Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/12/2022

Điểm báo Pháp - Ukraine, quốc gia truyền cảm hứng

RFI tiếng Việt

2022 : Ukraine, quốc gia truyền cảm hứng

Khi cuộc xâm lăng bắt đầu, ai cũng nghĩ rằng Ukraine sẽ bị người láng giềng khổng lồ đè bẹp. Nhưng người Ukraine đã đứng lên chiến đấu. Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối đề nghị đưa đi tị nạn. Những người dân bình thường cũng thể hiện khí phách tương tự. Anh dũng, khôn khéo, linh hoạt, Ukraine chứng tỏ người yếu có thể chống lại được kẻ mạnh, thậm chí rất mạnh. Và như vậy, đã trở thành nguồn cảm hứng cho những dân tộc bị áp bức.

uk1

Các chiến sĩ thuộc lữ đoàn pháo binh 43 Ukraine và khẩu đại bác tự hành 2S7 trên chiến trường Bakhmut ngày 26/12/2022, nơi chiến sự đang ác liệt nhất. Reuters – Clodagh Kilcoyne

Ba bài học từ các diễn biến trong năm 2022

Các tuần báo đều đã ra số đúp và nghỉ Tết, chỉ riêng Le Point ra số cuối năm. Tuy vậy trên trang web thường có cập nhật những vấn đề thời sự. L'Obs rút ra "Ba bài học năm 2022 cho năm 2023". Năm vừa qua đã đảo lộn tất cả những dự báo trong hầu như tất cả mọi lãnh vực, thế nên tuần báo cho rằng tốt nhất nên học hỏi những kinh nghiệm từ năm cũ.

Thứ nhất : Các chế độ độc tài không phải là bất bại như vẫn tưởng, với một Trung Quốc kết hợp được giữa toàn trị và tăng trưởng kinh tế, một nước Nga chừng như thành công với thái độ côn đồ ở Syria hay Châu Phi. Năm 2022 không hề tốt lành cho họ, nhất là với Vladimir Putin. Ngỡ rằng sẽ chớp nhoáng chiếm được Ukraine, nhưng đã 10 tháng trôi qua, hàng mấy chục ngàn người lính bỏ mạng, vẫn đang trong ngõ cụt. Và có thể nói gì về Tập Cận Bình, người đã khống chế được toàn bộ Đảng cộng sản Trung Quốc trong đại hội 20 ? Chỉ một tháng sau, Tập đã phải nói lời vĩnh biệt với chính sách zero Covid của mình, dưới áp lực của đường phố - hoàn toàn không giống kiểu ứng xử lâu nay của ông ta.

Thứ hai : Các nước phương nam không ngoan ngoãn tuân theo các tiêu chí của phương Tây liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Thứ ba : Mù quáng trong các vấn đề chiến lược sẽ phải trả giá đắt. Nước Đức đã học được bài học từ việc lệ thuộc khí đốt Nga, và các nhà ngoại giao vẫn còn nhớ cuộc đấu tranh với Berlin cho đến năm 2021 về đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nay đã trở nên vô dụng dưới đáy biển Baltic. Ý tưởng được bênh vực suốt 20 năm qua, rằng thương mại và đầu tư sẽ tạo điều kiện cho dân chủ và hòa bình, rõ ràng là ảo tưởng. Trung Quốc đã "cải chính" hùng hồn cho lý thuyết vốn là mốt trong những năm 1990 và 2000, mà Bắc Kinh đã lợi dụng tối đa.

Liệu chúng ta có thể khôn ngoan hơn trong năm 2023, sau những bài học này ? L'Obs cho rằng nên thận trọng, vì các nhà nước cũng giống như những người lái xe tăng : họ khó nhanh chóng quay lui, trong khi những đảo lộn hiện nay đòi hỏi phải sớm có phản ứng. Một thách thức cho năm 2023.

24/02/2022 : Thời điểm lịch sử những thế hệ sau sẽ được giảng dạy

Trong bài xã luận "Chiến tranh hay hòa bình", L’Obs nhận định năm sắp kết thúc sẽ được đánh dấu bằng một thời điểm đáng buồn, cho đến nỗi những thế hệ sắp tới sẽ được học ở nhà trường : 24/02/2022, ngày khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine và ngày mà chiến tranh quay trở lại với Châu Âu.

Một cuộc chiến tranh điên rồ, chiến tranh bẩn thỉu, một cuộc chiến tổng lực với vô số xe tăng, bom đạn và tội ác chống lại những thường dân không may, được khởi động theo lệnh một con người không phải chỉ biết nói đùa. Năm 2016, ông ta đã nhắc lại câu khẩu hiệu đáng ngại của lực lượng nhảy dù Nga : "Biên giới nước Nga không dừng lại ở đâu cả". Người đó đương nhiên là Vladimir Putin, mà hàng kilomet giấy mực đã được viết ra trong suốt năm qua. Những chuyên gia địa chính trị, chiến lược gia quân sự, nhà tâm thần học và cả các tiểu thuyết gia đều cố tìm cách hiểu được những gì trong đầu ông ta. Và ai nấy đều gặp khó khăn khi từ phương Tây cố giải mã ý đồ của Sa hoàng kín như bưng này.

Nhưng còn có cách khác, như Faulkner đã nói "quá khứ hiện diện trong hiện tại", ý đồ bành trướng của Putin không chỉ mới xuất hiện gần đây. Trong hồ sơ 50 trang báo, điểm lại 1.000 năm lịch sử Nga, tuần báo giải thích vì sao một Nhà nước nhỏ bé lại trở thành liên bang rộng lớn nhất thế giới với 17 triệu kilomet vuông. Vladimir Putin, vốn coi sự kiện Liên Xô sụp đổ là "thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20", không ngần ngại khai thác xu hướng dân tộc chủ nghĩa để củng cố quyền lực, với ý nghĩ dân tộc ông là tinh hoa, nếu không phải là thượng đẳng. Niềm tin này luôn nguy hiểm.

Ukraine, quốc gia truyền cảm hứng của năm 2022

Nhìn lại thế giới trong năm, The Economist khẳng định "Quốc gia của năm 2022 chỉ có thể là Ukraine", vì dân tộc này đã anh dũng đứng lên đương đầu với kẻ xâm lược. Tuần báo Anh cho biết thường thì chọn lựa quốc gia của năm rất khó khăn, các cây bút và biên tập viên bắt đầu bằng một vòng tranh luận, đưa ra những lý lẽ về năm, sáu nước khác nhau. Nhưng năm nay, lần đầu tiên kể từ khi The Economist bắt đầu bình chọn, quyết định là mặc nhiên : không có quốc gia nào có thể truyền cảm hứng như Ukraine.

Vinh dự thường được dành cho những nước có cải thiện trong 12 tháng qua, và theo nghĩa này thì Ukraine là một chọn lựa bất thường, vì cuộc sống người dân đã tồi tệ hẳn đi kể từ khi Vladimir Putin kéo quân vào đánh chiếm nước họ cuối tháng Hai. Rất nhiều người đã chết, nhiều thành phố bị phá hủy, bị biến thành tro bụi, hàng triệu người phải bỏ nhà đi lưu lạc, nền kinh tế Ukraine bị giảm sút mất 1/3. Do hỏa tiễn Nga, nhiều người dân Ukraine đang cóng lạnh và run rẩy trong bóng tối.

Tuy nhiên trong năm qua người Ukraine đã chứng tỏ bốn phẩm chất. Trước tiên là chủ nghĩa anh hùng. Khi cuộc xâm lăng bắt đầu, ai cũng nghĩ rằng Ukraine sẽ bị người láng giềng khổng lồ đè bẹp, và đều thông cảm nếu lính tráng bỏ chạy. Putin cũng chỉ chờ đợi có thế : quân Nga tràn sang với lễ phục chuẩn bị sẵn để đi diễn binh mừng chiến thắng, hầu như mang theo rất ít thực phẩm. Nhưng người Ukraine đã đứng lên chiến đấu. Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối đề nghị đưa đi tị nạn : "Chúng tôi cần đạn chứ không phải một chuyến dạo chơi".

Tiếp theo là những người dân bình thường cũng thể hiện khí phách tương tự. Những giáo sư đại học, ngôi sao nhạc pop, những người thợ… lũ lượt nhập ngũ, đổi những chiếc giường êm ái lấy những hố cá nhân và nguy cơ một cái chết đau đớn. Hết trận này đến trận khác, họ đánh đuổi quân Nga. Khi tự vệ trước một kẻ xâm lăng phủ nhận quyền hiện hữu của đất nước mình, họ tìm được ý nghĩa mới cho tinh thần dân tộc.

Tấm gương Ukraine cho những nước nhỏ bị ngoại bang đe dọa

Người Ukraine cũng chứng tỏ sự khôn ngoan. Nhận ra những điểm yếu của kẻ thù, họ phá hủy các kho chứa nhiên liệu, đạn dược của quân Nga, học hỏi rất nhanh cách sử dụng vũ khí được phương Tây viện trợ. Họ giao quyền quyết định cho các sĩ quan trên thực địa khiến các đơn vị thích ứng rất nhanh so với phía Nga chậm chạp, quan cách. Họ khéo léo sử dụng các thông tin của tình báo đồng minh, đặc biệt là Mỹ, trong khi quân địch gần như bị mù.

Ukraine còn rất linh hoạt. Không có nước rô-bi-nê, họ làm tuyết tan. Không có điện, họ tìm hơi ấm và ánh sáng trong những quán cà phê có máy phát điện chạy bằng diesel, hay ngủ lại văn phòng – nhiều công ty nay có hầm trú ẩn và nước đóng chai. Những kinh hoàng mà Putin tiếp tục gây ra không làm họ suy suyển. Và trừ một vài ngoại lệ, họ không dùng tội ác chiến tranh để đáp trả tội ác chiến tranh. Quân Nga thường xuyên oanh kích vào thường dân, tra tấn những người bị bắt, cướp bóc các làng mạc. Ngược lại, tù binh Nga thường ngạc nhiên khi được đối xử tử tế. Đó là vì Ukraine là một nền dân chủ, coi trọng con người.

Khi đương đầu với bạo chúa Nga, Ukraine đã bảo vệ các láng giềng. Nếu chiếm được Kiev, Kremlin có thể tấn công tiếp Moldova, Gruzia, đe dọa các nước Baltic. Ukraine đã chứng tỏ người yếu có thể chống lại được kẻ mạnh, thậm chí rất mạnh. Và như vậy, đã trở thành nguồn cảm hứng không chỉ cho những nước nằm cạnh như láng giềng hung hăng như trường hợp Đài Loan, mà cho cả những dân tộc bị đàn áp ở khắp nơi trên thế giới. Cuộc chiến đấu của họ còn lâu mới kết thúc, nhưng tấm gương của họ trong năm 2022 không ai có thể sánh kịp. The Economist kết luận bài viết bằng câu "Slava Ukraini !" (Vinh quang cho Ukraine !).

Zelensky, nhân vật của năm và Von der Leyen, người phụ nữ nhiều ảnh hưởng nhất

Về cá nhân, tác giả từng được giải báo chí Albert-Londres, bà Marion Van Renterghem, viết trên L’Express "Zelensky và Von der Layen là hai nhân vật nam và nữ của năm 2022".

Ngày 21/12, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng Volodymyr Zelensky rời Kiev để công du ngoại quốc, và đó là Washington chứ không phải Strasbourg hay Bruxelles. Liên Hiệp Châu Âu (EU), khu tự do mậu dịch lớn nhất thế giới cho đến nay vẫn không thành công trong việc biến sức mạnh kinh tế là công cụ chiến lược, ngoại giao và quốc phòng xứng tầm. Cuộc chiến tranh Ukraine đã bộc lộ những điểm yếu của EU : lệ thuộc năng lượng, không có khả năng triển khai lực lượng răn đe, dự trữ vũ khí không đủ, trong khi cuộc chiến này đã thay đổi hẳn châu lục.

Trước đại dịch Covid năm 2020, khó thể tin rằng Châu Âu có thể quyết định vay nợ chung, mua chung vac-xin và trợ giúp tài chánh cho những nước bị thiệt hại. Trước khi Ukraine bị xâm lược hôm 24/02/2022, không thể nghĩ EU có được cơ cấu để viện trợ cho Ukraine 2,5 tỉ euro thiết bị quân sự (từng nước vẫn có thể hỗ trợ song phương). Hoặc các nhà lãnh đạo thông qua 9 gói trừng phạt Nga trong đó có cấm vận dầu lửa, thỏa thuận được mức trần giá khí đốt, tiếp nhận nhiều triệu người tị nạn Ukraine…

Không có gì ngạc nhiên khi Zelensky cùng được truyền thông Châu Âu và Mỹ chọn là "nhân vật của năm". Điều bất ngờ là danh hiệu "người phụ nữ nhiều ảnh hưởng nhất thế giới" của tạp chí Mỹ Forbes lần đầu tiên được trao cho người đứng đầu một định chế Châu Âu, bà Ursula Von der Leyen, nhất là khi Ủy Ban Châu Âu không có quyền chỉ đạo trực tiếp các nhà nước thành viên.

Trung Quốc khốn đốn vì Covid, ba năm phong tỏa thành công cốc

Nhìn sang Châu Á, Courrier International dịch bài viết của South China Morning Post, cho rằng cách chấm dứt chính sách zero Covid là một thất bại, và Trung Quốc chỉ có thể tự trách chính mình.

Từ khi Bắc Kinh đột ngột quay ngoắt vào tháng 12, các nhà lãnh đạo và truyền thông nhà nước đã cố gắng trình bày dưới góc độ tích cực nhưng không thành công. Họ nói rằng các biện pháp khắc nghiệt phong tỏa đất nước trong suốt ba năm qua đã giúp cứu được nhiều người, rằng biến thể Omicron chỉ gây những triệu chứng nhẹ. Và cố tạo ấn tượng rằng việc mở cửa bất ngờ ngay trong mùa đông là đã được lên kế hoạch trước. Nhưng thực tế khác hẳn : thuốc giảm sốt trở nên hiếm hoi, bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, thiếu máu để truyền, tỉ lệ tử vong tăng cao nơi người lớn tuổi, các nhà xác, nhà tang lễ không còn chỗ cho các thi thể. Thân nhân phải tự mang giường đến bệnh viện.

L’Obs nhận định "Tại Trung Quốc, huyền thoại một Tập Cận Bình bất bại đã tan vỡ". "Tư tưởng" của ông Tập đã được ghi vào Hiến pháp, chế độ Bắc Kinh, theo ông, đã chứng tỏ tính ưu việt so với các nước dân chủ phương Tây nhờ "chiến thắng" được Covid. Nhưng ba năm sau khi đại dịch khởi phát ở Vũ Hán, con virus lại quay về cố hương. Giờ đây Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới vẫn còn phải khốn đốn với Covid. Sau khi gây sợ hãi cho dân chúng trong những năm qua, các chuyên gia Trung Quốc nay nói rằng con virus hầu như vô hại. Theo nhiều nghiên cứu, ít nhất một triệu người sẽ chết vì bệnh dịch này. Khăng khăng theo đuổi một chính sách nay trở nên bất lực vì biến thể Omicron lây nhiễm quá nhanh, Tập Cận Bình làm mất đi thời gian quý giá. Huyền thoại về hiệu quả của các chế độ độc tài trong thời kỳ khủng hoảng cũng tan tành.

Bắc Kinh cướp bóc nguồn lợi hải sản Châu Phi

Cũng về Trung Quốc, Le Point tố cáo "Bắc Kinh đã cướp bóc hải sản của Châu Phi như thế nào". Phóng sự của tờ báo ở Ghinê mô tả tại cảng Conakry, các tàu đánh cá đang đậu tuy mang cờ nước này nhưng tên tàu lại là MengXin với các số hiệu khác nhau. Đó là những tàu của Dalian Mengxin Yuanyang Fishery Co. Ltd., một công ty ở Liêu Ninh, từ nhiều năm qua càn quét vùng biển Ghinê, Sierra Leon, Ghana, thường xuyên bị phạt vạ vì đánh cá ở khu vực cấm. Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi năm có trên 25 triệu tấn cá bị khai thác bất hợp pháp, và ngoài khơi Tây Phi, 40% lượng hải sản đánh bắt là ngoài vòng pháp luật. Một số nước Châu Phi phải nhập khẩu cá trong khi vùng biển của họ rất giàu hải sản.

Bắc Kinh nói rằng đoàn tàu cá nước mình chỉ có 2.700 chiếc nhưng theo báo cáo của think tank Anh ODI năm 2020, có đến 16.000 tàu cá Trung Quốc ngang dọc khắp nơi. Chuyên gia Julien Daudu của tổ chức phi chính phủ Environmental Justice Foundation (EJF) khẳng định đoàn tàu đánh cá ngoài khơi xa của Trung Quốc được tài trợ lớn vì đã trở thành công cụ cho tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Theo báo cáo của Financial Transparency Coalition ngày 26/10/2022, 90% số tàu cá đăng ký ở Ghana có chủ và thủy thủ đoàn người Trung Quốc, 8/10 những công ty lớn nhất thế giới về hàng hải liên can đến đánh cá bất hợp pháp là của Trung Quốc.

Khoa học và những tiến bộ về chữa trị ung thư

Trên lãnh vực y tế, Le Point loan báo một tin vui cuối năm : Moderna công bố kết quả khả quan của vac-xin chống khối u ác tính. Đây là một trong số những giải pháp có thể thay thế cho hóa trị đối với bệnh nhân ung thư. Trước đó trong một hội nghị của ASCO (American Society of Clinical Oncology) hôm 05/06/2022, kết quả một nghiên cứu lâm sàng của Menée au Memorial Sloan Kettering Cancer Center ở New York đã được giới thiệu. Nhờ một loại thuốc mới được đặt tên là "dostarlimab", trong số 12 bệnh nhân bị ung thư trực tràng, cả 100% trường hợp khối u đều biến mất. Đến tháng 9 tại Paris trong hội nghị chuyên đề ung thư ESMO, kết quả được xác nhận trên khoảng 100 bệnh nhân, với tỉ lệ thành công 95%.

Chưa hết, ngày 13/12/2022, hãng dược phẩm Mỹ Moderna và MSD loan báo cho ra đời vac-xin ARN đầu tiên ngừa khối u ác tính, giảm 44% nguy cơ tái phát hay tử vong. Tuy chỉ mới thử nghiệm lâm sàng trên 157 bệnh nhân, kết quả rất đáng phấn khởi. Stéphane Bancel, giám đốc Moderna ước tính vac-xin chống ung thư đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường trong vòng chưa đầy 5 năm tới, và đang nhắm đến hơn một chục loại khác như ung thư phổi. Moderna có thể đầu tư 17 tỉ đô la để nghiên cứu. Khoa học ngày càng tìm ra những biện pháp chữa trị căn bệnh sát hại mỗi năm 10 triệu người trên thế giới, theo nguyên tắc củng cố hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Giờ đây hóa trị không còn được dùng để chữa một số bệnh ung thư thuộc loại hiếm.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 295 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)