báo chí nói đến đợt động viên quy mô lớn mới

Trọng Thành, RFI, 25/12/2022

Chính quyền Nga ra lệnh cho truyền thông thuộc quyền kiểm soát nhà nước hoàn toàn không được nói đến khả năng một đợt động viên quân quy mô lớn mới, kể cả thông tin đến từ Quốc hội Nga. Báo chí Pháp hôm 24/12/2022, cho biết như trên.

noel2

Tấm áp phích với khẩu hiệu "Quân đội Nga - Đội quân chuyên nghiệp" tại Moskva, Nga, ngày 24/10/2022. AFP – Yuri Kadobnov

Báo Le Figaro dẫn lại thông tin từ báo Nga Moscow Times, ấn bản Anh ngữ, cho hay truyền thông Nga được lệnh cấm loan báo mọi thông tin về vấn đề này. Theo một nguồn tin từ nội bộ chính quyền Nga mà Moscow Times có được, trước lệnh cấm này, truyền thông vẫn có thể viết về "đợt động viên hiện tại, về các kịch bản và dự báo. Tuy nhiên, kể từ giờ, tất cả các dự báo đều bị cấm. Theo chính quyền, không được phép nhắc đến, kể cả thông tin đến từ một dân biểu của Duma, tức Hạ Viện Nga, hay từ một thượng nghị sĩ".  

Về phía Viện Duma Nga, các dân biểu đối lập khẳng định với Moscow Times là đã không nhận được bất cứ lệnh cấm đưa quan điểm về chuyện này. Theo một nghị sĩ đảng cộng sản, "có thể đã có một yêu cầu riêng đối với đảng Nước Nga Thống Nhất (đảng cầm quyền tại Nga)".  

Trong những tuần lễ gần đây, ngày càng có nhiều tin đồn về khả năng có một đợt động viên mới, kể từ khi bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố muốn bổ sung thêm 350.000 lính cho Quân đội. Hôm 21/12, trong một cuộc họp với các chỉ huy cao cấp của Quân đội, bộ trưởng quốc phòng Shoigu nêu khả năng cần đưa quân số từ 1,15 triệu hiện nay lên thành 1,5 triệu. Bên cạnh đó, tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc sẽ được chuyển từ 18 đến 27 tuổi hiện nay thành từ 21 đến 30 tuổi. Tổng thống Nga ủng hộ dự kiến tăng cường binh lực này.  

Le Figaro dẫn lại thông báo của ông Sergey Krivenko, giám đốc tổ chức bảo vệ nhân quyền Nga "Citizen Army Law", trên BBC News, dự kiến đợt động viên mới có thể sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng Giêng tới. Bởi, theo kế hoạch quân sự tại Ukraine của bộ quốc phòng Nga đã được thông báo, các lực lượng quân nhân mới động viên sẽ phải có mặt trên chiến trường Ukraine vào đầu mùa hè tới, và thời gian huấn luyện và chuẩn bị là khoảng từ 3 đến 4 tháng. "Citizen Army Law" là tổ chức trợ giúp về pháp lý cho quân nhân Nga.

Trọng Thành

****************************

Nga sẽ đáp trả quyết định của phương Tây áp giá trần đối với dầu thô

Trọng Thành, RFI, 23/12/2022

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 23/12/2022, tuyên bố Moskva dự kiến cắt giảm sản lượng dầu thô từ 500.000 đến 700.000 thùng mỗi ngày vào đầu năm 2023. Biện pháp này nhằm trả đũa việc Liên Hiệp Châu Âu (EU), khối G7 và Úc áp giá trần đối với "vàng đen" của Nga

nga4

Nhà máy lọc dầu Tatarstan của Nga. Ảnh chụp ngày 08/03/2022. © Reuters/Sergei Karpukhin

Ông Novak phát biểu : "Vào đầu năm tới, chúng tôi có thể giảm sản lượng dầu từ 500.000-700.000 thùng mỗi ngày, tương đương với khoảng 5-7% tổng sản lượng".

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại vào đầu tháng 12/2022, 27 quốc gia thành viên Liên Âu, khối G7 và Úc đã thống nhất mức giá trần 60 đô la/thùng đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển. Vượt quá mức giá trần này, các công ty vận tải và bảo hiểm của Liên Âu sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ vận chuyển các thùng dầu bằng đường biển.

Mục tiêu của lệnh trừng phạt mới này của phương Tây là làm cạn kiệt một phần thu nhập khổng lồ mà Moskva có được từ việc bán dầu khí và qua đó làm giảm nguồn thu của "cỗ máy chiến tranh" chống Ukraine.

Vài ngày sau khi phương Tây áp giá trần dầu thô Nga, tổng thống Vladimir Putin đã đe dọa sẽ cắt giảm sản lượng dầu nếu cần thiết và lên án một "quyết định ngu xuẩn". Phó thủ tướng Novak cũng từng nói rằng Kremlin sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu cho những quốc gia hợp tác với Nga theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi Nga phải giảm một chút sản lượng.

Trọng Thành

**************************

Nga mang tên lửa tối tân Zircon, Sarmat dọa Mỹ và NATO

Thu Hằng, RFI, 22/12/2022

Nga sẽ không tiếc tiền đầu tư cho quân đội để tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, nhưng mục tiêu cuối cùng là để chống lại "những sức mạnh quân sự được tất cả các nước NATO sử dụng để chống Nga", theo phát biểu của ông Putin ngày 21/12/2022. Quân số của lực lượng chính quy quân đội Nga sẽ tăng lên thành 1,5 triệu người ngay từ năm 2023 và quân đội sẽ được trang bị thêm hai loại siêu tên lửa Zircon và Sarmat.

nga5

Tên lửa liên lục địa Sarmat của Nga được trưng bày tại một địa điểm không được tiết lộ ở Nga, 01/03/2018. AP

Thông báo được nguyên thủ quốc gia Nga đưa ra vào lúc Mỹ cho biết sẽ giao hệ thống phòng không tối tân Patriot cho Ukraine nhân chuyến thăm Washington của tổng thống Volodymyr Zelensky. Bố trí tên lửa Patriot tại Ba Lan từng là lằn ranh đỏ được Moskva cảnh cáo với NATO, trước khi tấn công Ukraine. Bây giờ hệ thống phòng thủ tối tân của Mỹ lại được triển khai ở sát sườn Nga.

Zircon, Zermat phá thủng hệ thống phòng không Patriot ?

Trong một thông cáo được công bố trước khi tổng thống Zelensky đến Washington, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh : "Hệ thống phòng không Patriot có thể bắn chặn những tên lửa hành trình, tên lửa liên lục địa tầm ngắn và các máy bay ở độ cao hơn tầm bắn của những hệ thống phòng không được giao cho đến nay".

Thực vậy, Ukraine hiện có sẵn hệ thống phòng không S-300 và được cung cấp nhiều hệ thống khác của Châu Âu, như Crotal của Pháp, IRIS-T của Đức, SAMP-T của Ý, nên đã có thể bắn chặn 75% tên lửa và drone của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng. Tên lửa phòng không Patriot của Mỹ, có tầm bắn từ 60 đến 160 km, sẽ giúp Ukraine lấp lỗ hổng phòng không, nâng tỉ lệ bắn chặn thành công lên thành 85%-90%, theo nhận định của tướng Dominique Trinquand, cựu chỉ huy phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, trên đài LCI ngày 21/12.

Tuy nhiên, khi thông báo tài trợ không giới hạn cho quân đội Nga, tổng thống Putin không nhắc đến Ukraine - vẫn được ông coi là dân tộc "anh em", mà nhắm đến kẻ thù chính là "những nước thứ ba muốn thế giới Nga tan rã". Cựu đại tá Michel Goya lưu ý khi trả lời đài RFI rằng tổng thống Nga nhắc đến NATO rất nhiều lần, như thể "chiến dịch quân sự đặc biệt" chỉ là "một trận chiến của cuộc đối đầu ở quy mô rộng hơn với NATO". Cho nên, có thể thấy hai loại siêu tên lửa Zircon và Sarmat của Nga không nhằm "mục đích khiến Ukraine sợ", mà là để "cân xứng với NATO".

Tên lửa Zircon và Sarmat từng được tổng thống Nga cho biết sớm được đưa vào biên chế trong dịp kỉ niệm ngày thành lập Hải quân Nga vào cuối tháng 7. Theo ông, tên lửa Zircon "không có đối thủ trên thế giới", với tốc độ gấp 9 lần vận tốc âm thanh, sẽ giúp cho hải quân Nga "có khả năng đáp trả chớp nhoáng bất kỳ ai quyết định xâm phạm chủ quyền và tự do" của Nga.

Liên quan đến tên lửa nhiệt hạch liên lục địa Sarmat, Moskva cho biết vụ thử lần đầu tiên đã được tiến hành hôm 20/04/2022 ở phía tây bắc Nga. Tên lửa có thể mang hơn 10 đầu đạn hạt nhân hoặc quy ước và có tầm bắn đến 5.000 km. Khi vào đến bầu khí quyển, mỗi đầu đạn bay theo một lộ trình riêng biệt.

Nga tăng cường quân đội để đối phó với NATO

Do đó, những loại vũ khí tối tân này không có ý nghĩa thực tế trong cuộc chiến ở Ukraine, quá tốn kém nếu chỉ để phá hủy một kho vũ khí hoặc một nhà máy điện. Zircon và Sarmat thường khó bị bắn chặn, nên chủ yếu được nhắm vào những mục tiêu quân sự có tầm quan trọng hơn, như tầu sân bay. Theo cựu đại tá Michel Goya, thông báo của tổng thống Putin về việc triển khai hai loại siêu tên lửa là nhằm "răn đe Mỹ", vớt vát hình ảnh của quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Nga trước những thất bại trên chiến trường Ukraine.

Ngoài ra, khả năng sản xuất và sử dụng những tên lửa đó cũng được tướng Dominique Trinquand nêu ra khi trả lời đài RFI. Đúng là nguyên thủ quốc gia Nga tuyên bố rất nhiều về các loại tên lửa công nghệ cao, nhưng có bao nhiên tên lửa như vậy sẽ được phóng đi ? Theo ông, "những tuyên bố trên chỉ nhằm gây tác động về truyền thông và chưa cho thấy hiệu quả trên thực địa".

Điều chắc chắn là qua những phát biểu của nguyên thủ quốc gia Nga tại cuộc họp mở rộng của bộ quốc phòng, có thể thấy ông Putin sẽ không ngừng chiến tranh, dù ông thừa nhận cuộc xung đột ở Ukraine là một "thảm kịch chung" và lỗi là tại "những nước thứ ba muốn thế giới Nga tan rã".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Trọng Thành, Thu Hằng
Read 464 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)