Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/01/2023

Năm 2023 và những thùng thuốc súng Ukraine, Đài Loan

RFI tiếng Việt

Thế giới vẫn sôi sục ngay trong ngày đầu năm mới 2023. Chiến sự tại Ukraine vẫn diễn ra ác liệt mà không chút hy vọng đàm phán hòa bình. Tại Châu Á, eo biển Đài Loan, một thùng thuốc súng khác, cũng chực chờ bùng nổ trước nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự Mỹ - Trung.

taiwanukraine1

Tuần hành ở Đài Bắc (Đài Loan) ngày 13/03/2022 phản đối Nga xâm lăng Ukraine. AP - Chiang Ying-ying

Ukraine bắt đầu năm mới 2023 giống như khi kết thúc năm cũ 2022 : Người dân Ukraine hứng chịu những làn mưa tên lửa trong những ngày giao thừa và đầu năm mới. Cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành bắt đầu từ tháng 2/2022 nay đã bước sang tháng thứ 11, làm cho gần 200 ngàn người thiệt mạng và bị thương ở cả hai phía. Những lời kêu gọi đàm phán cho một lệnh hưu chiến mỗi lúc một nhiều, mà vẫn không hạ được mức độ khốc liệt của cuộc xung đột.

Một mặt, Nga gặp khó khăn trên chiến trường, giờ đổi chiến thuật, cho oanh kích ồ ạt bằng drone hay tên lửa hành trình, bắn phá các cơ sở năng lượng của Ukraine. Mặt khác, Washington vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí ngày càng tinh vi hơn cho Kiev, dù cũng tỏ ra cảnh giác, tránh leo thang để đi đến đối đầu trực diện với Moskva.

Ukraine : Chiến tranh kéo dài đến khi nào ?

Trong hoàn cảnh này, giới quan sát đánh giá ít có hy vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình trong năm nay. Nguyệt san Le Monde Diplomatique (số ra tháng Giêng năm 2023) bi quan nhận định : "Cuộc xung đột giờ đã ác liệt đến mức khó thể đảo ngược tình thế. Cả điện Kremlin, hiện đang đánh cược cho sự sống còn của chế độ, lẫn Kiev đang hứng chịu sự tàn phá nặng nề, đều không muốn quay trở lại bàn đàm phán. Lập trường của hai bên tham chiến giờ đã trở nên cứng rắn".

Đối với học giả về quan hệ quốc tế Gilbert Achcar, trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, đại học Luân Đôn, những tuyên bố kêu gọi đó có ý nghĩa tuyên truyền nhiều hơn, mang tính tối hậu thư hơn là thực tâm muốn đàm phán. Trên kênh truyền hình độc lập Democracy Now của Mỹ, ông giải thích :

"Về phía Nga, ông Vladimir Putin từ hồi tháng 9/2022, đã kêu gọi ngưng bắn và đề nghị phía Ukraine trở lại bàn đàm phán. Đó chỉ là những lời lẽ của ông ấy. Nhưng nếu quý vị đọc rõ những gì Putin đang nói, thì đồng thời ông ấy cũng nói rằng không đời nào có chuyện thảo luận về bốn tỉnh của Ukraine mà ông ấy cho là đã chính thức sáp nhập vào Nga. Nếu điều này bị loại ra khỏi bất kỳ cuộc đàm phán nào, thì làm thế nào các cuộc đàm phán đó, thậm chí lệnh ngừng bắn đi đến cuộc đàm phán lại có thể xảy ra ?

Về phía Ukraine, họ có thể linh hoạt hơn nhưng đôi khi quý vị thấy có những tuyên bố như kiểu gần đây của ngoại trưởng Ukraine rằng điều kiện để đàm phán là Vladimir Putin và các lãnh đạo khác của Nga phải bị đưa ra trước tòa án quốc tế. Tất nhiên, một lần nữa, điều đó đặt ra tiêu chuẩn quá cao để cho bất kỳ một cuộc đàm phán nào có thể diễn ra".

Đâu là lối thoát cho cuộc chiến tại Ukraine, cuộc chiến tàn khốc nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến ? Trả lời cho câu hỏi này, nhiều nhà quan sát lấy làm tiếc về sự vắng bóng vai trò của Liên Hiệp Quốc, mà theo ông Gilbert Achcar, đây có thể là cách duy nhất để thay đổi tình hình và chấm dứt chiến tranh.

"Cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến này là Liên Hiệp Quốc phải nhập cuộc. Điều đó có nghĩa là có sự tham dự của Trung Quốc. Nhưng tôi thấy rằng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không háo hức để Liên Hiệp Quốc giải quyết vấn đề này. Ý tôi là, một nền hòa bình lâu dài và công bằng, chỉ có thể khi đó là một nền hòa bình không có sự thôn tính và một nền hòa bình dựa trên quyền tự quyết của người dân tại những vùng lãnh thổ có tranh chấp.

Các vấn đề phải được giải quyết một cách hòa bình, dân chủ, không bằng vũ lực. Đây cũng chính là một trong số các nguyên tắc chính, nền tảng cơ bản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Điều đó có nghĩa là giải pháp cho các vấn đề nên thông qua Liên Hiệp Quốc, các cuộc đàm phán cũng nên thông qua Liên Hiệp Quốc và tôn trọng các nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Chỉ có điều tôi không thấy chính quyền Biden thực sự tích cực trong việc cố gắng đạt được điều đó. Bởi vì, cách làm này còn đòi hỏi có sự hợp tác của Trung Quốc. Mà chính quyền Biden thì cực kỳ hiếu chiến và thù địch với Trung Quốc. Một lập trường vốn dĩ đã bắt đầu từ thời ông Donald Trump.

Và thái độ này là hoàn toàn phản tác dụng cho triển vọng hòa bình, bởi Trung Quốc rõ ràng nắm giữ một vị trí quan trọng, là đồng minh quan trọng duy nhất mà Moskva có thể xem xét đến và do đó,Trung Quốc ảnh hưởng rất nhiều đến bất kỳ quyết định nào mà Nga đưa ra".

Đài Loan : Thùng thuốc súng chực chờ phát nổ

Một điểm nóng khác trên thế giới mà nguy cơ bùng nổ cũng đã chực chờ từ nhiều năm qua : Đài Loan. Nhật báo Kinh tế Les Echos của Pháp, khi điểm ra 12 sự kiện có thể đánh dấu năm 2023, ghi nhận trong những ngày cuối năm 2022, số chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan đã tăng lên mức kỷ lục.

Tình hình này buộc chính phủ Đài Bắc thông báo kéo dài thời hạn nghĩa vụ quân sự từ 4 lên 12 tháng. Ý đồ của Tập Cận Bình gia tăng áp lực trong năm 2023 sẽ còn mạnh mẽ hơn vào lúc cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan tháng 01/2024 đang đến gần.

Giống như đối với Ukraine, Đài Loan là một trong số hiếm hoi hồ sơ có được sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ rằng cần phải duy trì việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan để nâng cao hơn nữa khả năng tự vệ của hòn đảo. Đương nhiên, quyết định này của Mỹ đã khiến Trung Quốc tức giận, cho rằng Washington đã phá vỡ những thỏa thuận được thực hiện từ nhiều thập niên qua.

Việc cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Bắc hồi tháng 8/2022 khiến Bắc Kinh nổi dóa, tổ chức một cuộc tập trận hải không quân quy mô lớn chưa từng có. Rồi tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần khẳng định sẽ bảo vệ quân sự Đài Loan làm cho Trung Quốc nghĩ rằng Hoa Kỳ không còn tôn trọng chính sách "Một nước Trung Hoa duy nhất", như lời đả kích mạnh mẽ từ vị đại tá Trung Quốc đã về hưu Châu Bá, trên kênh truyền hình quốc tế Deutsche Welle của Đức :

"Đây là điều mà chúng tôi tin rằng họ đang làm : Họ đang bác bỏ khái niệm Một Nước Trung Quốc duy nhất, cho dù Hoa Kỳ vẫn nói về điều này, nhưng bản chất đang bị thay đổi với nhiều kiểu thăm viếng như vậy hơn, với nhiều hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan, với việc ông Joe Biden bốn lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng quân sự. Chúng tôi e rằng bản chất sự việc đang thay đổi".

Theo quan điểm của chuyên gia Meia Nouwens, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chính sự phát triển mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc mới là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Cũng trên kênh truyền hình Deutsche Welle, bà Nouwens giải thích :

"Quân đội Giải phóng Nhân dân vào lúc này đang trải qua một quá trình cải cách và hiện đại hóa quy mô lớn dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của chủ tịch Tập Cận Bình, qua việc bổ sung nhiều hơn các khả năng tiên tiến, hiện đại hơn vào kho vũ khí cho không quân, hải quân, bộ binh và tất nhiên cả trong các lĩnh vực không gian và mạng".

Về phần mình, Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc và cũng là một chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng khi quan sát sự việc từ hai phía, có thể thấy rằng cả Washington và Bắc Kinh đang đồng thời cắt đứt quan niệm truyền thống về Chính sách một nước Trung Quốc.

"Khi Mỹ bắt đầu xoay quanh câu hỏi về cấp độ chính thức trong mối quan hệ giữa chính quyền Đài Loan và chính quyền Hoa Kỳ, thì Trung Quốc sẽ lập luận rằng Washington bắt đầu cắt từng chút một toàn bộ khái niệm "một nước Trung Quốc" để trở thành "hai nước Trung Hoa". Điều đó được thúc đẩy bởi sự xói mòn học thuyết truyền thống của Mỹ chuyển từ "mơ hồ chiến lược" thành "rõ ràng chiến lược", đó là điểm mà tổng thống Biden đã cho thấy gần đây nhất.

Ở phía bên kia, Mỹ cũng nói rằng Trung Quốc luôn biết rõ là Washington sẽ phản đối mọi hành động đe dọa sử dụng vũ lực. Và việc triển khai các khí tài quân sự sau chuyến thăm của Pelosi đã diễn ra sau một loạt các nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở trong nước và xung quanh Đài Loan. Vì vậy, Mỹ sẽ lập luận rằng Trung Quốc cũng đang cắt khúc Chính sách một nước Trung Quốc để bắt đầu sử dụng nhiều hơn nữa các hoạt động quân sự chuẩn bị chiến dịch đánh chiếm đảo".

Đương nhiên, những tính toán này của Mỹ và Trung Quốc khiến các nước trong khu vực lo ngại. Chưa có lúc nào nguy cơ va chạm quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới lại cao như lúc này. Michèle Flournoy, chuyên gia hàng đầu về an ninh quốc phòng, Trung tâm An ninh mới của Mỹ tại Washington, trên Deutsch Well cảnh báo :

"Chúng ta không có biện pháp giảm thiểu rủi ro nào như chúng ta đã từng có ngay cả khi ở đỉnh điểm của Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô. Quả thật, không có đường dây nóng nào mà chúng tôi tin sẽ có người nhấc máy ở đầu dây bên kia. Không có giao thức giảm thiểu rủi ro nào mà người ta có thể sử dụng trong một cuộc khủng hoảng để giảm leo thang nếu như có một số tính toán sai lầm".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 05/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 221 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)