Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/01/2023

Điểm báo Pháp - Pháp chuyển giao xe tăng cho Ukraine

Chi Phương

Pháp tiên phong chuyển giao xe tăng phương Tây cho Ukraine

Về chiến tranh Ukraine, nhiều số báo ra ngày 06/01/2023 quan tâm đến việc Pháp chuyển giao xe tăng hạng nhẹ AMX - 10 RC cho Ukraine. Theo Le Figaro, quyết định của Pháp mang tính biểu tượng và giúp tăng cường khả năng chiến đấu trên bộ cho Ukraine, trong bối cảnh quân đội Nga suy yếu trên chiến trường.

phap1

   Xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp tại Hội chợ An ninh, Phòng không Quốc tế Eurosatory, thành phố Villepinte, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 12/06/2022. AFP – Emmanuel Dunand

Theo Le Figaro, Kiev đã xin viện trợ vũ khí từ nhiều tháng qua, đặc biệt là xe tăng, để thực hiện các cuộc tấn công chống quân Nga. Le Monde cho biết loại xe tăng này dù là hạng nhẹ nhưng đã được sử dụng ở Iraq, Cộng hòa Tchad hay Kosovo.

Các loại vũ khí mà Ukraine nhận được như xe tăng T-72 do Liên Xô thiết kế chất lượng không hẳn là tốt. Theo nguồn tin quân sự mà Le Figaro trích dẫn, từ đầu cuộc chiến, Kiev hầu như chỉ toàn nhận được "sắt vụn", Ukraine cần các loại vũ khí mạnh hơn. Cho đến nay, nhiều nước Châu Âu đã trợ giúp về mặt quân sự cho Ukraine, nhưng nhiều nước vẫn ngần ngại trước nguy cơ làm cuộc chiến leo thang. Trong những tuần tới, Kiev và Paris sẽ thảo luận và đưa ra quyết định về số lượng, hình thức và thời gian chuyển giao,  

Les Echos Le Monde chỉ ra rằng với thông báo được đưa ra tối 04/01, Pháp đã trở thành nước đầu tiên chuyển giao xe tăng do phương Tây thiết kế cho Ukraine. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, mặc dù Pháp đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng các quốc gia trợ giúp Ukraine nhiều nhất, sau Hoa Kỳ và Anh, nhưng Kiev lại đánh giá rất cao các viện trợ quân sự của Paris, như 18 khẩu Caesar, các loại tên lửa chống tăng và phòng không, và gần đây nhất là các loại súng phản lực chống tăng. 

Quân đội Nga bị chỉ trích vì yếu kém 

Vẫn về chiến tranh Ukraine, Le Monde chú ý đến vụ tấn công ở Makiivka khiến 89 lính Nga bỏ mạng và hàng trăm người bị thương, cho thấy những lỗ hổng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine. Le Monde nhắc lại sự kiện chết chóc xảy ra vào đêm giao thừa với trung đoàn 44 và 45, đóng quân tại phía bắc của thành phố Makiivka ở Ukraine, bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.  

Đây là lần đầu tiên quan chức Nga thừa nhận số thương vong lớn như vậy sau một cuộc tấn công của Ukraine. Bị chỉ trích vì "chểnh mảng", chỉ huy quân đội Nga đã vội đổ lỗi cho những nạn nhân vi phạm quân luật vì đã sử dụng điện thoại cá nhân để trao đổi với người thân, khiến quân đội Ukraine có thể xác định dễ dàng vị trí của trung đoàn.

Để giữ thể diện, quân đội Nga đã xác nhận phá hủy được 4 hệ thống pháo phản lực Himars của Mỹ mà Ukraine đã sử dụng trong vụ tấn công ở Makiivka. Theo Le Monde, con số này hơi khó tin, vì từ đầu cuộc chiến, điện Kremlin đã xác nhận phá hủy 27 hệ thống pháo phản lực Himars, trong khi Mỹ chỉ mới cung cấp cho Ukraine tổng cộng 20 vũ khí loại này ! 

Trên mạng xã hội Nga, ngay cả những phe ủng hộ chiến tranh Ukraine cũng bắt đầu bày tỏ sự tức giận, chỉ trích sự bất tài của Bộ quốc phòng Nga mà không nêu đích danh Vladimir Putin. Các blogger thân với nhóm bán quân sự Wagner tố cáo chỉ huy quân sự Nga "lừa dối" khi đưa ra giải thích các lính Nga tử trận vì sử dụng điện thoại cá nhân. Trước làn sóng phẫn nộ này, điện Kremlin chuyển hướng, đổ lỗi cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã giúp đỡ Kiev, đồng thời tổ chức một buổi lễ tưởng niệm cùng với người thân của các binh lính Nga bỏ mạng trong vụ tấn công. Le Monde cho rằng có khả năng Nga sẽ ban hành một lệnh động viên với quy mô lớn hơn, vì thiếu nhân lực cho chiến trường ở Ukraine.  

Lời vĩnh biệt cuối cùng với cố giáo hoàng Bennedict 

Nhiều báo Pháp số ra hôm nay quan tâm đến thánh lễ an táng cố giáo hoàng Benedict 16, với sự hiện diện của hơn 50 000 tín đồ tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, hôm 05/01. Theo La Croix, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội kể từ năm 1802, một giáo hoàng tại vị chủ trì lễ tang của một cựu giáo hoàng.

Nhật báo thiên tả Libération trích dẫn nhận định của chuyên gia về luật Giáo hội Patrick Valdrini, cho rằng sự kiện này cho phép chính quyền tòa thánh thích ứng với xã hội hiện đại. Khi cố giáo hoàng Bennedict từ chức, ngài đã bị nhiều chỉ trích, nhưng thực tế cho thấy sức khỏe của ngài đã suy yếu nhiều sau đó. "Những điều mà chúng ta thấy là trường hợp ngoại lệ, sau này sẽ trở thành lẽ tự nhiên". Điều này cũng để ngỏ khả năng giáo hoàng Francis có thể nối gót người tiền nhiệm, từ chức vì lý do sức khỏe đã suy yếu ở tuổi 86. 

Theo Le Figaro, nếu như trước kia giáo hoàng Francis còn ngần ngại, vì không muốn để cảnh Vatican có 3 giáo hoàng, 2 giáo hoàng danh dự và 1 giáo hoàng tại vị, thì đến nay, quyết định từ chức có thể được đưa ra dễ dàng hơn.  

Libération đề cập đến phe bảo thủ cực đoan, coi tang lễ giáo hoàng Bennedict là dịp để chỉ trích giáo hoàng Francis. Có người không ngần ngại nói rằng vị trí giáo hoàng hiện giờ trống vắng. Một số người thì chỉ trích giáo hoàng Francis không tổ chức thánh lễ an táng người tiền nhiệm đàng hoàng : không ban hành lệnh quốc tang ở Vatican và chỉ mời hai phái đoàn Ý và Đức đến dự thánh lễ an táng. Le Figaro kết luận rằng sự ra đi của cố giáo hoàng người Đức có nguy cơ gây xáo trộn ở Vatican. 

Phe "Taliban" gây chia rẽ đảng Cộng hòa ở Mỹ 

Về thời sự Hoa Kỳ, La Croix có bài với tựa "Cánh cực hữu Hoa Kỳ vận động phục hồi danh dự cho những người tham gia bạo loạn ở đồi Capitol". Hai năm sau vụ tấn công đồi Captitol, ngày 06/01/2021, những người biểu tình quá khích, đã bị vướng vào vòng lao lý, hiện vẫn nhận được sự trợ giúp từ các hiệp hội, tổ chức theo cánh hữu cực đoan. Nhật báo công giáo trích dẫn thông tin từ CNN, cho biết hàng chục người bạo động đã huy động được hơn 2 triệu đô la Mỹ để trả phí luật sư hoặc các khoản khác nhờ vào những lời tự nhận là "nạn nhân của chế độ", hay chỉ là những người tò mò "không đúng chỗ, đúng lúc". 

Le Figaro thì dành sự chú ý đến cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ Viện ở Mỹ và những chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa. Ít nhất 20 nghị sĩ, được đặt biệt danh là 20 tên "Taliban", phản đối việc bầu nghị sĩ Kevin McCarthy làm chủ tịch Hạ Viện, bất chấp lời kêu gọi đoàn kết của cựu tổng thống Donald Trump.

Nhật báo thiên hữu trích dẫn xã luận của The Wall Street Journal, cho rằng đảng Cộng hòa không muốn nắm giữ quyền lực. Nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong vị trí đối lập. Họ sẽ không cần phải đưa ra quyết định hay thỏa hiệp. Le Figaro cho biết, ngay từ hôm thứ Ba, khi khai mạc phiên họp Quốc hội kỳ 118, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã mang rượu hoặc bỏng ngô đến ăn mừng sự chia rẽ của đảng Cộng hòa, vốn chiếm đa số sít sao tại Hạ Viện. 

Iran đáp trả Pháp về tranh biếm họa giáo chủ Khamenei 

Về thời sự Trung Đông, ngày 05/01, La Croix cho biết Iran đã ra lệnh đóng cửa một trung tâm nghiên cứu Pháp tại Tehran để đáp trả lại hình ảnh biếm họa giáo chủ Khamenei đăng trên tuần báo Charlie Hebdo của Pháp. Chính quyền Tehran nhấn mạnh đây chỉ là một trong những biện pháp đáp trả đầu tiên. Theo Libération, giám đốc tòa soạn cho biết, hình ảnh biếm họa lãnh đạo Iran là để ủng hộ phong trào phản kháng của người dân Iran, và cũng để nhắc nhở đến cái chết của 17 nhà báo và nhân viên tòa soạn, cũng như lý do mà họ bị giết hại trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu, ngày 07/01/2015.  

Về phần mình, Le Figaro đặt câu hỏi : Các hành động đáp trả của Iran sẽ đến mức nào ? Có khả năng Iran sẽ cho đóng cửa các trung tâm dạy tiếng Pháp tại nước này. Giới chuyên gia thì cho rằng Iran sẽ không làm quá căng. Năm 2015, các lãnh đạo cấp cao của Iran đã đến để chia buồn về vụ tấn công tại sứ quán Pháp ở nước này. 

Pháp : Bánh mì dài và giải pháp đối với lạm phát 

Về thời sự nước Pháp, trang nhất Libération hôm nay đăng tải hình ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron cầm chiếc bánh mì dài - baguette. Xã luận nhật báo thiên tả cho rằng chưa có nơi nào như ở Pháp mà những khó khăn về kinh tế lại đi liền với nghề làm bánh, mà Macron như những vị linh mục của quốc gia. Giá năng lượng tăng phi mã, và lạm phát nói chung khiến nhiều cửa hàng bánh mì thua lỗ, phải mua nguyên liệu giá cao và khó trả tiền nhân công cũng như hóa đơn tiền điện.

Libération cho biết, sáng thứ Năm, nhiều thợ làm bánh đã có mặt tại điện Elysée nhân dịp lễ truyền thống ăn bánh Vua (galette des rois) vào những ngày đầu năm mới. Ngoài việc ăn mừng bánh mì baguette được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, Macron cũng muốn xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng việc cho phép các chủ tiệm bánh mì có thể hoãn nộp thuế cũng như đàm phán lại hợp đồng với các nhà cung cấp điện.  

Tại điện Elysée, tổng thống Pháp tự cho là nạn nhân của TotalEnergies và ông không liên can gì đến việc không đánh thuế vào phần siêu lợi nhuận của những tập đoàn năng lượng. Les Echos cho biết các tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới như ExxonMobil, Chevron hay TotalEnergies đã thu được 200 tỷ đô la lợi nhuận vào năm 2022 do giá dầu khí tăng cao. 

Theo nhật báo kinh tế, chiều thứ Sáu, bộ trưởng Kinh tế và tài chính Bruno Le Maire sẽ làm việc với các nhà cung cấp năng lượng như EDF, TotalEnergies và Engie về hợp đồng cung cấp điện cho các doanh nhiệp cỡ rất nhỏ. Mục đích là để giảm 25% chi phí hóa đơn năng lượng.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 224 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)